| Hotline: 0983.970.780

Xứ Thanh được mùa nhờ liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản

Thứ Hai 18/05/2020 , 09:35 (GMT+7)

Mặc nắng hè gay gắt, tiếng cười giòn tan vẫn vang lên giữa những đồng lúa xứ Thanh. Năm nay, Thanh Hóa được mùa lúa chiêm xuân, giá bán cao, nông dân phấn khởi.

Nông dân xứ Thanh bước vào vụ gặt. Ảnh: Võ Dũng.

Nông dân xứ Thanh bước vào vụ gặt. Ảnh: Võ Dũng.

Được mùa, được giá, nông dân phấn khởi

Cánh đồng thôn Thái Lộc, xã Thái Hòa (huyện Triệu Sơn) những ngày giữa tháng 5 rộn rã tiếng cười vui. Những chiếc máy gặt Kubota nổ máy xình xịch chạy hết tốc lực.

Trên bờ, từng đoàn người đội nón lá, tay cầm bì chờ đến lượt mình nhận lúa. Những chiếc xe kéo chờ sẵn để tấp lúa lên, chở về nhập cho đơn vị thu mua.

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và BVTV Thanh Hóa, vụ chiêm xuân 2020, Thanh Hóa gieo trồng được trên 116 nghìn ha lúa. Trong đó có trên 4,7 nghìn ha liên kết với các doanh nghiệp. Nhờ mối liên kết, không những giá trị trên đơn vị diện tích tăng lên mà thống kê  toàn tỉnh đã tiết kiệm được khoảng 153 tỷ đồng tiền thuốc BVTV.

Ông Nguyễn Xuân Thủy vừa vác từng bì lúa tấp lên xe kéo vừa nở nụ cười nói với chúng tôi: “Chiêm xuân năm nay không bội thu như 2-3 năm trước nhưng nhìn chung vẫn được mùa. Nhà tôi trồng 8 sào (500m2/sào) lúa thơm RVT, năng suất tươi ước chừng gần 3 tạ/sào.

Trồng lúa thuần chất lượng cao thì năng suất không thể bằng lúa lai nhưng gạo ngon, có bao nhiêu doanh nghiệp cũng thu mua hết với giá cao hơn thị trường.

Hiện chúng tôi bán với giá 7 nghìn đồng/kg lúa tươi, trừ chi phí lãi 700 nghìn đồng/sào. Đang được giá, nhà tôi chỉ để lại một ít đủ ăn còn nữa bán hết”.

Ông Khanh Văn Đức, người trồng trên 10 ha lúa tại thôn Thắng Long, xã Thiệu Hợp (Thiệu Hóa) cho hay, chiêm xuân năm nay không được mùa lớn như những năm trước.

Tuy nhiên, hầu hết diện tích canh tác tại địa phương ông đều được cơ giới hóa lại sử dụng nhiều các giống lúa chất lượng cao, hiệu quả tăng lên rõ rệt.

“Tôi hiện đang bắt đầu vào vụ thu hoạch, máy gặt chạy cả ngày lẫn đêm. Trên 10 ha lúa của tôi cũng thu về gần 70 tấn lúa.

Ở đây chưa có máy sấy nên anh thấy đấy, lúa được phơi cả trên đường bê tông nội đồng. Giá lúa năm nay cao hơn năm trước, lại sử dụng chủ yếu lúa chất lượng cao nên nhìn chung lãi hơn”, ông Đức phấn khởi.

Đi qua những cánh đồng của các huyện Nông Cống, Triệu Sơn, Thọ Xuân, Đông Sơn có thể thấy tâm trạng phấn khởi của bà con nông dân.

Theo nông dân xứ Thanh, năm nay lúa vẫn trỗ đúng vào dịp cốc vũ nhưng rét kéo dài hơn những năm trước khiến nhiều trà không năng suất bằng chiêm xuân 2019. Tuy nhiên, năng suất không kém là bao, những trà trỗ gặp thời tiết thuận lợi vẫn đạt 3,5-3,8 tạ/sào (70-76 tạ/ha).

Giá lúa khô nông dân Thanh Hóa hiện đang bán giao động từ 6.200 -6.500 đồng/kg; lúa chất lượng cao, lúa liên kết với doanh nghiệp 8- 9.000 đồng/kg.

Chiêm xuân 2020, diện tích liên kết với doanh nghiệp và diện tích lúa chất lượng cao có xu hướng tăng lên. Vì thế, hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích được kỳ vọng sẽ cao hơn những năm trước.

Năng suất lúa bình quân ước đạt trên 64 tạ/ha. Ảnh: Võ Dũng.

Năng suất lúa bình quân ước đạt trên 64 tạ/ha. Ảnh: Võ Dũng.

Theo đánh giá ban đầu, chiêm xuân 2020, năng suất lúa tại Thanh Hóa đạt 64 tạ/ha (vụ chiêm xuân 2019 là 65,5 tạ/ha). Diện tích lúa giảm từ trên 118 nghìn ha xuống còn trên 116 nghìn ha. Sản lượng giảm lúa từ 774,5 nghìn tấn xuống 743,6 nghìn tấn.

Ông Lê Đức Giang, Giám đốc Sở NN- PTNT Thanh Hóa cho rằng, sản lượng lúa vụ này có giảm một chút không thể hiện rằng Thanh Hóa mất mùa: “Năm nay chỉ không bội thu như những vụ chiêm xuân trước nhưng thực tế vẫn được mùa. Diện tích, sản lượng giảm là do một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang những mô hình kinh tế khác.

Bên cạnh đó, việc nông dân có ý thức chuyển sang trồng lúa chất lượng cao, liên kết sản xuất, cùng với việc giá lúa đang ở mức cao nên hiệu quả kinh tế sẽ tăng lên. Chúng ta nên nhìn vào giá trị, thay cho sản lượng”.

Liên kết sản xuất lúa là khâu đột phá

Điều khiến ông Nguyễn Bá Minh, trưởng thôn Thái Lộc, xã Thái Hòa (Triệu Sơn) vui nhất là nông dân quê ông nay đã quen với việc liên kết sản xuất.

Thôn Thái Lộc có 12 ha lúa thơm liên kết với Công ty Sao Khuê, nông dân được vay phân bón và giống, đến lúc thu hoạch sẽ khấu trừ. Nhờ liên kết, vật tư đầu vào giá thấp, giá bán lúa lại cao; các khâu từ trồng đến thu hoạch lúa đều được cơ giới hóa nên hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn.

Nhờ liên kết, hiệu quả trên đơn vị diện tích tăng rõ rệt. Ảnh: Võ Dũng.

Nhờ liên kết, hiệu quả trên đơn vị diện tích tăng rõ rệt. Ảnh: Võ Dũng.

“Thanh Hóa đã có Nghị quyết 13 về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao. Đây là tiền đề để Thanh Hóa hướng đến một nền nông nghiệp quy mô lớn, nông nghiệp hàng hóa vừa tăng năng suất, giá trị kinh tế cũng như chất lượng nông sản. Dù diện tích liên kết với doanh nghiệp chưa nhiều nhưng bước đầu cho thấy hiệu quả rõ nét. Thông qua các mối liên kết, nông dân sẽ được chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đây sẽ là hướng đi của nông nghiệp Thanh Hóa trong tương lai”- ông Lê Đức Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa nói.

“Trồng và chăm sóc lúa được công ty hướng dẫn kỹ thuật rất cặn kẽ, đến lúc thu hoạch cũng chỉ đứng trên bờ, nhận lúa chở lên đường nhập cho công ty.

Nông dân đang hướng đến sản xuất lúa chất lượng cao, tính toán về hiệu quả kinh tế thay vì chạy theo năng suất như trước. Đó là sự thay đổi rất lớn trong tư duy trồng lúa hiện nay của nông dân quê tôi”, vẫn theo ông Minh.

Ông Đỗ thế Anh, Giám đốc Công ty CP Sao khuê cho hay, vụ chiêm xuân 2020, thông qua các HTX dịch vụ nông nghiệp, công ty đã liên kết trồng 500 ha lúa.

Trồng, thu hoạch lúa hoàn toàn cơ giới hóa, cán bộ kỹ thuật công ty thường xuyên thăm đồng hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu bệnh nên lúa đạt chất lượng rất cao.

Đánh giá về vụ chiêm xuân 2020, ông Lê Xuân Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn cho rằng: “Năng suất lúa tại Triệu Sơn đạt khoảng 65-66 tạ/ha so với gần 70 ta/ha năm 2019. Tuy nhiên, nhìn chung Triệu Sơn vẫn được mùa.

Nguyên nhân giảm năng suất là do thời tiết khắc nghiệt, nhất là thời điểm lúa trỗ gặp rét. Năm nay chúng tôi chỉ cơ cấu 7-8 bộ giống, chủ lực vẫn là những giống lúa chất lượng cao.

Toàn huyện hiện có 250 ha lúa liên kết với các doanh nghiệp, trong đó có 160 ha liên kết với Công ty Sao Khuê.

Giá lúa thu mua cao hơn thị trường nên giá trị cao hơn canh tác lúa thông thường từ 20-25%, hiệu quả kinh tế sẽ không thua kém những năm trước”.

Còn tại huyện Nông Cống, vụ chiêm xuân 2020 toàn huyện gieo trồng 10,2 nghìn ha lúa. Đa phần diện tích là lúa thuần Đài thơm 8, Thơm RVT; các giống lúa lai Thái xuyên 111, VT404, Quốc tế 1 ...

Đến thời điểm này, Nông Cống mới bắt đầu bước vào vụ gặt; dự kiến năng suất bình quân của huyện đạt 70 tạ/ha. Một số diện tích lúa lai như Thái xuyên 111, Hương ưu 98, Thiên ưu 8,... năng suất đạt trên 75 tạ/ha, dự kiến lúa sẽ thu hoạch rộ từ ngày 20-30/5/2020, kết thúc trước ngày 5/6/2020.

Ông Nguyễn Viết Thái, Phó Giám đốc Sở NN- PTNT Thanh Hóa thăm mô hình liên kết giữa ThaiBinh Seed và nông dân Triệu Sơn. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Nguyễn Viết Thái, Phó Giám đốc Sở NN- PTNT Thanh Hóa thăm mô hình liên kết giữa ThaiBinh Seed và nông dân Triệu Sơn. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Mai Nhữ Thắng, Chủ tịch UBND huyện Nông Cống cho rằng, liên kết sản xuất lúa chính là khâu đột phá tại Nông Cống những năm gần đây. Chiêm xuân 2020 Nông Cống có 1.800 ha liên kết với doanh nghiệp. Các giống lúa liên kết chủ yếu là Thái xuyên 111, TBR225, nếp Hương, Thiên ưu 8, Khang dân đột biến, ...

Nông dân thu hoạch lúa tươi đến đâu, doanh nghiệp thu mua đến đó với giá thu mua lúa tươi cao hơn so với bình quân hàng năm từ 3-5%, giá trị trong sản xuất lúa cơ bản cao hơn từ 10-15% so với cùng kỳ hàng năm.

Theo ông Mai Nhữ Thắng, Chủ tịch UBND huyện Nông Cống, vụ chiêm xuân 2020 toàn huyện có 140 ha lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP. Thương hiệu Gạo Hương Quê gồm nhiều loại gạo như: Gạo sạch Hương Quê, Gạo Thơm đặc sản Hương Quê, Gạo Nếp đặc sản Hương Quê, Gạo thảo dược Hương Quê cũng đang hình thành và chiếm được lòng tin của người tiêu dùng.

  • Tags:
Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.