| Hotline: 0983.970.780

Cây mì "xuống chó lên voi"

Thứ Năm 14/01/2010 , 11:20 (GMT+7)

Từ đầu năm 2010 đến nay, giá mì tăng gấp 3 lần so năm 2009 khiến người trồng mì xoa tay hoan hỉ. Nhớ lại năm ngoái nông dân Bình Định, Quảng Ngãi đổ mì xuống sông không ai thèm lấy.

Từ đầu năm 2010 đến nay, giá mì tăng gấp 3 lần so năm 2009 khiến người trồng mì xoa tay hoan hỉ. Nhớ lại năm ngoái nông dân Bình Định, Quảng Ngãi đổ mì xuống sông không ai thèm lấy.

Lãi như trồng...mì

Theo ghi nhận của NNVN, hơn nửa tháng nay, giá khoai mì tăng cao, giá lên đỉnh điểm đầu tuần này là 1.600 đồng/kg (hàm lượng tinh bột đạt 30%). Chẳng bù cuối năm ngoái, nông dân bị lỗ nặng bởi giá mì rớt thê thảm chỉ 350- 400 đồng/kg. Năm nay giá mì đã tăng gấp 3 lần khiến bà con nông dân trồng mì hai huyện Tân Châu, Tân Biên (Tây Ninh) như mở cờ trong bụng, nhất là vào dịp năm hết Tết đến.

Tại huyện Tân Châu, hầu như mọi cánh đồng trồng mì đều tấp nập, nhộn nhịp với những chiếc xe tải chở mì, những chiếc máy xắt lát hoạt động hết công suất. Anh Trần Văn Phúc (Tân Hà, Tân Châu) cho chúng tôi biết: “Năm ngoái tôi trồng 2,5 ha mì, do giá quá thấp nên lỗ nặng, năm nay dù diện tích mì thu hẹp nhưng lại cho năng suất khá cao, đạt khoảng 30 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí, lãi 20-30 triệu đồng/ha đâu có thua kém trồng mía”. Một nông dân khác đang thu hoạch mì tại đây cũng vui mừng: “Gia đình tôi trồng 2 ha, ước năng suất đạt trên 30 tấn/ha, lãi cũng từng ấy”.

Ông Nguyễn Ngọc Thơ - một chủ thu mua ở xã Tân Hà cho biết: “Chúng tôi thu mua mì của bà con bằng nhiều cách như mua mì tươi, mì khô xắt lát (giá 3.500đ/kg) hoặc có nhiều hộ bán mì tại rẫy trực tiếp cho các Cty (từ 30- 40 triệu đồng/ha), nhưng với điều kiện họ phải được thuê để lấy công thu hoạch”. Theo đánh giá của giới thương lái mì, đây là giá kỷ lục từ trước đến nay.

Ông Đinh Công Dân - Chủ tịch UBND xã Tân Hà cho biết thêm, diện tích mì toàn xã khoảng 400 ha, năm nay nhờ giá cao nên đời sống nông dân chắc chắn cải thiện, mừng nhất là người dân có tiền mua sắm khi Tết đến xuân về. Tuy vậy, vẫn còn một số hộ nông dân khác, do sợ lỗ như năm ngoái nên chỉ trồng cầm cự, ít chăm sóc nên hiệu quả không cao. Đặc biệt, trước đây nông dân chỉ việc nhổ mì, xắt phơi khô bán cho các nậu vựa, còn năm nay nông dân đã có nhiều cách chế biến để gia tăng chất lượng củ mì.

Găm hàng chờ giá

Hiện tại, NM Mì Tây Ninh (Thái Lan) và một số nhà máy của tư nhân ở TX Tây Ninh, huyện Hoà Thành nếu nông dân bán mì hàm lượng bột tối đa (30%) thì giá 1.600 đồng/kg. Với giá bán này, người trồng mì lãi 30 triệu đồng/ha. Theo anh Văn Tài (Suối Dây, Tân Châu), trên thị trường đã xuất hiện một số giống mì mới cho năng suất rất cao, nếu đầu tư đúng mức (15 triệu đồng/ha) có thể thu hoạch trên 60 tấn/ha, cầm chắc lãi 40-45 triệu đồng/ha.

Chính vì lợi nhuận khá cao, nên dù không có đất, anh Tài vẫn mạnh dạn sang tận tỉnh Bình Phước thuê 10 ha với giá 1 triệu đồng/ha/vụ để trồng giống mì mới. “Trước đây tôi làm ăn hết sức khó khăn, nhưng với giá mì như bây giờ thì tới đây khi thu hoạch, bỏ rẻ cũng lãi nửa tỷ đồng”. Còn anh Trần Công (thị trấn Tân Châu), nhà có khá nhiều đất, nhưng thấy giá mì “thơm quá”, nên anh mạnh dạn thuê thêm 15 ha đất ở xã Tân Hà để trồng mì với giá thuê 2 triệu đồng/ha/vụ. “Vụ này tôi cầm chắc lãi bạc tỷ”- anh hớn hở khoe cứ như tiền đã nắm trong tay.

Ông Lâm Phước, một chủ DNTN ở thị trấn Tân Châu cho biết, cách nay nửa tháng ông thu mua mì tươi giá 1.720 đồng/kg. Mỗi ngày NM của ông chạy với công suất 400 tấn củ mì tươi, cho ra khoảng 100 tấn bột thành phẩm. Do giá XK mấy ngày gần đây giảm nhẹ, cho nên giá nguyên liệu đầu vào có giảm, hiện còn 1.600 đồng/kg. Dù sao, giá mua mì vừa qua cũng đã "choáng", bởi so cùng thời điểm năm 2008 giá chỉ ở mức từ 600-700 đồng/kg mì tươi. Ngoài nguồn khoai mì nội địa, một số thương lái còn thu mua mì trên tuyến biên giới Việt Nam- Campuchia đem bán cho các NM. Với giá bán trực tiếp cho các nậu vựa 1.500đ- 1.600đ/kg, sau khi trừ chi phí phân bón, công nhổ, vận chuyển thì vẫn trúng to.

Điều đáng nói là, do nhu cầu nguyên liệu của các NM chế biến tăng cao, cộng thêm giá mì đang có chiều hướng tăng, nên nhiều bà con nông dân ở Tân Châu, Tân Biên lại có tâm lý muốn găm hàng “đầu cơ”, chờ ra Giêng mì tăng hàm lượng tinh bột mới bán ra thị trường. Tuy nhiên, ai dám bảo lúc đó giá mì vẫn còn đứng mức cao?

Xem thêm
Phát hiện cơ sở chuyên xử lý lợn ốm chết ở Vĩnh Phúc

Chủ cơ sở ở Vĩnh Phúc cho biết, lợn thu mua của dân đó đều là các con bị ốm do xuất huyết hoặc yếu do nắng nóng hoặc chết không rõ nguyên nhân.

Kiểm dịch tôm giống còn gặp khó

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên tôm nuôi mà một phần nguyên nhân do tôm giống gây ra, ngành chức năng đã siết chặt công tác kiểm dịch.

Sầu riêng rụng quả non hàng loạt do sốc nhiệt

KHÁNH HÒA Nhiều diện tích sầu riêng ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa đang thời kỳ quả non bị rụng hàng loạt do sốc nhiệt.

Quảng Ngãi xây dựng mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa

Các đơn vị đã phối hợp tổ chức gieo sạ bằng máy sạ cụm 12 hàng trên diện tích 5.000m2 tại mô hình ở cánh đồng lúa xã Đức Chánh (Mộ Đức, Quảng Ngãi).