| Hotline: 0983.970.780

Gạc Ma - Ký ức không quên: Mộ gió Gạc Ma

Thứ Ba 15/03/2016 , 13:15 (GMT+7)

Trong nghĩa trang Liệt sĩ TP Đà Nẵng có một khu vực chỉ vỏn vẹn 8 ngôi mộ nằm thẳng hàng cùng một dãy. Trên bia mộ, các anh đều hy sinh cùng một ngày 14/3 tại đảo Gạc Ma (huyện Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam).

Đó là những ngôi mộ gió cho 9 liệt sĩ người Đà Nẵng đã hy sinh trong trận chiến Gạc Ma do gia đình cùng chính quyền thành phố xây dựng. Dưới những tấm bia mộ là hình nộm thế thân của các anh. Gia đình các anh luôn mong mỏi một ngày, các anh được trở về quê nhà, nằm dưới tấm bia mộ của mình.

Vượt qua nỗi đau

Các mẹ Hồ Thị Lai, Lê Thị Muộn cùng thân nhân các liệt sĩ ngã xuống trong trận chiến Gạc Ma 14/3/1988 giờ đều đã ở tuổi cao sức yếu. Ở tuổi thất thập, các mẹ tưởng đã an yên bên con cháu nhưng vẫn còn đó trong lòng nỗi đau, niềm thương nhớ về các anh đang nằm lại dưới lòng biển sâu.

“Con cháu mẹ bây giờ ở quanh đây cả. Đứa nào thì mẹ cũng thương nhưng thằng Sự thì thương hơn tí. Mấy chục năm rồi mà mẹ vẫn nhớ hắn, chẳng có cách nào quên đi được”, mẹ Muộn tâm sự.

Mẹ kể, đón tin anh Phan Văn Sự hy sinh, mẹ đau như cắt ruột cắt tim mình. Để quên đi nỗi đau, mẹ lao vào làm việc suốt ngày đêm. Vậy nhưng cứ rảnh là mẹ lại nhớ anh, đợi anh trở về.

“Mẹ đi Sài Gòn thăm chơi người bà con. Mẹ ngồi trong nhà, nhìn ra cửa thấy xe cộ chạy vù vù, nghìn nghịt mà cứ tưởng thằng Sự chạy về, vẫy tay chào mẹ. Dạo này, sức khỏe mẹ yếu đi nhiều thì hay mơ nó về thăm. Nó về nói mẹ cố gắng ăn uống để sống lâu trăm tuổi. Nỗi đau mất con, cả đời này sao mẹ quên được. Nhưng mẹ sống khỏe cho nó yên lòng”, mẹ Muộn xúc động.

Thắp nén nhang lên bàn thời liệt sĩ Trương Quốc Hùng, bàn tay mẹ Lai run bần bật, khóe mắt mẹ lại ướt nhòa. Mẹ cho hay năm 2013, mẹ trải qua một cơn tai biến nên sức khỏe không còn như trước. Căn phòng thờ di ảnh tổ tiên và liệt sĩ Hùng ở tầng 2 căn nhà khiến mẹ không thể tự mình lên thắp hương hằng ngày.

“Cả năm mẹ chỉ lên đây được một ngày, đó là ngày giỗ thằng Hùng. Mẹ có mệt thế nào cũng phải lên để nó không lạnh lẽo”, mẹ Lai nói.

Cũng như mẹ Muộn, mẹ Lai chưa một ngày tháng nào quên đi hình bóng người con trai yêu dấu. “Ngày còn trẻ, mỗi khi vui, buồn, mệt mỏi mẹ đều lên đây nói chuyện với nó. Bây giờ mẹ già rồi, mẹ hay thấy nó về nghe mẹ kể chuyện. Con mình dứt ruột đẻ ra nó hy sinh thì mình đau lắm chứ. Nhưng mẹ tự hào vì con trai mẹ vì mẹ biết nó sẽ chiến đấu đến cùng chứ không bao giờ đầu hàng”, mẹ Lai bày tỏ.

Mẹ kể, ngày nhận giấy báo tử anh Hùng mẹ còn nhận được một số tiền hỗ trợ gia đình liệt sĩ. Số tiền vào thời điểm đó khá lớn nhưng mẹ đã từ chối nhận. Mẹ nói: “Mẹ nhờ các anh giữ hộ rồi góp với thành phố xây cái tượng đài. Đất đai ở Hòa Cường (quận Hải Châu) rộng vô kể, các con cứ chọn một nơi. Con mẹ và bạn bè nó không về thì mẹ đến đó thắp hương. Các anh ấy nghe vậy thì từ chối, năn nỉ mẹ nhận tiền. Việc xây tượng đài các anh ấy sẽ lo. Sau này, các anh ấy xây nghĩa trang mộ gió Gạc Ma cho 9 đứa quê Đà Nẵng hy sinh ở nghĩa trang thành phố, mẹ cũng ấm lòng”, mẹ Lai nói.

13-52-46_nh-5-mo-gio-cu-liet-si-truong-quoc-hung
Ngôi mộ gió của liệt sĩ Trương Quốc Hùng

Trong khi đó suốt 28 năm qua, kỷ vật duy nhất còn sót lại của anh Sự được mẹ Muộn nâng niu cất giữ. Đó là bộ đồng phục hải quân của anh Sự được các đồng đội bàn giao cho gia đình ngày mẹ nhận tin anh hy sinh. Mẹ Muộn cắt bộ áo quần hải quân rồi may lại cho mình một bộ áo quần áo mặc hằng ngày từ miếng vải đồng phục đó.

Mẹ nói: “Đi đâu mẹ cũng mang bộ áo quần này theo bên người, từ Hội An cho đến Hà Nội. Đêm mẹ ôm bộ quần áo đó để ngủ. Mẹ không thể rời xa tấm áo này vì nó mang hơi ấm của con mẹ. Mỗi lần mệt mỏi, mẹ chỉ cần nhìn vào tấm áo này là đã vơi bớt phần nào khó nhọc”.

Mộ gió Gạc Ma

Cách phường Hòa Cường chừng 30km, nghĩa trang liệt sĩ TP Đà Nẵng nằm ở xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang) là địa chỉ mà mấy chục năm qua, mỗi khi đến ngày 14/3, các mẹ cùng gia đình lại đến thắp nhang cho các anh.

Ở một góc nghĩa trang, 8 ngôi mộ của các liệt sĩ hy sinh trong trận chiến Gạc Ma được chăm sóc chu đáo. “Trước đây có tất cả 9 ngôi mộ, năm 2010 mẹ Huỳnh Thị Kế đã đến đưa con trai về nhà để có điều kiện nhang khói. Mẹ Kế già nên đi lên trên này không tiện”, người quản trang cho hay.

Người quản lý Nghĩa trang Liệt sĩ Đà Nẵng nói khi mới nhận công việc cách đây ít năm, anh cũng không để ý nhiều đến các ngôi mộ này. Anh chỉ khá ngạc nhiên khi các ngôi mộ được xây dưới bóng một gốc cây bàng vuông lớn. Sau này, khi được người nhà các liệt sĩ kể chuyện, anh vô cùng cảm động và có phần ưu ái chăm sóc những ngôi mộ này kỹ càng hơn.

“Các anh hy sinh vì Tổ quốc ở biển khơi, tôi không đóng góp được gì thì giữ nhà cho các anh sạch đẹp. Mỗi lần thắp hương, tôi không bao giờ quên các anh. Đây là mộ gió cho các anh, bên dưới là những hình nhân thế mạng mà gia đình đắp lên. Tôi cầu mong cho các anh một ngày nào đó được về đây bên gia đình, đồng đội”, người quản trang chia sẻ.

Mẹ Lai cho hay, ngày lập mộ, mẹ phải thuê thợ từ xa về làm hình nhân thế xác cho liệt sĩ Trương Quốc Hùng. Các gia đình khác cũng làm tương tự. Tượng được làm bằng đất sét, đặt ngoài bờ sông mời thầy về cúng rước hồn. “Đến giờ thi thể của Hùng vẫn chưa được tìm thấy nhưng trong tâm thức của gia đình, nó như đang hiện diện nơi nghĩa trang liệt sĩ", mẹ ngậm ngùi nói.

13-52-46_nh-6-mo-phn-cc-chien-si-gc-m-nm-quy-qun-ben-cy-di-thu
Mộ gió của các liệt sĩ trận chiến Gạc Ma quay quần bên nhau dưới gốc cây

Mẹ Muộn cho hay, khoảng năm 2010, Lữ đoàn Công binh 83 đột ngột đến nhà thông báo đã nhờ ngư dân Lý Sơn trục vớt được một số bộ hài cốt. Đơn vị đến từng gia đình để lấy mẫu máu thực hiện việc xét nghiệm ADN.

“Tôi biết là cơ hội rất nhỏ nhoi nhưng cũng hy vọng dữ lắm. Suốt mấy tháng liền chỉ chờ mong nhận được thông báo kết quả cuối cùng. Nếu là con mình thì mình mang về chôn cất, nếu là đồng đội con mình thì cũng mừng cho gia đình họ”, mẹ kể.

Đợt đó, các bộ hài cốt không có ai thuộc phường Hòa Cường. Các mẹ có chút thẫn thờ thất vọng rồi lại mừng thầm tự an ủi mình. Đồng đội các anh cũng như con mẹ, mẹ đều mừng cho từng đứa.

Mẹ Muộn tâm sự, ở tuổi gần đất xa trời, mong ước lớn nhất của mẹ là được đưa hài cốt anh Sự về quê cha đất tổ. “Mẹ biết là chuyện đó rất khó và phức tạp, mẹ cũng chỉ dám hy vọng vậy thôi. Biết đâu may mắn đến với mẹ”, mẹ nói, giọng nghẹn đi. Rồi mắt mẹ chợt lanh lợi, mẹ cười nói: “Mẹ xin các anh ấy cho đi Trường Sa để ngắm đảo, ngắm biển nơi con mẹ đã từng sống, chiến đấu mà không được. Mẹ biết mẹ già rồi nên các anh ấy lo chứ trẻ lại chục tuổi là được ngay. Mẹ đang cố sống để chờ khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tận Cam Ranh (Khánh Hòa) xây xong để được vào tham quan rồi mới nhắm mắt”.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm