| Hotline: 0983.970.780

Câu hỏi đặt ra sau cuộc không kích là tương lai Syria sẽ đi về đâu?

Thứ Tư 18/04/2018 , 13:05 (GMT+7)

Một ngày sau khi liên quân Mỹ tung đòn không kích nhằm vào Syria, cuộc sống của hầu hết những người dân nước này, vốn đã phải chịu quá nhiều đau khổ vì cuộc nội chiến, vẫn không chút thay đổi.

Ở thủ đô Damascus, hàng trăm người đổ ra đường biểu tình để thể hiện sự ủng hộ với Tổng thống Bashar al-Assad, người đang vững chãi trên chiếc ghế quyền lực. Tại Raqqa, thành trì mới được giải phóng khỏi tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, các đội rà phá bom mìn vẫn miệt mài tìm kiếm từng ngóc ngách. Hàng nghìn người từ Douma, thành phố được cho là vừa phải hứng chịu cuộc tấn công hóa học hôm 7/4 do quân đội chính quyền Syria thực hiện, đang chật vật tìm nơi trú ngụ mới, gia nhập cùng hàng triệu người Syria sống trong cảnh mất nhà cửa khác. Và trên chiến trường, những lực lượng đối địch nhau vẫn tiếp tục chiến đấu như những gì họ đã làm suốt 7 năm qua.

Giờ đây, khi khói bụi từ cuộc không kích của liên quân nhằm đáp trả cáo buộc tấn công hóa học ở Douma đã lắng xuống, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo “nhiệm vụ hoàn thành”, Nga đã đưa ra phản ứng và Tổng thống Assad đã đi làm trở lại, câu hỏi đặt ra giờ đây là tương lai Syria sẽ đi về đâu?

Nhiều người Syria bắt đầu cảm thấy cách thực tế duy nhất giúp chấm dứt cuộc chiến, ngăn chặn làn sóng cực đoan Hồi giáo và đưa đất nước tiếp tục tiến lên là thừa nhận quyền lãnh đạo của Tổng thống Assad, theo New York Times.

Họ nói chỉ khi nào tiếng súng tắt hẳn, những vấn đề lớn khác của Syria mới có thể được giải quyết, từ xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd ở phía bắc, cuộc chiến ngầm giữa Iran và Israel cho đến nỗ lực tái thiết những cộng đồng bị phá hủy.

Mỹ và các nước phương Tây lâu nay cho rằng Tổng thống Assad phải bị trừng trị vì "những hành động tàn ác" trong chiến tranh, ví dụ như cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học, đồng thời tuyên bố sẽ chỉ đóng góp vào công cuộc tái thiết Syria nếu ông Assad bị phế truất. Tuy nhiên, một số người phản bác rằng nếu phương Tây từ chối đầu tư những nguồn lực cần thiết để xây dựng lại tương lai cho Syria thì việc họ tìm cách trừng trị Tổng thống Assad sẽ chỉ khiến cuộc sống của dân chúng thêm tồi tệ.

“Họ không phải đang trừng phạt ông Assad mà họ đang trừng phạt những người dân Syria nghèo đói”, ông Joshua Landis, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Oklahoma, Mỹ, bình luận.

“Cuộc không kích của Mỹ không giúp thay đổi gì cho người dân Syria”, Osama Shoghari, nhà hoạt động phản đối chính quyền đến từ Douma, nhận xét.

“Tổng thống Assad vẫn có thái độ tích cực, tâm trạng thoải mái”, Natalya Komarova, thành viên phái đoàn nghị sĩ Nga có cuộc gặp ông Assad hôm 15/4, cho biết.

7 năm nội chiến đã khiến Syria bị chia cắt với người Turk chiếm quyền kiểm soát các thị trấn phía bắc, Mỹ liên kết với dân quân người Kurd gây ảnh hưởng ở phía đông và chính quyền Assad, với sự hỗ trợ từ Nga và Iran, giành những phần còn lại. Hiện tại, không bên nào có một kế hoạch khả thi giúp mang lại hòa bình thực sự cho Syria. Ý tưởng về việc để Tổng thống Assad nắm vai trò trung tâm trong tiến trình hòa giải không được đón nhận.

“Tôi thấy ý tưởng đó thật thiển cận và sai lầm”, Maha Yahya, giám đốc Trung tâm Trung Đông Carnegie ở Beirut, cho hay. “Dâng lên ông Assad một chiến thắng chắc chắn sẽ chỉ khiến Syria trở thành tâm điểm bất ổn của khu vực”.

Nghiên cứu từ trung tâm trên chỉ ra rằng nếu Tổng thống Assad vẫn nắm quyền, những người dân Syria rời bỏ đất nước đang trên đường tìm đến Mỹ và châu Âu tị nạn nhiều khả năng sẽ không quay trở về. “Họ không về bởi họ không tin ông Assad có đủ năng lực để mang đến an toàn và ổn định”, Yahya nói.

Sau cuộc không kích hôm 14/4, Tổng thống Trump đã bày tỏ quan điểm bi quan về khả năng của Mỹ trong việc thay đổi tình hình ở Trung Đông. “Máu và các nguồn lực từ Mỹ không thể giúp mang lại hòa bình và an ninh lâu dài cho Trung Đông”, ông nhấn mạnh. “Chúng tôi sẽ cố làm cho nó tốt đẹp hơn nhưng đây rõ ràng là một nơi đầy rắc rối”.

Ông gợi ý liên minh Arab có thể đóng vai trò lớn hơn trong nhiệm vụ này, đề cập tới Arab Saudi, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Ai Cập và Qatar. Tuy nhiên, Arab và UAE đang bị lún sâu vào cuộc chiến ở Yemen. Mặt khác, Arab Saudi, UAE và Ai Cập hiện còn bị khóa trong một cuộc khủng hoảng ngoại giao với Qatar. Vậy nên, hy vọng họ phối hợp với nhau để xử lý tình hình Syria là vô cùng mong manh, cây bút Ben Hubbard từ New York Times đánh giá.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.