| Hotline: 0983.970.780

Xuân ấm bên dòng nhựa trắng [Bài 1] Niềm vui công nhân ngày giáp Tết

Thứ Ba 17/01/2023 , 09:37 (GMT+7)

Giá mủ tăng, việc làm được đảm bảo, một cái Tết ấm áp, tươi vui đang đến với công nhân, người lao động vùng biên bên dòng nhựa trắng…

Xuân Quý Mão 2023 gần đến khiến cánh rừng cao su ở vùng biên giới huyện Bù Đốp tỉnh Bình Phước như rộn ràng hẳn lên. Đường làng, đường lô cao su được dọn sạch, đẹp. Để ghi nhận nhịp sống người dân, công nhân trồng cao su, trong tiết trời se lạnh của những ngày giáp Tết, PV NNVN đã có dịp đến thăm các nông trường cao su vùng biên giới. Xen lẫn giữa bạt ngàn rừng cao su đang mùa thay lá, chúng tôi dễ dàng bắt gặp đội ngũ công nhân cao su tất bật khơi dòng nhựa trắng trong không khí hân hoan những ngày cận Tết.

Nhộn nhịp trên cánh rừng cao su

Mùa xuân năm nay đến sớm nhưng hầu hết tất cả vườn cây cao su đều thay lá vàng trước Tết để khoác lên mình màu xanh tươi non đầy sức sống, báo hiệu xuân sau sẽ khấm khá hơn xuân này theo quy luật của đất trời.  Đâu đó lác đác vẫn còn một số vườn cây chưa thay lá nhưng không nhiều, nhiều công nhân vẫn mang thùng ra lô cạo mủ.

Mùa xuân năm nay đến sớm nhưng hầu hết vườn cây cao su đều thay lá vàng. Ảnh: Trần Trung.

Mùa xuân năm nay đến sớm nhưng hầu hết vườn cây cao su đều thay lá vàng. Ảnh: Trần Trung.

Sáng sớm cuối năm, có mặt tại nông trường 5 Công ty cao su Lộc Ninh khi mặt trời vừa ló rạng, chúng tôi không khó bắt gặp hình ảnh công nhân đang khẩn trương trút mủ sau một đêm thi triển những đường cạo rành mạch. Những giọt mồ hôi ướt đẫm trên lưng người thợ cạo bên những tô mủ đầy ắp, hòa cùng tiếng chim ca líu lo tạo thành một bản hòa ca tình xuân ấm áp, rạng rỡ trên khuôn mặt mỗi người.

Đây là mùa xuân thứ 20 gắn bó với nghề thợ cạo, hơn ai hết chị Điểu Thị Liên (thôn Thiện Cư, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp) thấu hiểu được niềm vui, nỗi buồn của người công nhân gắn liền với sự thăng trầm của giá mủ. Khi được hỏi thăm về tình hình thu nhập hiện nay, bỗng dưng mắt Chị Liên như lóe lên niềm hạnh phúc. Chị Liên chia sẻ, đây là năm thứ 2 cả nước trở lại sau đại dịch Covid-19, ngành cao su cũng dần phục hồi, thu nhập người công nhân được cải thiện đáng kể.

“Thời điểm này năm ngoái, mức lương chỉ dao động 6 triệu đồng/tháng, hiện đã tăng lên 8 triệu đồng/tháng, chưa kể dự kiến mỗi công nhân sẽ được thưởng thêm 1 tháng lương (lương tháng 13). Cả 2 vợ chồng tôi đều là thợ cạo, Tết này sẽ là cái Tết “ấm” nhất sau mấy năm dịch”, chị Liên phấn khởi nói.

Anh Điểu Đông kỳ vọng công ty sẽ có phần thưởng Tết xứng đáng để công nhân, người lao động có một cái Tết sung túc. Ảnh: Trần Trung.

Anh Điểu Đông kỳ vọng công ty sẽ có phần thưởng Tết xứng đáng để công nhân, người lao động có một cái Tết sung túc. Ảnh: Trần Trung.

Đang khẩn trương trút mủ cách đó không xa, công nhân Điểu Đông ngụ cùng thôn với chị Liên cho biết thêm, hầu hết người dân địa phương đều là công nhân cạo mủ cho các nông  trường. Nhờ giá mủ ấm lên, phía công ty cũng chi lương, thưởng hậu hĩnh, ai nấy đều phấn khởi.

“Trong thời điểm giá thấp, có những lúc tiền lương cũng khó theo, thế nhưng, hầu hết anh em công nhân đều bám trụ với nghề. Hiện ngành cao su đã phục hồi sau dịch, công ty sẽ có phần thưởng Tết xứng đáng để chúng tôi có thêm điều kiện trang trải cuộc sống”, anh Điểu Đông chia sẻ.

Quyết chăm lo tốt người lao động

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc nông trường 5 - Công ty cao su Lộc Ninh, hiện tổng số lao động nông trường quản lý 412 người, trong đó, người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 31,3%. Việc đứng chân trên địa bàn biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, bên cạnh thuận lợi là người đồng bào rất chất phác, thật thà thì khả năng tiếp thu của đồng bào còn chậm nên thời gian đào tạo trước khi tuyển dụng lâu hơn. Bên cạnh đó, đa phần bà con còn nặng về phong tục tập quán, cưới hỏi, ma chay nên còn nghỉ tự do nhiều.

Nhiều người lao động là người dân tộc thiểu số tham gia làm công nhân cho các công ty cao su. Ảnh: Trần Trung.

Nhiều người lao động là người dân tộc thiểu số tham gia làm công nhân cho các công ty cao su. Ảnh: Trần Trung.

Hiểu được tầm quan trọng và vai trò của đội ngũ lao động, trong đó có người dân tộc thiểu số góp phần vào sự phát triển bền vững, nông trường luôn quan tâm chăm lo tốt nhất cho người lao động và coi đây là mục tiêu hàng đầu, xuyên suốt trong quá trình phát triển của nông trường nói riêng, tập đoàn nói chung. Cùng với đó, Công đoàn đơn vị luôn sát cánh để nắm bắt các tâm tư, nguyện vọng của công nhân, giúp người lao động yên tâm công tác, hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Để giữ chân người lao động, nhất là người đồng bào, nông trường nỗ lực, phấn đấu vượt khó, giảm chi tiêu tài chính, đảm bảo sản xuất có lãi, lương công nhân được tăng cao. Bên cạnh đó, công đoàn đã cùng với Ban Giám đốc Nông trường, thường xuyên thăm hỏi, động viên công nhân khi ốm đau hoặc gặp khó khăn, trong công việc cũng như trong cuộc sống gia đình, qua đó tạo được niềm tin cho người lao động.

Cụ thể, trong năm, nông trường đã thăm hỏi 108 lượt với số tiền  trên 41 triệu đồng, tổ chức  tuyên dương, khen thưởng cho 119 cháu có thành tích cao trong học tập với tổng giá trị tiền thưởng trên 38 triệu đồng; hỗ trợ 49 em học sinh cấp 1 là con em đồng bào dân tộc thiểu số với tổng số tiền gần 10 triệu đồng….

Người lao động, công nhân hăng say làm việc bên dòng nhựa trắng. Ảnh: Trần Trung.

Người lao động, công nhân hăng say làm việc bên dòng nhựa trắng. Ảnh: Trần Trung.

Cùng với đó, để động viên tinh thần thi đua lao động sản xuất của các tập thể và cá nhân, có thành tích hoàn thành vượt mức kế hoạch sản lượng năm 2022, Công ty khen thưởng cho 9 tập thể và 117 cá nhân với giá trị tiền thưởng trên 264 triệu đồng. Bên cạnh đó, Nông trường còn phát động phong trào thi đua nước rút 3 tháng cuối năm, đã khen thưởng cho 2 tập thể và 90 cá nhân với tổng số tiền gần 30 triệu đồng.

“Hiện Bình quân lương công nhân cạo mủ của nông trường đạt 8,6 triệu đồng/người/tháng cao hơn so với năm 2021 là 340.000đ. Ngoài ra, công nhân, người lao động còn được hưởng chế độ cấp phát phương tiện bảo vệ cá nhân 2 lần/năm cùng chế độ bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật cho người lao động tổng trị giá gần 2 tỷ đồng; chế độ ăn giữa ca trên 1,2 tỷ đồng/năm cùng nhiều chế độ đãi ngộ khác…

Đặc biệt, chế độ thưởng Tết năm nay cũng khá cao, tùy vào xếp loại A,B,C người lao động sẽ được hưởng từ 5 đến 9 triệu đồng. Qua rà soát hiện có 92% người lao động loại A, 29 người loại B và 4 người loại C, không chỉ đảm bảo mức sống cho người lao động, bà con còn có một cái Tết sung túc”, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc nông trường 5 - Công ty cao su Lộc Ninh khẳng định.

Xem thêm
Chính phủ sẽ nghiên cứu làm đường sắt tốc độ cao đến Cần Thơ, Cà Mau

Tuyến đường sắt tốc độ cao không chỉ dừng lại ở TP Hồ Chí Minh, Chính phủ và các cơ quan đang nghiên cứu kéo dài về Cần Thơ và đến tận Cà Mau.

Thủy lợi nội đồng cho vùng ngọt - nhiệm vụ cấp thiết

Cà Mau Giữ vùng ngọt, điều tiết nước hợp lý, đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi để đáp ứng sản xuất là nhiệm vụ quan trọng với tỉnh Cà Mau.

Nhiều vùng trũng thấp ở Nha Trang bị ngập

KHÁNH HÒA Do những ngày qua có mưa lớn kết hợp hồ chứa nước điều tiết nên nước sông Cái Nha Trang dâng cao, nhiều vùng trũng thấp tại TP Nha Trang bị ngập.