| Hotline: 0983.970.780

Cao su giúp bừng sáng buôn làng Tây Nguyên: [Bài 2] Có nhà, cái ăn nhờ tham gia công nhân cao su

Thứ Hai 04/07/2022 , 13:46 (GMT+7)

Nhiều người dân là đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã ‘đổi đời’ nhờ tham gia làm công nhân cho công ty cao su.

Người dân từng không biết gì về cao su

Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê được thành lập ngày 17 tháng 8 năm 1984 trên cơ sở bộ khung từ Công ty Cao su Dầu Tiếng. Đoàn cán bộ, công nhân gồm 19 người, do ông Hồ Văn Ngừng làm trưởng đoàn, từ Công ty Cao su Dầu Tiếng ra thành lập công ty trên vùng đất mới Chư Sê của tỉnh Gia Lai.

Theo những cán bộ gắng bó với Công ty Cao su Chư Sê từ những năm đầu thành lập thì cây cao su lúc bấy giờ hết sức xa lạ đối với người dân trên vùng đất Chư Sê. Dân cư trên địa bàn không biết, không hiểu và cũng không tin cây cao su có thể mang lại cuộc sống ấm lo cho họ. Tuy nhiên, 19 con người mang trái tim khát vọng từ vùng đất đỏ Bình Dương không ngại gian khổ đã lội rừng, vượt suối đến từng buôn, làng để vận động tuyên truyền làm cho đồng bào dân tộc thiểu số hiểu và ủng hộ trồng, phát triển cây cao su.

Ông Trần Ngọc Lộc, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê cho biết, công ty đã xác định ngay từ những ngày đầu muốn tồn tại và phát triển phải tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân và chính quyền địa phương các cấp, tranh thủ sự giúp đỡ của Tổng cục Cao su Việt Nam và Công ty Cao su Dầu Tiếng.

Ông Trần Ngọc Lộc, Phó tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê cho biết, người dân địa phương từng không biết gì về cao su nhưng hiện nay nó đã giúp họ thoát nghèo. Ảnh: Quang Yên.

Ông Trần Ngọc Lộc, Phó tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê cho biết, người dân địa phương từng không biết gì về cao su nhưng hiện nay nó đã giúp họ thoát nghèo. Ảnh: Quang Yên.

Theo ông Lộc, điều quan trọng hơn hết vẫn là sự tự thân vận động, đoàn kết trên dưới một lòng vì vườn cây cao su, vì đời sống người lao động. “Khó mà kể hết những nhọc nhằn gian truân của buổi đầu xây dựng, không thể đo đếm được công lao khai phá và chắt chiu của những người tình nguyện đi mở đất, xây dựng nông trường. Những cán bộ thời mới thành lập công ty đã làm thay đổi tập quán của những bước chân trần quen du canh, du cư nay trụ lại với vườn cây cao su”, ông Lộc nhớ lại.

Song bằng những kinh nghiệm quý báu từ công ty “mẹ” với phương châm: “Thâm canh ngay từ đầu”, gắn bó với công nhân đồng bào dân tộc thiểu số; những người cán bộ ban đầu, kiên trì bám trụ, tìm mọi giải pháp chăm sóc tốt diện tích cao su đã trồng; vượt qua thiếu thốn, chia sẻ khó khăn để vượt lên phía trước.

Từ những vườn cây có diện tích nhỏ, sau gần 40 năm đến nay công ty đang quản lý diện tích 7.538 ha cao su trên địa bàn 3 huyện: Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông của tỉnh Gia Lai. Công ty có 5 Nông trường cao su, 1 Xí nghiệp chế biến mủ, 1 Trung tâm y tế chăm lo sức lo sức khỏe cho cán bộ, công nhân lao động và nhân dân địa phương. Ngoài ra, công ty cũng tham gia góp vốn thành lập Công ty Cổ phần cao su Chư Sê - Kampong Thom tại Vương quốc Campuchia. Tại đây, công ty đã hoàn thành công tác trồng mới với diện tích 16.286,68 ha.

Ông Trần Ngọc Lộc cho biết, đến thời điểm hiện nay số công nhân là đồng bào dân tộc chiếm 48% cán bộ toàn công ty. Trong định hướng phát triển, thì sau khi đưa diện tích cao su mới vào khai thác sẽ ưu tiên tuyển dụng người đồng bào dân tộc thiểu số vào làm. Công ty phấn đến năm 2025 trên 50% cán bộ, công nhân là người dân tộc thiểu số tại địa phương.

Các công nhân là người dân tộc tại chỗ có thu nhập ổn định, cuộc sống được cải thiện nhờ làm công nhân cao su. Ảnh: Quang Yên.

Các công nhân là người dân tộc tại chỗ có thu nhập ổn định, cuộc sống được cải thiện nhờ làm công nhân cao su. Ảnh: Quang Yên.

Đây là nhiệm vụ chính trị ngay từ đầu khi thành lập công ty, đó là quan tâm đến chính sách cho người đồng bào dân tộc tại chỗ. Trong thời gian qua việc sử dụng người đồng bào gắng liền với tình hình an ninh chính trị tại địa phương.

Để giúp công nhân tăng thu nhập, công ty cắt giảm tối đa những khoản chi không cần thiết để bù đắp vào đơn giá tiền lương nhằm đảm bảo đời sống người lao động. Nhờ đó, thu nhập bình quân của cán bộ, công nhân lao động đạt 7,62 triệu đồng/người/tháng. Các chế độ chính sách đối với người lao động như: Bảo hiểm xã hội, bảo hộ lao động, bồi dưỡng độc hại, ăn giữa ca... đều được thực hiện đầy đủ.

Ngoài ra do địa bàn rộng nên công ty cũng xác định phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, cùng với chính quyền địa phương quy hoạch những diện tích đất đưa vào sử dụng mục đích chung như làm nhà cho công nhân, phục vụ an ninh quốc phòng…

Cuộc sống thay đổi khi có cây cao su

Những ngày cuối tháng 5, chúng tôi đến nông trường Ia H’Lốp thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê, các công nhân đang tấp bật chuyển những cây giống mới ươm vào luống. Đây là số giống được công ty mua về để chuẩn bị cho việc tái thiết hàng trăm ha cao su già cỗi cần phải thay thế. Cạnh đó, các nữ công nhân đang đưa những thùng chứa mủ cao su trắng tinh vào các xe để vận chuyển về nhà máy chế biến.

Gắng bó với cao su gần 10 năm, chị H’Hen (36 tuổi, công nhân của Nông trường cao su Ia H’Lốp, xã Ia H’Lốp, huyện Chư Sê) đã sửa sang được căn nhà gỗ mục nát, con cái được đến trường.

Theo chị H’Hen, chị tham gia làm công nhân từ năm 2013. “Lúc chưa vào làm công nhân cuộc sống gia đình vô cũng vất vả, cả gia đình đồng người phải ở trong căn nhà gỗ mục nát. Mỗi trận mưa to, gió lùa vào trong lạnh thấu xương. Thời điểm đó thu nhập của gia đình rất bấp bênh do không có công việc ổn định mà phải đi làm thuê, làm mướn. Do đó làm được bao nhiêu thì ăn hết bấy nhiêu chứ không có tiền để dành phòng lúc đau ốm”, chị H’Hen nói.

Chị H'Hen cho biết nhờ tham gia làm công nhân cao su mà cuộc sống gia đình thay đổi, có cái ăn, cái để. Ảnh: Quang Yên.

Chị H'Hen cho biết nhờ tham gia làm công nhân cao su mà cuộc sống gia đình thay đổi, có cái ăn, cái để. Ảnh: Quang Yên.

Kinh tế khó khăn, chị H’Hen được Nông trường cao su Ia H’Lốp nhận vào làm công nhân. Từ đây, cuộc sống của nữ công nhân này cùng gia đình mới bắt đầu được cải thiện. “Vào làm công nhân, sau 9 năm được công ty tạo điều kiện xây nhà, mua xe máy. Hiện nay thu nhập mỗi tháng hơn 7 triệu đồng/tháng, nhờ có thu nhập ổn định con cái được đi học. Nếu không tham gia công nhân thì gia đình không được như ngày hôm nay”, chị H’Hen nói và cho biết, ngoài thu nhập từ lương của công ty, gia đình nữ công nhân này còn nhận khoáng 2 ha của công ty để trồng cà phê. Mỗi năm gia đình có thêm nguồn thu nhập ổn định.

Là một trong những người gắng bó với Nông trường cao su Ia H’Lốp từ đầu, bà Phan Thị Phương Thảo (Đội trưởng đội 8, Nông trường cao su Ia Lốp) cho biết, công nhân người đồng bào tay nghề rất ổn định. Nguyện vọng của họ là tha thiết với đời sống công nhân, bám với ngành cao su để phát triển kinh tế. Trước đây chưa có cây cao su, cuộc sống của người đồng bào rất khó khăn. Tuy nhiên, từ khi cây cao su được trồng tại địa phương thì đời sống họ thay đổi hoàn toàn.

“Ngày trước chưa có cao su người dân sống bằng ruộng lúa. Tuy nhiên người đồng bào ít đất nên kinh tế gia đình rất khó khăn. Nhà thường dùng gỗ để ghép lại. Từ ngày tham gia công nhân có thu nhập hàng tháng đầy đủ. Việc cao mủ chỉ diễn rá trong buổi sáng, buổi chiều nghỉ họ có thể làm ruộng hay các công việc khác để kiếm thêm thu nhập. Đến nay có nhiều công nhân là người đồng bào kinh tế rất vững, họ mua được rẫy, xây được nhà, mua được xe máy, tivi”, bà Thảo nói thêm.

Những vườn ươm giống cao su mới cũng mở ra nhiều công việc cho người đồng bào tại Chư Sê để họ thoát nghèo. Ảnh: Quang Yên.

Những vườn ươm giống cao su mới cũng mở ra nhiều công việc cho người đồng bào tại Chư Sê để họ thoát nghèo. Ảnh: Quang Yên.

Nữ tổ trưởng cho biết hầu những người tham gia công nhân đều có kinh tế rất khá so với những hộ không làm công nhân cao su. Nhiều buôn, làng hiện nay có đến 50-60% lực lượng lao động tham gia công nhân cao su. Chỉ những trường hợp không nằm trong độ tuổi lao động mới làm việc khác.

“Đến nay tổ sản xuất của tôi có 30 công nhân, trong đó chỉ duy nhất có một người dân tộc kinh, còn lại là người đồng bào tại chỗ. Chính thu nhập ổn định nên mới mang lại động lực chính giúp người đồng bào tha thiết với cây cao su. Nhờ tham gia công nhân mà những Ra Lang H’Thiếu, Siêu H’Heo làm được nhà rất lớn, có cả công nông. Gia đình mua được rẫy trồng cà phê và hồ tiêu, con cái đi học đến nơi đến chốn”, nữ tổ trưởng tự hào.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm