Bệnh nhân nam H.V.T, sinh năm 1974, ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ khám bệnh tổng quát tình cờ phát hiện u nhầy tại địa phương sau đó chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ nhập viện cấp cứu. Kết quả siêu âm tim, u nhầy nhĩ phải kích thước 39x39x52mm đồng nhất, tròn đều, có cuốn, chiếm gần trọn nhĩ phải, u rất di động. Bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp.
Để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, kiểm soát được tai biến, hạn chế biến chứng có thể xảy ra trong và sau phẫu thuật thì vai trò rất lớn thuộc về công tác chuẩn bị trước mổ, đặc biệt bệnh nhân mổ tim cấp cứu. Bệnh nhân cùng lúc phải thực hiện nhiều xét nghiệm cấp cứu trước phẫu thuật như huyết học, sinh hóa, miễn dịch, siêu âm mạch máu, siêu âm bụng, chụp cắt lớp vi tính có cản quang ngực, bụng, chụp mạch vành… dự trù máu và chế phẩm máu và đặc biệt là việc huy động cùng lúc nhiều ê kíp phẫu thuật viên, gây mê, hồi sức tim, tuần hoàn ngoài cơ thể, bác sĩ nội khoa.
Ê-kíp phẫu thuật do BSCKII Lâm Việt Triều, Trưởng Khoa Phẫu thuật tim thực hiện ngay trong đêm, kết quả ghi nhận khối u có cuốn bám vào thành bên nhĩ phải, gần lỗ đổ tĩnh mạch chủ dưới, kích thước 50x40x30mm, mật độ u bở, nhiều múi, van ba lá hở do dãn vòng van. Tiến hành lấy trọn u kèm cuống, tái tạo một phần thành bên nhĩ phải, sửa van ba lá.
Phẫu thuật thành công sau 3 giờ, ca phẫu thuật kết thúc lúc 3 giờ sáng. Hiện tại bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc được, dấu hiệu sinh tồn ổn định, đang được theo dõi và điều trị tại khoa Phẫu thuật tim. Sau mổ bệnh nhân cần được tái khám định kỳ và siêu âm tim hàng năm để phát hiện u tái phát.
Theo BSCKII. Lâm Việt Triều, u nhầy (Myxoma) là loại u nguyên phát ở tim thường gặp nhất cũng chỉ chiếm tỷ lệ 0,0017% trong dân số chung, khối u có thể tồn tại và phát triển rất lâu trong cơ thể bệnh nhân. Ở ca bệnh này, u nhĩ phải rất lớn, thuộc loại u nhầy khổng lồ, chiếm toàn bộ buồng nhĩ phải, được phát hiện tình cờ khi kiểm tra sức khỏe tổng quát.
Ngoài ra, mô u nhầy rất bở, được giữ lại bằng cuống u nên có khả năng các mảnh mô bong ra hoặc khối u nhầy bị vỡ ra, từ đó di chuyển vào dòng máu và có thể gây thuyên tắc tại các mạch máu trên khắp cơ thể, đưa đến các biến chứng nguy hiểm như nhồi máu não, thuyên tắc phổi, nhồi máu cơ tim, tắc động mạch nuôi ruột, thận, hai chân.
Phương pháp điều trị u nhầy nhĩ trái là phẫu thuật cắt bỏ khối u. Bệnh nhân sau khi chẩn đoán có khối u nhầy nhĩ sẽ được tiến hành phẫu thuật cấp cứu để giảm thiểu nguy cơ khối u phát triển gây đột tử cho bệnh nhân bất cứ lúc nào.