| Hotline: 0983.970.780

59 tuổi "cõng" 58 mảnh đạn

Thứ Tư 13/04/2011 , 10:49 (GMT+7)

Khi chiến tranh đã đi qua, bà Hiền vẫn phải mang theo trong mình 58 mảnh đạn như một niệm khúc buồn của thời hoa lửa.

Người đàn bà ấy không chỉ bỏ lại một phần thân thể mình nơi chiến trường để góp phần đổi lấy ngày quê hương giải phóng mà khi chiến tranh đi qua, bà phải mang theo trong mình 58 mảnh đạn như một niệm khúc buồn của thời hoa lửa.

Trở lại thời bình với nghị lực phi thường của một con người bình dị, bà đã gác lại những lo toan thường nhật của mình để cùng chồng đi tìm hài cốt của đồng đội. Bà là Trần Thị Hiền (59 tuổi, thôn Sơn Công, xã Hương Vân, huyện Hương Trà, tỉnh TT- Huế).

Suýt bị đem mai táng

Trong căn nhà cấp 4 ở thôn Sơn Công, chiếc giường kê chổng chơ như gánh cùng nỗi đau của chị mỗi khi trái gió trở trời. Thấy khách, chị gượng dậy, rót chén trà bảo: "Mấy hôm nay trời Huế đổi gió mùa, mình mẩy ê ẩm không làm gì được. Từ ngày rời chiến trường về quê hương đến nay, nhờ sự động viên của chị em trong Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh nên phần nào vơi đi được nổi đau thể xác”.

Hỏi chuyện xưa, nhắc đến quá khứ hào hùng, đôi mắt bà dõi ra khoảng sân mưa rơi, bỗng rực sáng lạ. Bà kể, sinh ra ở quê hương Hương Trà, từ khi còn là cô bé mảnh khảnh, từng đêm nằm bên vòng tay mẹ, bà đã nghe tiếng bước chân rầm rập của bộ đội ta hành quân xuyên rừng lên với Trường Sơn. Trong làng, có những gia đình đào hầm nuôi giấu cán bộ. Năm 15 tuổi, cùng như bao lớp người trẻ nơi quê hương Hương Vân, bà rời gia đình làm o du kích tiếp tế lương thực cho bộ đội.

Đầu năm 1972, khi đóng quân ở miền Tây TT- Huế, gần địa phận huyện A Lưới, trong một lần đi bẻ ngô ở đồi Làng Tà cùng đồng đội của mình là chị Nguyễn Thị Nữ, quê ở Quảng Nam, để tích trữ lương thực cho bộ đội, bà đã bị máy bay Mỹ ném bom oanh tạc. Giọng xúc động, bà nhớ lại: “Chiến tranh là chết chóc chú à. Lúc hai chị em đang ngồi vừa tách ngô, vừa nói chuyện, mới nghe tiếng vù vù của máy bay thì đã thấy đất bụi tung mịt mù, một cảm giác đau như cháy xém hết cả làn da, miệng ngậm vị nhám của cát và đất rồi không biết gì nữa. Khoảng đến chiều cùng ngày, mình tỉnh lại, cố lết đến nơi chị Nữ đang nằm thì thấy chị ấy đã hy sinh…”. Bà Hiền bỏ lửng câu nói, những giọt nước mắt khô khốc như được vắt ra từ thân thể tiều tụy vì đạn bom, lăn xuống gò má nhăn nheo. Lần ấy, bà Hiền bị thương nặng với 5 mảnh đạn găm vào chân.

Cuối năm 1972, vì lý do sức khỏe, bà được chuyển về làm việc ở huyện đội Hương Trà. Nhưng rồi, năm đó chiến tranh diễn ra dữ dội, thấy mình nhiều lần trúng đạn bom mà may mắn thoát chết, trong khi nhiều đồng đội phải vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường nên đến năm 1973, khi thấy đã đi lại được, bà quyết định trở lại cùng chung lưng đấu cật với đồng đội. Nhưng số phận đã xô đẩy, tưởng chừng như người phụ nữ này “có duyên” với đạn bom. Trong một lần gùi gạo cho đơn vị huyện đội Hương Trà, đến đồi Khe Trái, lúc đó khoảng 2 giờ chiều, bà bị vướng phải mìn do địch gài sẵn. Một tiếng nổ chát chúa vang cả một góc rừng. Tấm thân bà như những chiếc lá rừng mỏng manh đã hứng chịu cả loạt mảnh từ trái bom bi oan nghiệt! Đến 6 giờ sáng hôm sau, bà mới được đồng đội dùng gùi đưa ra khỏi vùng bị địch bắn và về đến huyện đội Hương Trà.

Tại đây, các bác sĩ quân y sau khi thăm khám đã lắc đầu bởi vết thương quá nặng. Huyện đội phó huyện đội Hương Trà thời đó là ông Phạm Ở đã mang 4 mét nilon đến và cắt cử người chuẩn bị đem đi mai táng. Như có một phép màu kỳ diệu, trong giây phút cận kề cái chết và sự sống, số phận đã mỉm cười với bà. Bà nhớ lại: “Sau khi mình qua khỏi nguy kịch, huyết áp đã ổn định, nhờ sự chăm sóc nhiệt thành của các bác sỹ quân y, mình được chuyển đi tuyến sau ra Quảng Bình để dưỡng thương". Do thời gian đó không có điều kiện để phẫu thuật, qua hai lần bị thương, 58 mảnh đạn (trong đó có 3 mảnh nằm trong phổi) đã “ở lại” trong thân thể của bà vĩnh viễn.

"Đồng đội tui, nhiều người chưa về được"

Trở lại thời bình, những vết thương của một thời khói lửa, hào hùng vẫn theo bà trong từng giấc ngủ, từng cơn đau oằn mình mỗi khi trời chướng gió.

Năm 1975, bà lập gia đình với cựu chiến binh Bùi Bá Lung, rồi trở lại với vùng đất Sơn Công lập nghiệp. Buổi đầu cuộc sống thật gian nan, quê hương sau ngày chiến tranh xóm làng tiêu điều, ruộng đồng xơ xác. Hai vợ chồng phải dắt díu nhau lên khu rừng Trò khai hoang trồng đậu, sắn và mót củi bán kiếm cơm đắp đổi qua ngày. Dù làm cật lực nhưng vẫn không đủ cho 8 miệng ăn trong gia đình, những đứa con của bà Hiền lần lượt nghỉ học, kiếm nghề phụ giúp cha mẹ. Bà nói như mình là người có lỗi: “Hồi đó gian khó quá, mần (làm) không đủ ăn chứ lấy mô (đâu) ra mà có tiền cho tụi nhỏ đi học. Mỗi lần từng đứa con nghỉ học tui lại khóc thương chúng nhưng cũng chẳng biết làm sao vì hai vợ chồng đều thương binh, mất sức lao động cả”.

Tuy không thể đưa những đứa con thân yêu của mình đến bến bờ của chữ nghĩa, nhưng bà đã dạy cho chúng nó nhiều thứ có khi còn hơn cả những dòng chữ sáo rỗng trên trang sách đó là lòng hiếu thảo, nghĩa tình, sự yêu thương đùm bọc giữa những người thân trong gia đình. Năm 1992, khi các con đã khôn lớn và có việc làm, gia đình bà trở lại định cư ở thôn Sơn Công, làm 5-7 sào ruộng đủ cho 2 thân già đắp đổi qua ngày. Anh Bùi Bá Hà (28 tuổi), con trai bà Hiền cho biết: “Tuy khó khăn nhưng mẹ luôn lo lắng chu toàn cho bọn em. Chỉ thương mẹ mang nhiều vết thương từ chiến tranh, cứ ra làm đồng là ngất xỉu, trái gió trở trời thì đau đến cháo cũng không nuốt nổi. Tính mẹ thế, vẫn vẫn lặng lẽ sống chứ không bao giờ gọi, nhờ vả ai”.

"Những cựu chiến binh như bà Hiền, ông Lung sau khi kết thúc chiến tranh, mặc dù gia cảnh khó khăn nhưng họ vẫn tham gia đều đặn vào hoạt động của hội, góp phần chia sẽ nỗi đau hậu chiến. Với hàng chục mảnh đạn trong người, bà Hiền đã chứng tỏ một nghị lực phi thường của người lính Cụ Hồ, không những luôn vươn lên trong cuộc sống mà còn cùng chồng băng rừng lội suối tìm được nhiều hài cốt của đồng đội", ông Châu Văn Dũng, Chủ tịch Hội CCB xã Hương Vân.

Thời gian khó ấy cũng qua đi như dấu vết chiến tranh rồi cũng bị cuốn khuất lấp sau những cơn mưa rừng xối xả rồi mất hút. Nhưng khi chiến tranh qua đi, nỗi đau thể xác của người cầm súng vẫn dai dẳng, còn mãi. Khi đã ổn định kinh tế, điều mà bà Hiền và ông Lung day dứt mãi là làm sao đi tìm lại hài cốt của đồng đội. Mỗi lần đến ngày thương binh liệt sỹ, ra thăm nghĩa trang, vẫn còn đâu đó những nấm mồ với những dòng tên thật giống nhau…Và đến những ngày đó là hình ảnh của đồng đội cứ theo về trong từng mảng ký ức của bà, thôi thúc từng thớ thịt.

Năm 2009, bà đã cùng chồng và một người em trai lên đoạn sông Bồ chảy qua địa phận huyện Hương Trà - nơi riễn ra trận chiến năm xưa để tìm hài cốt của đồng đội. Sau ba ngày cật lực tìm kiếm, góp nhặt từng mảng ký ức qua trí nhớ đã nhàu nát bởi một thời bom đạn, bà cùng chồng đã mang về 12 bộ hài cốt của các anh, chị, an táng tại nghĩa trang quê nhà. Đến nay, dù sức khỏe không cho phép nhưng bà vẫn sát cánh bên người chồng để đi tìm hài cốt đồng đội, đưa các anh về với đất mẹ.

Bà tâm sự: "Hiện nay, ở các động Trăng, Lu, Khe Trái còn rất nhiều đồng đội của tui đã nằm xuống ở đó nhưng chưa đưa về được. Đó là điều tôi day dứt bấy lâu nay vẫn chưa thực hiện được. Ngày nào còn sức, tui sẽ không ngừng tìm kiếm hài cốt đồng đội. Tui cũng mang trong mình nổi đau của chiến tranh nhưng dẫu sao vẫn còn may mắn hơn rất nhiều đồng đội đã nằm xuống, chưa tìm về được với quê hương".

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thừa nắng, thiếu mưa, cả nước chuẩn bị đón mùa hè rực lửa

Nhiệt độ và nắng nóng thời điểm tháng 5/2024 trên phạm vi toàn quốc trung bình phổ biến cao hơn từ 1-2 độ C; tháng 6/2024, cao hơn từ 0,5-1,5 độ C.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm