| Hotline: 0983.970.780

Xứ luồng 'hồi sinh'

Thứ Ba 08/11/2022 , 08:35 (GMT+7)

THANH HÓA Từ chỗ phó mặc cho trời, người dân miền núi xứ Thanh đã thay đổi tập quán canh tác, áp dụng quy trình kỹ thuật bài bản, giúp những rừng luồng 'lột xác'.

"Bà đỡ" của dự án quốc tế

Cây lùng (vầu), luồng được nhiều thế hệ người dân miền núi xứ Thanh đặt cho tên gọi là “cây xóa đói, cây giảm nghèo”. Bởi lẽ, những loại cây này có đặc điểm trồng một lần khai thác nhiều năm, thậm chí không cần chăm sóc vẫn có thể thu hoạch, rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, địa hình cũng như điều kiện kinh tế của người dân vùng núi.

A7405317

Oxfam Việt Nam đã phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu lâm sản ngoài gỗ hỗ trợ người dân huyện Quan Sơn xây dựng vườn ươn, phục tráng, trồng mới rừng lùng. Ảnh: Trung Quân.

Tuy nhiên, cũng do những ưu điểm đó nên nhiều hộ dân đã hình thành thói quen “cần tiền là vác dao lên rừng khai thác” mà quên mất việc bảo vệ, chọn lọc, tái sinh... Bên cạnh đó, hiện nay, người dân vẫn khai thác bán thô là chủ yếu nên giá trị kinh tế không cao.

Trước thực tế đó, được sự tài trợ của Liên minh châu Âu (EU), tổ chức Oxfam Việt Nam đã phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu lâm sản ngoài gỗ (NTFPRC), Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản vững chắc (ICAFIS) triển khai Dự án “phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu và tre ở Việt Nam”.

Dự án được triển khai trong giai đoạn 2018 - 2022 với mục tiêu tổng thể là góp phần giảm nghèo và bất bình đẳng ở các vùng nông thôn Việt Nam thông qua phát triển các chuỗi giá trị bền vững và toàn diện ở 5 tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Tiền Giang, Trà Vinh và Bến Tre; mang lại lợi ích cho 150 nhóm sản xuất với 35.000 thành viên và 60 doanh nghiệp chế biến vừa và nhỏ…

Đối với cây tre, trải qua 4 năm triển khai, Dự án đã mang lại những thay đổi rõ rệt trong tư duy, nhận thức, thói quen, tập quán canh tác, thu nhập của người dân. Nhóm sản xuất quy mô nhỏ được tổ chức tốt hơn, năng lực đàm phán và đảm bảo chia sẻ lợi ích công bằng trong chuỗi giá trị được nâng lên. Người sản xuất quy mô nhỏ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng khả năng tiếp cận với thị trường trong nước và quốc tế.

z3858477433861_85508666fd6bb3d6b396490db08f1721

Dự án đã giúp người dân thay đổi tập quán canh tác, khai thác luồng, lùng có chọn lọc. Ảnh: Lê Bền.

Rừng luồng "lột xác"

Huyện Quan Hóa được mệnh danh là thủ phủ luồng của xứ Thanh với hơn 27.000ha. Cây luồng đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội của huyện. Trước đây, tình trạng người dân trong huyện khai thác măng và luồng tùy tiện, không chăm sóc theo quy trình kỹ thuật nên rừng luồng trên địa bàn bị thoái hóa nghiêm trọng, năng suất và chất lượng giảm sút.

Ông Trần Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa đánh giá: Được sự hỗ trợ của dự án phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị cây tre ở Việt Nam, đến hiện tại, toàn huyện đã thành lập được 25 tổ nhóm sản xuất trên địa bàn 6 xã (hiện đã sáp nhập thành 5 xã) với số hộ tham gia là 928 hộ, số lượng lao động hơn 4.100 người (585 nữ). Dự án hỗ trợ cấp chứng chỉ FSC cho hơn 2.300ha luồng tại 4 xã; tổ chức 6 khóa tập huấn cho hơn 300 học viên tham gia.

Theo ông Hùng, những năm qua, cùng với chính sách hỗ trợ của tỉnh về việc quy hoạch vùng thâm canh và phục tráng luồng, những hỗ trợ của dự án đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi ý thức, kiến thức người dân trong việc chăm sóc, khai thác luồng.

“Trước đây người dân thấy luồng có sẵn là khai thác mà không quan tâm tới bảo vệ, chăm sóc, tái sinh. Bây giờ đã khác, khai thác xong là tiến hành dọn dẹp thực bì, các cây luồng bị sâu sau khi thai thác; bón phân cho luồng; đánh dấu số năm trên cây luồng; trồng xen các cây gỗ, dược liệu để gia tăng thu nhập”, ông Hùng phấn khởi chia sẻ.

Cũng theo ông Hùng, từ khi các hộ thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật dự án, cây luồng sinh trưởng và phát triển tốt hơn, thân to, dài, thẳng, quá trình mắc bị bệnh khuy chậm lại, số lượng măng nhiều hơn. Nhờ đó, các công ty, nhà máy chế biến luồng ưa thích và thu mua với giá cao hơn luồng canh tác theo phương pháp truyền thống từ 10 - 15%.

Tại huyện Quan Sơn, ông Nguyễn Văn Sinh, Trưởng phòng NN-PTNT thông tin: Dự án được thực hiện tại 3 xã Sơn Điện, Mường Mìn và Thị trấn Sơn Lư của huyện.

IMG_4471

Tổ đan lát được thành lập đã tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao giá trị cây lùng, gia tăng thu nhập cho người dân. Ảnh: Trung Quân.

Đến nay, dự án hỗ trợ huyện xin cấp chứng chỉ FSC cho hơn 3.000ha lùng cho 534 hộ. Bên cạnh đó, dự án hỗ trợ triển khai xây dựng các mô hình chuỗi giá trị tại bản Ngàm (xã Sơn Điện) gồm: Mô hình vườn ươm; mô hình phục tráng và khai thác bền vững rừng lùng quy mô 5ha; mô hình trồng lùng 13ha; mô hình chế biến lùng có sự hỗ trợ của Công ty Cổ phần EcoBamboo Việt Nam (Công ty EcoBamboo).

Kết quả thu được cho thấy, các mô hình đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi nhận thức, thói quen canh tác, nâng cao giá trị sản xuất, thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân. Cụ thể, mô hình vườn ươm đã có cây giống bán ra thị trường; mô hình phục tráng và khai thác lùng cho năng suất, chất lượng tăng 60% so với trước phục tráng; trong mô hình chế biến, Công ty EcoBamboo đã tổ chức tập huấn dạy nghề đan lát và thu mua toàn bộ sản phẩm cho các hộ tham gia.

Ông Lò Văn Tiếu, người dân bản Ngàm tham gia dự án cho biết: Gia đình ông có 2ha lùng tham gia mô hình phục tráng và canh tác theo tiêu chuẩn FSC. Khi tham gia chương trình, ông được dự án hỗ trợ phân bón, tập huấn kỹ thuật. Đến nay, rừng luồng của ông đã có sự “lột xác” so với trước đây.

“Rừng luồng bây giờ được dọn dẹp sạch sẽ, được bón phân giúp tỷ lệ măng ra nhiều, tốc độ sinh trưởng phát triển của măng nhanh hơn. Những cây già được tổ chức khai thác có kế hoạch, đảm bảo cây phải đạt ít nhất 3 năm mới khai thác”, ông Tiếu cho hay.

Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến sâu

Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Giám đốc Công ty Cổ phần Eco Bamboo Việt Nam cho biết: Mục tiêu của Eco Bamboo Việt Nam là trở thành nhà sản xuất và cung ứng hàng đầu nội địa và xuất khẩu các sản phẩm thông minh từ cây tre Việt Nam. Do đó, được sự hỗ trợ của dự án, Công ty đã phát triển liên kết sản xuất với người dân có nguồn nguyên liệu, tổ chức dạy nghề, thu mua sản phẩm; thành lập cơ sở sơ chế. Từ đó, góp phần tạo thêm công ăn việc làm, thu nhập trong lúc nông nhàn cho người dân bản Ngàm và các bản lân cận, nhất là phụ nữ và lao động không còn khả năng làm những công việc nặng nhọc..

Đặc biệt, Công ty được dự án hỗ trợ xây dựng lò sấy khô nguyên liệu giúp hoạt động bảo quản, sơ chế, chế biến triển khai hiệu quả hơn.

IMG_4653

Dự án hỗ Công ty Eco Bamboo Việt Nam thành lập xưởng sơ chế, xây dựng lò sấy khô đặt ngay tại vùng nguyên liệu lùng, luồng. Từ đó, thuận lợi phát triển liên kết với người dân, tạo công ăn việc làm, nhất là đối tượng người già, phụ nữ. Ảnh: Lê Bền.

“Sản phẩm của Công ty yêu cầu không được sử dụng hóa chất tẩy trắng, trong khi lùng thu mua về trong vòng 3 ngày nếu không được xử lý rất dễ chuyển màu thâm đen, không thể đưa vào sản xuất. Lò sấy khô do dự án hỗ trợ với công suất 50 tấn/lần đốt đã giúp Công ty giải quyết bài toán khó này”, bà Hồng cho hay.

Ông Lò Văn Sáng, người dân bản Ngàm, thành viên tổ đan lát chia sẻ: Nguồn thu nhập của gia đình ông chủ yếu dựa vào 5ha lùng, 2ha luồng. Trước đây, lùng và luồng chủ yếu được ông bán tươi, một phần sử dụng để đan thúng, mủng đem bán nhưng lợi nhuận thu được không cao.

Khi tham gia dự án, được sự hỗ trợ của Công ty Eco Bamboo, tổ đan lát của bản được thành lập. Với nguồn nguyên liệu sẵn có, ông cũng như các thành viên khác tham gia được Công ty dạy nghề sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ; hỗ trợ máy chẻ, máy tuốt và thu mua sản phẩm nên giá trị cây luồng, thu nhập, đời sống cũng được nâng lên.

“Liên kết với Công ty có nhiều cái lợi: Được dạy nghề, có thêm việc làm, thu nhập thường xuyên hơn, sản phẩm làm ra không lo tiêu thụ. Bên cạnh đó, khi chế biến đan lát sản phẩm thủ công mỹ nghệ, mình tận dụng được hết cây lùng (trước những khúc cong, nhỡ, ngắn thường bị bỏ đi). Ngoài ra, một cây lùng khi chẻ được rất nhiều nan nên lượng sản phẩm tạo ra nhiều, với giá công ty thu mua 50.000 đồng/bộ (1 tấm to, 1 tấm nhỏ) thì so với việc bán tươi, giá trị cây lùng cao hơn, lợi nhuận thu được nâng lên”, ông Lò Văn Sáng bộc bạch.

Xem thêm
Lợi ích của trồng rừng đạt chứng chỉ FSC

Chứng chỉ rừng FSC giúp tăng giá trị của sản phẩm và mặt hàng từ 20 - 30% so với những sản phẩm cùng loại, góp phần khai mở kiến thức người trồng rừng...

Quảng Bình phạt 2,8 tỷ đồng từ các vụ vi phạm hành chính lĩnh vực lâm nghiệp

Trong quý I/2024, lực lượng kiểm lâm Quảng Bình dự kiến nộp 2,8 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước từ 272 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.