| Hotline: 0983.970.780

Dạy nghề không chạy theo số lượng

Thứ Hai 10/09/2012 , 10:15 (GMT+7)

BCĐ đào tạo nghề T.Ư cho biết, từ khi triển khai đề án dạy nghề cho LĐNT đến nay đã có trên 889.000 người được học nghề.

Báo cáo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại cuộc họp về đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) theo QĐ 1956 của Chính phủ, BCĐ đào tạo nghề T.Ư  cho biết, từ khi triển khai đề án đến nay đã có trên 889.000 LĐNT được học nghề.

Trong đó 650.000 người có việc làm đúng nghề đào tạo, 23.500 hộ thoát nghèo nhờ có việc làm, 15.600 hộ trở nên khá giả. Các địa phương đã chủ động tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trên 9.600 cán bộ công chức cấp xã, nâng tổng số cán bộ công chức được đào tạo, bồi dưỡng ở 51 địa phương khi thực hiện đề án lên hơn 80.000 người. Bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy nghề cho 883 giáo viên dạy sơ cấp nghề, nâng tổng số giáo viên ở các trung tâm dạy nghề đạt chuẩn nghiệp vụ sư phạm dạy nghề lên 7.000 người; bồi dưỡng kỹ năng dạy học cho 2.000 người dạy nghề, nâng tổng số người dạy nghề được bồi dưỡng kỹ năng dạy học lên 6.700 người.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, kết quả đào tạo nghề còn thấp, hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ đều không đạt. Chỉ tiêu kế hoạch dạy nghề cho 500.000 LĐNT và đào tạo, bồi dưỡng 100.000 cán bộ, công chức cấp xã năm 2012 nhiều khả năng không thực hiện được. Công tác tổ chức chỉ đạo và triển khai thực hiện của các cấp chính quyền địa phương còn chậm, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với đặc điểm vùng, ngành kinh tế. Nhất là kết quả đào tạo nghề chưa đáp ứng yêu cầu DN và xã hội…

Bên cạnh đó, việc lập kinh phí ban hành chậm vì hầu hết kinh phí phân bổ đã được UBND các tỉnh duyệt từ đầu năm, do vậy đến nay nội dung đào tạo nghề nông nghiệp ở một số tỉnh vẫn tạm thời giao cho Bộ LĐ-TB&XH tổ chức thực hiện.

Theo dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn trách nhiệm tổ chức thực hiện đề án đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020, Sở NN-PTNT sẽ xây dựng kế hoạch, dự toán nhu cầu kinh phí thực hiện dạy nghề nông nghiệp hàng năm, 5 năm và cung cấp thông tin về định hướng, quy hoạch SXNN cho Sở LĐ-TB&XH khi xây dựng kế hoạch hàng năm.

Sở NN-PTNT trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về việc dạy nghề nông nghiệp và hướng dẫn cấp huyện xác định danh mục nghề đào tạo và nhu cầu học nghề trên địa bàn. Đây cũng là đơn vị chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng mức chi phí đào tạo cho từng nghề nông nghiệp trong danh mục nghề, gửi Sở LĐ-TB&XH để tổng hợp, trình ủy ban cấp tỉnh quyết định.

Ghi nhận những khó khăn, bất cập trong công tác đào tạo nghề của các địa phương, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, phấn đấu đến cuối năm nay 100% số huyện có ít nhất một cơ sở dạy nghề công lập, làm nòng cốt để dạy nghề. Bộ Nội vụ chỉ đạo UBND các địa phương phải bố trí cán bộ chuyên trách quản lý dạy nghề tại Phòng LĐ-TB&XH cấp huyện.

"Trước mắt ở những huyện chưa bố trí được biên chế quản lý dạy nghề thì trưởng hoặc phó phòng phải thực hiện kiêm nhiệm phụ trách theo dõi về dạy nghề trên địa bàn cho tới khi sắp xếp được biên chế. Phấn đấu hoàn thành việc bố trí các Ban chỉ đạo tại các xã và biên chế cán bộ phụ trách theo dõi dạy nghề cấp huyện trước ngày 30/10", ông Nhân chỉ đạo.

Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Phó Thủ tướng cũng đề nghị, các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện việc đào tạo nghề cho LĐNT đảm bảo chất lượng, hiệu quả, không chạy theo số lượng. Tập trung chỉ đạo thực hiện các mô hình thí điểm dạy nghề để triển khai nhân rộng, hướng dẫn tổng kết, đánh giá việc thực hiện thí điểm sử dụng thẻ học nghề nông nghiệp tại Bến Tre và Thanh Hóa.

Về xây dựng kế hoạch đào tạo nghề giai đoạn 2012-2015, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các Bộ, ngành rà soát lại việc xây dựng kế hoạch chi tiết 3 năm để các địa phương sớm có dữ liệu để lên kế hoạch thực hiện.

Xem thêm
Cà Mau: Cua chết bất thường trên diện rộng

Tình trạng cua chết xảy ra ở nhiều địa phương khiến chất lượng và sản lượng cua thương phẩm sụt giảm, nông dân lao đao.

Hải Phòng phát hiện hơn 100 tàu cá mất kết nối VMS trong 4 tháng

Những trường hợp tàu cá bị phát hiện mất kết nối, nếu không khắc phục kịp thời, cơ quan chức năng thành phố Hải Phòng đều xử lý nghiêm.

Nghêu sạch vào nhà máy, ra siêu thị

Năm 2023, HTX thu hoạch nghêu thịt hơn 950 tấn, trong đó cung cấp nghêu sạch cho nhà máy đạt 120 tấn, tổng doanh thu gần 19 tỷ đồng.

Ruốc biển xuất hiện dày đặc, ngư dân thu tiền triệu mỗi ngày

QUẢNG NGÃI Sau vài giờ ra khơi đánh bắt, các tàu thuyền trở về với hàng tạ ruốc, mang lại thu nhập tiền triệu mỗi ngày cho ngư dân ở vùng biển Quảng Ngãi.

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm