| Hotline: 0983.970.780

Xúc động chuyện đi thi trong những ngày mưa lũ của sĩ tử vùng cao Si Ma Cai

Thứ Ba 26/06/2018 , 14:10 (GMT+7)

Trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, điểm thi huyện Si Ma Cai (Lào Cai) đặt tại Trường THPT số 1 Si Ma Cai có 13 phòng thi với  294 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có tới 98% thí sinh là người dân tộc thiểu số.

Câu chuyện thầy, cô giáo túc trực đón học sinh đi thi trong ngày mưa gió, chăm từng bữa cơm, giấc ngủ cho các sĩ tử trong những ngày thi ở vùng cao Si Ma Cai vô cùng xúc động.
 

Chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ

Ngay từ 6 giờ sáng ngày 24/6/2018, trong khi bầu trời Si Ma Cai vẫn mịt mùng mưa và bao phủ bởi sương mù, thì chuyến ô tô từ Trường THPT số 2 Si Ma Cai đã lăn bánh xuyên qua cơn mưa nặng hạt, đưa 73 học sinh lớp 12 ra thị trấn Si Ma Cai để chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT quốc gia. Khi xe đến Trường THCS thị trấn Si Ma Cai, thì ở đó các thầy cô giáo đã dọn sẵn các phòng bán trú sạch sẽ, đầy đủ chăn màn để giúp các em ổn định chỗ ở trong những ngày thi. Ở đây, các em học sinh được thầy, cô giáo nấu cho những bữa ăn ngon đảm bảo sức khỏe để “vượt vũ môn”.

Chăm lo bữa ăn cho các sĩ tử trong những ngày thi THPT quốc gia 2018

Thầy giáo Cao Xuân Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT số 2 Si Ma Cai cũng là người “ cắm chốt” tại khu bán trú, thường xuyên đôn đốc các thầy, cô giáo khác nắm sĩ số học sinh, chăm lo việc ăn, ở của học sinh thật chu đáo. Thầy Lâm chia sẻ: Trong số 73 học sinh lớp 12 của trường, đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số, có đến 30 học sinh thuộc hộ nghèo, hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, có những gia đình không đủ điều kiện lo tiền đi thi cho con. Để giúp các em vững tâm đi thi, các thầy, cô giáo chủ nhiệm như Phạm Văn Thắng, Nguyễn Mạnh Quang, Nguyễn Thị Dung đã tình nguyện hỗ trợ 7 học sinh tiền ăn ở, sinh hoạt trong những ngày thi, mỗi học sinh 500 nghìn đồng. Ngoài ra, các thầy, cô giáo nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc quản lý học sinh, nắm bắt tâm lý, động viên kịp thời để các em giải tỏa lo lắng, áp lực, hoàn thành tốt các bài thi.

Thí sinh Hảng Thị Tấu được chăm sóc sức khỏe kịp thời

Chiều ngày 24/6/2018, tại khu phòng ở của học sinh Trường THPT số 2 Si Ma Cai, các thầy cô giáo hốt hoảng khi phát hiện một học sinh nữ là em Hảng Thị Tấu, lớp 12A1 bị sốt cao, nằm li bì, tay chân có biểu hiện co giật. Trong khi các cô giáo túc trực chăm sóc học sinh, thì thầy Cao Xuân Lâm khẩn trương liên hệ với cán bộ y tế phục vụ tại hội đồng thi để kịp thời đến thăm khám, kiểm tra sức khỏe, điều trị cho học sinh, xác định em Tấu bị hạ can xi đường huyết. Nhờ được uống thuốc và chăm sóc tốt, nên hai tiếng sau  sức khỏe em Tấu đã dần hồi phục, sáng hôm sau em tự tin bước vào môn thi đầu tiên.

Tuy có điểm thi đặt tại trường, nhưng Trường THPT số 1 Si Ma Cai cũng có 120 thí sinh nhà xa được nhà trường bố trí ở bán trú tại trường trong những ngày thi. Thầy giáo Lồ A Dìn, giáo viên Vật lý, Phó Trưởng Ban quản lý bán trú của trường đã tình nguyện ở lại để quản lý học sinh. Tất bật với việc chọn mua rau xanh, thịt, cá…thật sạch và an toàn để chuẩn bị bữa cơm cho các thí sinh, thầy Dìn cho biết: Các em đi thi rất vất vả, nên thầy cô giáo cùng nhau vào bếp, nấu những món ăn ngon, đủ dinh dưỡng và nóng hổi để các em đảm bảo sức khỏe “ vượt vũ môn”. Sau khi các em kết thúc bữa cơm ngon miệng, thầy cô yên tâm mới yên tâm ngồi vào bàn ăn.
 

Không để thí sinh đến muộn

Trong hai năm qua, câu chuyện thi THPT quốc gia ở huyện vùng cao Si Ma Cai luôn gắn liền với nỗi lo một số học sinh không có mặt đúng giờ ảnh hưởng tới bài thi. Và câu chuyện thầy cô giáo đến tận phòng đón học sinh đi thi cho khỏi muộn giờ từ “ chuyện lạ” đã hóa thành quen. Nhớ lại, trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, khi sắp đến giờ vào phòng thi, thầy cô phát hiện một học sinh vắng mặt và chia nhau đi tìm, thì thấy em này đang ngủ ngon ở…gốc cây. Còn trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, ngay ở môn thi đầu tiên, nếu các thầy cô giáo không đến đón kịp, thì hai thí sinh đã muộn giờ thi do ngủ quên trong phòng. Vì thế, trong kỳ thi năm nay, vấn đề quản lý sĩ số học sinh, nhắc nhở về giờ thi luôn được thầy, cô giáo các trường đặt lên hàng đầu.

Các thầy, cô giáo có mặt từ sáng sớm để nắm sĩ số học sinh

Có mặt tại khu phòng ở của học sinh Trường THPT số 2 Si Ma Cai trong buổi chiều ngày 24/6/2018, trước khi kỳ thi diễn ra một ngày, chúng tôi chứng kiến một câu chuyện xúc động. Sau bữa cơm trưa, đền đầu giờ chiều tất cả các thí sinh đã lên phòng thi để học quy chế và làm các thủ tục cần thiết cho buổi thi đầu tiên vào hôm sau, thì một thí sinh đột nhiên “mất tích”. Thầy giáo Hoàng Ngọc Quyết, Nguyễn Văn Thái trong đội “phản ứng nhanh” tìm mọi cách liên lạc bằng điện thoại với học sinh này nhưng đều vô vọng. Mặc dù trời đang mưa tầm tã, các thầy cô giáo vẫn chia nhau đi khắp các quán điện tử ở thị trấn Si Ma Cai để tìm học sinh. Khi các thầy cô giáo trở về khu nhà bán trú, quần áo, đầu tóc ai nẫy đều sũng nước. Thật may là sau đó em này đã tự về phòng, các thầy cô thở phào nhẹ nhõm, đưa học sinh lên phòng thi làm thủ tục.

Cô giáo Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT Si Ma Cai động viên học sinh sau khi thi xong môn Ngữ văn

Còn trong buổi thi đầu tiên, tại cổng Trường THPT số 1 Si Ma Cai, ngay từ sáng sớm khi thí sinh còn chưa đến thì các thầy, cô giáo Trường THPT số 1, số 2 Si Ma Cai, PTDTNT THCS và THPT Si Ma Cai, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và GDTX Si Ma Cai đã có mặt để kịp thời gọi học sinh đến thi, điện thoại trên tay luôn nóng ran bởi các cuộc gọi, thầy cô giáo đều cố gắng liên lạc với những học sinh chưa đến trường thi, không để em nào vào phòng thi muộn giờ. Còn 15 phút nữa đến giờ vào phòng thi, cô giáo trẻ Phan Thị Khanh, Trường THPT số 1 Si Ma Cai nét mặt lo lắng, đứng ngồi không yên, bấm điện thoại liên tục, chỉ lo một học sinh lớp mình chủ nhiệm đến muộn vì mê chơi điện tử. Ngay cạnh đó, nhiều tình nguyện viên và đội xe ôm miễn phí của Huyện Đoàn Si Ma Cai cũng túc trực sẵn sàng phi xe đi đón thí sinh nếu cần kíp. Khi môn thi chưa kết thúc, các thầy cô giáo đã có mặt tại cổng trường, hồi hộp chờ đợi học sinh ra khỏi phòng thi, động viên những em nào lo lắng về bài thi của mình và nhắc nhở học sinh đến đúng giờ trong buổi thi tiếp theo.

Nhờ những cố gắng, nỗ lực không mệt mỏi đó của các thầy, cô giáo vùng cao Si Ma Cai, mà ngay trong buổi thi đầu tiên là môn Ngữ văn và các môn sau đó là Toán, Tổ hợp các môn Khoa học Tự nhiên, 100% thí sinh tại điểm thi huyện Si Ma Cai đã có mặt đúng giờ, không thí sinh nào đến muộn.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm