| Hotline: 0983.970.780

Xứ Lạng - xứ hoa đào

Thứ Hai 16/01/2023 , 06:45 (GMT+7)

LẠNG SƠN Với chủ đề 'Kỳ hoa xứ Lạng - Sắc màu biên cương', năm nay, Lễ hội Hoa đào Lạng Sơn sẽ diễn ra từ ngày 15/1 – 19/2/2023.

Độc đáo hoa đào xứ Lạng

Từ xưa, cây hoa đào có vị trí đặc biệt quan trọng trong tâm thức của người dân Việt Nam. Đối với Lạng Sơn, cây hoa đào không chỉ có ý nghĩa tạo cảnh quan kiến trúc, mang ý nghĩa trong đời sống tâm linh mà còn là biểu tượng văn hóa tượng trưng cho cốt cách và tinh thần của vùng đất và con người xứ Lạng. 

Với vẻ đẹp tự nhiên, pha chút hoang sơ mộc mạc, cây đào, hoa đào Lạng Sơn kết hợp với đặc điểm địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, văn hóa truyền thống và tâm linh đã tạo nên một quần thể không gian nhiều tầng lớp, đa màu sắc, tạo giá trị thẩm mỹ độc đáo riêng.

Người dân Lạng Sơn chăm sóc hoa đào Tết. Ảnh: Nguyễn Thành.

Người dân Lạng Sơn chăm sóc hoa đào Tết. Ảnh: Nguyễn Thành.

Chị Nguyễn Thị Tuyết, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Đây là lần thứ 3 tôi lên Lạng Sơn nhưng lần này đi đúng dịp gần Tết. Ngay khi bước chân đến địa phận tỉnh Lạng Sơn, tôi thấy phong cảnh rất đẹp. Hai bên đường hoa đào, hoa mận bung nở. Đặc biệt, tôi rất ấn tượng với những cây đào phai nở ở trước sân nhà của bà con đồng bào dân tộc nơi đây. Nó mang dáng vẻ cổ thụ nhưng hoa nở rất nhiều, đẹp đến nao lòng. Một bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp”.

Khác với cây hoa đào ở một số vùng như Nhật Tân (Hà Nội), đào vàng, đào Mèo (Lào Cai), đào Mộc Châu (Sơn La)…, hoa đào Lạng Sơn thanh khiết, nhẹ nhàng. Khi thì tinh khôi như đào bạch, hồng thắm như đào phai, kiêu sa như đào chuông và rực rỡ, quyến rũ như đào bích nhung.

Mỗi loại hoa đều mang một vẻ đẹp khác nhau, tạo nên một xứ Lạng ngập tràn hương sắc. Đặc biệt quý hiếm là những gốc đào cổ thụ hàng trăm năm tuổi, hay giống đào chuông tự nhiên chỉ có riêng ở vùng núi Mẫu Sơn.

Bên cạnh những giá trị văn hóa tâm linh, hoa đào xứ Lạng còn mang lại lợi ích kinh tế cho người dân địa phương. Ước tính, các hộ trồng đào có thu nhập bình quân từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi vụ đào Tết, những năm thu nhập cao có thể đạt từ 300 đến trên 500 triệu đồng.

Cải tạo lại vườn đồi dốc của gia đình, ông Hoàng Văn Đông, thôn Quảng Hồng, xã Quảng Lạc, TP Lạng Sơn đã trồng gần 200 gốc đào, chủ yếu là đào phai và đào bích nhung. Đặc biệt, vườn nhà ông có những gốc đào gần chục năm tuổi.

“Mấy năm gần đây, nhờ xã tổ chức lễ hội hoa đào nên người dân ở các tỉnh cũng đến mua rất nhiều. Nhờ có vườn đào mà gia đình tôi có thêm thu nhập. Năm ngoái tôi bán đào cũng được gần 30 triệu đồng, năm nay đào nở muộn nhưng cũng đã có người đến xem và đặt cây trước rồi”, ông Đông chia sẻ.

 Nâng giá trị thương hiệu “Hoa đào Lạng Sơn”

Nhận thấy giá trị từ cây hoa đào mang lại, đồng thời nhằm bảo tồn nguồn gen quý của cây hoa đào, ngày 31/10/2018, UNBD tỉnh Lạng Sơn quyết định phê duyệt Đề án bảo tồn, phát triển giá trị cây đào và tổ chức lễ hội hoa đào xứ Lạng với tổng vốn đầu tư hơn 114 tỷ đồng.

Sau 3 năm thực hiện Đề án, có thể nhận thấy hiện nay việc tiếp cận và áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc bảo tồn, trồng và chăm sóc cây đào, hoa đào ở Lạng Sơn đã được chú trọng. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của cơ quan chuyên môn, các hợp tác xã, nhà vườn và nông dân.

Học sinh Trường Tiểu học Tân Thanh, xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn thăm quan vườn đào cảnh. Ảnh: Trang Anh.

Học sinh Trường Tiểu học Tân Thanh, xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn thăm quan vườn đào cảnh. Ảnh: Trang Anh.

Đã có nhiều đề tài, đề án, nhiệm vụ được triển khai và nghiệm thu như đề tài nghiên cứu, phát triển cây đào chuông tại huyện Đình Lập hay đề tài nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen đào cảnh. Đặc biệt, việc xác lập nhãn hiệu tập thể "Hoa đào Lạng Sơn" cũng đã góp phần tạo cơ sở pháp lý cho công tác bảo tồn, phát triển cây đào xứ Lạng, thúc đẩy xã hội hóa, nâng cao hiệu quả, giá trị của cây đào…

Nổi tiếng với giống đào ăn quả Mẫu Sơn và hoa đào chuông, những năm qua, vùng núi Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình là điểm đến trong hành trình du lịch của đông đảo du khách khi đến với Lạng Sơn. Phát huy tiềm năng sẵn có của địa phương, huyện Lộc Bình đã phối hợp với các ngành chức năng triển khai đề tài "Phục tráng giống đào ăn quả Mẫu Sơn và phát triển một số giống đào mới tại Khu du lịch Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn”, vừa để bảo tồn gen quý, đồng thời khai thác, mở rộng tiềm năng du lịch của huyện.

Bà Hoàng Thị Thúy, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình chia sẻ: “Huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lan tỏa phong trào trồng đào đến các đơn vị, cơ quan và nhân dân trên địa bàn. Từ đó, diện tích trồng đào trên địa bàn huyện tăng dần qua các năm. Bên cạnh đó, huyện đã triển khai kế hoạch bảo tồn hoa đào quý trên địa bàn như đào chuông và đào Mẫu Sơn, tham gia lễ hội hoa đào do tỉnh tổ chức. Qua đó, quảng bá các loại hoa đào quý của huyện gắn liền với các khu du lịch, từng bước tăng thu nhập của các hộ dân trồng đào”.

Những năm gần đây, giá trị, hiệu quả kinh tế của cây đào đã đóng góp trực tiếp và quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lạng Sơn, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch.

Hiện nay, tổng diện tích trồng đào toàn tỉnh ước khoảng 560ha, tăng gần 6 lần so với diện tích năm 2017. Để quảng bá hình ảnh cây đào xứ Lạng, tỉnh đã phối hợp tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch như lễ hội hoa đào, hội chợ hoa đào, hội thi cây hoa đào đẹp vào mỗi dịp Tết đến xuân về.... Cùng với đó, các công ty du lịch cũng đã tích cực kết nối các tour, tuyến du lịch tham quan các vườn đào.

Hoa đào rừng ở núi Mẫu Sơn. Ảnh: Trang Anh.

Hoa đào rừng ở núi Mẫu Sơn. Ảnh: Trang Anh.

Với chủ đề “Kỳ hoa xứ Lạng - Sắc màu biên cương”, năm nay, Lễ hội Hoa đào Lạng Sơn sẽ diễn ra từ ngày 15/1/2023 – 19/2/2023. Một trong những nét nổi bật của Lễ hội năm nay là tại Khu đô thị Mailand Hoàng Đồng sẽ có vườn hoa đào với hàng nghìn cây; khu vực Hội chợ “Doanh trấn Kỳ Hoa” với trên 50 gian hàng trưng bày, bán sản phẩm OCOP, đặc sản, ẩm thực của địa phương… Tại Công viên Chi Lăng (TP Lạng Sơn) sẽ được trang hoàng bởi đường hoa xuân tích hợp không gian quảng bá cây hoa đào, các nét văn hóa đặc sắc của vùng đất xứ Lạng.

Theo ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn, mặc dù thời tiết năm nay không thuận lợi nhưng qua đợt chấm vườn đào, cây đào của lễ hội hoa đào xuân Quý Mão 2023, thấy rằng việc chăm sóc cây đào của bà con nhân dân cũng đã được nâng lên. Người dân biết đưa những kỹ thuật tiên tiến vào làm cho cây đào đẹp hơn, hoa đào thắm hơn. Và giống đào bản địa của Lạng Sơn cũng đã được phát huy qua kỹ thuật ghép cành, ghép cây rất tự nhiên mà chất lượng của cây đào rất tốt.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố làm sao tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân về bảo tồn giống đào quý hiếm của Lạng Sơn. Đồng thời mở những lớp tập huấn để truyền dạy những kỹ thuật tách, ghép, chăm sóc hoa đào để đảm bảo đúng mùa vụ.

Những năm tới, các huyện, thành phố đều có quy hoạch vùng trồng đào, đưa kỹ thuật vào trồng đào, bà con nhân dân cũng sống được từ nghề trồng đào. Qua đó, quảng bá được sản phẩm đào, góp phần phát triển kinh tế, du lịch trên địa bàn tỉnh, xứng đáng với xứ Lạng – xứ hoa đào”, ông Phan Văn Hòa nhấn mạnh.

Để cây hoa đào nâng cao được giá trị thương hiệu, tỉnh Lạng Sơn cần phải có nhiều chính sách hỗ trợ về trồng đào, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận về vốn; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào bảo tồn, phát huy giá trị hoa đào; tiếp tục nghiên cứu, đổi mới về nội dung, hình thức tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch gắn với Lễ hội Hoa đào xứ Lạng… Từ đó, thương hiệu hoa đào xứ Lạng mới có thể tiếp tục bay xa, góp phần tăng thêm thu nhập cho người trồng đào, cải thiện đời sống nhân dân trên địa bàn.

Từ năm 2019 đến nay, vào dịp phát động lễ ra quân Tết trồng cây đầu xuân, các cơ quan, đơn vị và người dân trên địa bàn toàn tỉnh Lạng Sơn đã trồng khoảng 254,6ha đào với khoảng 127.300 cây, gồm nhiều giống đào đa dạng, phong phú, quý hiếm.

Hiện nay, tỉnh đã xác định được vùng trồng, chăm sóc hoa đào, đăng ký nhãn hiệu tập thể gồm phạm vi hành chính 53 xã, thị trấn tại 11 huyện, thành phố với 153 tổ chức cá nhân là chủ hộ sản xuất và kinh doanh hoa đào trên địa bàn tỉnh mang nhãn hiệu tập thể “Hoa đào xứ Lạng”.

Xem thêm
Nuôi 6 vạn gà, mỗi ngày thu về 4 vạn quả trứng

Quảng Ninh Mỗi ngày trang trại gà của bà Phạm Thị Nguyệt Dung thu về 4 vạn quả trứng, cung ứng cho trên 70% các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Dịch tả lợn Châu Phi bùng phát, Nghệ An cẩn trọng đặc biệt

Nhận thấy diễn biến của dịch tả lợn Châu Phi hết sức khó lường, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Chỉ thị ứng phó trên diện rộng.