Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, từ ngày 1 - 15/1/2025, Việt Nam xuất khẩu gần 270.000 tấn gạo, giá trị đạt 165 triệu USD, tăng hơn 38% về số lượng và tăng khoảng 23% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu gạo Việt Nam được dự báo đạt 7,5 triệu tấn trong năm 2025, giảm so với mức kỷ lục hơn 9 triệu tấn vào năm 2024.
Nhiều doanh nghiệp cũng dự báo, dư địa cho xuất khẩu gạo năm 2025 còn rất ít trong bối cảnh mức nền của năm 2024 vốn đã ở mức cao trong khi có quá nhiều yếu tố bất lợi liên quan đến thị trường, đặc biệt là việc Ấn Độ xuất khẩu gạo trở lại.
Theo Bộ NN-PTNT, đến ngày 20/1, vụ đông xuân 2024 - 2025 tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã gieo cấy đạt 1,462 ha/1,569 triệu ha diện tích kế hoạch. Các địa phương cũng đã bắt đầu thu hoạch khoảng 85.000 ha.
Việc thu mua lúa tại các tỉnh ĐBSCL hiện giao dịch chậm, nông dân chào bán lúa cắt trước Tết nhưng ít người mua, giá một số loại lúa giảm so với tháng trước. Cụ thể: lúa IR 504 (tươi) giảm 700 đồng/kg, dao động từ 5.500 - 5.700 đồng/kg, lúa OM 5451 giảm 700 đồng/kg, dao động từ 5.800 - 6.000 đồng/kg. Nguyên nhân giá lúa giảm là do nguồn cung lúa gạo toàn cầu dồi dào, đặc biệt từ các đối thủ lớn như Ấn Độ và Thái Lan.
Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ, gạo thường có giá từ 15.000 - 17.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 20.000 - 22.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 18.000 - 20.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.500 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 21.500 đồng/kg; gạo Hương Lài 22.000 đồng/kg; gạo thơm Đài Loan 21.000 đồng/kg; gạo Sóc thường dao động ở mốc 18.000 đồng/kg; gạo Sóc Thái giá 21.000 đồng/kg; gạo Nhật giá 22.000 đồng/kg…
Gạo nguyên liệu IR 504 ở mức 7.500 - 7.700 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 từ 9.500 - 9.700 đồng/kg; gạo nguyên liệu OM 380 từ 7.300 - 7.500 đồng/kg, gạo thành phẩm OM 380 dao động ở 8.800 - 9.000 đồng/kg.