Ông Hà Văn Thụ, trưởng bản Bá, xã Phú Xuân (Quan Hóa) cho biết, trong số 296 ha luồng của bản thì có trên 220 ha rừng đã được cấp chứng chỉ rừng FSC. Trồng rừng FSC phải đáp ứng nhiều tiêu chí về môi trường, độ tuổi khai thác… nhưng nhìn chung năng suất, chất lượng đều tăng; giá trị rừng FSC tăng15-20% so với trồng thâm canh thông thường.
“Trồng rừng FSC sản lượng tăng khoảng 15% so với thâm canh thông thường, giá bán cũng cao hơn. Hiệu quả thì quá rõ nhưng cái khó ở đây vẫn là tập quán canh tác của đồng bào. Trồng luồng thông thường, cứ thấy cây lớn là khai thác bán mua gạo còn đối với rừng FSC thì cây luồng phải từ 3 năm tuổi trở lên mới khai thác” – ông Thụ chia sẻ.
Thâm canh rừng luồng, trồng rừng FSC là giải pháp nâng cao giá trị cây luồng. Ảnh: Việt Khánh. |
Những ngày đầu phục tráng thâm canh rừng luồng hết sức gian nan. Xưa nay đồng bào còn không bón phân cho các loại cây trồng ngắn ngày, nay nói đến việc bón phân NPK cho cây luồng giống như câu chuyện chỉ có trong cổ tích. Đồng bào trồng luồng với mật độ dày, chủ yếu đào gốc để trồng, ít khi đi phát sẻ rừng. Nay cán bộ hướng dẫn trồng với mật độ thưa, thường xuyên chăm sóc, dùng những hom nhỏ để trồng khiến đồng bào còn bỡ ngỡ. Thế nhưng, sau 4 năm thực hiện, rừng luồng tại Quan Hóa nói riêng và Thanh Hóa nói chung đã thay đổi hoàn toàn cả về chất và lượng.
Ông Đỗ Phi Hùng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quan Hóa phấn khởi nói với chúng tôi: “Thật khó để thay đổi được cách nghĩ, cách làm của đồng bào nơi đây. Vì thế, sau khi tập huấn, chúng tôi chọn các mô hình điểm để triển khai. Kết quả là những hộ tham gia thâm canh, trồng luồng FSC cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn, đầu ra lại ổn định, không chịu cảnh tư thương ép giá.
Sau khi phục tráng, trồng thâm canh, trồng rừng FSC, có những cây luồng khai thác đã đạt trọng lượng 90 kg. Trong những năm qua, huyện Quan Hóa đã phục tráng được 6.500 ha luồng bị suy thoái. Cây luồng tại Quan Hóa đang phát triển đúng hướng, từng bước nâng cao giá trị”.
Tại Thanh Hóa, Quan Hóa là huyện đầu tiên trồng luồng FSC. Trong số hơn 27 nghìn ha rừng luồng hiện nay của huyện đã có trên 2,3 nghìn ha tại các xã Thanh Xuân, Phú Xuân, Phú Lệ, Phú Sơn được cấp chứng chỉ FSC. Toàn bộ sản phẩm này được Công ty CP BWG Mai Châu (Hòa Bình) thu mua với giá cao hơn rừng trồng thông thường từ 15-20%. Tại một số địa phương khác của tỉnh Thanh Hóa, hiện nay người dân cũng đang chuyển hướng sang trồng rừng thâm canh, trồng rừng FSC bền vững.
Sản phẩm từ cây luồng cần được chế biến sâu… Ảnh: Việt Khánh. |
Trước đó, ngày 31/12/2015, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định 5643/2015/QĐ-UBND về chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020. Trong đó có nội dung phát triển vùng luồng thâm canh bền vững. Người dân tham gia chương trình phục tráng, thâm canh rừng luồng được tập huấn kỹ thuật; hỗ trợ phân bón; đôn đốc, hướng dẫn phát dọn vệ sinh rừng, cuốc lật đất, đào rãnh, hố... xung quanh bụi luồng; mở các tuyền đường lâm nghiệp.
Kết quả, từ năm 2016 đến cuối tháng 9/2019, Thanh Hóa đã chi trên 30 tỷ đồng thâm canh phục tráng được trên 9,1 nghìn ha rừng luồng kém chất lượng; làm mới được 46,3 km đường lâm nghiệp. Nhận thức của các cấp chính quyền và người dân địa phương trong việc quản lý, bảo vệ, phát triển và khai thác bền vững rừng luồng được nâng lên.
Cây luồng đã và đang là nguồn thu nhập chính cho nhiều nông dân các huyện miền núi của tỉnh và doanh nghiệp chế biến luồng. Việc hỗ trợ trên đã góp phần thay đổi tập quán canh tác từ quảng canh sang thâm canh, bón phân cho diện tích rừng luồng. Những diện tích luồng được bón phân đạt năng suất cao hơn khoảng 50-60% so với diện tích thông thường.
Và vươn ra thị trường thế giới. Ảnh: Việt Khánh. |
Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2019, các ngành chức năng và các huyện khu vực miền núi, gồm Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Bá Thước, Ngọc Lặc, Thường Xuân, Cẩm Thủy đã triển khai thực hiện mục tiêu kế hoạch năm 2019 phục tráng trên 4,7 nghìn ha rừng luồng kém chất lượng.
Giữa tháng 9/2019, Thanh Hóa đã thành lập Hiệp hội tre luồng. Đây là sự kiện đánh dấu quá trình phát triển lớn mạnh của ngành chế biến các sản phẩm từ tre, luồng. Hi vọng, với tiềm năng sẵn có, các công ty, cơ sở chế biến sẽ ngày càng cho ra nhiều chủng loại sản phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đó cũng sẽ là yếu tố quan trọng tạo công ăn việc làm cho người dân các huyện phía Tây tỉnh Thanh Hóa và nâng cao thu nhập cho người trồng luồng xứ Thanh.