| Hotline: 0983.970.780

Xử lý thanh long ra hoa trái vụ, năng suất tăng gần gấp đôi

Thứ Năm 10/10/2024 , 07:30 (GMT+7)

Sơn La Nhờ kỹ thuật xử lý ra hoa trái vụ, ông Vinh có thể thu hoạch được 24 - 25 lứa quả/năm, năng suất lên tới 60 tấn/ha/năm, lợi nhuận tăng thêm hàng tỷ đồng.

Ông Vinh luôn đau đáu phát triển giống thanh long ruột đỏ tại tỉnh Sơn La. Ảnh: Đức Bình.

Ông Vinh luôn đau đáu phát triển giống thanh long ruột đỏ tại tỉnh Sơn La. Ảnh: Đức Bình.

Năm 2009, ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Ngọc Hoàng (xã Nà Bó, Mai Sơn, Sơn La) trồng thí điểm thanh long ruột đỏ, nhận không ít điều tiếng do thu nhập kém, hoa ra nhiều nhưng ít ra quả, 2ha vườn chỉ thu được gần 20 tấn quả, giá bán chỉ 9.000 đồng/kg.

Tưởng chừng đã thất bại, đến năm 2012, bước ngoặt đến với ông Vinh khi Viện Nghiên cứu Rau quả đang tìm mô hình để phát triển giống thanh long ruột đỏ. Sau khi xem xét kỹ từ khí hậu đến đất đai, Viện đã chọn vườn nhà ông để tiến hành thử nghiệm. Ông chấp thuận phá toàn bộ vườn cũ để trồng mới thanh long theo phương pháp mà Viện đề ra với việc hỗ trợ giống thanh long Long Định 1, TL-5, TL-4…, kỹ thuật trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.

Phương pháp trồng chủ yếu vẫn để hoa mọc tự nhiên, quả thanh long ra đúng vụ vào khoảng tháng 5 đến tháng 12. Giống mới, kỹ thuật trồng mới đã "lột xác" vườn thanh long khi cây cho quả sai, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp. 2ha vườn thu được 70 tấn quả/năm, giá bán 16.000/kg, trừ tất cả chi phí còn lãi khoảng 10.000/kg, 1 năm lãi từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng/ha.

Cuối năm 2021, câu hỏi được đặt ra cho ông Vinh khi ở miền Nam vụ Tết họ có thanh long, nhưng miền Bắc thì lại không có. HTX đã tìm tòi, học hỏi các phương pháp để ra hoa trái vụ.

Công nhân chấm mắt xử lý thanh long trái vụ tại trang trại của HTX Ngọc Hoàng đang. Ảnh: Đức Bình.

Công nhân chấm mắt xử lý thanh long trái vụ tại trang trại của HTX Ngọc Hoàng đang. Ảnh: Đức Bình.

HTX thử nghiệm 30 trụ đầu tiên với phương pháp chấm mắt để kích thích ra hoa bằng chế phẩm sinh học được pha bởi cồn 70 độ, phân bón siêu lân 85%, bột rong biển kèm với chế phẩm kích hoa, liều lượng được đúc kết qua nhiều lần thử nghiệm. Cho đến nay, ông Vinh cũng chưa có công thức pha chế phẩm sinh học cụ thể để tối ưu hóa hiệu quả xử lý cho thanh long ra hoa trái vụ, ông vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để phát triển thêm loại chế phẩm này.

Công đoạn tiếp theo là chọn mắt trên tán cây, yêu cầu phải sáng và nở, nếu chọn chưa đúng chấm vào sẽ vô tác dụng. Sau khi chấm mắt 1 ngày, tiến hành phun sương ướt cành vào buổi sáng. Sau khoảng 15 ngày ra nụ, tiến hành phun phân hữu cơ cho nụ...

Theo Thạc sĩ Cao Văn Chí - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây có múi (Viện Nghiên cứu Rau quả), chế phẩm sinh học để xử lý ra hoa thanh long trái vụ đều thông dụng và an toàn cho sự phát triển của cây thanh long. Để xử lý hiệu quả, yêu cầu quan trọng là phải chấm đúng mắt, từ đó hoa, quả mới ra nhanh, thời tiết và nhiệt độ cũng đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy ra quả.

Phương pháp chấm mắt để xử lý thanh long ra hoa trái vụ. Video: Đức Bình.

Nhờ kỹ thuật chấm hoa, người dân có thể điều chỉnh cho thanh long ra hoa theo ý muốn, có thể tính toán trước thời điểm thu hoạch vào ngày mùng 1 hay rằm để bán với giá cao (giá cao hơn ngày thường khoảng 9.000 đồng/kg).

Việc chấm mắt thường bắt đầu từ 9h sáng đến 3h chiều vào mùa hè, khoảng thời gian nhiệt độ cao nhất trong ngày, riêng với mùa đông chấm khi trời hửng nắng. Tùy theo thời tiết, thời gian từ khi thanh long ra hoa tới khi thu hoạch quả khi trời lạnh mất từ 60 - 65 ngày, còn thời tiết nắng ấm mất khoảng 45 ngày. Theo đánh giá của ông Vinh, mùa đông quả thanh long thường ngọt sắc hơn mùa hè do thời gian thu hoạch dài hơn.

Công tác tỉa cành, tạo tán cũng được ông Vinh chú trọng. Thanh long là cây ưa sáng, rễ bàng nên trồng phải thưa, thoáng để cây đón ánh nắng. Các cành già phía trong sẽ phải cắt đi, đỉnh trụ phải được cắt tỉa tạo tán tròn và phân bố đều tán quanh trụ theo nguyên tắc một cành mẹ, hai cành con.

Nếu như trước đây vườn thanh long của ông Vinh chỉ cho thu hoạch 12 - 13 lứa/năm, năng suất khoảng 35 tấn/ha/năm thì kể từ khi có kỹ thuật xử lý ra hoa trái vụ, ông Vinh có thể thu hoạch được 24 - 25 lứa/năm, năng suất lên tới 60 tấn/ha/năm, lợi nhuận tăng thêm hàng tỷ đồng.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Bầu Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam nhiệm kỳ 2024 - 2029

Sáng 21/12, Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam (Hội Thú y Việt Nam) tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.