| Hotline: 0983.970.780

Yên tâm sản xuất nhờ tấm lá chắn đê biển Gò Công

Thứ Năm 16/12/2021 , 19:00 (GMT+7)

Dự án đê biển Gò Công hoàn thành đã có tác dụng phòng chống sạt lở, mưa bão, đồng thời bảo vệ sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân trong đê.

Người nông dân khai thác thủy sản ngoài đê biển Gò Công. Ảnh: Phạm Hiếu.

Người nông dân khai thác thủy sản ngoài đê biển Gò Công. Ảnh: Phạm Hiếu.

Yên tâm sản xuất

Từ năm 1998 đến nay, tỉnh Tiền Giang đã nhận được sự hỗ trợ kinh phí trên 500 tỷ đồng của Trung ương để triển khai dự án nâng cấp đê biển Gò Công, dài hơn 21 km từ xã Tân Thành đến thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang).

Dự án gồm nhiều hạng mục như: đầu tư nâng cấp, cải tạo mặt đê, làm kè chân đê chóng xói lở, hệ thống cống ngăn mặn... Đặc biệt, toàn bộ mặt đê biển Gò Công đã bê tông hóa, nhựa hóa với chiều ngang từ 6 - 7m, cao +4,2m, có khả năng chống chịu bão cấp 9.

Đê biển Gò Công hình thành cách nay hơn 70 năm. Trước đây, là tuyến đê đất, nhỏ hẹp có nhiệm vụ ngăn không cho nước biển tràn vào nội đồng. Qua thời gian, mặt đê bị xâm thực, bào mòn, triều cường tràn qua mặt đê gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp của người dân.

Từ khi thực hiện dự án làm cứng hóa mặt đê, không còn xảy ra tình trạng nước biển tràn vào ruộng đồng. Cuộc sống, sản xuất, sinh hoạt của hàng chục nghìn hộ dân vùng ngọt hóa Gò Công đã được an toàn. Tuyến đê biển Gò Công hiện nay còn là trục giao thông đường bộ trọng yếu đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân ven biển, tạo vẽ mỹ quan để phát triển ngành dịch vụ, du lịch sinh thái ven biển.

Ông Huỳnh Văn Năm (ảnh) cho biết đê biển Gò Công đã bảo vệ sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân trong đê. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông Huỳnh Văn Năm (ảnh) cho biết đê biển Gò Công đã bảo vệ sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân trong đê. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo ông Huỳnh Văn Năm (xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang), dự án đê biển Gò Công hoàn thành đã có tác dụng phòng chống sạt lở, mưa bão, đồng thời bảo vệ sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân trong đê.

“Hiện giờ đê Gò Công đã được hoàn thành, việc sản xuất nông nghiệp của bà con cũng khá lên nhiều do có thể sản xuất thêm rau màu ngoài lúa. Sau khi trồng 1 - 2 vụ lúa với  người dân sẽ trồng tau màu như ớt, bí đao, bầu… thu về 7 - 10 triệu đồng/tháng”, người nông dân phấn khởi.

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, Chủ tịch UBND xã Tân Điền, Nguyễn Thanh Phong cho biết, xã Tân Điền là địa phương có 6km đê biển Gò Công đi qua. Đây là tuyến đê trọng yếu đảm bảo diện tích gieo sạ của địa phương. Nhờ vậy mà chính quyền địa phương đã có những điều chỉnh về lịch thời vụ để tăng năng suất và hiệu quả kinh tế cho người dân.

Nhờ có tuyến đê này, tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp được chủ động nước tưới 90%. Hiện diện tích đất nông nghiệp của xã là 1.125ha, đảm bảo lưu lượng nước phục vụ tưới tiêu mùa khô.

“Để đảm bảo cho người dân sản xuất đúng thời vụ, nhất là với tình hình triều cường xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu như hiện nay, địa phương đã vận động người dân chuyển đổi cây trồng vật nuôi như là trồng lúa 2 vụ chứ không 3 vụ như trước đây. Việc chuyển đổi đã đảm bảo chất lượng sản xuất, đảm bảo lợi ích cho người dân”, ông Nguyễn Thanh Phong thông tin.

Đầu tư mạnh cho các công trình

Theo Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Tiền Giang, giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã tiến hành xử lý 547 điểm sạt lở bờ sông, bờ kênh với tổng chiều dài khoảng trên 51.000 m, kinh phí trên 346 tỷ đồng. Riêng từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 101 điểm sạt lở với chiều dài gần 7.500m, ước kinh phí xử lý trên 133 tỷ đồng.

Các công trình được đầu tư đã giúp việc sản xuất nông nghiệp của người dân thuận lợi hơn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Các công trình được đầu tư đã giúp việc sản xuất nông nghiệp của người dân thuận lợi hơn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Bên cạnh nguồn kinh phí do địa phương tự chủ, từ năm 2018 - 2020, tỉnh Tiền Giang đã được Trung ương hỗ trợ kinh phí khắc phục xử lý 13 điểm sạt lở bờ sông, bờ kênh với tổng chiều dài khoảng trên 7.000 m, kinh phí trên 407 tỷ đồng đồng. Trong đó vốn trung ương là 340 tỷ đồng còn lại do địa phương đối ứng.

Trong năm 2021, Tiền Giang tiếp tục được Trung ương hỗ trợ 150 tỷ đồng để phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai để thực hiện 5 dự án. Trong đó có 3 dự án sạt lở với tổng chiều dài khoảng trên 2.800m, kinh phí trên 110 tỷ đồng. Trong đó vốn Trung ương là 90 tỷ đồng, còn lại do địa phương đối ứng. Dự kiến cuối năm 2021 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng.

Cụ thể, tỉnh xử lý xói lở bờ biển Gò Công Đông, đoạn từ cống Tân Thành đến khu du lịch Tân Thành với chiều dài khoảng 1.400m, tổng mức đầu tư trên 42,6 tỷ đồng. Xử lý sạt lở Kênh 28 (sông Cái Bè), huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang với chiều dài 950m, tổng mức đầu tư 45 tỷ đồng. Xử lý sạt lở Trạm kiểm soát Biên phòng Vàm Láng có chiều dài 437m, kinh phí trên 22,6 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Tấn Trường, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Công trình NN-PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết: “Năm nay, tỉnh Tiền Giang được trung ương hỗ trợ kinh phí để xử lý sạt lở. Trong đó, kênh 28 đã được đầu tư xử lý sạt lở khoảng 900m. Hiện nay, tiến độ đã trên 70%, dự kiến bàn giao đầu tháng 12.”

Bên cạnh sạt lở bờ sông, kênh rạch nội đồng sạt lở xâm thực bờ biển diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Trước tình hình rừng phòng hộ ven biển Gò Công bị xâm thực ngày càng nghiêm trọng, tại những vị trí rừng không còn hoặc đai rừng mỏng đã được đầu tư tư kè mái đê. Dự án đầu tư xây dựng công trình Nâng cấp đê biển Gò Công do Trung ương hỗ trợ với kinh phí đã giải ngân đến nay trên 511 tỷ đồng.

Từ năm 1999 đến cuối năm 2008 kè được gần 3.000 m. Từ năm 2010 đến nay, đã kè được trên 8.300m. Nâng tổng số kè lát mái đê chiều dài trên 11.200m.

Tuyến đê biển Gò Công hiện nay còn là trục giao thông đường bộ trọng yếu đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân ven biển. Ảnh: Phạm Hiếu.

Tuyến đê biển Gò Công hiện nay còn là trục giao thông đường bộ trọng yếu đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân ven biển. Ảnh: Phạm Hiếu.

Hiện nay Ban Quản lý Dự án Đầu tư Công trình NN-PTNT tỉnh đang hoàn chỉnh hồ sơ trình UBND tỉnh phê duyệt dự án Nâng cấp đê biển Gò Công giai đoạn 2. Dự án sẽ sửa chữa 2 cống dưới đê nhánh 2, 3 và xây dựng mới tuyến đê giảm sóng với chiều dài khoảng 12.500m. Dự kiến sẽ triển khai thực hiện vào năm 2022.

“Qua 12 năm triển khai dự án Dự án đê biển Gò Công, các hạng mục chính nghiệm thu đưa vào sử dụng. Hiện nay, Ban Quản lý Ban Quản lý Dự án Đầu tư Công trình NN-PTNT tỉnh Tiền Giang đã rà soát các hạng mục không cần thiết để kết thúc dự án. Đồng thời, UBND tỉnh cũng có dự án tạo tuyến kè, giảm sóng gây bồi ngoài đê để bảo vệ đê biển”, ông Nguyyễn Tấn Trường thông tin thêm.

Xem thêm
Yêu cầu giới hạn định lượng thuốc nhuộm Sudan cho ớt xuất khẩu Đài Loan

Cùng với Trung Quốc, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam phải cung cấp báo cáo thử nghiệm về thuốc nhuộm Sudan, kèm ghi chú phương pháp thử, đơn vị thử nghiệm.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Liên doanh DHN với mô hình kinh tế xanh trong nông nghiệp tại Tây Ninh

Chủ tịch Hùng Nhơn Group Vũ Mạnh Hùng chia sẻ định hướng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tại Lễ công bố Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Tây Ninh, chiều nay.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.