| Hotline: 0983.970.780

Xưởng đan len ‘ươm mầm’ những yêu thương

Thứ Ba 22/10/2024 , 09:37 (GMT+7)

QUẢNG NINH Những năm qua, xưởng đan len của chị Đỗ Thùy Linh đã xuất khẩu hàng vạn sản phẩm len thủ công ra nước ngoài, tạo việc làm cho hơn 40 lao động địa phương.

Xưởng đan len của chị Đỗ Thùy Linh có hơn 40 lao động, đa số là người già và người khuyết tật. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Xưởng đan len của chị Đỗ Thùy Linh có hơn 40 lao động, đa số là người già và người khuyết tật. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Chỉ với diện tích khoảng chừng 60m2, ít ai biết rằng, xưởng đan len của chị Đỗ Thùy Linh (xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí, Quảng Ninh) lại là nơi sản xuất ra hàng vạn sản phẩm len thủ công đã được xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên thế giới. Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của mình, chị Linh không khỏi bồi hồi.

“Trước đây, tôi làm giáo viên dạy tiếng Anh ở một trường học trên địa bàn xã Thượng Yên Công. Thế nhưng, với niềm đam mê với những sợi len, tôi đã quyết tâm khởi nghiệp, ban đầu chỉ làm những mẫu đơn giản. May mắn sao năm 2021, thông qua 1 cuộc thi, phiên bản sao la bằng len của tôi vinh dự trở thành món quà lưu niệm cho kỳ SEA Game 31. Sau đó tôi được tham gia một số chương trình do Bộ Công thương tổ chức, từ đó mở ra nhiều cơ hội hợp tác phát triển. Cùng với lợi thế biết tiếng Anh của mình, tôi đã giới thiệu sản phẩm đến với nhiều đối tác, nhất là những đối tác đến từ nước ngoài”, chị Linh cho hay.

Với bước đệm đặc biệt đó, trong năm 2021, chị Linh quyết định thành lập Công ty TNHH Thương mại Linhs Crochet và mở xưởng sản xuất các sản phẩm từ len ngay tại chính quê hương mình. Cũng từ đây, những người yếu thế tại địa phương như người già, người khuyết tật… khó có thể làm các công việc đồng áng nặng nhọc đã được chị Linh giúp đỡ, hướng dẫn và làm quen với công việc đan móc len.

Theo chia sẻ của chị Linh, hiện nay xưởng có khoảng 40 lao động, đại đa số đều là người yếu thế. “Xã Thượng Yên Công là xã vùng sâu, vùng xa của TP Uông Bí, những người yếu thế rất khó để tìm kiếm công việc, họ cũng không đủ sức để trồng trọt, chăn nuôi. Tôi hy vọng rằng từ xưởng len sẽ giúp tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, từ đó ổn định cuộc sống cho người dân và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương”.

Chị Thùy Linh đang hướng dẫn người thợ một số thao tác khi hoàn thiện sản phẩm. Ảnh: Thanh Phương.

Chị Thùy Linh đang hướng dẫn người thợ một số thao tác khi hoàn thiện sản phẩm. Ảnh: Thanh Phương.

Hiện nay, để hoàn thành một sản phẩm len, mỗi người thợ sẽ phụ trách từng công đoạn khác nhau như móc len, nhồi bông, gắn phụ kiện, trang trí… Chính vì thế, mỗi người chỉ cần vài buổi là có thể thành thạo công việc, thực hiện chuẩn chỉ từng công đoạn được giao. Đặc biệt, công việc rất nhẹ nhàng, không đòi hỏi nhiều sức lực nên phù hợp với nhiều đối tượng lao động, đặc biệt là người già hay người khuyết tật.

Trước đây, bà Nguyễn Thị Thanh (78 tuổi, trú tại xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí) làm nông nghiệp, cuộc sống gắn với những cánh đồng lúa. Thế nhưng khi tuổi cao sức yếu, bà rất khó tìm được một công việc phù hợp, nhất là ở địa bàn vùng núi còn nhiều khó khăn. Ngay khi xưởng đan len bắt đầu đi vào hoạt động, bà Thanh đã xin đến làm và được hướng dẫn, giờ đây công việc của bà là nhồi bông vào vỏ len và hoàn thiện sản phẩm.

“Tôi rất vui khi có thể làm việc ở xưởng đan len, công việc ở đây không quá vất vả, nhiều khi tôi say sưa làm mà quên cả giờ về. Làm việc ở đây tôi không chỉ có thêm thu nhập mà còn được gặp gỡ, trò chuyện cùng với nhiều người, từ đó giúp tinh thần trở nên sảng khoái, sức khỏe ngày càng tốt”, bà Thanh chia sẻ.

Tại xưởng đan len, không khí lúc nào cũng vui tươi, rộn rã tiếng nói cười, chuyện trò cùng tinh thần làm việc hăng say. Đến đây, mọi người vừa được làm việc, vừa được chia sẻ cùng nhau những câu chuyện trong đời sống. 

Bà Lý Thị Hải (xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí) bị khuyết tật ở chân, hiện đang là mẹ đơn thân. Đến nay, bà đã gắn bó được với công việc đan len được hơn 2 năm. Trò chuyện cùng chúng tôi, bà Hải tâm sự: “Công việc đan len không quá vất vả, thời gian làm việc lại linh hoạt nên tôi vừa có thể chăm lo gia đình mà vẫn kiếm thêm được thu nhập. Với mức lương hiện nay, tôi có thể trang trải cho cuộc sống hàng ngày”.

Với những người yếu thế, chị Thùy Linh dành ra rất nhiều thời gian và tâm huyết để hướng dẫn, bởi lẽ để có thể giúp họ làm quen với công việc, thời gian sẽ mất gấp 3-4 lần so với người thường. Tuy nhiên, khi đã làm quen, những sản phẩm của họ làm ra đều rất đẹp, có độ chính xác và hoàn thiện cao.

Hiện nay, mức thu nhập của mỗi người lao động khoảng 3 triệu đồng mỗi tháng, tùy theo số lượng của sản phẩm. Ước tính, mỗi tháng xưởng đan len sản xuất ra từ 1.500-2.000 sản phẩm len, xuất khẩu đi các thị trường như Anh, Mỹ, Pháp…

Các sản phẩm len rất đa dạng, trong đó có cả những sản phẩm mang tính cá nhân hóa. Ảnh: Thanh Phương.

Các sản phẩm len rất đa dạng, trong đó có cả những sản phẩm mang tính cá nhân hóa. Ảnh: Thanh Phương.

Để có thể xuất khẩu ra các thị trường lớn, chị Thùy Linh đã mất rất nhiều thời gian để nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm theo các tiêu chuẩn quốc tế. Theo đó, loại len được lựa chọn phải là len milk 125g, sợi cotton, bông nhồi không gây kích ứng và ưu tiên sử dụng các loại phụ kiện gỗ. Đặc biệt đối với mắt thú thì phải có chốt phía trong để tránh việc trẻ nhỏ cho vào mồm, mũi gây ra những ảnh hưởng đáng tiếc đối với sức khỏe.

Khi được hỏi về những kế hoạch trong tương lai, chị Thùy Linh chia sẻ: “Tôi mong muốn có thể quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thông qua những sản phẩm len thủ công. Trong thời gian tới, tôi sẽ nghiên cứu để đẩy mạnh việc bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội để tiếp cận được nhiều tệp khách hàng khác nhau. Cùng với đó, rất hy vọng sau này có thể tạo nên một làng nghề truyền thống tại ngay chính mảnh đất địa phương để phát triển ngành nghề đan len và tạo thêm việc làm cho bà con nông dân”.

Bên cạnh những sản phẩm len truyền thống, chị Thùy Linh còn làm thêm những sản phẩm mang tính cá nhân hóa, theo yêu cầu và sở thích của từng người. Từng sản phẩm được chính tay chị phác họa, lên ý tưởng và thiết kế sao cho vừa đảm bảo tính thẩm mỹ, vừa giống với nguyên mẫu nhất. Sau bước lên ý tưởng, cần phải tính toán và đưa ra được công thức đan chuẩn để người thợ dựa theo đó để làm theo, từ đó đảm bảo chất lượng và sự chính xác cao.

Chính vì vậy, sản phẩm đang ngày càng thu hút được đông đảo khách hàng và nhận được nhiều phản hồi tích cực, mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu ra các thị trường trong và ngoài nước. Thậm chí, nhiều khách hàng nước ngoài còn đến tận xưởng đan len để tham quan và ký kết nhiều hợp đồng hợp tác lớn.

Bà Lý Thị Nhung, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Thượng Yên Công chia sẻ: ”Mô hình đan len của bạn Đỗ Thùy Linh đã mang đến cơ hội việc làm với những đối tượng là bà con nông dân, đặc biệt là người khuyết tật, người già, từng bước giúp họ ổn định cuộc sống. Đặc biệt, đây còn là hình mẫu để các hội viên phụ nữ học hỏi, noi gương. Mới đây, mô hình đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lựa chọn là dự án khởi nghiệp tiêu biểu”.

Xem thêm
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo.

Những vùng đất tiềm năng chờ dòng nước hồ Dầu Tiếng kích hoạt

Dự án thủy lợi chuyển nước từ hồ Dầu Tiếng vượt sông Vàm Cỏ Đông để tưới cho khu vực phía tây con sông này đang được người dân đặt nhiều hy vọng.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giấc mơ lớn trên lòng hồ sông Đà: [Bài cuối] Bán tôm cá 'bán' cả câu chuyện sông Đà

Để đảm bảo tính đa mục tiêu của vùng hồ thủy điện, Hòa Bình tập trung khai thác giá trị thương hiệu cá sông Đà, lấy du lịch làm 'đầu kéo' thủy sản lòng hồ.

Bình luận mới nhất