| Hotline: 0983.970.780

Xuống đồng chăm sóc lúa hè thu giữa nắng nóng gay gắt

Thứ Hai 17/06/2024 , 15:20 (GMT+7)

HÀ TĨNH Những ngày này tại Hà Tĩnh nắng nóng gay gắt, tuy nhiên nông dân vẫn tích cực xuống đồng tỉa dặm, chăm sóc lúa hè thu...

Những ngày này, mặc dù thời tiết nắng nóng gay gắt nhưng bà con nông dân Hà Tĩnh vẫn tích cực ra đồng chăm sóc lúa vụ hè thu. Bên cạnh tỉa dặm đảm bảo mật độ, giúp lúa đẻ nhánh và phát triển tốt, bà con nông dân tiến hành bón thúc và phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa. 

Nông dân Hà Tĩnh tranh thủ lúc sáng sớm hoặc chiều mát ra đồng tỉa dặm lúa hè thu. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Nông dân Hà Tĩnh tranh thủ lúc sáng sớm hoặc chiều mát ra đồng tỉa dặm lúa hè thu. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Vụ hè thu năm 2024, gia đình bà Đặng Thị Huệ tại thôn Phúc Lộc, xã Việt Tiến (Thạch Hà, Hà Tĩnh) gieo thẳng hơn 5 sào lúa Khang dân 18. Thời điểm này, bà Huệ bắt đầu tỉa dặm để đảm bảo mật độ lúa theo khuyến cáo của ngành chuyên môn. Bà Huệ cho biết: "Do sản xuất vụ hè thu đúng lịch thời vụ cùng với thời tiết sau khi gieo thuận lợi nên lúa bén rễ, phát triển nhanh. Chúng tôi chỉ cần tỉa dặm vài ngày là xong và tiến hành bón thúc đợt 1 cho lúa".

Trên cánh đồng xã Việt Tiến những ngày này, bà con đang tích cực tỉa dặm, bón thúc cho lúa. Bà Nguyễn Thị Lan (thôn Lộc Thọ, xã Việt Tiến) cho biết: “Gia đình tôi gieo hơn 10 sào giống lúa Xuân Mai và Khang dân 18. Do gieo vụ hè thu sớm nên đến nay gia đình tôi đã hoàn thành việc tỉa dặm, hiện đang tập trung bón thúc cho lúa. Những ngày qua thời tiết nắng nóng gay gắt nên bà con thường tranh thủ ra đồng từ sáng sớm hoặc từ 17h chiều đến tối để tránh nóng".

Theo Phòng NN-PTNT huyện Thạch Hà, vụ hè thu 2024, toàn huyện sản xuất hơn 7.000ha lúa. Hiện lúa hè thu trên địa bàn huyện đang bước vào thời kỳ phát triển, đẻ nhánh. Huyện đang tập trung chỉ đạo các địa phương phối hợp với các đơn vị thủy nông tổ chức điều tiết, phân phối nước hợp lý, đảm bảo đủ nguồn nước cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, giúp nông dân hoàn thành việc tỉa dặm, bón thúc theo khung lịch mà ngành chuyên môn đã khuyến cáo.

Lúa hè thu hiện phát triển tốt, nông dân Hà Tĩnh đang tiến hành bón thúc đợt 1. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Lúa hè thu hiện phát triển tốt, nông dân Hà Tĩnh đang tiến hành bón thúc đợt 1. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Tranh thủ nguồn nước từ các công trình thủy lợi đổ về, những ngày qua, bà con nông dân huyện Can Lộc cũng đang tích cực chăm sóc lúa hè thu dưới thời tiết nắng nóng. Chị Nguyễn Thị Thu tại thôn Nhân Phong, xã Gia Hanh (huyện Can Lộc) chia sẻ: “Gia đình tôi sản xuất hơn 8 sào lúa, chủ yếu là Nếp 98 và Khang dân 18. Hiện lúa đã lên được 4 - 5 lá, tôi chủ động duy trì mực nước từ 1 - 2cm để cây bén rễ, phát triển tốt. Đợt này do lúa bắt đầu phát triển mạnh, bộ lá non, thời tiết lại nắng nóng nên một số diện tích lúa đã xuất hiện sâu cuốn lá nhỏ, gia đình tôi thường xuyên theo dõi để có biện pháp chăm sóc và phòng trừ kịp thời”.

Vụ hè thu 2024, Hà Tĩnh gieo cấy hơn 44.000ha lúa, với các giống lúa cho năng suất, chất lượng cao, chống chịu hạn tốt như: Nếp 98, Hương Thơm số 1, BQ, Khang dân đột biến, Khang dân 18, Xuân Mai, Bắc Thịnh, Hà Phát 3, Thiên ưu 8...

Để đáp ứng nguồn nước cho kỳ tỉa dặm, bón thúc đầu tiên của vụ hè thu, Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh đã chỉ đạo các công ty thủy nông có phương án chủ động tích trữ nước tại các hồ, đập, công trình thủy lợi. Đồng thời, tiến hành điều tiết nước hợp lý, chủ động phân bổ về các vùng tưới.

Nông dân tích cực bơm nước vào ruộng, vệ sinh cỏ bờ thừa. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Nông dân tích cực bơm nước vào ruộng, vệ sinh cỏ bờ thừa. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Các công ty thủy nông trên địa bàn Hà Tĩnh đã mở tưới đợt 2 từ đầu tháng 6/2024, trong đó ưu tiên tưới vùng xa, cao trước; tổ chức ép nước về các xã cuối kênh đảm bảo sản xuất. Ngoài tra, các đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức chia sẻ nguồn nước, thường xuyên thu vớt rác, bèo, tạo dòng chảy thông thoáng để bơm tối đa nước tưới về ruộng.

Theo khuyến cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh, giai đoạn đẻ nhánh, cây lúa có nhu cầu cao về nước tưới và dinh dưỡng. Tuy nhiên, bà con cần đảm bảo mực nước hợp lý (2 - 3cm) và bón phân với lượng vừa đủ. Sau khi hoàn thành công đoạn tỉa dặm, bà con thực hiện bón thúc đợt 1 các loại phân như NPK, đạm, kali... để đảm bảo cung cấp dinh dưỡng cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt.

Cùng với đó, thời điểm này lúa phát triển mạnh bộ lá, trở thành đối tượng tấn công của một số loại sâu bệnh hại như bọ trĩ, sâu cuốn lá nhỏ, sâu keo… Bởi vậy, bà con cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh và chuột phá hại...

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.