| Hotline: 0983.970.780

Lên thượng nguồn sông Hồng

Thứ Ba 16/10/2012 , 09:36 (GMT+7)

Con đường ngược núi lên thượng nguồn sông Hồng sau khi chạm vào đất Lũng Pô thì trở nên gấp khúc và dốc hơn.

Sông Hồng còn gọi là sông Cái, Hồng Hà, Nhị Hà… bắt nguồn từ dãy núi Ai Lao Sơn, thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) khi chảy vào Việt Nam chạm vào vùng đất Lũng Pô (Bát Xát, Lào Cai) hình thế núi sông nơi đây đã hoá rồng. Lên thượng nguồn sông Hồng đi từ Đông sang Tây ta bắt gặp bao điều kỳ lạ…

Nơi mùa đông đến sớm

Con đường ngược núi lên thượng nguồn sông Hồng sau khi chạm vào đất Lũng Pô thì trở nên gấp khúc và dốc hơn.


Tác giả (áo tím) trên đường lên thượng nguồn sông Hồng

Lũng Pô tiếng địa phương nghĩa là đầu rồng, hình thế núi sông ở đây như dáng hình con rồng đang uốn khúc, đuôi rồng vắt lên đỉnh núi Nhìu Cồ San quanh năm mây mù bao phủ. Dòng sông Hồng khi chảy vào đất mẹ Việt Nam, được dòng suối Lũng Pô tiếp nước đầu tiên như phun ra từ miệng con rồng lớn, nước trong xanh ngằn ngặt.

Ngược dòng Lũng Pô xuyên qua lớp lớp sương mù trên đất A Mú Sung, A Lù, Ngải Thầu trước khi đặt chân tới Ý Tý. Trên mảnh đất ngút ngàn mây núi nơi này, hầu như quanh năm mây mù bao phủ.


Nơi dòng Lũng Pô đổ ra sông Hồng

Vào mùa đông, nhiều tháng trời không nhìn thấy tia nắng mặt trời. Mù đặc quánh như sữa, những hạt sương nhỏ li ti trắng tinh bay lơ lửng trong không gian, vấn vít trên cành cây ngọn cỏ và mái nhà, chúng đan kết lại với nhau đặc đến nỗi đứng cách nhau hai, ba mét nhưng chả nhìn rõ mặt, người ta chỉ nhận ra nhau qua giọng nói. Suốt cả mùa đông dài dằng dặc bảy, tám tháng trời người dân như sống trong hư ảo.

Mùa đông đến với vùng núi nơi đây khá sớm từ cuối tháng chín khi những cơn gió heo may thổi lật những lá ngô héo rũ trên các sườn núi và kéo dài tới tận tháng tư năm sau. Mùa đông trên vùng cao Ý Tý thường có mưa tuyết, mưa tuyết rơi vào cuối tháng Chạp, hoặc tháng Giêng năm sau.


Bản của người Hà Nhì xã Ý Tý

Xã Ý Tý nơi người Hà Nhì quần cư đông nhất tỉnh Lào Cai, mặc dù cuộc sống hiện đại đã ùa tới nơi này nhưng chưa thể phá vỡ được sự nguyên sơ cuộc sống của người dân cũng như những phong tục, tập quán được lưu giữ và truyền lại từ ngàn đời nay.

Còn nhớ cách nay 10 năm, lần đầu tiên đặt chân lên mảnh đất Ý Tý tôi ngỡ như mình lạc vào một miền đất lạ với rất nhiều ma lực về một vùng đất hoang thuỷ đầy bí ẩn. Đó là những ngôi nhà tường đắp bằng đất hình vuông, mái lợp cỏ dày cả mét. Người ta phải lợp dày như vậy để giữ hơi ấm cho ngôi nhà và sau 15-20 năm mới phải lợp lại.

Hạt cây cỏ do chim tha về và rêu phong mọc trên mái nhà xanh um, có cây to bằng bắp tay, cao vài ba mét. Nhìn những ngôi nhà lợp cỏ đứng liền kề bên nhau trông như những chiếc nấm gỗ rêu phong cũ kỹ có tuổi đời cả trăm năm. Gần chục năm nay nhiều nhà thay mái lợp cỏ bằng các tấm lợp, tuy nhiên những ngôi nhà lợp cỏ vẫn còn khá nhiều.

Ngay đầu thôn Tả Dì Thàng một tốp thanh niên đang trình tường giúp gia đình Chu Hờ Di ngôi nhà để sau Tết ông cho con trai Chu Hờ Sáng lấy vợ ra ở riêng. Ông Di cho hay: Theo phong tục của người Hà Nhì, để dựng một ngôi nhà phải làm rất nhiều thủ tục. Đầu tiên là chọn đất làm nhà, gia chủ mời thầy cúng hoặc người cao niên ở trong thôn có kinh nghiệm để chọn đất. Mảnh đất làm nhà phải gần nguồn nước, khuất gió và nhận được nhiều ánh nắng mặt trời. Những người đi chọn đất dắt theo một con chó, khi tới mảnh đất họ dắt con cho đi quanh mảnh đất ba vòng, nếu chủ nhà và thầy cúng không bị vấp gì thì là được. Trước khi động thổ gia chủ phải sắm một mâm cơm để cúng thần linh, thổ địa sau đó rắc một số hạt giống: Lúa, ngô, đậu xuống đất trước khi trình tường cầu mong ngôi nhà lúc nào cũng đầy ắp lúa ngô…



Đàn ông ở nhà trông con và uống rượu

Chu Hờ Di dẫn tôi về nhà ông cách đó không xa, ngôi nhà của ông khá thấp, cửa chỉ đủ một người đi. Trong nhà tối lờ mờ như trong hang, mùi khói bếp, mùi mồi hôi từ những bộ quần áo cũ, mùi cám lợn quện vào nhau càng khiến cho không khí trong nhà đặc quánh lại. Đối diện với cửa ra vào là bức tường đất cao quá đầu người, hỏi ra mới biết đây là bức tường chắn gió chia ngôi nhà thành hai phần, nhà ngoài và nhà trong. Sau bức tường là chiếc sạp, phía trong nơi ngủ của vợ chồng ông, phía ngoài là sinh hoạt chung của gia đình, đó là nơi tiếp khách và ăn cơm. Hai bên là hai căn buồng của vợ chồng hai đứa con trai ông, cạnh sạp là nơi nấu nướng.

Ông Chu Hờ Di kéo chiếc ghế gỗ cạnh bếp lửa mời tôi ngồi. Lửa được đốt lên, trong ánh sáng của ngọn lửa tôi thấy một viên đá hình trụ cạnh đó thì hỏi: Người Hà Nhì đặt viên đá này có nghĩa là gì? Im lặng một lát Chu Hờ Di đáp: Người Hà Nhì gọi hòn đá này là "À phì phu chu ma", nghĩa là thần giữ lửa, hay gọi là “hòn bà”...

Theo giải thích của Chu Hờ Di khi làm nhà xong, việc đầu tiên người ta phải chọn một hòn đá về đặt cạnh bếp lửa làm “hòn bà” trước khi đốt lửa. “Hòn bà” được mọi người trong gia đình tôn kính, khi đã làm lễ rước “hòn bà” vào nhà rồi không ai được gõ củi hay bước qua đầu vào đầu “hòn bà”.

Người phụ nữ Hà Nhì thường dậy đầu tiên, họ dậy rất sớm nhóm lửa để sưởi ấm ngôi nhà, đánh thức thần lửa trong ngôi nhà của mình. “Hòn bà” chính là thần giữ lửa cho mỗi gia đình, ở vùng cao Ý Tý nhà nào cũng đốt lửa quanh năm, lửa là một phần sự sống của mỗi người. Không có lửa thì người ta khó mà chống đỡ nổi cái lạnh giá của mùa đông nơi này.


Cô gái 13 tuổi này bắt đầu lấy củi xếp thành đống riêng

Trong ngôi nhà của Chu Hờ Di đều nhuộm màu đen của khói bếp, từ bức tường đến những chiếc đòn tay trên mái nhà đều đen kịt. Tôi hỏi ông Di: Ngôi nhà này làm được bao nhiêu năm rồi? Chu Hờ Di ngửa mặt nhìn lên mái nhà, ông lắc đầu không nhớ nổi rồi lui cui đếm số xương hàm lợn treo trên gác bếp và trên sàn nhà rồi bảo: Ngôi nhà này dựng được hơn năm mươi năm rồi đấy. Đây là ngôi nhà bố tôi dựng mà...

Những cô gái Hà Nhì biết lấy củi từ khi lên mười, đến năm 13 tuổi thì họ xếp thành đống riêng, nhà có bao nhiêu cô gái thì có bấy nhiêu đống củi. Đống củi là thước đo giá trị của các cô gái ở đây, cô gái nào có đống củi càng lớn thì giá trị càng cao, càng dễ lấy chồng. Bởi cuộc sống của người Hà Nhì nơi đây không thể thiếu củi lửa.

Tôi vô cùng ngạc nhiên vì sao lại đếm số xương hàm lợn để tính tuổi ngôi nhà, ông Di cười tủm tỉm: Đấy là mỗi năm Tết đến, nhà nào ở đây cũng mổ một con lợn ăn Tết đón mừng năm mới. Sau đó thì treo xương chiếc hàm lợn lên gác bếp. Đếm được bao nhiêu chiếc xương hàm lợn thì ngôi nhà có bấy nhiêu tuổi... Hoá ra, những chiếc xương hàm lợn đen nhánh kia là chứng chỉ tuổi tác của ngôi nhà.

Buổi chiều thôn Tả Dì Thàng vắng hoe, trong thôn chẳng thấy phụ nữ đâu chỉ thấy những người đàn ông địu con đứng tụm quanh các đống lửa, mùi phân trâu đốt két lẹt. Hỏi ra mới hay, người đàn ông Hà Nhì ngoài việc chặt cây dựng nhà, cày ruộng nương và uống rượu thì họ không phải làm gì khác. Công việc còn lại từ nấu cám lợn, thổi cơm, đun rượu, gặt lúa, kiếm củi, thêu quần áo cho chồng con... tất tật đều do phụ nữ làm. Trong khi phụ nữ ra đồng thì đàn ông ở nhà trông con và uống rượu.


Đàn bà làm việc

Qua thôn Chuẩn Thèn tôi gặp từng đoàn phụ nữ thồ củi từ rừng về. Họ đi vội vã như thể cướp thời gian, những đống củi trước cửa nhà nào cũng chất cao quá đầu người. Đàn ông Hà Nhì chọn vợ, trước tiên họ nhìn vào các đống củi để biết được tính nết các cô gái đó. Đống củi của cô gái nào có nhiều củi tốt, cao to và bằng bặn thì đó là cô gái đó chịu khó, lam làm. Còn đống củi của cô gái thấp bé, xộc xệch thì đó là cô gái tính nết cẩu thả, lười nhác. Những cô gái đó rất khó lấy chồng.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm