| Hotline: 0983.970.780

Chiêu trị chồng say xỉn trong ngày Tết

Thứ Tư 18/02/2015 , 15:00 (GMT+7)

Trên đường về quê ăn Tết, chị Hằng giao hẹn với chồng, khi tiệc tùng, cả hai sẽ ngồi gần nhau, lúc nào vợ gắp món ăn vào bát cho chồng là anh phải tìm cách từ chối cụng ly hoặc chỉ nhấp môi uống giả vờ.

Chị Hằng quê ở Thanh Hóa, vẫn còn ám ảnh Tết năm ngoái cùng chồng về quê ra mắt họ hàng, đến nhà ai, chồng cũng sẵn sàng “zô zô”, một phần vì ngại, không dám từ chối lời mời của các anh em họ hàng, nhưng phần lớn là anh vốn tính ham vui, thích tụ tập nhậu nhẹt.

Chén nào cũng “bắc cạn”, cũng “trăm phần trăm”, bữa nào cũng ngồi đến cuối buổi nên kết thúc bữa ăn nào anh cũng đổ gục xuống như một cây chuối, thậm chí hai bữa say xỉn nôn trớ khắp nhà.

Năm nay, chị quyết định sẽ ra tay can thiệp để tránh cảnh phải hầu hạ ông chồng ốm do say. Trước Tết, chị sưu tầm nhiều bài viết về tác hại của rượu gửi cho ông xã đọc.

Mỗi ngày chị chỉ ghi ra vào dòng để ông xã ngấm dần. Khi sắp hành lý về quê, chị cũng cẩn thận xếp một hộp thuốc giải rượu, một ít thuốc paracetamol và đóng luôn cả lọ chanh muối trong tủ bếp vào va ly.

Chồng chị vốn rất ưa cách giã rượu bằng chanh muối. Chị giấu chồng món hàng đặc biệt vì sợ ông xã biết sẽ lạm dụng. Nghỉ Tết mới được vài ngày mà chị đã phải dùng hết nửa lọ chanh muối để giã rượu cho chồng.

Ngược lại với chị Hằng, chị Vân (quận Thanh Xuân, Hà Nội) không bao giờ thèm quan tâm để ý tới ông xã mỗi khi chồng uống rượu. Anh Vinh muốn uống bao nhiêu cũng được nhưng chị tuyên bố nếu chồng có mùi men thì cứ tự động nằm ở phòng khách và phải có trách nhiệm dọn dẹp nhà cửa, quần áo nếu lỡ có nôn ọe ra.

Thời gia đình còn chưa có người giúp việc, một lần anh xã say nôn ra áo, cứ chờ vợ giặt, chị vứt luôn áo vào thùng rác. Bây giờ, anh muốn tự làm hay nhờ người giúp việc thì tùy, chị không dây vào.

Biết quan điểm của vợ “không bao giờ phục vụ chồng uống rượu, không ngồi nhậu chung nếu bạn nhậu chỉ là của chồng, nếu Tết chồng mời khách đến nhà uống rượu thì vợ sẽ ra ngoài chơi hoặc đóng cửa phòng đọc sách, không bao giờ chăm sóc nếu chồng say đến ốm”, anh Vinh năn nỉ người giúp việc Tết này chỉ về quê ngày 30 và mồng 1.

Anh có một tủ đầy rượu ngoại được tặng, rồi những bình rượu thuốc anh kỳ công sưu tầm. Tết chính là dịp để anh khoe "gia sản" với bạn bè, nếu không uống thì có mà... phí rượu. Tuy nhiên, phải có người giúp việc ở nhà thì anh mới dám nhậu tới bến.

Không chê chồng ở điểm gì trừ việc thích nhậu và ham uống rượu đến mức say xỉn, với chị Bình (quận Phú Nhuận, TP HCM), mỗi dịp lễ Tết là một dịp bực mình bởi ông xã lúc nào cũng trong trạng thái lâng lâng vì bia rượu.

Vợ chồng chị thỉnh thoảng vẫn cãi nhau xung quanh đề tài say xỉn của ông xã. Nhiều lần chiến tranh đã kéo dài cả tuần. Trong đó, lần gay cấn nhất chị khóa cửa không cho anh vào nhà, cuối cùng anh phải sang ngủ nhờ ở nhà ông cậu còn hôm sau đi làm trong bộ dạng xộc xệch khiến cả công ty buồn cười.

Một lần anh mải uống rượu với bạn trong khi con đang sốt chờ bố về đưa đi bệnh viện, ức không chịu được, chị đã đem đổ hết cả bình rượu ngâm tắc kè của ông xã vào bồn cầu. Anh Đạt uống rượu xong thường khá hiền, tuy nhiên lại mắc bệnh chém gió, nói linh tinh. Vì thế, chị Bình không bao giờ nói lại một câu gì mỗi khi anh say rượu, chị chỉ lẳng lặng làm. Hôm sau, lúc anh tỉnh rượu chị mới lên tiếng. Ngày Tết, không muốn việc cãi cọ kẻo giông cả năm, chị thường nín nhịn. Thấy chồng say, chị thường phải giả vờ đi ngủ sớm để ông xã không có thính giả thì cũng dễ dàng chìm vào giấc ngủ hơn.

Giáo sư, tiến sĩ tâm lý Vũ Gia Hiền (Hội Khoa học Tâm lý và Giáo dục TP HCM) đồng tình với cách xử lý để cho ông xã ngủ khi lỡ say rượu, theo ông đây là cách làm hợp lý nhất.

Ông cho biết, khi có hơi men trong người, đặc biệt là đã đến mức say rượu, cảm xúc của người đàn ông thường rất bộc phát, thiếu kiềm chế và có tâm lý tự ái rất cao. Tâm lý tự ái vô cùng nguy hiểm,  khiến người say rượu chỉ biết có bản thân mình, không quan tâm đến cảm xúc cũng như suy nghĩ của người khác.

Họ thấy mình là nhất, họ luôn sẵn sàng hơn thua. Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều người bình thường hiền lành, khi rượu vào bỗng trở nên hung hăng.

Nhiều người bị thay đổi tính cách khi có chất kích thích là rượu. Khi uống rượu đến mức nào đó, có người xuất hiện hiện tượng buồn ngủ, có người nói vui vẻ hơn, có người than phiền, có người khóc và có loại hung dữ, có loại bạo lực...

Đây là hiện tượng không phải bệnh lý tâm thần, không phải tâm lý mà là do chất kích thích nên mất kiểm soát.

Giáo sư nhận xét, người say rượu rất thích mọi người kính trọng họ và có lời nói nhẹ nhàng. Nếu bị lên lớp, dạy bảo, bị phê phán, người uống rượu say thường có phản ứng rất ghê gớm. Thực tế, rất nhiều bà vợ đã bị ăn đòn oan vì lỡ có ý kiến lúc chồng say xỉn.

Bị vợ phê phán, người say rượu thường không kiềm chế được bản thân nên dễ nổi sung, đánh mắng chửi bới, dẫn đến vợ chồng cãi nhau.

Giáo sư khuyên người vợ nên nín nhịn khi chồng say rượu. Vợ có thể giúp chồng xoa dịu cơn say bằng một số biện pháp giải rượu như cho uống trà, nước hoa quả, chanh muối… Có thể để chồng nằm nghỉ, ngủ một giấc, nên để anh ta đi vào giấc ngủ càng nhanh càng tốt.

Khi các ông tỉnh rượu mới là lúc để các bà vợ ra tay. Lúc ấy, vợ có thể tỉ tê với chồng rằng anh uống rượu say trông bê tha, bệ rạc, người ta khinh thường cho. May mà lúc say ở nhà mình, chứ ở bên ngoài thì thật mất nhân cách.

Ông cũng cảm thấy khâm phục chiêu trị chồng say rượu cao tay của một bà vợ ở quận 4, TP HCM. Lúc chồng say rượu, nói lải nhải, chị bật máy ghi âm ghi hết, đến lúc chồng tỉnh, mới tua lại cho chồng nghe.

Anh xã vô cùng ngạc nhiên và xấu hổ khi nghe lại giọng của mình lúc có hơi men, từ đó giảm mức độ uống hẳn. Hay như anh Tùng (quận 7, TP HCM) sau khi xem lại video mà mình là nhân vật chính, do vợ lấy điện thoại quay lúc anh say xỉn, nôn khắp nhà, anh cảm thấy rất mất mặt. Từ đó, lúc nào đi nhậu, anh cũng tự nhủ phải giữ giới hạn để không say.

VnExpress

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm