Trao đổi với NNVN, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết qua kiểm tra, đến ngày hôm nay (8/3), toàn bộ hệ thống phân phối, bán lẻ của Hà Nội với 142 siêu thị, 455 chợ và trên 1.000 cửa hàng phân phối bán lẻ tiện ích, 128 chuỗi thực phẩm trên địa bàn thành phố vẫn đầy đủ, dồi dào về lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Bên cạnh đó, không còn ghi nhận tình trạng người dân đổ xô đi mua hàng gây sốt hàng cục bộ.
Bà Lan khẳng định đến thời điểm này, toàn bộ các hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội đều đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thành phố về việc cam kết niêm yết giá, không tăng giá hàng hóa, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm...
Đối với các chợ dân sinh, trogn 2 ngày 7 và 8/3, thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Sở Công thương đã đề nghị lực lượng Quản lí Thị trường tiến hành tăng cường kiểm tra đồng loạt trên 30 quận huyện, thị xã của Thành phố, trong đó tập trung tại các chợ tại 12 quận nội thành.
Các lực lượng chức năng đã và sẽ tăng cường kiểm tra chặt chẽ hoạt động bán hàng tại các chợ, hệ thống cơ sở kinh doanh, cửa hàng bán lẻ về tình hình giá và điều kiện về vệ sinh ATTP của hàng hóa.
Đồng thời yêu cầu các cửa hàng, chủ cơ sở kinh doanh bán đúng giá sản phẩm, không được tự ý nâng giá, tăng giá. Nếu phát hiện hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá bán, lực lượng Quản lí Thị trường sẽ xử lí nghiêm theo quy định pháp luật.
Bà Trần Thị Phương Lan cũng khuyến cáo người dân không đổ xô đi mua hàng dự trữ, bởi nguồn cung các loại hàng hóa, thực phẩm, nhu yếu phẩm vẫn hết sức dồi dào, đồng thời giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh...
Ngành Công thương TP Hà Nội cam kết đảm bảo đủ nhu cầu hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu cho người dân trên địa bàn TP. Hà Nội.
Bên cạnh đó, Thành phố cũng đã chỉ đạo các đơn vị phân phối, các nhà cung ứng lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm có phương án dự trữ hàng hóa đảm bảo nguồn cung tăng từ 1,5 đến 2 lần so vơi bình thường nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao, đồng thời vẫn giữ được mức giá cả bình ổn, bất kể trong tình huống nào, kể cả trong các kịch bản dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp.
Để phòng chống dịch bệnh, đối với người dân bị nhiễm bệnh hoặc khu vực dân cư phải cách li, ngành công thương TP Hà Nội đã có phương án với 4 cấp độ của thành phố.
Theo đó Cấp độ 1 - 2, sẽ đảm bảo hàng hóa của các hệ thống phân phối cung ứng bình thường. Đối với Cấp độ 3 (có từ 20 ca nhiễm bệnh trở lên) và Cấp độ 4 (1.000 ca bệnh trở lên), Hà Nội cũng đã có phương án đảm bảo lượng hàng hóa tối thiểu cho 1 tuần đối với số lượng 5.000 người phải cách ly/khu cách ly trở lên.
Thành phố cũng đã giao cụ thể cho các đơn vị phân phối, mỗi đơn vị chuẩn bị bao nhiêu lượng hàng hóa nhằm đáp ứng cho nhu cầu của người dân trong thời gian phải cách ly, để khi có yêu cầu của Thành phố là có thể điều động được hàng hóa cung ứng ngay.
Vì vậy, người dân hoàn toàn có thể yên tâm về việc cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm trong trường hợp phải cách li, không nhất thiết phải đổ xô đi mua hàng hóa dự trữ...
“Đơn cử như trong ngày 7/3 vừa qua, việc cách ly 1 khu phố ở phường Trúc Bạch, hệ thống Vinmart hiện đã cam kết cung ứng đủ nhu cầu thực phẩm cho cả địa bàn phường Trúc Bạch. Khi xảy ra tình huống phải cách ly tương tự, người dân hoàn toàn yên tâm, bởi Hà Nội sẽ chỉ đạo từng hệ thống phân phối ở địa bàn gần nhất nhằm cung ứng hàng hóa phục vụ trong thời gian cách li cũng như lực lượng phục vụ công tác cách ly”, bà Lan cho biết.