| Hotline: 0983.970.780

'Ý Đảng, lòng dân' xây nên một nông thôn mới bền vững

Thứ Tư 25/09/2019 , 09:05 (GMT+7)

Chẳng cần khoa trương, bây giờ bất kỳ ai đến các vùng nông thôn của tỉnh Hà Tĩnh thăm dò về sự hài lòng của người dân đối với phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), tôi dám chắc có đến trên dưới 90% bà con sẽ gật đầu khen ngợi.

09-40-05_nh1
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Trưởng bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao tiêu chí 20 của Hà Tĩnh.

Thành quả bền vững này được thổi bùng từ ngọn lửa cách mạng “ý Đảng, lòng dân”.
 

Tăng từ 3,5 tiêu chí/xã lên 18,3 tiêu chí/xã

Còn nhớ những năm 2010, 2011, nhắc đến khái niệm “nông thôn mới” ngay cán bộ tỉnh, huyện còn bỡ ngỡ, mông lung chứ chưa nói đến cán bộ xã, thôn và người dân. Lúc bấy giờ, Hà Tĩnh đang là một trong những tỉnh nằm trong top nghèo nhất của cả nước, xuất phát điểm thấp, bình quân mới đạt 3,5 tiêu chí/xã (toàn quốc 4,7); có 183 xã đạt dưới 5 tiêu chí, trong đó có 20 xã không đạt tiêu chí nào; không có xã đạt trên 10 tiêu chí; tỉ lệ hộ nghèo lên đến 23,8% (toàn quốc 17,4%); thu nhập bình quân đầu người 8,46 triệu đồng/người/năm, trong khi toàn quốc đã đạt 12,8 triệu đồng.

Chân ướt chân ráo thực hiện một Chương trình MTQG đòi hỏi sự đóng góp lớn về công sức, tiền bạc của người dân khiến cả hệ thống chính trị địa phương rối như tơ vò, không biết phải bắt đầu từ đâu, làm sao để thay đổi nhận thức cho người dân từ trông chờ, ỷ lại sang tự nguyện, xung phong…

Rồi những cuộc họp Ban chỉ đạo các cấp ra đời, đích thân Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh lấy ngày thứ 7, chủ nhật làm ngày “nông thôn mới”, xuống cơ sở “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn người dân cách xây dựng mô hình kinh tế, chỉnh trang vườn hộ, phát triển các phong trào văn hóa, thể dục thể thao, góp phần nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần.

Mưa dầm thấm lâu, những nỗ lực của Ban chỉ đạo các cấp đã từng bước thay đổi nhận thức “thâm căn cố đế” của người dân. Bà con bắt đầu tự nguyện hiến đất, góp công mở đường, góp tiền xây nhà văn hóa thôn, xây kênh mương thủy lợi…, đưa các xã vươn lên đạt chuẩn NTM rồi đến NTM nâng cao.

Đến thời điểm này, các chỉ tiêu về xây dựng NTM của Hà Tĩnh đều đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra, đến năm 2020 bình quân mỗi xã đạt 18,3 tiêu chí (tăng 14,8 tiêu chí so với năm 2010); có 169 xã đạt chuẩn (chiếm 73,8% tổng số xã); không còn xã dưới 12 tiêu chí; có 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; huyện Nghi Xuân đạt chuẩn NTM; thị xã Hồng Lĩnh và TP Hà Tĩnh có 100% số xã đạt chuẩn; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,82%; thu nhập tăng lên trên 30 triệu đồng/người/năm.

Ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh khẳng định, sau 10 năm xây dựng NTM, thành quả lớn nhất mà địa phương đạt được là thay đổi tư duy nhận thức của cán bộ và người dân về sự tự giác, chủ động vào cuộc, tổ chức thực hiện Chương trình. Đây chính là cơ sở, tiền đề quan trọng để Hà Tĩnh tiếp tục thực hiện đạt mục tiêu Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 nói riêng và phát triển “tam nông” nói chung.

“Một thập kỷ qua, toàn tỉnh huy động hơn 81.000 tỷ đồng xây dựng NTM, một con số không hề nhỏ. Đáng nói, trong tổng nguồn lực đó, đóng góp của nhân dân chiếm tỷ trọng rất lớn”, ông Sơn nhấn mạnh.

Theo ông Lê Đình Sơn, 10 năm “nếm mật nằm gai” cùng người dân thực hiện từng tiêu chí NTM, Hà Tĩnh nhận thấy việc huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc một cách quyết liệt, với phương châm “dựa vào dân để lo cuộc sống cho dân”, “nâng đầu đỡ cuối, tất cả cùng tiến bộ, phát triển”, “dừng lại là rớt chuẩn”, đóng vai trò tiên quyết cho thành công của cả Chương trình.

Bên cạnh đó, quá trình thực hiện, phải có cơ chế, cách làm sáng tạo trong huy động nguồn lực, nhất là nguồn xã hội hóa; ngân sách nhà nước chủ yếu mang tính hỗ trợ, kích hoạt, thưởng theo kết quả đầu ra; phân cấp, trao quyền chủ động cho cơ sở, người dân và cộng đồng; công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng nguồn lực, bảo đảm sử dụng hiệu quả, tạo sự tin tưởng của người dân, cộng đồng và toàn xã hội.

Ban chỉ đạo NTM, Trưởng Ban là người đứng đầu cấp ủy các cấp, phải có đầy đủ các thành viên đại diện các tổ chức trong hệ thống chính trị; bộ máy tham mưu, giúp việc phải chuyên trách, chuyên nghiệp. Đặc biệt, Ban chỉ đạo cấp tỉnh phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, chỉnh kịp thời những yếu kém, lệch lạc, kiên quyết thu hồi Bằng công nhận đạt chuẩn nếu xã nào để “rớt” chuẩn.
 

Tiêu chí 20 - điểm sáng toàn quốc

Cả nước xây dựng NTM dựa trên bộ 19 tiêu chí, riêng Hà Tĩnh sáng tạo thêm tiêu chí 20 – Khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu. Mục đích “khai sinh” tiêu chí này là để nâng cao chất lượng xã đạt chuẩn, không chạy theo thành tích.

09-40-05_nh2
Hàng rào xanh vừa đảm bảo mỹ quan vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà.

Tại hội nghị toàn quốc triển khai xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu diễn ra vào trung tuần tháng 4/2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng đã yêu cầu: “Các địa phương chủ động nghiên cứu, học tập kinh nghiệm xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu của Hà Tĩnh để vận dụng phù hợp tại địa phương mình”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau 5 năm ra đời tiêu chí 20, xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu đã trở thành phong trào, lan tỏa rộng khắp, đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả cao, hài hòa về kinh tế - xã hội - môi trường cho các vùng nông thôn Hà Tĩnh. Từ xây dựng mô hình điểm, đến nay toàn tỉnh có 298 khu dân cư và hơn 3.000 vườn mẫu đạt chuẩn, nhiều khu dân cư đã trở thành vùng quê “Trù Phú – An lành”, là nơi thực sự đáng sống.

Xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ là một minh chứng. Sau khi đạt chuẩn NTM, xã này đăng ký xây dựng NTM nâng cao. Với lợi thế “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, bên cạnh nâng cao các tiêu chí về hạ tầng, môi trường, y tế, Tùng Ảnh tập trung nguồn lực quy hoạch, chỉnh trang lại các tuyến đường “xanh” với những hàng rào cây giới cả trăm năm tuổi.

“Bây giờ, rau ngoài vườn, gà trong chuồng, muốn ăn là có. Thậm chí, nhiều hàng rào xanh, vườn hộ không chỉ đảm bảo mỹ quan mà còn “hái ra tiền” bằng các loại rau quả như: mướp đắng, mướp ngọt, bí, hoa thiên lý, chanh leo…”, ông Phan Tiến Dũng, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã phấn khởi nói.

Ông Dũng cho biết thêm, hiện toàn xã có 128 hộ cải tạo, chỉnh trang vườn hộ, lắp đặt hệ thống tưới và áp dụng tiến bộ khoa học vào phát triển kinh tế. Bình quân mỗi tháng các khu vườn đem lại thu nhập từ 3 – 4 triệu đồng cho người dân, ngang bằng một suất lương hưu.

Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh: Làm sản phẩm nào phải “ăn chắc” sản phẩm đó

Triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tỉnh Hà Tĩnh xác định, mỗi sản phẩm tham gia OCOP phải có đặc trưng riêng, làm sản phẩm nào “ăn chắc” sản phẩm đó. Tỉnh không nóng vội, không vì thành tích mà xem nhẹ các quy định về chất lượng, mẫu mã sản phẩm.

Hiện tại quy trình sản xuất của các sản phẩm tham gia OCOP đang được tỉnh giám sát thông qua phần mềm điện tử. Đồng thời, hỗ trợ gắn kết chuỗi đầu ra với các siêu thị lớn như Vinmart, Big C, Co.opmart; thông qua các hội thảo, hội chợ…

Thời gian tới Hà Tĩnh sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực theo 3 nhóm cấp độ sản phẩm, gồm: Nhóm sản phẩm thuộc danh mục chủ lực quốc gia (gỗ và các sản phẩm từ gỗ rừng trồng, tôm, thịt lợn, gia cầm); nhóm chủ lực cấp tỉnh (lúa, lạc, cam, bưởi Phúc Trạch, chè công nghiệp, bò, nhung hươu, hải sản) và nhóm sản phẩm đặc sản, có giá trị cá biệt cấp vùng, miền.

Ông Phạm Đình Thưởng, thôn Đông Thái, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ: “Không có NTM, đường sá không thể khang trang như bây giờ”.

Trước đây đường giao thông liên thôn ở Tùng Ảnh chỉ đủ tránh 2 chiếc xe đạp, bùn đất nhầy nhụa, lổm nhổm ổ trâu, ổ gà. Trời nắng bụi bay mịt mù nhưng mưa xuống phải “đeo ủng lội bùn” thường xuyên.

Sau khi chính quyền các cấp phát động phong trào xây dựng NTM, thông qua chính sách hỗ trợ xi măng, nhân dân Tùng Ảnh đã đóng góp thêm công, của bê tông hóa hàng chục tuyến đường liên xóm, liên xã. Bây giờ, không chỉ xe máy, xe đạp mà ô tô cũng có thể chạy băng băng vào tận sân nhà. Suy cho cùng, nếu không có NTM chắc chắn đường sá ở các vùng nông thôn Tùng Ảnh nói riêng, Hà Tĩnh nói chung không thể khang trang được như hiện nay.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Đưa sản phẩm OCOP Đắk Lắk vươn xa

Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại trên khắp cả nước, từ đó quảng bá sản phẩm OCOP của tỉnh tới các đối tác trong nước và quốc tế.