| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An có vụ lúa xuân được mùa lớn nhất không theo quy luật

Thứ Tư 13/05/2020 , 08:03 (GMT+7)

Tất cả các giống lúa đều cho năng suất cao từ 65 - 70 tạ/ha, là vụ lúa xuân có năng suất cao nhất từ trước lại nay tại Nghệ An.

Trình diễn giống lúa mới trong vụ xuân 2020 tại Nghệ An. Ảnh: VK.

Trình diễn giống lúa mới trong vụ xuân 2020 tại Nghệ An. Ảnh: VK.

Vụ lúa xuân năm nay Nghệ An gieo cấy 91.673 ha, trong số này có 31.000 ha lúa gieo sạ, còn lại là lúa cấy. Về cơ cấu giống chủ yếu gieo cấy các giống lúa thuần có TGST trên dưới 130 ngày như VT-NA6, VT-NA2, Thiên ưu 8, TBR 225, Sông Lam 9 chiếm 65 - 70% và số diện tích còn lại là các giống lúa lai như Thái xuyên 111, VT 404, Nhị ưu 986… Tất cả các giống lúa đều cho năng suất cao từ 65 - 70 tạ/ha, là vụ lúa xuân có năng suất cao nhất từ trước lại nay tại Nghệ An.

Được mùa lớn bất ngờ

Vụ lúa xuân năm nay, cả cán bộ làm công tác KHKT và nhiều bà con nông dân không nghĩ rằng sẽ là một vụ lúa xuân đạt được năng suất cao. Vì, thời vụ gieo cấy lúa vụ xuân 2020 trùng với Tết Nguyên đán, nên phần lớn các địa phương bà con nông dân đều xuống đồng gieo cấy trước lịch thời vụ do Sở NN-PTNT quy định từ 10 - 20 ngày gần 20.000 ha lúa và từ 5 - 10 ngày khoảng 35.000 - 40.000 ha. Gieo cấy sớm, lại gặp năm thời tiết cả vụ xuân gần như ít có rét hại, rét đậm, nên lúa gặt sớm hơn những năm bình thường từ 10 - 20 ngày.

Vụ lúa xuân năm nay thời vụ lúa trổ cơ bản trùng vào tiết thanh minh. Thông thường lúa trổ vào tiết thanh minh hầu hết không có năng suất cao, thậm chí mất mùa nặng do tiết trời ở thời điểm này luôn luôn có gió mùa Đông bắc tràn về, kèm theo mưa nhỏ kéo dài nhiều ngày, nhiệt độ không khí xuống thấp dưới 18oC làm cho hạt phấn chết, gây ra hiện tượng lúa lép lửng, năng suất lúa sẽ giảm nghiêm trọng.

Nhưng vụ lúa xuân năm nay lúa trổ vào tiết thanh minh vẫn được mùa lớn, do tiết thanh minh năm nay gió mùa Đông bắc xảy ra không mạnh như những năm trước đây, thời gian xuất hiện ngắn, rét nhẹ chủ yếu vào ban đêm và sáng sớm; trưa, chiều hửng nắng ấm nên không gây ảnh hưởng thời kỳ lúa trổ.

Vì vậy vụ lúa xuân năm nay ở Nghệ An có thể nói là vụ lúa được mùa lớn trên toàn bộ diện tích gieo cấy ở tất cả các địa phương trong tỉnh.

Các giống chất lượng, chống chịu sâu bệnh tốt góp phần làm nên vụ lúa được mùa. Ảnh: Trần Trà.

Các giống chất lượng, chống chịu sâu bệnh tốt góp phần làm nên vụ lúa được mùa. Ảnh: Trần Trà.

Theo báo cáo nhanh của nhiều địa phương diện tích lúa đã thu hoạch xong khoảng 32.000 - 35.000 ha và sẽ cố gắng thu hoạch xong toàn bộ diện ngày 20 tháng 5.

Qua kết quả gặt thống kê và kết quả thu hoạch đại trà trên đồng ruộng, dự kiến năng suất bình quân vụ lúa xuân năm nay ở Nghệ An sẽ đạt trên 67 tạ/ha, cao hơn vụ lúa xuân 2019 gần 1 tạ/ha.

Một số huyện như: Quỳnh Lưu dự kiến năng suất lúa đạt bình quân 73,5 tạ/ha, Yên Thành 72 tạ/ha, Diễn Châu 72 tạ/ha, Hưng Nguyên 68 tạ/ha… Các huyện miền núi cũng đạt năng suất khá, như: Tân Kỳ 67 - 68 tạ/ha, Anh Sơn 63 - 64 tạ/ha, Thanh Chương 66 - 67 tạ/ha..

Một số giống lúa được đánh giá cho năng suất cao nhất trong vụ xuân năm nay là: Giống lúa lai Thái Xuyên 111, năng suất đạt bình quân từ 76 - 77 tạ/ha; giống lúa thuần VT - NA6 đạt năng suất bình quân từ 73 - 75 tạ/ha và giống lúa thuần Thiên ưu 8 đạt năng suất bình quân từ 70 - 77 tạ/ha.

Gieo cấy lúa hè thu càng sớm càng tốt

Trước khi vào mùa thu hoạch lúa xuân, Sở NN-PTNT đã thường xuyên nhắc nhở và chỉ đạo các huyện, thành, thị 3 việc, đó là:

Một, tiến hành gieo mạ lúa hè thu trước khi thu hoạch lúa xuân từ 5 - 7 ngày, nhất là vùng đồng ruộng thấp để gặt sớm chạy lụt.

Hai, tu sửa hệ thống kênh mương dẫn nước, khơi thông cống rãnh, đắp bờ giữ nước tại ruộng để gặt xong lúa xuân đến đâu làm đất gieo cấy lúa hè thu đến đó và cố gắng gieo cấy càng sớm càng tốt.

Ba, tiến hành vệ sinh sạch sẽ đồng ruộng trước khi xuống đồng gieo cấy lúa hè thu để diệt hết tàn dư của các loại mầm mống sâu bệnh của vụ trước để lại.

Trong 3 việc đó, ưu tiên số 1 là gieo mạ hè thu sớm để khi thu hoạch xong lúa xuân đã có mạ cấy lúa hè thu ngay.

Niềm vui trên đồng. Ảnh: Trần Trà.

Niềm vui trên đồng. Ảnh: Trần Trà.

Kinh nghiệm từ nhiều năm nay ở Nghệ An về việc sản xuất vụ lúa hè thu quyết định được mùa hay mất mùa là do thời vụ gieo cấy sớm hay muộn quyết định. Nếu gieo cấy càng sớm thì mức độ an toàn về bão lụt càng cao và ngược lại.

Qua tổng kết nhiều năm cho thấy: Vụ lúa hè thu ở Nghệ An nếu được thu hoạch trước ngày 2/9 hàng năm thì mức độ an toàn đạt gần như 100%, thu hoạch trước ngày 10/9 thì mức độ an toàn 80 - 90%, thu hoạch từ sau ngày 10/9 trở đi trùng vào thời điểm mùa mưa to, lụt, bão thịnh hành ở vùng Nghệ An - Hà Tĩnh thì khả năng mất mùa rất dễ xảy ra.

Toàn tỉnh vụ lúa hè thu năm nay phấn đấu gieo cấy 59.000 ha lúa, trong số này có 28.000 - 32.000 ha, nếu gặp đợt mưa lớn từ 120 - 160 mm thì dễ dàng chìm trong biển nước.

Chính vì vậy, bà con nông dân ở các vùng đất thấp dễ bị ngập lụt khi có mưa to như ở các huyện Hưng Nguyên, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu… bao giờ họ cũng lo gieo mạ hè thu trước khi vào vụ gặt lúa xuân 5 - 7 ngày. Nếu ở vùng này gieo sạ lúa như ở các vùng đất cao ít bị lụt thì mức độ an toàn rất thấp và sẽ mất mùa nhiều hơn được mùa.

Tính đến nay bà con nông dân toàn tỉnh đã gieo được gần 1.000 ha mạ bằng các giống lúa có thời gian sinh trưởng từ 90 - 105 ngày và 90% là các giống lúa thuần như: VT-NA2, VT-NA6, Thiên ưu 8, BT09, Sông Lam 9, Khang dân 18, nếp 352, nếp 97…

Toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy xong vụ lúa hè thu chậm nhất trước ngày 10 tháng 6. Riêng vùng thấp lụt gieo cấy xong trước ngày 30 tháng 5.

Mục tiêu này chắc chắn sẽ đạt được, bởi từ thu hoạch lúa xuân, đến làm đất gieo cấy lúa hè thu ở Nghệ An hiện nay được cơ giới hóa đến 90%. Chỉ có cấy lúa cơ bản là thủ công với truyền thống làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm. Việc cấy lúa ban đêm trong vụ hè thu bằng đèn ắc quy ở Nghệ An là chuyện bình thường từ nhiều năm nay bà con nông dân đã thực hiện.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.