| Hotline: 0983.970.780

Khấm khá nhờ làm công nhân cao su

Thứ Hai 01/08/2022 , 14:55 (GMT+7)

Nhờ có cao su, cuộc sống của người dân, đặc biệt là người đồng bào dân tộc vùng biên giới tỉnh Kon Tum ngày càng ổn định.

Ông Phạm Duy Vương, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray cho biết, công ty được thành lập năm 2007 trên cơ sở thực hiện chủ trương của Chính phủ về chuyển đổi rừng nghèo để trồng cây cao su, đồng thời được tỉnh Kon Tum đồng ý chuyển đổi và giao cho công ty lập dự án phát triển trồng cây cao su tại địa bàn xã Mo Ray thuộc huyện Sa Thầy (nay là huyện Ia H’ Drai, tỉnh Kon Tum ), với diện tích hơn 6.440 ha nằm dọc theo biên giới giáp Vương quốc Campuchia.

Vườn cây xanh tốt vùng biên giới của Công ty Cao su Chư Mom Ray. Ảnh: NT.

Vườn cây xanh tốt vùng biên giới của Công ty Cao su Chư Mom Ray. Ảnh: NT.

Hiện nay, công ty có gần 5.143 ha cao su, trong đó có hơn 4.443 ha đang trong thời kỳ khai thác, gần 700 ha vườn cây kiến thiết cơ bản. Với năng suất đạt 1,7 tấn/ha, sản lượng hàng năm đạt 7.000 – 8.000 tấn mủ. Để phục vụ vùng nguyên liệu chế biến mủ cao su và chế biến mủ cao su tiểu điền thu mua, công ty đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến mủ có công suất 7.500 tấn mủ khô/năm, tổng số vốn đầu tư 75 tỷ đồng và được đưa vào hoạt động trong năm 2021.

Ông Phạm Duy Vương cho biết, do đơn vị nằm ở vùng sâu, vùng xa, dân cư còn ít. Mặt khác người lao động địa phương tại chỗ do không quen với kỷ luật giờ giấc nên một số lao động xin vào làm công nhân rồi lại xin nghỉ. Chính vì vậy việc tuyển công nhân là người địa phương tại chỗ rất khó khăn, để có lao động làm việc đơn vị phải tuyển công nhân là người đồng bào dân tộc thiểu số tại cái tỉnh phía Bắc.

“Do công nhân đa số là người đồng bào dân tộc thiểu số nên việc đào tạo nghề cũng gặp nhiều khó khăn hơn, bên cạnh đó khi mới vào làm công nhân họ cũng chưa quen với thời gian làm việc đặc thù cạo mủ. Đồng thời ở vùng sâu, vùng xa nên việc tuyển dụng lao động cũng gặp không ít trở ngại”, ông Phạm Duy Vương chia sẻ và cho biết, để thu hút lao động và để họ an tâm vào làm việc đơn vị đã xây nhà tập thể cho những lao động ở xa tới làm việc cũng như chưa có điều kiện mua đất làm nhà, cùng với đó là nhiều chính sách đãi ngộ để họ an tâm gắn bó với công ty.

Lãnh đạo công ty kiểm tra mủ cao su đã qua chế biến. Ảnh: NT.

Lãnh đạo công ty kiểm tra mủ cao su đã qua chế biến. Ảnh: NT.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà mới được xây dựng khang trang, chị Lô Thị Hà, công nhân khai thác tổ 5, Nông trường 1 phấn khởi cho biết: Có được cơ ngơi như ngày hôm nay hoàn toàn nhờ từ nguồn thu nhập làm công nhân cao su.

Chị Hà cho biết quê ở Nghệ An, là người dân tộc Thái, trước đây do không có công việc ổn định nên cuộc sống rất khó khăn, được người quen giới thiệu xin vào làm công nhân từ năm 2018. “Lúc mới vào do không có nhà ở vợ chồng tôi được công ty hỗ trợ chỗ ăn, chỗ ở với điều kiện rất tốt nhờ đó mà chúng tôi rất an tâm làm việc”, Chị Lô Thị Hà chia sẻ.

Nhờ có công việc ổn định, chịu khó bám lô, bám vườn cây, hiện tiền lương hàng tháng của chị Lô Thị Hà đạt 9 triệu đồng, đó là chưa kể đến các khoản thu nhập khác.

Còn đối với gia đình công nhân Lê Minh Cường, quê ở xã Nghĩa Minh, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An là người dân tộc Thổ, hiện nay hai vợ chồng anh mỗi tháng có thu nhập từ 18 – 20 triệu đồng.

Năm 2011, vợ chồng anh Cường xin vào vào làm công nhân khai thác mủ cao su ở tổ 8, Nông trường 1. Anh Cường cho biết, ngày mới vào làm công nhân do vườn cây mới khai thác nên năng suất chưa cao, thu nhập hàng tháng thấp, cùng với đó là cuộc sống xa quê nên gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên được lãnh đạo công ty động viên, chia sẻ nên vợ chồng anh đã vượt qua để bám vườn cây, bám lô.

Theo anh Cường, để có thu nhập cao, bên cạnh đơn giá tiền lương của công ty thì sản lượng của công nhân đóng vai trò quyết định. Sản lượng càng nhiều thì tiền lương càng cao. Vì thế, anh và các công nhân khác không ngừng rèn luyện để nâng cao trình độ tay nghề, khai thác đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo ngày công lao động và hoàn thành kế hoạch được giao.

Nhờ làm công nhân cao su mà nhiều hộ dân là người đồng bào ổn định cuộc sống. Ảnh: NT.

Nhờ làm công nhân cao su mà nhiều hộ dân là người đồng bào ổn định cuộc sống. Ảnh: NT.

Ông Trần Xuân Thịnh, Tổng Giám đốc Công ty Cao su Chư Mom Ray cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, đơn vị đã khai thác được hơn 2.632 tấn mủ quy khô, đạt 36,72% kế hoạch Tập đoàn giao (sản lượng năm 2022 đạt 7.170 tấn). Sản lượng tiêu thụ hơn 2.278 tấn, tổng doanh thu đạt 84,260 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế 17,092 tỷ đồng.

“Mặc dù 6 tháng đầu năm, công ty thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh trong điều kiện giá cả các mặt hàng tăng cao nhất là xăng dầu, do đó công ty gặp rất nhiều khó khăn. Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, trước khi vào vụ cạo mới, công ty đã triển khai thực hiện công tác chia phần cạo. Theo đó, đối với địa hình đất bằng thì công nhân được giao số cây cao su khai thác từ 750 – 800 cây; đối với địa hình đất dốc thì mỗi công nhân được giao số cây thấp hơn (650 – 700 cây). Cùng với đó, công ty chỉ đạo quyết liệt công tác trang bị mái che mưa, váy che chén nhằm đảm bảo những ngày mưa Công ty vẫn khai thác được mủ”, ông Thịnh chia sẻ.

Cùng với việc đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, công ty cũng rất quan tâm, nâng cao đời sống của 1.144 lao động, trong đó có gần 80% là đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh phía Bắc vào làm công nhân. Công ty đã đầu tư trên 34 tỷ đồng làm đường giao thông, xây dựng hệ thống đường điện, nước sinh hoạt đến các nông trường và khu đân cư, nhà ở tập thể công nhân, đầu tư nhà trẻ ở các nông trường…

Để hỗ trợ công nhân xây nhà, Công ty Cao su Chư Mom Ray còn cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn tạm ứng từ 30- 40 triệu đồng và thu vào tiền lương trong vòng 2 năm. Nhờ sự quan tâm đó mà mỗi năm đã có 50 hộ gia đình xây được nhà mới. Hiện nay, không chỉ đời sống công nhân người dân tộc thiểu số nơi vùng biên giới từng bước được cải thiện mà an ninh trật tự, quốc phòng trên địa bàn công ty đứng chân cũng được cổng cố vững chắc. 

Xem thêm
Xuất khẩu cao su của Việt Nam kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025

Xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2024 đã ghi nhận những kết quả rất tích cực, dù nhu cầu tiêu thụ tại thị trường chủ lực Trung Quốc giảm mạnh.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.