| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu gạo lại gặp khó, giá giảm mạnh

Thứ Năm 09/07/2020 , 10:14 (GMT+7)

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm mạnh trong những ngày qua do đầu ra xuất khẩu gặp khó khăn.

Bốc xếp gạo lên tàu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bốc xếp gạo lên tàu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo phản ánh của một số thương nhân xuất khẩu gạo, xuất khẩu gạo của Việt Nam đang chậm hẳn lại. Nguyên nhân là do nhu cầu của thị trường thế giới hiện đang khá trầm lắng. Bởi hồi tháng 3, tháng 4 và tháng 5 vừa qua, khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều nước đã đẩy mạnh nhập khẩu gạo với khối lượng lớn để phòng ngừa khi dịch bệnh kéo dài.

Không chỉ thiếu vắng các đơn hàng mới, nhiều doanh nghiệp cũng đang gặp khó với các đơn hàng đã ký từ trước đó.

Đây là những đơn hàng được ký từ trước khi Việt Nam tạm dừng xuất khẩu gạo từ 0 giờ ngày 24/3 (với những lô gạo chưa đăng ký tờ khai xuất khẩu trước thời điểm trên), rồi sau đó là tiến hành xuất theo hạn ngạch (400 ngàn tấn) trong tháng 4.

Do Việt Nam bất ngờ thay đổi chính sách xuất khẩu, nhiều nhà nhập khẩu nước ngoài, do không thể nhận được gạo từ các nhà xuất khẩu ở Việt Nam, đã chuyển sang mua gạo từ các nguồn cung khác.

Việc Philippines hủy kế hoạch nhập khẩu 300 ngàn tấn gạo cũng tác động ít nhiều tới thị trường lúa gạo ở Việt Nam.

Cụ thể, sau khi thảo luận với Bộ Nông nghiệp Philippines, Tổng công ty Thương mại quốc tế Philippines (PITC) thuộc Bộ Công nghiệp và Thương mại Philippines đã hủy kế hoạch nhập khẩu 300 ngàn tấn gạo thông qua hình thức đấu thầu liên chính phủ (G2G).

Trong một thông báo đưa ra hồi cuối tháng 6, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại Philippines đã cho biết kế hoạch nhập khẩu 300 ngàn tấn gạo dựa trên cơ sở những đánh giá tiêu cực về nguồn cung gạo trên thị trường thế giới, khi mà dịch Covid-19 bùng phát mạnh từ tháng 3-5/2020, đã khiến cho một số nước xuất khẩu lớn kiềm chế việc bán ra bên ngoài nhằm đảm bảo an ninh lương thực.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, thương mại gạo trên thế giới đã bình thường trở lại, nguồn cung gạo ở Philippines cũng đã được bảo đảm (thông tin từ Philippines cho thấy, trong 5 tháng đầu năm nay, nước này đã nhập khẩu 1,086 triệu tấn gạo, trong đó có tới 968 ngàn tấn là từ Việt Nam). Do đó, PITC quyết định hủy bỏ kế hoạch nhập khẩu nói trên.

Giá gạo Ấn Độ rẻ hơn nhiều, cũng đang là một áp lực không nhỏ tới việc xuất khẩu gạo của Việt Nam. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ngày 7/7, trong khi giá gạo 5% tấm của Việt Nam được giao dịch ở mức 453-457 USD/tấn, thì gạo cùng loại của Ấn Độ chỉ từ 378-382 USD/tấn.

Trong 5 tháng đầu năm nay, nước ta đã xuất khẩu được 3,09 triệu tấn, trị giá 1,2 tỷ USD, tăng 12% về lượng và 26,61% về giá trị so cùng kỳ năm ngoái. Philippines là thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam trong 5 tháng đầu năm với lượng xuất khẩu là 1,302 triệu tấn; tiếp đó là Trung Quốc gần 430 ngàn tấn và Malaysia hơn 292 ngàn tấn.

Do gặp khó khăn về đầu ra xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu các loại của Việt Nam đã giảm khá mạnh.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, cho biết, giá gạo xuất khẩu các loại bị giảm trung bình tới 50 USD/tấn. Một lượng gạo không nhỏ đang tồn đọng trong kho của các doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Cũng theo ông Bình, tình hình khó khăn về đầu ra xuất khẩu gạo có thể sẽ còn tiếp diễn trong thời gian không ngắn, khi mà nhu cầu của các nước nhập khẩu hiện vẫn đang thấp.

Đáng lo ngại hơn là do bị đứt gãy chuỗi cung khi chính sách xuất khẩu gạo của Việt Nam đột ngột thay đổi vào cuối tháng 3 và trong tháng 4 năm nay, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam bị mất đi nhiều khách hàng nước ngoài, khi những nhà nhập khẩu này đã chuyển sang tìm kiếm nguồn cung từ các nước khác.

Để khôi phục lại chuỗi cung như trước đó, cần một thời gian không ngắn.

Những yếu tố trên sẽ tác động không nhỏ tới xuất khẩu gạo Việt Nam và thị trường lúa gạo hàng hóa ở Đồng bằng sông Cửu Long trong nửa cuối năm nay, mà trước mắt là vụ hè thu.

Theo nhận định của một số thương nhân ngành gạo, giá lúa gạo vụ hè thu sẽ bị tác động không nhỏ do xuất khẩu gặp khó.

Xem thêm
Giá ca cao thế giới lập kỷ lục mới, tăng hơn 3 lần năm trước

Giá ca cao đã tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay trong ngày 26/3, trong bối cảnh nguồn cung hạn chế ở Tây Phi, nơi chiếm khoảng 70% sản lượng toàn cầu.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

English Champion 2024 - Be Global, Tìm kiếm Nhà Vô Địch toàn quốc

Ngày 28/03/2024, English Champion - cuộc thi tiếng Anh học thuật do iSMART Education tổ chức với chủ đề 'Be Global' hứa hẹn mang đến những trải nghiệm bùng nổ.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất