| Hotline: 0983.970.780

Xuống giống sớm để tránh hạn, mặn

Thứ Ba 12/11/2019 , 14:05 (GMT+7)

ĐBSCL đang vào vụ gieo sạ vụ lúa ĐX 2019-2020. Nhiều địa phương vùng ven biển khuyến cáo nông dân xuống giống sớm hơn cùng kỳ hằng năm để chủ động phòng tránh hạn, mặn xâm nhập sớm.

18-16-35_thu_truong_le_quoc_donh_cung_don_cong_tc_thm_dong_lu_dx_som_o_h_luu_song_hu_-_nh_hd
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá cao việc chủ động xuống giống sớm ở ĐBSCL.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh dẫn đầu đoàn công tác của Bộ NN-PTNT vừa có chuyến đi kiểm tra SX lúa dọc tuyến Nam sông Hậu.

Những cánh đồng tiếp nối vùng đất phù sa ngọt, lúa ĐX sớm trải dài theo tuyến đê ven biển các huyện Long Phú, Trần Đề đến thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đã lên xanh mượt.

Những năm qua vùng ven biển Sóc Trăng có 15.000 ha lúa ĐX có nguy cơ cao bị hạn, mặn đến sớm gây thiệt hại. Vụ này tỉnh Sóc Trăng khẩn trương thực hiện các biện pháp trữ nước ngọt, nạo vét kênh dẫn nước nội đồng. Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT Sóc Trăng điều chỉnh lịch thời vụ, khuyến cáo nông dân xuống giống sớm hơn hằng năm 15-30 ngày.

Hằng năm độ mặn xâm nhập đạt cao nhất vào tháng 2, tháng 3 trên vùng lúa có nguy cơ bị thiệt hại cao. Hiện nông dân đã xuống giống sớm từ đầu tháng 11, cố gắng thu hoạch trước Tết Nguyên đán để né được hạn mặn.

Ông Nguyễn Thành Phước, Chi  cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Sóc Trăng cho biết, vụ ĐX năm nay diện tích lúa xuống giống sớm của toàn tỉnh trên 23.000 ha. Trong đó Long Phú - Tiếp Nhựt là vùng lúa 2 vụ đã xuống giống khoảng 11.500 ha. Đến nay tỉnh đã xuống giống hơn 27.400 ha, còn lại do một số vùng trũng nông dân chưa xuống giống được.

Qua chuyến đi thăm đồng, kiểm tra tình hình thực tế tại Sóc Trăng, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng: Bà con nông dân rất chủ động trong sản xuất để phòng tránh bắt lợi thời tiết, dịch hại nên tuân thủ đúng theo khuyến cáo lịch thời vụ của địa phương và chủ trương của Bộ NN-PTNT. Trên phạm vi rộng toàn vùng ĐBSCL, vụ ĐX năm nay nông dân xuống giống sớm trên 550.000 ha, tăng 30% diện tích so cùng kỳ năm 2018.

Thứ trưởng chỉ đạo các địa phương khuyến khích nông dân chọn sử dụng giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao, cố gắng toàn vùng xuống giống sớm, đến hết tháng 11 đạt khoảng 1,2 triệu ha và kết thúc giai đoạn xuống giống trong tháng 12/2019. Như vậy mới có thể đảm bảo lịch thời vụ tốt, né tránh được hạn, mặn.

Bên cạnh đó, các địa phương cần tích trữ nước ngọt, sử dụng nước tiết kiệm để đảm bảo đủ lượng nước ngọt ổn định phục vụ SX và đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt. Cán bộ thủy lợi địa phương tiếp tục rà soát, duy tu sửa chữa công trình hư hỏng, xuống cấp. Đồng thời vận hành tốt hệ thống cống phù hợp để có biện pháp tích trữ nguồn nước ngọt, ngăn mặn. Thường xuyên kiểm tra độ mặn tại các cửa sông, kênh rạch, thông báo trên các phương tiện truyền thông...

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.