| Hotline: 0983.970.780

'Đại gia cá tra vỡ nợ' và bài học cho một ngành kinh tế

Thứ Sáu 24/03/2017 , 14:09 (GMT+7)

Việc vợ chồng Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Tafishco - An Giang mấy tháng qua bỏ ra nước ngoài không trở về, để lại khoảng nợ lớn của nhiều khách hàng, làm nhiều người đứng ngồi không yên.

Thực ra, việc các “đại gia thủy sản” lâm nợ, bỏ trốn hay bị bắt đã xảy ra lâu nay. Nó như một “hàn thử biểu” đo độ nóng - lạnh của ngành kinh tế quan trọng này ở miền Tây Nam Bộ.

13-34-34_thu-hoch-c-tr-o-thot-not-cn-tho-2
Thu hoạch cá tra ở Cần Thơ
 

Vì sao, trong mấy năm qua, lại có nhiều đại gia thủy sản vỡ nợ như vậy? Loại bỏ các yếu tố do chủ doanh nghiệp lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm, câu kết với cán bộ ngân hàng rút tiền tín dụng tiêu xài hay đầu tư vào bất động sản hay ngành kinh doanh khác rồi vỡ nợ; cần phân tích thấu đáo thực trạng, rút ra bài học cho ngành cá tra.
 

Phía sau kỳ tích con cá

Lịch sử hình thành và phát triển của nghề nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL đã tạo ra kỳ tích. Sau lúa gạo và hơn cả lúa gạo, khởi điểm từ cuối thập niên 90, chỉ trong vài năm sau, con cá tra đã vươn lên đỉnh vinh quang.

Từ loài cá tự nhiên miền sông nước, những người nông dân miền Tây sáng tạo, được trợ giúp của khoa học, trở thành những “bà mụ vườn” bắt cá đẻ, tạo ra ngành mới - sản xuất giống cá tra nhân tạo, đáp ứng ngành nuôi theo kiểu sản xuất hàng hóa, qui mô lớn. Với lợi thế điều kiện tự nhiên, vùng nuôi, năng suất cao, đẩy mạnh chế biến xuất khẩu, cá tra ĐBSCL đã vươn lên đứng đầu thế giới, chiếm hơn 90% thị phần cá tra xuất khẩu toàn cầu.

Chính con cá tra ĐBSCL, gần 2 thập niên trước đây đã làm đau đầu những ông chủ tập đoàn, hiệp hội cá nheo bên Mỹ, khơi mào cho cuộc chiến cá da trơn, đã “vô tình” quảng bá cho sự nổi tiếng của loài thủy sản đặc hữu vùng sông nước Cửu Long. Người tiêu dùng Mỹ, châu Âu và hơn 150 quốc gia, vùng lãnh thổ ưa chuộng cá tra phi-lê Việt Nam không chỉ vì giá cả cạnh tranh so với các sản phẩm cá nheo và da trơn cùng loại, mà quan trọng hơn là đáp ứng tốt nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng. Về mặt dinh dưỡng, ngành này đáp ứng xu thế ẩm thực mới, cung cấp lượng thịt trắng, an toàn, ít bị nhiễm kháng sinh.

Nhưng đằng sau ánh hào quang “vượt vũ môn” của loài “đế ngư” là cảnh lâm nợ, khốn đốn của nhiều người nuôi và doanh nghiệp cá tra xảy ra như có tính chu kỳ năm được, năm mất. Nguyên nhân được nhận diện là khi giá thị trường xuống thấp, thiếu vốn, “hiệu ứng đôminô” lây lan, người nuôi cá, doanh nghiệp, ngân hàng nợ nần dây chuyền, chiếm dụng vốn lẫn nhau.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế, chật vật trong tìm đầu ra, phải kể đến “tử huyệt” của doanh nghiệp thủy sản là năng lực tài chính yếu kém, sử dụng chủ yếu vốn vay ngắn hạn, gặp lúc lãi suất tăng vọt, lợi nhuận làm ra không đủ trả lãi dẫn đến thua lỗ kéo dài.

Nhiều doanh nghiệp thủy sản vừa phát lên, bỗng chốc “lâm bệnh nặng”. Một số chủ doanh nghiệp không có chuyên môn sâu trong ngành, lĩnh vực, đa phần khởi sự từ mua bán chuyển sang nghề nuôi, chế biến thủy hải sản. Nghiên cứu thị trường không kỹ và không am hiểu đầy đủ luật pháp của các nước nhập khẩu, chỉ cần một đơn hàng chậm thanh toán hoặc bị hủy thì doanh nghiệp gặp điêu đứng.

“Căn bệnh” của ngành kinh tế cá tra đã được chẩn đoán, bốc thuốc, nhưng dùng thuốc chưa đủ liều. Cần tiếp cận đa ngành, phối hợp hành động liên ngành. Phải chăng “tử huyệt” của doanh nghiệp đang là sự yếu kém về tài chính và quản trị?

Thực trạng yếu kém, thiếu bền vững của chuỗi giá trị cá tra đã được nhận diện mấy năm qua, nhiều giải pháp đã được thực thi. Từ tăng cường quản lý nhà nước, qui hoạch vùng nuôi, nhà máy chế biến đến tiếp cận cho vay theo chuỗi, thành lập Hiệp hội cá tra. Nhưng các giải pháp dường như chưa đủ sức “tái cấu trúc chuỗi”. Sự vỡ nợ của các đại gia trong ngành cá tra cần được xem là một chỉ dấu để rà soát chính sách và hiệu quả của các giải pháp.
 

Đại gia cá tra lâm nợ: Lỗi của cho vay theo chuỗi?

Điều đầu tiên cần phải khẳng định là chính sách cho vay theo chuỗi cá tra mà các ngân hàng đã áp dụng mấy năm qua là một chủ trương đúng.

Từ hệ lụy do phát triển nóng, thiếu qui hoạch, mạnh ai nấy làm trước đây, khi gặp khó khăn thị trường, trong cơn khát vốn, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu làm ăn chụp giựt, đã tự làm khó mình và làm khó lẫn nhau khi liên tục chào bán cá tra với giá thấp để có tiền xoay vòng. Khi “bồ nhà chơi xấu nhau trên sân khách” đã tạo cho nhà nhập khẩu quyền xác lập “giá trần”. Ở nhiều thời điểm, giá cá tra xuất khẩu đã liên tục hạ gây bất lợi không chỉ cho doanh nghiệp, người nuôi mà còn làm suy yếu ngành cá tra Việt Nam.

Trong khi đó, ngân hàng cho vay theo chuỗi cá tra, mặc dù tiếp cận đúng, nhưng chỉ mới giải quyết ở khâu “cung ứng” tín dụng dựa trên các phương thức hợp đồng mà trách nhiệm thường qui về bên yếu thế là người nuôi, phần đông là nông dân hoặc doanh nghiệp siêu nhỏ. Xảy ra nợ nần, các tác nhân yếu thế này “lãnh đủ”. Trong khi đó, việc nâng cao năng lực quản trị, tài chính và hoàn thiện chuỗi liên kết lại là vấn đề khác.

Đã không có quyền lại dễ mất trắng

Cách tiếp cận của ngân hàng hiện cũng chỉ “sờ” đến một công đoạn của chuỗi cá tra. Đó là người nuôi, doanh nghiệp chế biến kiêm xuất khẩu. Phần quan trọng nhất của con cá tra đang ở một phân ngành khác. 

Thực tế hiện nay, 80 - 90% giá thành cá tra là chi phí thức ăn. Trong khi đó, khoảng 80% các doanh nghiệp nước ngoài đang nắm giữ quyền cung cấp thức ăn thủy sản, quyết định giá nguyên liệu. Và cũng vào khoảng 70 - 80% nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi, thủy sản như bắp, cám gạo và các nguyên, phụ liệu khác cũng được nhập khẩu. 

Như vậy, sản xuất cá tra, từ “đầu vào” đến “đầu ra”, người nuôi - với tư cách “nhà sản xuất” nhưng không có quyền quyết định đối với sản phẩm của mình làm ra. Khi cá tra được giá, người nuôi chỉ lãi 10 - 20%, còn lại 80 - 90% thuộc phân ngành thức ăn. Thua lỗ, thì người nuôi mất trắng.

Giải bài toán tái cấu trúc ngành hàng cá tra chắc chắn có tầm chiến lược hơn nhiều so với việc xử lý nợ nần của doanh nghiệp thủy sản và người nuôi. Yêu cầu đòi hỏi tăng cường liên kết vùng, liên kết chuỗi giá trị thực chất, thương hiệu hóa; tái cấu trúc toàn diện ngành hàng thủy sản gắn với ngành công nghiệp thức ăn, đa dạng hóa sản phẩm. 

Nhưng trước mắt là cần rà soát, thải loại các doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính, quản trị yếu kém để đảm bảo sự lành mạnh, sức cạnh tranh của các tác nhân, tăng cường liên kết lại để ngành hàng cá tra đủ sức đương đầu trước thách thức và hội nhập đang mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều khắc nghiệt của cuộc chơi “mạnh được, yếu thua”.

 

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm