| Hotline: 0983.970.780

Lên thượng nguồn sông Hồng

Thứ Ba 16/10/2012 , 09:36 (GMT+7)

Con đường ngược núi lên thượng nguồn sông Hồng sau khi chạm vào đất Lũng Pô thì trở nên gấp khúc và dốc hơn.

Sông Hồng còn gọi là sông Cái, Hồng Hà, Nhị Hà… bắt nguồn từ dãy núi Ai Lao Sơn, thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) khi chảy vào Việt Nam chạm vào vùng đất Lũng Pô (Bát Xát, Lào Cai) hình thế núi sông nơi đây đã hoá rồng. Lên thượng nguồn sông Hồng đi từ Đông sang Tây ta bắt gặp bao điều kỳ lạ…

Nơi mùa đông đến sớm

Con đường ngược núi lên thượng nguồn sông Hồng sau khi chạm vào đất Lũng Pô thì trở nên gấp khúc và dốc hơn.


Tác giả (áo tím) trên đường lên thượng nguồn sông Hồng

Lũng Pô tiếng địa phương nghĩa là đầu rồng, hình thế núi sông ở đây như dáng hình con rồng đang uốn khúc, đuôi rồng vắt lên đỉnh núi Nhìu Cồ San quanh năm mây mù bao phủ. Dòng sông Hồng khi chảy vào đất mẹ Việt Nam, được dòng suối Lũng Pô tiếp nước đầu tiên như phun ra từ miệng con rồng lớn, nước trong xanh ngằn ngặt.

Ngược dòng Lũng Pô xuyên qua lớp lớp sương mù trên đất A Mú Sung, A Lù, Ngải Thầu trước khi đặt chân tới Ý Tý. Trên mảnh đất ngút ngàn mây núi nơi này, hầu như quanh năm mây mù bao phủ.


Nơi dòng Lũng Pô đổ ra sông Hồng

Vào mùa đông, nhiều tháng trời không nhìn thấy tia nắng mặt trời. Mù đặc quánh như sữa, những hạt sương nhỏ li ti trắng tinh bay lơ lửng trong không gian, vấn vít trên cành cây ngọn cỏ và mái nhà, chúng đan kết lại với nhau đặc đến nỗi đứng cách nhau hai, ba mét nhưng chả nhìn rõ mặt, người ta chỉ nhận ra nhau qua giọng nói. Suốt cả mùa đông dài dằng dặc bảy, tám tháng trời người dân như sống trong hư ảo.

Mùa đông đến với vùng núi nơi đây khá sớm từ cuối tháng chín khi những cơn gió heo may thổi lật những lá ngô héo rũ trên các sườn núi và kéo dài tới tận tháng tư năm sau. Mùa đông trên vùng cao Ý Tý thường có mưa tuyết, mưa tuyết rơi vào cuối tháng Chạp, hoặc tháng Giêng năm sau.


Bản của người Hà Nhì xã Ý Tý

Xã Ý Tý nơi người Hà Nhì quần cư đông nhất tỉnh Lào Cai, mặc dù cuộc sống hiện đại đã ùa tới nơi này nhưng chưa thể phá vỡ được sự nguyên sơ cuộc sống của người dân cũng như những phong tục, tập quán được lưu giữ và truyền lại từ ngàn đời nay.

Còn nhớ cách nay 10 năm, lần đầu tiên đặt chân lên mảnh đất Ý Tý tôi ngỡ như mình lạc vào một miền đất lạ với rất nhiều ma lực về một vùng đất hoang thuỷ đầy bí ẩn. Đó là những ngôi nhà tường đắp bằng đất hình vuông, mái lợp cỏ dày cả mét. Người ta phải lợp dày như vậy để giữ hơi ấm cho ngôi nhà và sau 15-20 năm mới phải lợp lại.

Hạt cây cỏ do chim tha về và rêu phong mọc trên mái nhà xanh um, có cây to bằng bắp tay, cao vài ba mét. Nhìn những ngôi nhà lợp cỏ đứng liền kề bên nhau trông như những chiếc nấm gỗ rêu phong cũ kỹ có tuổi đời cả trăm năm. Gần chục năm nay nhiều nhà thay mái lợp cỏ bằng các tấm lợp, tuy nhiên những ngôi nhà lợp cỏ vẫn còn khá nhiều.

Ngay đầu thôn Tả Dì Thàng một tốp thanh niên đang trình tường giúp gia đình Chu Hờ Di ngôi nhà để sau Tết ông cho con trai Chu Hờ Sáng lấy vợ ra ở riêng. Ông Di cho hay: Theo phong tục của người Hà Nhì, để dựng một ngôi nhà phải làm rất nhiều thủ tục. Đầu tiên là chọn đất làm nhà, gia chủ mời thầy cúng hoặc người cao niên ở trong thôn có kinh nghiệm để chọn đất. Mảnh đất làm nhà phải gần nguồn nước, khuất gió và nhận được nhiều ánh nắng mặt trời. Những người đi chọn đất dắt theo một con chó, khi tới mảnh đất họ dắt con cho đi quanh mảnh đất ba vòng, nếu chủ nhà và thầy cúng không bị vấp gì thì là được. Trước khi động thổ gia chủ phải sắm một mâm cơm để cúng thần linh, thổ địa sau đó rắc một số hạt giống: Lúa, ngô, đậu xuống đất trước khi trình tường cầu mong ngôi nhà lúc nào cũng đầy ắp lúa ngô…



Đàn ông ở nhà trông con và uống rượu

Chu Hờ Di dẫn tôi về nhà ông cách đó không xa, ngôi nhà của ông khá thấp, cửa chỉ đủ một người đi. Trong nhà tối lờ mờ như trong hang, mùi khói bếp, mùi mồi hôi từ những bộ quần áo cũ, mùi cám lợn quện vào nhau càng khiến cho không khí trong nhà đặc quánh lại. Đối diện với cửa ra vào là bức tường đất cao quá đầu người, hỏi ra mới biết đây là bức tường chắn gió chia ngôi nhà thành hai phần, nhà ngoài và nhà trong. Sau bức tường là chiếc sạp, phía trong nơi ngủ của vợ chồng ông, phía ngoài là sinh hoạt chung của gia đình, đó là nơi tiếp khách và ăn cơm. Hai bên là hai căn buồng của vợ chồng hai đứa con trai ông, cạnh sạp là nơi nấu nướng.

Ông Chu Hờ Di kéo chiếc ghế gỗ cạnh bếp lửa mời tôi ngồi. Lửa được đốt lên, trong ánh sáng của ngọn lửa tôi thấy một viên đá hình trụ cạnh đó thì hỏi: Người Hà Nhì đặt viên đá này có nghĩa là gì? Im lặng một lát Chu Hờ Di đáp: Người Hà Nhì gọi hòn đá này là "À phì phu chu ma", nghĩa là thần giữ lửa, hay gọi là “hòn bà”...

Theo giải thích của Chu Hờ Di khi làm nhà xong, việc đầu tiên người ta phải chọn một hòn đá về đặt cạnh bếp lửa làm “hòn bà” trước khi đốt lửa. “Hòn bà” được mọi người trong gia đình tôn kính, khi đã làm lễ rước “hòn bà” vào nhà rồi không ai được gõ củi hay bước qua đầu vào đầu “hòn bà”.

Người phụ nữ Hà Nhì thường dậy đầu tiên, họ dậy rất sớm nhóm lửa để sưởi ấm ngôi nhà, đánh thức thần lửa trong ngôi nhà của mình. “Hòn bà” chính là thần giữ lửa cho mỗi gia đình, ở vùng cao Ý Tý nhà nào cũng đốt lửa quanh năm, lửa là một phần sự sống của mỗi người. Không có lửa thì người ta khó mà chống đỡ nổi cái lạnh giá của mùa đông nơi này.


Cô gái 13 tuổi này bắt đầu lấy củi xếp thành đống riêng

Trong ngôi nhà của Chu Hờ Di đều nhuộm màu đen của khói bếp, từ bức tường đến những chiếc đòn tay trên mái nhà đều đen kịt. Tôi hỏi ông Di: Ngôi nhà này làm được bao nhiêu năm rồi? Chu Hờ Di ngửa mặt nhìn lên mái nhà, ông lắc đầu không nhớ nổi rồi lui cui đếm số xương hàm lợn treo trên gác bếp và trên sàn nhà rồi bảo: Ngôi nhà này dựng được hơn năm mươi năm rồi đấy. Đây là ngôi nhà bố tôi dựng mà...

Những cô gái Hà Nhì biết lấy củi từ khi lên mười, đến năm 13 tuổi thì họ xếp thành đống riêng, nhà có bao nhiêu cô gái thì có bấy nhiêu đống củi. Đống củi là thước đo giá trị của các cô gái ở đây, cô gái nào có đống củi càng lớn thì giá trị càng cao, càng dễ lấy chồng. Bởi cuộc sống của người Hà Nhì nơi đây không thể thiếu củi lửa.

Tôi vô cùng ngạc nhiên vì sao lại đếm số xương hàm lợn để tính tuổi ngôi nhà, ông Di cười tủm tỉm: Đấy là mỗi năm Tết đến, nhà nào ở đây cũng mổ một con lợn ăn Tết đón mừng năm mới. Sau đó thì treo xương chiếc hàm lợn lên gác bếp. Đếm được bao nhiêu chiếc xương hàm lợn thì ngôi nhà có bấy nhiêu tuổi... Hoá ra, những chiếc xương hàm lợn đen nhánh kia là chứng chỉ tuổi tác của ngôi nhà.

Buổi chiều thôn Tả Dì Thàng vắng hoe, trong thôn chẳng thấy phụ nữ đâu chỉ thấy những người đàn ông địu con đứng tụm quanh các đống lửa, mùi phân trâu đốt két lẹt. Hỏi ra mới hay, người đàn ông Hà Nhì ngoài việc chặt cây dựng nhà, cày ruộng nương và uống rượu thì họ không phải làm gì khác. Công việc còn lại từ nấu cám lợn, thổi cơm, đun rượu, gặt lúa, kiếm củi, thêu quần áo cho chồng con... tất tật đều do phụ nữ làm. Trong khi phụ nữ ra đồng thì đàn ông ở nhà trông con và uống rượu.


Đàn bà làm việc

Qua thôn Chuẩn Thèn tôi gặp từng đoàn phụ nữ thồ củi từ rừng về. Họ đi vội vã như thể cướp thời gian, những đống củi trước cửa nhà nào cũng chất cao quá đầu người. Đàn ông Hà Nhì chọn vợ, trước tiên họ nhìn vào các đống củi để biết được tính nết các cô gái đó. Đống củi của cô gái nào có nhiều củi tốt, cao to và bằng bặn thì đó là cô gái đó chịu khó, lam làm. Còn đống củi của cô gái thấp bé, xộc xệch thì đó là cô gái tính nết cẩu thả, lười nhác. Những cô gái đó rất khó lấy chồng.

  • Trà Sơn, tay em cầm nhật thực
    Phóng sự 09/02/2025 - 14:10

    Câu chuyện kinh tế trang trại, làm giàu nhờ trang trại từ vùng Trà Sơn, Can Lộc, minh chứng hùng hồn, không có gì tuyệt vời bằng làm giàu ngay chính trên quê hương mình.

  • Nông dân… lúa ngàn
    Phóng sự 09/02/2025 - 10:09

    Kiên Giang Lúa ngàn ngày xưa là ngàn giạ nhưng bây giờ là ngàn tấn. Từ 'vùng đất chết', anh đã biến thành nơi mỗi năm làm ra hàng ngàn tấn lúa, lợi nhuận chục tỷ.  

  • Những 'chiến binh' giữa đại ngàn Trường Sơn: Biệt đội giải cứu thú rừng
    Phóng sự 08/02/2025 - 14:06

    Hà Tĩnh Mỗi năm, hàng ngàn cá thể động vật hoang dã được VQG Vũ Quang cứu hộ, tái thả về rừng. Trong đó có rất nhiều loài nguy cấp, quý hiếm cần ưu tiên bảo tồn.

  • Tổ quốc tôi như một con tàu
    Phóng sự 03/02/2025 - 10:45

    Hai năm nay tôi đều may mắn được trở lại Cà Mau. Nói trở lại, vì tôi đã từng có mặt ở vùng đất này từ năm 1981 và nhiều lần, sau đó.

  • Những 'cột mốc sống' biên cương
    Phóng sự 02/02/2025 - 10:45

    Gọi là 'làng cao su' bởi từ cây cao su mà quần tụ thành làng, những công nhân cao su từ khắp mọi miền Tổ quốc đã tụ họp về đây làm những cư dân nơi biên giới. Họ đã góp phần gìn giữ môt dải biên cương no ấm, vững bền.

  • Thị xã cuối trời Tây Nam
    Phóng sự 29/01/2025 - 17:30

    Tịnh Biên là thị xã có địa hình đồi núi và giáp biên giới ở tỉnh An Giang, vừa thành lập năm 2023 trên cơ sở huyện Tịnh Biên.

  • Giao thừa tôi đi chợ Gò
    Phóng sự 29/01/2025 - 14:30

    Năm nào tôi cũng đi chợ Gò, nhưng thường là vào sáng mùng 1 Tết. Năm nay tôi ‘xông đất’ chợ Gò vào thời khắc giao thừa để xem không khí có khác hơn không.

  • 9 hạt giống và rừng hoa anh đào bên hồ Pá Khoang
    Phóng sự 29/01/2025 - 11:30

    Ở Tây Bắc đang có một rừng hoa anh đào đến từ xứ sở Phù Tang, mỗi năm một lần bung sắc, góp cho mảnh đất Mường Phăng lịch sử một lễ hội hoa.

  • Chàng trai tuổi 20 xây nhà thờ tổ nghề hát xẩm Việt Nam
    Phóng sự 28/01/2025 - 10:00

    17 tuổi, Bùi Công Sơn bỏ nhà đi hát xẩm, 20 tuổi xây nhà thờ tổ hát xẩm và được coi là truyền nhân của cố nghệ nhân Hà Thị Cầu dù chưa từng gặp.

  • Bảo vệ bản làng bình yên giữa đại ngàn
    Phóng sự 28/01/2025 - 07:00

    Yên Bái Cây tre Bát Độ không chỉ mang lại cuộc sống ấm no cho đồng bào dân tộc Mông ở Hồng Ca mà còn góp phần bảo vệ bản làng trước những sóng gió thiên tai.

  • Át Thượng bừng sáng ngày cuối năm
    Phóng sự 27/01/2025 - 11:40

    YÊN BÁI Sau những ngày tháng đau thương mất mát bởi thiên tai khủng khiếp, khu tái định cư thôn Át Thượng kịp bừng sáng dịp cuối năm để mang lại hy vọng cho nhiều hộ dân.

  • Cây cao bóng cả Tả Phìn
    Phóng sự 26/01/2025 - 06:00

    Ở cuối bản Tả Phìn có một cây pơmu trắng hơn 100 năm tuổi. Gần gốc pơmu đại thụ có một cụ bà người Dao chuẩn bị đón mùa xuân thứ 101 trong cuộc đời…

Xem thêm
Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Sóc Trăng

Sóc Trăng Sóc Trăng đã công bố quyết định sáp nhập Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Ban Dân vận Tỉnh ủy để thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Sóc Trăng.

Khi Supe Lâm Thao không chỉ bán sản phẩm mà còn gói kỹ thuật kèm theo

'Vào vườn thực nghiệm của Supe Lâm Thao check in đi' là câu nói của nhiều người rủ nhau dịp đầu xuân này, hướng tới Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ.

Từ 1/3, ô tô điện không còn được miễn 100% lệ phí trước bạ

Bắt đầu từ ngày 1/3/2025, ô tô điện chạy pin đăng ký lần đầu tại Việt Nam sẽ không còn được hưởng mức lệ phí trước bạ 0% như trước.

Cả nước ghi nhận 912 trường hợp mắc cúm

Một số bệnh viện lớn phía Bắc ghi nhận gia tăng ca mắc cúm mùa, trong đó có ca nặng, phải thở ECMO.

Bình luận mới nhất