Ông Đinh Trung Ken, Bí thư Chi bộ làng K6 nói với chúng tôi như vậy trong chuyến về thăm K6 khi những đọt xuân đang chầm chậm nở trên những nhánh cây rừng. Ông bảo làng K6 ngày xưa ở xa chỗ định cư bây giờ nhiều. Từ xa, làng hiện ra thấp thoáng bên những sườn đồi, giữa màu xanh trùng điệp của núi rừng đông Trường Sơn nhiều mưa, lắm nắng.
Xã Vĩnh Kim đang đổi mới |
Già Đinh Cho (74 tuổi), cái tuổi với nhiều người đã không còn được mạnh khỏe nữa, nhưng với già làng thì hình như tuổi già dường như chưa đến với ông. Ông vẫn leo lên những quả đồi dốc đứng để trỉa lúa, trồng bắp, trồng cây thuốc lá. Nhìn ông không ai nghĩ ông đã ở cái tuổi ngoài bảy mươi. Một thân hình tráng kiện, đôi mắt vẫn tinh anh, giọng nói sang sảng như thủa nào của những ngày đói đến mắt mờ chân run.
Làng K6 có 146 hộ, 674 nhân khẩu với trên 99% là đồng bào Bana. Đến nay, K6 đã có điện lưới quốc gia phục vụ sinh hoạt và sản xuất; đồng bào được tiếp cận thông tin nghe nhìn, đời sống ngày càng cải thiện, dân trí từng bước nâng cao. Những hạt bắp lai, hạt giống lúa mới được bà con mang từ huyện về, gieo trồng trên đất sỏi đá đã lên nhanh, xanh tốt.
Những con bò lai của người dân K6 |
Đến làng K6 hôm nay, ta dễ nhận ra những đổi thay trong đời sống của người dân nơi đây. Nhà xây mái ngói kiên cố thay cho nhà ở tranh tre nứa lá đơn sơ; trường học khang trang cho trẻ em học từ mầm non đến hết bậc tiểu học; đường làng bê tông xi măng; nhà văn hóa cộng đồng xây dựng kiên cố từ nguồn vốn Chương trình 30a của Chính phủ. Vui hơn hết là bà con đã biết thay đổi cách nghĩ, cách làm trong sản xuất, chăn nuôi.
Những ngôi nhà tường xây, mái ngói, tôn màu bừng sáng núi rừng. Sau khi làng được thụ hưởng Chương trình 135 của Chính phủ, đường bê tông đến từng nhà đồng bào, trường tiểu học liên thôn giúp đưa cái chữ đến với con em. Lưới điện quốc gia đã có để thắp sáng từng hộ, nhà nào cũng có radio, tivi.
Trẻ em K6 được đến trường 100% |
Anh Đinh Văn Năng, một người dân K6 vui mừng cho biết: “Nhờ chủ trương chính sách của nhà nước hướng dẫn bà con làm ăn nên ai cũng biết trồng rừng kinh tế kết hợp chăn nuôi bò, lợn và trồng cây ngắn ngày. Chính sách của nhà nước đã giúp thay đổi thói quen sản xuất tụt hậu của bà con nơi đây, phát triển hài hòa giữa kinh tế và bảo tồn văn hóa truyền thống”.
Những năm gần đây, nhiều chính sách đã đến với dân làng, nhờ đó cuộc sống của người dân cải thiện đáng kể. Theo ông Đinh Trung Ken, bà con làng K6 bây giờ ai cũng được Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Làng K6 kiên cường ngày ấy, giờ là điểm sáng trên vùng núi rừng Vĩnh Kim trong xoá đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hoá của tỉnh Bình Định.
Cuộc sống sung túc, nhiều hộ mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng, những ngôi nhà mới dần mọc lên đã thay đi ngôi bao nhà tranh xập xệ năm nào. Trong những câu chuyện mà người dân ở đây kể cho tôi nghe, có lẽ ấn tượng nhất với tôi là ý chí vượt khó học tập của con em trong làng.
Từ làng, các em học sinh đến trường nơi gần nhất cũng là 6km, nhưng cả làng không có học sinh nào bỏ học, thậm chí có một số em học lên đại hoc. Để con em không thiếu cái chữ, những người lớn thức dậy từ 5 giờ sáng đưa các em đến trường, sau đó đi ra đồng, buổi chiều lại đi đón sớm. Đường xá xa xôi nhưng ước mơ tìm con chữ mong có cuộc sống ấm no hơn ở ngày mai vẫn luôn cháy bỏng.
Nụ cười hạnh phúc của người dân K6 |
Tết này, chính quyền hỗ trợ cho người dân cùng chung vui Tết. Bà con đang bắt tay chuẩn bị cho mùa gieo trồng vụ sau. Một mùa xuân mới đang về với hy vọng. |