| Hotline: 0983.970.780

Chu Vĩnh Khang - vụ án thế kỷ: Tin tức ngày thứ Sáu

Thứ Ba 09/12/2014 , 08:47 (GMT+7)

Vụ điều tra chống lại cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc chưa từng có tiền lệ và đặt đất nước Trung Quốc ở những ngã rẽ khó lường.

Tám phút trước khi thời điểm của thứ Sáu ngày 5/12, “lưỡi rìu pháp luật” đã rơi xuống đầu ông cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc, người từng nắm giữ hệ thống an ninh và pháp luật đầy quyền uy.

Những thứ Sáu trùng hợp

Một bản tin do hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã phát đi, nói rằng cựu “trùm” an ninh Chu Vĩnh Khang đã bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc, hồ sơ vụ án liên quan đến ông này đã được chuyển qua cơ quan pháp luật cao nhất để xử lý.

Một phút sau, phiên bản tiếng Anh của tin này được phát đi, nói ông Chu, từng là nhân vật hét ra lửa, đã thú nhận tội tham nhũng với những khoản tiền khổng lồ, tội lạm dụng quyền lực, tội làm lộ bí mật nhà nước và kỷ luật đảng.

Tân Hoa Xã nói quyết định khai trừ đảng đối với Chu được đưa ra sau một cuộc họp hôm thứ Sáu giữa các thành viên Bộ Chính trị. Thông tin về vụ án Chu Vĩnh Khang hoàn toàn có thể được đưa lên sớm hơn, trong giờ hành chính, nhưng cuối cùng nó đã xuất hiện lúc gần 12 giờ đêm.

Đối với bất kỳ nhà báo nào theo dõi chính trị Trung Quốc, thời điểm tung thông tin nói trên cũng “bất ngờ như mọi khi”. Mỗi khi phải ban bố những thông tin nhạy cảm, chính quyền Trung Quốc thường chọn thời điểm đêm thứ Sáu.

Cho dù Chu Vĩnh Khang không phải là nhân vật được yêu thích (ông này vốn có tiếng là cứng rắn, hơn nữa lại nắm mạng lưới theo dõi, giám sát), chính quyền không muốn tin về việc điều tra họ Chu tràn ngập trên mặt báo vào ngày thứ Hai. Bởi vụ việc cho thấy mức độ tham nhũng nghiêm trọng ở nấc quan chức cao cấp nhất và cũng gián tiếp phản ánh sự đấu đá trong nội bộ lãnh đạo cấp cao, theo nhận định của Tạp chí Foreign Policy (Mỹ).

Nói cách khác, trong khi vụ án Chu Vĩnh Khang có thể được xem là động thái tích cực làm trong sạch nội bộ đảng, nó cũng có thể là cơn cớ gây ra cơn giận dữ của công chúng khi bức màn bí mật về đời tư của các chính trị gia cao cấp và mức độ lũng đoạn quyền lực của họ được vén lên.

Theo Tân Hoa Xã, tin Bạc Hy Lai, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, con trai của một trong “bát đại nguyên lão” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Bạc Nhất Ba) bị khai trừ đảng xuất hiện lúc 18h ngày thứ Sáu, 28/9/2012, khi các công sở đã đóng cửa cho một kỳ nghỉ cuối tuần. Nhà hoạt động chính trị Lưu Hiểu Ba bị kết án 11 năm tù vào một sáng thứ Sáu năm 2009. Hôm đó cũng là ngày lễ Giáng sinh.

So với Bạc Hy Lai, xuất thân của Chu Vĩnh Khang kém thế hơn. Bạc Hy Lai là con trai Bạc Nhất Ba, nguyên Phó Thủ tướng. Chu lớn lên từ gia đình bình dân và leo cao trong đảng từ ngành dầu khí. Và Chu Vĩnh Khang là trường hợp đầu tiên bị điều tra tham nhũng cho dù từng là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị (nay gồm 7 người, tuy nhiên thời của Chu, Thường vụ Bộ Chính trị gồm 9 người).

Cả Bạc và Chu ngã ngựa là chỉ dấu cho thấy Chủ tịch Tập Cận Bình đã thành công trong việc củng cố và mở rộng quyền lực, thông qua chiến dịch chống tham nhũng ngay sau khi lên nắm vị trí cao nhất trong Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 11/2012.

Chính quyền Trung Quốc rõ ràng hiểu rằng ra thông cáo vào cuối tuần làm giảm mức độ nóng của thông tin, qua đó cũng làm giảm ảnh hưởng không mong muốn. Và thông tin cho đám ký giả phương Tây đầy rắc rối vào lúc họ đã sẵn sàng cho một kỳ nghỉ cuối tuần, cũng là một tuyệt chiêu.

Nhưng tuyệt chiêu này không phải do người Trung Quốc nghĩ ra. “Tung tin vào ngày thứ Sáu” là khái niệm quen thuộc ở Mỹ. Nhưng người Trung Quốc thường xuyên dùng chiêu này nên có người nghĩ nó “made in China”.

Năm 1976, Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông qua đời vào rạng sáng thứ Năm nhưng 16 giờ sau, thông tin này mới được chính phủ loan báo.

Trong vụ án tham nhũng của Thị trưởng Bắc Kinh Trần Hy Đồng những năm 90 (thế kỷ XX), ông Trần bị khai trừ đảng vào ngày thứ Sáu, 29/8/1997, bị bắt giam vào thứ Sáu 27/2/1998, bị kết án 13 năm tù cũng vào một ngày thứ Sáu (31/7/1998). Trần Hy Đồng chết năm 82 tuổi, ngày 2/6/2013, vào một ngày Chủ nhật.

Vụ án lớn nhất

Vụ án Chu Vĩnh Khang là cuộc điều tra tham nhũng quan trọng nhất trong vài thập kỷ trở lại đây, nếu không muốn nói là vụ án lớn nhất kể từ ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1949), theo nhận định của Isaac Stone Fish, biên tập viên tạp chí chính trị - ngoại giao nổi tiếng Foreign Policy (Mỹ).

Tuy nhiên, công chúng chỉ có thể đồn đoán, đưa ra giả thuyết xung quanh vụ án này bởi những yếu tố “mật” trong chính giới Trung Quốc, nhất là vụ liên quan đến hạng quan chức cao cấp nhất.

Tính đến thời điểm này, tin điều tra Chu Vĩnh Khang đã chính thức được công bố trên báo chí nhà nước cho dù những đồn thổi về vụ án đã râm ran hàng năm nay. Nhưng do tính chất nghiêm trọng và chưa từng có tiền lệ, người ta cũng khó có thể dự đoán sau khi họ Chu bị đánh đổ, nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ ra sao, vững mạnh hơn hay chia rẽ hơn.

Thậm chí có chuyên gia phương Tây còn cho rằng vụ án Chu Vĩnh Khang cũng có thể dẫn đến những đổ vỡ chính trị. Cuộc chiến chống tham nhũng “đánh cả hổ lẫn ruồi” đang đặt Trung Quốc tới những bước ngoặt rất khó dự đoán.

Bởi mối quan hệ, mạng lưới của Chu Vĩnh Khang rất rộng lớn, lan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều nhân vật lớn nhỏ giống như một mạng nhện mà nhân vật trung tâm là ông cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, người từng nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong bộ máy kinh tế - chính trị: người lãnh đạo ngành dầu khí trong những năm 1980-1990, Bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên lớn nhất khu vực tây nam Trung Quốc từ 1999-2002, Bộ trưởng An ninh cho đến năm 2007 rồi trở thành Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, nắm mảng chính trị - pháp luật.

Với vụ Chu Vĩnh Khang, đây là lần đầu tiên Trung Quốc điều tra một Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, điều chưa từng có tiền lệ. Thông qua vụ án, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang phát đi một thông điệp: không có nhân vật nào thoát khỏi bàn tay pháp luật, dù họ có là ai.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm