| Hotline: 0983.970.780

Tây Ninh chủ động 'bơm vốn' hoàn thiện dự án chuyển nước hồ Dầu Tiếng

Thứ Hai 21/10/2024 , 13:38 (GMT+7)

Tây Ninh đang chờ vốn trung ương cho giai đoạn 2 công trình chuyển nước hồ Dầu Tiếng qua sông Vàm Cỏ Đông. Trong khi chờ đợi, tỉnh đã có những giải pháp chủ động.

Công trình chuyển nước hồ Dầu Tiếng qua sông Vàm Cỏ Đông. Ảnh: Trần Trung.

Công trình chuyển nước hồ Dầu Tiếng qua sông Vàm Cỏ Đông. Ảnh: Trần Trung.

Dự án thủy lợi tưới tiêu phía Tây sông Vàm Cỏ Đông (chuyển nước hồ Dầu Tiếng qua sông Vàm Cỏ Đông) đã hoàn thành đầu tư xây dựng giai đoạn 1 vào cuối năm 2022. Tuy chưa hoàn thiện, nhưng dự án đã mang tới sự phấn khởi và niềm hy vọng cho người dân ở phía Tây sông Vàm Cỏ Đông thuộc các huyện Châu Thành và Bến Cầu.

Hiện nay, do mới hoàn thành giai đoạn 1, các tuyến kênh đã xây dựng đang chủ yếu là kênh đất, nên còn một số hạn chế như thất thoát nước, tốc độ dòng chảy chậm, dễ xảy ra xói lở, ảnh hưởng đến việc cấp nước kịp thời.

Ông Nguyễn Minh Lý, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Thành, cho biết, do dự án mới hoàn thành giai đoạn 1, nên mới chỉ có kênh chuyển nước, kênh chính, kênh cấp một. Vì vậy, việc lấy nước cho các vùng ruộng thấp ở các xã phía Tây sông Vàm Cỏ Đông thuộc huyện Châu Thành đang có những khó khăn. Do đó, huyện Châu Thành mong muốn được các cấp, các ngành tiến hành đầu tư giai đoạn 2, trong đó xây dựng thêm những tuyến kênh cấp hai và cấp ba để nông dân lấy nước vào đồng ruộng được dễ dàng hơn.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh, tỉnh đang đề xuất đầu tư giai đoạn 2 với kinh phí dự kiến khoảng 600 tỷ đồng, trong đó, 100 tỷ đồng từ ngân sách địa phương, 500 tỷ đồng từ nguồn vốn trung ương.

Trong giai đoạn 2 của dự án thủy lợi tưới tiêu phía Tây sông Vàm Cỏ Đông, Tây Ninh sẽ tiến hành bê tông hóa các kênh đã xây dựng trong giai đoạn 1 để giảm thất thoát nước và khắc phục các hạn chế của kênh đất, đồng thời làm thêm một số kênh nhánh để đưa nước đến các vùng tưới một cách thuận lợi và dễ dàng.

Sông Vàm Cỏ Đông. Ảnh: Trần Trung.

Sông Vàm Cỏ Đông. Ảnh: Trần Trung.

Vấn đề khó khăn nhất hiện nay trong việc triển khai giai đoạn 2 của dự án là nguồn vốn. Tỉnh đã bố trí được vốn đối ứng từ ngân sách địa phương là 100 tỷ đồng, nhưng 500 tỷ đồng từ ngân sách trung ương hiện vẫn đang phải chờ.

Điều đáng chú ý là Tây Ninh không thụ động “ngồi” chờ nguồn vốn trung ương. Ông Nguyễn Đình Xuân cho biết, tỉnh đang sử dụng phần vốn đối ứng của địa phương để tiến hành thực hiện những đoạn xung yếu nhất của hệ thống chuyển nước hồ Dầu Tiếng qua sông Vàm Cỏ Đông. Từ nay đến cuối năm, ngành nông nghiệp Tây Ninh đang tiến hành gia cố, bê tông hóa để đảm bảo cho công tác duy tu, bảo dưỡng được dễ dàng.

Việc gia cố, bê tông hóa các kênh đã xây dựng còn có mục đích quan trọng là làm giảm lượng nước bị thất thoát. Vì có những thời điểm dùng không hết nước, nhưng lại có những lúc khó khăn về nguồn nước. Do đó, cần phải tiết kiệm nước thông qua cách sử dụng nước hiệu quả và giảm thất thoát bằng biện pháp gia cố, bê tông hóa kênh mương.

Sau khi đã tiến hành bê tông hóa các tuyến kênh hiện có, sẽ xem xét tiến hành đầu tư những kênh nhỏ để đưa nước đến những diện tích sản xuất nông nghiệp nằm ở những vùng sâu, vùng xa, nơi không có kênh lớn đi qua.

Những kênh này không nằm trong dự án lớn, mà trong quá trình vận hành và theo nhu cầu của người dân, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Tây Ninh sẽ đầu tư thêm. Bên cạnh đó, tỉnh Tây Ninh cũng sẽ có chính sách xã hội hóa trong đầu tư xây dựng những kênh nhỏ. Tức là người dân có thể tự bỏ tiền ra đầu tư với sự hỗ trợ một phần kinh phí từ Nhà nước để xây dựng những kênh nhỏ đưa nước tới đồng ruộng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của bà con.

Xem thêm
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nam Định, Thái Bình sử dụng cát biển san lấp gần 17km nền đường cao tốc

Hai tỉnh Nam Định, Thái Bình sẽ sử dụng hơn 5 triệu m3 cát biển làm vật liệu san lấp gần 17km nền đường cao tốc ven biển đoạn qua địa bàn.

Giấc mơ lớn trên lòng hồ sông Đà: [Bài cuối] Bán tôm cá 'bán' cả câu chuyện sông Đà

Để đảm bảo tính đa mục tiêu của vùng hồ thủy điện, Hòa Bình tập trung khai thác giá trị thương hiệu cá sông Đà, lấy du lịch làm 'đầu kéo' thủy sản lòng hồ.

Bình luận mới nhất