Sau một ngày người dân Hà Nội đổ xô đi mua hàng hóa dự trữ, hôm ghi nhận của PV NNVN cho thấy ngày hôm nay (8/3), tình hình mua sắm tại các siêu thị, hệ thống bán lẻ tại Hà Nội thậm chí vắng vẻ hơn mọi khi.
Tại siêu thị Hapro Mart Thành Công (quận Ba Đình), khách vào mua sắm như bình thường. Bà Trần Thị Thạch, PGĐ Chi nhánh Kinh doanh siêu thị Hapro (thuộc Tập đoàn bán lẻ BRG), cho biết: Trong ngày 7/3, đặc biệt là trong sáng 7/3, lượng người tiêu dùng vào mua sắm tại các hệ thống siêu thị và cửa hàng bán lẻ của Hapro tại Hà Nội đã ghi nhận tăng đột biến. Trong đó, các mặt hàng được người dân mua dự trữ nhiều nhất là gạo, dầu ăn, mì tôm, giấy vệ sinh. Đặc biệt, lượng gạo tiêu thụ đã tăng đột biến. Tuy nhiên, các mặt hàng thực phẩm và nhu yếu phẩm khác như rau, thịt, trái cây... lượng tiêu thụ vẫn ổn định và gần như tăng nhu cầu không nhiều.
Mặc dù vậy theo bà Thạch, kể từ chiều qua (7/3), nhất là từ sáng nay (8/3), lượng khách hàng đến siêu thị đã trở lại mức bình thường, thậm chí đột nhiên vắng vẻ so với bình thường.
“Thông thường, những ngày nghỉ như thứ 7, chủ nhật, lượng khách hàng thường khá đông so với các ngày trong tuần, tuy nhiên ngày chủ nhật hôm nay (8/3), lượng khách hàng tới mua sắm thậm chí còn vắng vẻ hơn so với bình thường”, bà Thạch cho biết.
Cũng theo bà Thạch, mặc dù lượng mua sắm đối với một số sản phẩm như gạo, mì tôm, dầu ăn, giấy ăn có tăng đột biến trong ngày 7/3, tuy nhiên lượng hàng hóa của siêu thị hiện vẫn rất dồi dào. Toàn bộ hệ thống bán lẻ của Tập đoàn BRG trên địa bàn TP. Hà Nội cũng đã có cam kết với thành phố bán giá niêm yết, không tăng so với bình thường.
“Các đối tác sản xuất, cung ứng hàng hóa cho chúng tôi năng lực sản xuất rất lớn, nên người dân không phải lo lắng về nguồn cung. Ví dụ đối với gạo, mặc dù ngày 7/3 có tăng lượng bán đột biến, tuy nhiên so với năng lực cung ứng thì đến thời điểm này chưa thấm tháp gì. Bởi chúng tôi hiện liên kết với trên 10 nhà máy sản xuất lớn về lúa gạo trên cả nước, trong đó có Vinafood 1. Bản thân Hapro cũng có một nhà máy chế biến gạo ở Đồng Tháp, nên khi cần là sẽ bổ sung nguồn hàng dồi dào ngay lập tức”, bà Trần Thị Thạch khẳng định.
Tương tự Hapro, ghi nhận tại Siêu thị Big C Thăng Long, đến ngày hôm nay (8/3), lượng khách hàng vào mua sắm đã giảm, không khí khá trầm lắng so với những ngày cuối tuần bình thường. Các mặt hàng thiết yếu tại siêu thị Big C Thăng Long vẫn giữ giá cả ổn định.
Cụ thể, giá mỳ tôm không có thay đổi như: Mỳ cung đình khoảng 6 nghìn/gói, khoảng 192.000 đồng/hộp; mỳ Omachi 6.000 đồng/gói, khoảng 174.000 đồng/hộp; mỳ kotomy 95.000 đồng/hộp; mỳ hảo hảo được nhiều người dân mua nhất giá cũng chỉ 93.000 đồng/hộp.
Đối với nước khoáng giá cũng giữ ổn định như: Nước khoáng Lavie 4.500 đồng/chai nhỏ; chai to 5 lít khoảng 21.000 đồng; nước khoáng Aqua 80.000 đồng/hộp chai nhỏ; bình to 5 lít 18.000 đồng; nước khoáng Dasani 3.400 đồng/chai.
Với các loại giấy vệ sinh, giá vẫn giao động ổn định từ 70 - 90.000 đồng một hộp. Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail, cho biết: Hiện hoạt động mua sắm của người dân tại Hà Nội đã bình thường trở lại. Trong ngày 7/3, Big C đã làm việc với các nhà cung cấp nhằm tăng cường tần suất giao hàng, huy động và tăng cường nhân viên làm việc tối đa; mở cửa sớm hơn và đóng cửa muộn đến 11h đêm, và thậm chí mở cửa hoạt động đến khi hết khách hàng...
Nhờ đó, hôm nay 8/3, tại các siêu thị Big C khu vực Hà Nội, hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm, đã tăng cường rất dồi dào. Big C tiếp tục cam kết không tăng giá hàng hóa. Như vậy, những ngày tới, người dân có thể yên tâm mua sắm tại Big C.