| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu vượt 10 tỷ USD, ngành thủy sản ghi dấu mốc lịch sử

Chủ Nhật 11/12/2022 , 16:35 (GMT+7)

Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam năm 2022 dự kiến sẽ cán đích 11 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2021. Đây là mốc kỷ lục lịch sử của ngành thuỷ sản Việt Nam.

Tối ngày 10/12 tại TP.HCM, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã tổ chức "Lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD".

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, trong tháng 11/2022, lần đầu tiên kể từ đầu năm, tăng trưởng xuất khẩu thuỷ sản rơi xuống mức âm (giảm hơn 14%) so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt khoảng 780 triệu USD, là mức thấp nhất kể từ Tết Nguyên đán 2022.

Tuy nhiên, lũy kế tới hết tháng 11/2022, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam đạt 10,2 tỷ USD, tăng gần 28% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, đây là lần đầu tiên xuất khẩu thủy sản vượt mốc 10 tỷ USD trong một năm.

xk ts 10 ty

Xuất khẩu thủy sản đã lần đầu tiên vượt mốc 10 tỷ USD. Ảnh: Thanh Sơn.

Đạt được cột mốc quan trọng này là nhờ vào sự tăng trưởng mạnh của xuất khẩu thủy sản 3 quý đầu năm. Sự tăng trưởng đó, trước hết nhờ nhu cầu thị trường phục hồi mạnh tại hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn, nhất là Mỹ, EU và Trung Quốc. Giá thủy sản xuất khẩu tăng cao, trung bình từ 15 - 60% cũng là nguyên nhân quan trọng tạo sự tăng trưởng mạnh trong 3 quý đầu năm

Việc tận dụng hiệu quả lợi thế thuế quan tại thị trường trong khối CPTPP cũng đóng góp không nhỏ vào thành tích xuất khẩu thủy sản, khi xuất khẩu sang các nước CPTPP tăng 30%. Bên cạnh đó là những nguyên nhân khác như các chương trình xúc tiến thương mại kết nối và triển khai trở lại sau Covid-19 giúp cho xuất khẩu tăng mạnh từ tháng 3 đến tháng 8. Nguồn nguyên liệu thủy sản dự trữ khá dồi dào từ cuối năm 2021...

Ngoài cột mốc 10 tỷ USD chung của xuất khẩu thủy sản, xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực cũng đã và sẽ đạt được những cột mốc quan trọng trong năm nay. Như với mặt hàng tôm, đến hến tháng 11 đã lần đầu tiên vượt mốc 4 tỷ USD. Xuất khẩu cá ngừ đến hết tháng 11 đạt 941 triệu USD và đang hướng tới việc lần đầu tiên chạm mốc 1 tỷ USD khi kết thúc năm.

Thị trường Mỹ đóng góp lượng ngoại tệ nhiều nhất cho thuỷ sản Việt Nam với trên 2 tỷ USD tính đến hết tháng 11, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu sang Trung Quốc - Hồng Kông và thị trường Nhật Bản đạt doanh số gần tương đương nhau, khoảng 1,6 tỷ USD. Thị trường EU đến cuối tháng 11 đã mang về cho thuỷ sản Việt Nam trên 1,2 tỷ USD và Hàn Quốc mang về trên 882 triệu USD. Khối các nước CPTPP (bao gồm cả Nhật Bản) chiếm trên 26% tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam với gần 2,7 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm, tăng 34% so với cùng kỳ.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: “Năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản đối mặt với nhiều biến động và khó khăn như hệ luỵ của đại dịch Covid-19, xung đột Nga – Ukraine, lạm phát giá trong nước và ở các thị trường, chi phí sản xuất và kinh doanh tăng mạnh, biến động tỷ giá ngoại tệ…

tt tiến

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định xuất khẩu thủy sản cả năm nay dự kiến đạt 11 tỷ USD. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Trong bối cảnh đó, nhờ kinh tế và môi trường kinh doanh ở Việt Nam ổn định và thuận lợi, các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam đã biến những thách thức thành cơ hội, tận dụng lợi thế của các hiệp định FTA cũng như nhu cầu của thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2022. Kết quả, tính đến hết tháng 11/2022, xuất khẩu thuỷ sản cả nước đã đạt hơn 10 tỷ USD. Dự kiến kết thúc năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sẽ cán đích với con số 11 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2021. Đây là mốc kỷ lục lịch sử ngành thuỷ sản Việt Nam sau hơn 20 năm tham gia vào thị trường thế giới”.

Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, năm 2022, ước tính ngành thuỷ sản chiếm 3% tổng xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam. So với tổng kim ngạch xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước, ngành thuỷ sản đóng góp gần 12% giá trị. Trên bản đồ xuất khẩu thuỷ sản thế giới, Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu lớn thứ 3, chiếm trên 7% thị phần trên thị trường thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc và Na Uy.

Theo VASEP, Việt Nam xuất khẩu trên 180 loài thuỷ sản trong năm 2022. Tính đến hết tháng 11, ngoài cá tra tăng 63% (đạt gần 2,3 tỷ USD), cá ngừ tăng 40% (đạt 941 triệu USD), một số mặt hàng bứt phá mạnh mẽ và chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng doanh số xuất khẩu gồm: Mực tăng 42%, đạt 372 triệu USD, chiếm 3,8% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản; tôm hùm tăng gấp hơn 9 lần, đạt 224 triệu USD, chiếm 2,3%; cá cơm tăng 64% với 164 triệu USD, chiếm 1,7%; cá hồi tăng 37% đạt 277 triệu USD, chiếm 2,3%

Ngoài ra, nhiều loài cá biển nhỏ có giá trị xuất khẩu đạt mức tăng trưởng đột phá tới 3 con số.

Xem thêm
Việt Nam - Indonesia hợp tác thúc đẩy an ninh lương thực

Chiều 19/5, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan hội đàm với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Insdonesia Andi Amran Sulaiman.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tây Ninh đã có thiệt hại do mưa lớn, dông lốc

Cơn mưa lớn chiều các ngày 16/5 và 17/5 đã khiến cho địa bàn tỉnh Tây Ninh có những thiệt hại đầu tiên về của. Rất may không ai bị thương, nguy hiểm tính mạng.

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.