| Hotline: 0983.970.780

Giải pháp đồng bộ phát triển vùng rau màu hàng hóa nơi khô hạn

Thứ Tư 31/08/2016 , 07:10 (GMT+7)

Nội dung và các hoạt động của dự án là sẽ quy hoạch đồng ruộng và tổ chức liên kết các loại rau theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao và ổn định thu nhập cho người dân. Đồng thời đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi...

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến tham quan vùng sản xuất rau màu tại xã An Hải, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận). Tại đây, Thủ tướng đặc biệt ấn tượng với mô hình rau măng tây và mong muốn “biến” vùng này thành vùng sản xuất măng tây lớn nhất cả nước.

 

Dự án đầy tiềm năng

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ trưởng NN-PTNT về dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ vùng sản xuất RAT tại xã An Hải, huyện Ninh Phước, mới đây, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) đã có buổi làm việc với Sở NN-PTNT, các DN cùng với nông dân vùng sản xuất để lấy ý kiến tham vấn và bàn các giải pháp triển khai thực hiện.

Ông Lê Xuân Quang, Phó Viện trưởng Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường đã giới thiệu khái quát về hiện trạng sản xuất, thủy lợi và các hoạt động của dự án này.

Theo ông Quang, tổng diện đất nông nghiệp thực hiện vùng dự án khoảng 300ha. Vùng dự án đã được quy hoạch sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với các loại rau màu. Đất đai, thổ nhưỡng phù hợp với các loại rau màu nên chất lượng nông sản tốt. Hiện nay người dân đã khai thác được khoảng 200ha, với các loại măng tây, lạc, hành lá… trong đó cây măng tây có thể thu nhập từ 600 - 700 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, xã An Hải có 2 HTX An Hải và Tuấn Tú - Đại Lợi sản xuất rau an toàn đều thực hiện theo hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ RAT do nông dân làm ra.

Tuy nhiên khó khăn của vùng này là chưa có hệ thống thủy lợi phục vụ tưới, tiêu, người dân tự khoan giếng nước ngầm để tưới. Hiện nguồn nước ngầm cũng đã bị nhiễm mặn và phèn. Khâu giống cũng chưa chủ động, hầu hết giống măng tây phải nhập khẩu, chi phí đầu tư ban đầu cao (khoảng 120 triệu đồng/ha). Ngoài ra kỹ thuật canh tác, thực hành trong sản xuất nông nghiệp của người dân còn yếu; chưa có công cụ, phương tiện sơ chế, bảo quản nông sản nên thu hoạch sản phẩm phải vận chuyển trong ngày.

Vì vậy, nội dung và các hoạt động của dự án là sẽ quy hoạch đồng ruộng và tổ chức liên kết các loại rau theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao và ổn định thu nhập cho người dân. Đồng thời đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi, ổn định nguồn nước lâu dài, xây dựng tổ chức quản lý và vận hành hệ thống có sự tham gia của người dân và các bên liên quan nhằm sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm.

Ông Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện KHKT nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ nhìn nhận, lợi thế của chúng ta ở vùng dự án này là người dân có truyền thống canh tác rau màu. Hơn nữa triển khai trong vùng khô hạn mặc dù đúng là khó khăn trong nguồn nước, nhưng trong lĩnh vực trồng trọt thì lại lợi thế để phát triển sản xuất kỹ thuật cây trồng có giá trị kinh tế cao.

“Xuất phát điều kiện về đất đai, khí hậu, thời tiết, với vùng dự án này chúng tôi dự kiến đề xuất các cơ cấu cây trồng và diện tích để triển khai. Trong đó tập phát triển cây măng tây với diện tích ban đầu 100ha, sau đó sẽ mở rộng diện tích nếu tìm được thêm thị trường. Bên cạnh đó chúng ta còn phát triển các loại rau khác như lâu này người dân vẫn sản xuất gồm cà rốt, củ cải, tỏi, lạc…”, ông Cường cho biết thêm.

 

Ưu tiên hình thức đầu tư PPP

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi đưa ra 2 hình thức đầu tư để thực hiện dự án này. Một là đầu tư theo hình thức đối tác công tư (gọi tắt PPP), hai là đầu tư theo nguồn vốn ngân sách tập trung. Tuy nhiên theo ông Tỉnh, ưu tiên hình thức đầu tư PPP, đảm bảo DN đầu tư có lợi nhuận, người dân hưởng lợi nhiều nhất và nhà nước ít đầu tư nhất.

Về đầu tư theo hình thức PPP, ông Dương Thanh Tuấn, đại diện Cty Trường Thịnh Phát (Ninh Thuận) hoạt động trong lĩnh lực xây dựng cơ bản rất ủng hộ. Song ông cho rằng việc chọn hình thức đầu tư PPP vào dự án này là khó thực hiện. Bởi thời gian và khối lượng công việc lớn nên cần được các DN xem xét, kể cả phải tính toán đầu ra sản phẩm có đảm bảo?

Còn ông Lê Thành Công, Chủ tịch HĐQT Cty TNHH Đầu tư Xây dựng DPD (TP.HCM) hoạt động trong lĩnh vực thủy lợi rất quan tâm về nguồn nước và sản phẩm đầu ra của dự án có đảm bảo ổn định không?

Trả lời những thắc mắc trên, ông Trịnh Minh Hoàng, GĐ Sở NN-PTNT Ninh Thuận khẳng đinh, qua khảo sát nguồn nước tưới cung cấp cho vùng dự án ở thôn Tuấn Tú là đảm bảo đủ cho cả mùa khô hạn. Còn đầu ra sản phẩm rau măng tây thì đã có. Vì vậy ông Hoàng bày tỏ nếu các DN quan tâm dự án này thì sớm nhanh chóng tìm hiểu, lập dự án và xúc tiến đầu tư ngay bây giờ.

Ông Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho rằng, đây là dự án rất cấp bách. Không chỉ mong muốn của Thủ tướng, Bộ mà cả địa phương và nhân dân cũng mong được đầu tư. Nếu mô hình này được đầu tư bài bản có sự vào cuộc tích cực từ Bộ, tỉnh, các ngành tham vấn cho tỉnh và địa phương bằng kênh vốn hỗ từ nhà nước thì chúng ta mới triển khai thực hiện theo tinh thần của Bộ trưởng được đó là nhanh chóng, khẩn trương, kịp thời và có những mô hình thí điểm để nhân rộng trong tương lai.

Đối với áp dùng hình thức PPP vào dự án, theo ông Nam là khó khả thi, bởi xã An Hải có trên 12% hộ đặc biệt khó khăn, SX manh mún, dân trí lại thấp cho nên khi triển khai thì việc vận động, tuyên truyền cũng mất rất nhiều thời gian để người dân tham gia.

“PPP là hình thức tốt, chúng tôi luôn luôn rất ủng hộ. Nhưng riêng dự án này nhà nước cần hỗ trợ theo đề xuất của tư vấn, đó là nhà nước 60 tỷ, còn 30 tỷ là nhân dân. Đây là phương án khả thi hơn. Khi dự án triển khai chúng tôi hứa sẽ cùng đơn vị Bộ NN-PTNT làm thật bài bản, làm cho ra việc theo đúng tỉnh thần chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ trưởng. Bởi nếu chúng tôi không làm được việc này chúng tôi sẽ "mất điểm" với tỉnh, với Trung ương với Bộ và sẽ không điều hành dự án khác của tỉnh được”, ông Nam nói.

Sau khi nghe những ý kiến của địa phương và DN, ông Nguyễn Văn Tỉnh cho rằng, PPP là hình thức đầu tư mà Bộ NN-PTNT đang hướng tới, đối với lĩnh vực nông nghiệp là khó nhưng chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu và thực hiện. Vì vậy tỉnh cần phải tiếp tục mời gọi và thu hút DN tham gia. Tuy nhiên cho dù đầu tư theo hình thức nào chúng ta phải thu hút DN, người dân tham gia thì dự án mới thành công.

 

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

1/3 huyện tại Quảng Nam bùng phát dịch tả lợn Châu Phi

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Quảng Nam có 6 huyện xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi, gồm Hiệp Đức, Đại Lộc, Thăng Bình, Quế Sơn, Tiên Phước, Đông Giang.

5 giải pháp cho vụ hè thu ở Nghệ An

Vụ hè thu năm nay của Nghệ An đang đứng trước những khó khăn lớn do thời tiết gây ra, nhất là nắng nóng, hạn hán.

Bình luận mới nhất