| Hotline: 0983.970.780

Xuyên Sơn - Khu đô thị kiểu mẫu giữa núi rừng Thần Sa

Thứ Hai 22/11/2021 , 14:17 (GMT+7)

Thái Nguyên Từ một bản nghèo bị cô lập giữa núi rừng, chỉ trong 10 năm Xuyên Sơn đã bắt kịp với thế giới hiện đại. Có điện, có đường, người dân trong xóm đã tậu ôtô...

Lột xác!

Xóm Xuyên Sơn, xã Thần Sa! Cái địa danh ấy thoạt nghe qua đã thấy toát lên sự hoang vu, hẻo lánh. Xuyên Sơn nghĩa là phải băng qua núi rừng. Là không có đường. Chỉ có thể đi bộ cheo leo trên sườn núi.

Xóm Xuyên Sơn cũ khi vẫn còn nhiều khó khăn chồng chất.

Xóm Xuyên Sơn cũ khi vẫn còn nhiều khó khăn chồng chất.

Người dân xóm Xuyên Sơn vẫn còn nhớ như in cái thời muốn về Thành phố thì phải vác xe đạp trên vai, leo núi từ nhà ra đến tận Cúc Đường, mất 20 km thì mới có thể ngồi lên yên xe để đạp. Nằm giữa núi rừng, sâu xa là thế, nên trước đây người dân trong xóm Xuyên Sơn sống theo kiểu tự cung tự cấp. Làm nhà tự xẻ gỗ ở trên rừng. Lợp ngói cũng tự xắn đất đổ khuôn, tự nung. Những thứ không thể làm ra, từ cái kim, sợi chỉ hay gói mì tôm chuyển từ thành phố vào đến bản đều có giá đắt gấp đôi. Nên sử dụng rất phải tằn tiện!

Cuộc sống của người dân xóm Xuyên Sơn chỉ bắt đầu thay đổi từ khi có công ty Thăng Long về hoạt động trên địa bàn xã Thần Sa. Đầu tiên là điện lưới theo công ty về đến bản thay thế cho các máy thủy điện hộ gia đình phập phù. Điện lưới khỏe giúp được bà con rất nhiều trong sản xuất và đời sống sinh hoạt hàng ngày.

Kể từ năm 2008 đến nay đã tròn 13 năm, người dân xóm Xuyên Sơn sử dụng điện do công ty Thăng Long tài trợ miễn phí. Để đảm bảo nhân dân được sử dụng điện ổn định, công ty Thăng Long còn đầu tư riêng 01 trạm biến áp cho xóm Xuyên Sơn. Không phải dùng chung trạm với đơn vị. Nhờ có điện, đời sống của người dân đã được cải thiện lên rất nhiều.

Nhưng cái lợi lớn nhất thực sự làm thay đổi cuộc đời của các hộ dân xóm Xuyên Sơn đó chính là “con đường”. Chính vì không có đường nên xóm Xuyên Sơn bị cô lập giữa rừng trong suốt mấy chục năm. Cư dân trong xóm không thể tiếp cận với nền văn minh, khó khăn trong trao đổi hàng hóa với cộng đồng. Khi cả thế giới có thể hiển hiện trên một mặt phẳng của chiếc điện thoại thông minh, của băng thông internet thì người dân xóm Xuyên Sơn, xã Thần Sa vẫn bị bủa vây, cách ly bởi núi rừng. Nhận thức rõ được ý nghĩa, sự cần thiết của con đường nên cư dân xóm Xuyên Sơn cùng chính quyền xã Thần Sa đã đề nghị công ty Thăng Long tài trợ mở đường vào bản.

Đường bê tông nông thôn mới chạy thẳng vào xóm Xuyên Sơn.

Đường bê tông nông thôn mới chạy thẳng vào xóm Xuyên Sơn.

Khi con đường bê tông chạy thẳng tắp vào đến cửa nhà thì cũng là lúc xóm Xuyên Sơn thực sự “lột xác”. Cột sóng internet theo con đường đã mang đến thật nhiều thông tin hữu ích. Thanh niên trong xóm theo con đường tìm ra thành phố làm công nhân, có công ăn việc làm, có tiền. Cuộc sống không còn phải phụ thuộc vào những buổi đi rừng, bữa no, bữa đói nữa.

Nhà nghèo, nhà neo người mà gặp khó khăn thì lại được công ty hỗ trợ cho nuôi bò sinh sản lấy giẽ, khi bò đẻ con thì được giữ lại làm vốn rồi chuyển bò cái sinh sản cho hộ nghèo khác.

Rồi người từ dưới xuôi lên kết nối giao thương. Cũng có những người bén duyên phận nên ở lại dựng vợ gả chồng. Người xuôi mang lên những nét văn hóa mới, hiện đại, bình đẳng. Con gái dưới xuôi không chấp nhận  "hủ tục" vợ thì lăn lưng trên đồng, còn chồng chỉ nằm nhà uống rượu. Vậy nên, đàn ông trong bản cũng phải học cách chia sẻ, gánh vác công việc. ”Thuận vợ, thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn”, vợ chồng cùng bảo ban nhau làm ăn nên lại càng có của ăn, của để. Cứ thế, xóm Xuyên Sơn mỗi lúc một đổi thay. Không còn câu chuyện vác chiếc xe đạp khi xưa để ra phố thị nữa mà nhà nhà đều mua xe máy.

Ông Lê Văn Tiến còn nhớ như in nhưng ngày vác xe đạp 20 km để tới trường

Ông Lê Văn Tiến còn nhớ như in nhưng ngày vác xe đạp 20 km để tới trường

Hai năm gần đây, trong bản đã có người mua ô tô. Ông Lê Văn Tiến, người thường phải vác chiếc xe đạp Phượng Hoàng năm xưa ra tận Cúc Đường để đi học trường Dân tộc nội trú dưới Thành phố Thái nguyên nay cũng chính là người đầu tiên ở xóm Xuân Sơn mua ô tô. Một chiếc Ford Ranger địa hình, cáu cạnh!

Với ông Tiến, cảm giác ngồi ô tô đạp lút ga trên con đường bê tông rời khỏi bản mới thật huyền diệu, ngọt ngào. Thật khó có thể tin nổi, từ một bản làng nghèo, đói, bị cô lập chỉ trong hơn 10 năm Xuyên Sơn đã hòa nhập, vươn lên sánh ngang với những vùng nông thôn miền núi khác. Nhưng chưa hết, chỉ vài tháng nữa thôi Xuyên Sơn không chỉ tiến bằng, mà chắc chắn sẽ còn tiến xa hơn rất nhiều….

Bản “ mẫu” giữa đại ngàn

Toàn cảnh khu dân cư mới xóm Xuyên Sơn.

Toàn cảnh khu dân cư mới xóm Xuyên Sơn.

Mấy năm trước, không ai có thể tưởng tượng ở giữa núi rừng Thần Sa sẽ mọc lên một khu dân cư hiện đại được quy hoạch bài bản với đầy đủ hạ tầng: điện, đường, trường học, nhà văn hóa, khuôn viên cây xanh, bên hồ nước rộng hàng chục ha… Tại đây, mỗi căn hộ được thiết kế phân lô rộng 400 mét vuông, tựa như lô biệt thự trong khu đô thị “kiểu mẫu” có tầm nhìn “ view” hồ trị giá hàng chục tỉ ở ngoài Thành phố.

Vậy mà, khu dân cư “kiểu mẫu” ấy đã hình thành và đang chính thức đón những cư dân của xóm Xuyên Sơn, xã Thần Sa vào nơi ở mới. Đây thực chất là khu tái định cư mà công ty Thăng Long đứng ra hỗ trợ làm hạ tầng quy hoạch. Đến nay đã có 32/40 hộ nhận đất và đang gấp rút dựng lại nhà để kịp chuyển vào trước Tết Nguyên Đán.

Sớm nhận đất tái định cư, gia đình chị Nông Thị Hoa, đã chuyển vào nơi ở mới được 3 tháng. Vẫn là cốt nhà cũ chuyển lên, nhưng “tổ ấm” mới của gia đình chị sau khi cải tạo lại trở lên “lộng lẫy”, khang trang hơn rất nhiều. Nhà sàn ở khu dân cư sẽ khác hoàn toàn nhà sàn trên núi. Gọi là nhà sàn thôi nhưng xung quanh có tường bao, có rãnh thoát nước, có quy hoạch vườn rau trong nhà gọn gàng. Không còn cảnh nuôi trâu, bò dưới gầm sàn nữa. Mà nhà sàn của chị Hoa bây giờ giống hệt nhà khung gỗ dưới xuôi. Toàn bộ diện tích dưới gầm sàn được xây quây thành nhà ở chính đầy đủ công năng, phòng khách lát gạch men trắng, 2 phòng ngủ, khu nhà bếp, khu vệ sinh… Tất cả đều sang bóng như khách sạn. Phía trên, gia đình vẫn giữ không gian nhà truyền thống, kết cấu mở, luôn sẵn sàng cho các hoạt động cộng đồng.

Nhà mới của chị Nông Thị Hoa tại khu tái định cư sáng bóng như khách sạn.

Nhà mới của chị Nông Thị Hoa tại khu tái định cư sáng bóng như khách sạn.

Chị Hoa cho biết, mọi người trong gia đình đều rất hài lòng với nơi ở mới vì thấy rõ sự văn minh, sạch sẽ. Hơn nữa, không gian sử dụng cũng rộng hơn rất nhiều. Bởi trước kia, cũng nếp nhà sàn này gia đình của chị hầu như chỉ ở được tầng trên. Nay, diện tích 400 mét vuông đất không gia đình không dùng hết vì nhà sàn đã tận dụng thành hai tầng. Anh em con chú, bác trong gia đình nhìn thấy nhà chị Hoa đẹp, tiện lợi nên cũng rậm rịch chuyển theo, đến nay hình thành cả một dãy nhà san sát, toàn họ hàng ở cạnh nhau, rất vui vẻ, đầm ấm.

Là người năng động, luôn đi đầu trong các phong trào ở địa phương nhưng lần chuyển nhà này ông Tiến lại tỏ ra hơi chùng chình. Không phải ông không nhìn thấy cái sự tiện lợi, văn minh của khu dân cư mới. Nhưng ở cái tuổi của ông, thì căn nhà cũ đang còn có quá nhiều kỉ niệm gắn bó. Căn nhà của bố ông dựng lên từ cái thời mà ông còn là một đứa trẻ, bị sai thổi lửa toét mắt để nấu cơm nuôi thợ xẻ gỗ. Mỗi cột gỗ, mỗi vỉ kèo dựng lên đều là niềm vui, tự hào của gia đình, nó ăn sâu vào tiềm thức nên ông chưa nỡ thay đổi. Biết rằng rồi cũng sẽ ra đi nhưng ông vẫn đang cố níu kéo kỉ niệm đẹp với mảnh đất này, ngôi nhà này thêm một lần giỗ bố.

Sang năm chuyển nhà, gia đình ông Tiến sẽ thực sự hòa nhập vào bước chuyển mình mới, mạnh mẽ hơn rất nhiều của xóm Xuyên Sơn. Xóm núi Xuyên Sơn hôm nay đã bắt đầu có hàng quán, dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp. Chỉ nay mai thôi, khi trường học được xây dựng và đi vào hoạt động thì chắc chắn Xuyên Sơn sẽ trở thành  khu dân cư kiểu mẫu, là "trung tâm" của cụm 3 xóm Xuyên Sơn, Ngọc Sơn và Tân Kim.

Chính sách của Đảng và Nhà nước cùng với sự hỗ trợ của Công ty Thăng Long đã giúp Xuyên sơn chuyển mình từ một bản nghèo trở thành khu dân cư văn minh. Tuy nhiên, xóm Xuyên Sơn còn phát triển, tiến xa đến đâu cũng phải phụ thuộc vào sự nỗ lực phấn đấu của mỗi hộ dân trong xóm.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm