| Hotline: 0983.970.780

Gạc Ma - Ký ức không quên: Gặp nhân chứng sống

Thứ Tư 16/03/2016 , 06:35 (GMT+7)

Anh Lê Minh Thoa (50 tuổi), 1 trong 9 chiến sĩ Hải quân may mắn còn sống sót trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa) giờ đã về bán phở tại TP Quy Nhơn (Bình Định)./ Mộ gió Gạc Ma

Thế nhưng, hình ảnh cuộc chiến đấu đẫm máu bảo vệ biển đảo quê hương vẫn sống mãi trong ký ức anh.

Đổ máu giữ đảo

Sinh ra tại vùng quê bán sơn địa thuộc thôn Đại Chí, xã Tây An (huyện Tây Sơn, Bình Định), thế nhưng khi gia nhập quân đội, anh Lê Minh Thoa lại chọn vào Binh chủng Hải quân theo truyền thống của gia đình.

Anh nhập ngũ vào tháng 2/1985, được đào tạo chuyên ngành cơ điện tại Cát Lái. Sau 9 tháng quân trường, anh được đưa về làm thợ máy phục vụ trên tàu HQ 602, thuộc Lữ đoàn vận tải 125 đóng ở Tân Cảng (TP.HCM). Thời điểm ấy, tại quần đảo Trường Sa có nhu cầu xây dựng cơ bản để tạo nơi ăn chốn ở ổn định cho lính giữ đảo. Đơn vị anh nhận nhiệm vụ vận chuyển vật liệu xây dựng, nhu yếu phẩm cung ứng cho lính đảo Gạc Ma.

“Gạc Ma là đảo nổi, mỗi khi thủy triều lên là đảo ngập, không thể vận chuyển vật liệu xây dựng lên đảo cùng lúc được, phải chuyển dần dần, mỗi chuyến đi chúng tôi phải bám biển vài ba tháng mới về”, anh Thoa cho biết.

Ngày 11/3/1988, vừa ăn Tết xong, anh Thoa nhận được quyết định chuyển công tác sang tàu HQ 604, thuộc Hải đội 1, Lữ đoàn 125 nhận nhiệm vụ tăng cường vận tải cho đảo Trường Sa. Khoảng 4-5 giờ chiều ngày 13/3, tàu HQ 604 đến đảo Gạc Ma. Khi ấy tại quần đảo Trường Sa còn có tàu HQ 605 đậu ở đảo Len Đao và tàu HQ 505 đang làm nhiệm vụ trực.

“Vài chục phút sau thì thấy một tàu hộ vệ của Hải quân Trung Quốc cũng chạy về phía Gạc Ma, liên tục phát loa nói đây là lãnh thổ của Trung Quốc, yêu cầu Việt Nam rời ngay. Nghe quá phi lý, anh em vẫn tiếp tục triển khai nhiệm vụ, chuyển vật liệu xây dựng đặt mốc chủ quyền và cắm cờ Tổ quốc đúng 12 giờ đêm khi thủy triều xuống”, anh Thoa nhớ lại.

Khi lên đảo, nhìn thấy lính Trung Quốc đang có ý định tấn công lá cờ Tổ quốc của lính giữ đảo Gạc Ma đã cắm từ trước, hàng chục bộ đội Hải Quân liền đứng thành vòng tròn bảo vệ cờ. Tuy nhiên lính Trung Quốc quá đông và được trang bị hỏa lực rất mạnh nên các chiến sĩ Hải quân của ta lần lượt gục ngã dưới lá cờ Tổ quốc.

“Khoảng 6 giờ sáng, 3 chiếc tàu Trung Quốc đồng loạt nã pháo sang tàu HQ 604 và 2 tàu HQ 605, HQ 505. Riêng tàu HQ 604 bị cháy ca bin ngay quả pháo đầu tiên nên mất liên lạc. Đạn pháo bắn như mưa nên chẳng mấy chốc 2 tàu HQ 604 và HQ 605 bốc cháy và bị chìm”, anh Thoa nhớ lại.

Chiếc tàu HQ 604 bị đạn pháo quá nhiều, chuẩn bị chìm, lúc ấy anh Thoa đang ở hầm máy. Nhờ những lỗ chống nước nên anh Thoa thoát được ra ngoài. May mắn, lúc thoát được ra biển, anh bấu được 2 quả bí to có cuống dài tàu anh chở ra cung ứng cho lính đảo cải thiện bữa ăn, để làm phao. Anh bơi trong vô vọng.

Anh Thoa kể thêm: “Khi lênh đênh trên biển, tôi thấy bộ đội Hải quân của mình còn sống rất nhiều. Thế nhưng lúc ấy có 3 chiếc xuồng máy, mỗi chiếc chở 3 lính Trung Quốc chạy quanh, cứ thấy bộ đội mình ngoi lên là bắn gục ngay trên biển. Mỗi khi nghe tiếng nổ của xuồng máy đến gần, tôi cầm chặt cuống 2 quả bí lặn sâu xuống biển, nhờ đó không bị bắn như đồng đội.

12-30-55_1
Anh Thoa hồi tưởng chuyện cũ

Tôi trôi dạt vô định trên biển đến 5 giờ chiều hôm đó. Trong lúc đang tuyệt vọng thì tôi thấy 1 chiếc tàu từ hướng Philippines chạy tới. Tôi mừng, ngỡ được cứu, không ngờ đó là tàu Trung Quốc. Tôi bị bắt, bịt mắt và đưa lên tàu. Đến khi được tháo khăn bịt mắt, tôi thấy có 8 chiến sĩ của mình cũng đã bị bắt từ khi nào, bị trói nằm sắp hàng trong khoang tàu.

Cũng như tôi, ai cũng thương tích đầy người, trong đó có 1 chiến sĩ tên Nguyễn Văn Hùng quê ở Thanh Hóa cùng là chiến sĩ trên tàu HQ 604. Suốt 2 ngày 2 đêm tàu chạy về đảo Hải Nam, chúng tôi không được ăn uống gì. Sau đó chúng tôi được đưa về bán đảo Lôi Châu, và đó cũng là nơi chúng tôi chúng tôi bị cầm tù”.

Ông Lê Xuân Diệu, ở phường Lê Lợi (TP Quy Nhơn), nguyên là Đại tá Trưởng phòng Chính sách quân chủng Hải quân Việt Nam, cho biết: “Thời điểm ấy, do chỉ có chủ trương xây dựng nên quân chủng Hải quân chỉ đưa ra Trường Sa toàn lính thợ. Vì thế khi bị phía Trung Quốc tấn công với hỏa lực mạnh, lính xây dựng đảo trở tay không kịp nên tổn thất lớn. Đã có 64 chiến sĩ trên tàu HQ 604 vĩnh viễn nằm lại ngoài đảo Gạc Ma. Riêng 9 chiến sĩ còn sống sót bị Trung Quốc bắt giữ, ở nhà đã làm lễ truy điệu, phong liệt sĩ, đến năm thứ 3 mới có thông tin họ còn sống”.

Bà Trần Thị Mười, mẹ anh Thoa, nhớ lại: “Nghe người ta nói tàu của thằng Thoa bị Trung Quốc bắn chìm rồi nên nghĩ rằng, con cũng bị chìm sâu dưới biển nên lập bàn thờ, nhang khói. Ðến một hôm, mới 4 giờ sáng thấy có người gọi cửa, dậy mở thì ai nấy đều mừng đến khóc, không nói được lời nào”.

Sau trận Gạc Ma, trong lúc anh Thoa còn bị giam cầm bên Trung Quốc thì vào ngày 3/12/1988, Hội đồng Nhà nước đã tặng thưởng cho anh Huân chương Chiến công hạng Ba về thành tích xuất sắc phục vụ chiến đấu bảo vệ quần đảo Trường Sa.

Quán phở Trường Sa

Năm 1991, những chiến sĩ đảo Gạc Ma bị cầm tù được phía Trung Quốc trao trả. Khi về đến Việt Nam, Bộ Tư lệnh Hải quân đến đưa chiến sĩ đi an dưỡng tại Hải Phòng và Bãi Cháy.

Sau đó, 8 chiến sĩ kia xin ra quân về với gia đình, riêng anh Thoa xin được tiếp tục phục vụ trong Binh chủng Hải quân. Năm 1992, anh Thoa lại được điều động về phục vụ tại Lữ đoàn 125 (Tân Cảng - TP.HCM) với nhiệm vụ mới: Chuyên sửa chữa những chiếc tàu phục vụ cho Trường Sa bị hư hỏng. Năm 1995, anh Thoa lập gia đình. Năm 1996 anh nhận quyết định ra quân về ở với bố tại phường Lê Lợi (TP Quy Nhơn).

Suốt chặng đời thanh xuân bám biển, khi lên bờ anh bỗng trở nên lớ ngớ giữa cuộc mưu sinh đầy khắc nghiệt với 1 vợ và 2 con. Về quê không biết làm gì để sống, anh Thoa dắt vợ con vào miền Nam chạy xe ôm kiếm cơm qua ngày. Cuộc sống quá đỗi cơ cực khiến sau khi sinh đứa con thứ 3, mái ấm gia đình anh tan vỡ.

12-30-55_2
Quán phở Trường Sa của anh Thoa

Buồn, năm 2005 anh dắt 2 đứa con lớn về Quy Nhơn sinh sống cùng bố với nghề bơm, vá xe đạp. Thế nhưng khi chợ Quy Nhơn cháy rụi, không còn ai họp chợ, nghề bơm vá xe đạp của anh cũng “chết” theo. Anh theo học lớp nấu ăn rồi xin vào làm phụ bếp cho 1 nhà hàng lớn ở TP Quy Nhơn suốt 3 năm. Sau khi nhà hàng này chuyển chủ, anh quay về nhà mở hàng phở lấy tên Trường Sa bán cho đến nay.

“Từ hàng phở, mỗi ngày tôi kiếm được vài ba trăm ngàn. Nhờ đó trong 3 năm nay cuộc sống gia đình tôi đỡ vất vả hơn”, anh Thoa phấn khởi nói.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm