| Hotline: 0983.970.780

Hiệu quả nuôi heo trên đệm lót sinh thái

Thứ Hai 02/02/2015 , 06:17 (GMT+7)

Việc thí điểm nuôi heo trên đệm lót sinh thái ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) từ tháng 4/2014 đến nay đã giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải gây ra./ Nuôi lợn trên đệm lót sinh học

Ông Nguyễn Quốc Huy, Trạm Khuyến công - nông - lâm - ngư huyện Cam Lâm, chủ nhiệm đề tài “Ứng dụng mô hình sinh kế chăn nuôi heo trên đệm lót sinh thái" cho biết, đến cuối năm 2014, tổng đàn heo trên địa bàn huyện lên đến trên 83.000 con với 1.500 hộ nuôi. 

Dù các hộ đã áp dụng nhiều biện pháp xử lý chất thải như xây hầm biogas, hố ủ, phủ bạt HDPE… nhưng qua khảo sát thì một số nơi vẫn không đạt yêu cầu. Lượng nước thải, chất thải và mùi hôi vẫn thải ra qua sông, suối làm ô nhiễm môi trường.

Trước tình trạng trên, đề tài đã giúp các hộ chăn nuôi áp dụng mang lại hiệu quả rất lớn. Công nghệ chăn nuôi trên lót đệm sinh thái dựa trên nền tảng công nghệ lên men vi sinh độn lót nền chuồng. Với công nghệ này toàn bộ phân và nước tiểu nhanh chóng được vi sinh vật phân giải và chuyển thành nguồn thức ăn protein sinh học cho chính gia súc.

Khi các hộ chăn nuôi áp dụng mô hình này sẽ không phải dùng nước để rửa chuồng và tắm cho gia súc, vì vậy không có nước thải từ chuồng nuôi thải ra gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Mô hình này hiện rất phù hợp cho chăn nuôi nhỏ trong khu dân cư.

"Qua triển khai 3 mô hình tại 3 xã Cam An Nam, Cam Thành Bắc và Cam Hòa, chúng tôi thấy hiệu quả mang lại cho các hộ chăn nuôi như tiết kiệm 80% nước dùng (nước chỉ để heo uống và phun giữ ẩm), 60% sức lao động, 10% thức ăn do heo ăn được vi sinh vật sinh ra trên đệm lót cung cấp lượng protein chất lượng cao, giảm thiểu chi phí về thuốc thú y do heo ít bệnh..., từ đó tăng thu nhập”, ông Huy chia sẻ.

Ông Nguyễn Quốc Huy cho biết, các hộ áp dụng mô hình đều đạt kết quả tốt. Heo nuôi tăng trọng nhanh hơn cách nuôi thông thường từ 5 - 7 kg. Sắp tới chúng tôi sẽ tổ chức các buổi tập huấn, vận động, thông tin tuyên truyền để ngày càng có nhiều hộ áp dụng.

Ông Nguyễn Sương Vinh, thôn Tân Kinh Đông, xã Cam Thành Bắc áp dụng mô hình cho biết, trước kia gia đình ông chăn nuôi heo trên nền xi măng có năm xuất bán cho lãi khá, có năm chẳng thu được đồng lãi nào vì heo chậm lớn, dịch bệnh, bán giá thấp.

Mặt khác việc chăn nuôi heo của gia đình trong khu đông dân cư nên thường xuyên gây ảnh hưởng các hộ xung quanh. Khi áp dụng mô hình chăn nuôi heo đệm lót sinh thái đã giải quyết được ô nhiễm.

“Áp dụng mô hình này tôi thấy heo tăng trọng nhanh, phòng được các bệnh về tiêu hóa, tăng sức đề kháng. Đến nay gia đình tôi đã nuôi 2 lứa xuất bán có mức lãi khá. Cụ thể, lứa đầu nuôi 22 con, trọng lượng 7 kg/con, qua gần 4 tháng heo đạt trọng lượng 95 kg/con, sau khi xuất bán trừ tất cả chi phí có lãi gần 1 triệu đ/con.

Lứa thứ 2 tôi nuôi 60 con với diện tích 2 m2/con, mặc dù xuất bán giá heo hơi đang xuống còn 48.000 đ/kg, nhưng vẫn lãi gần 500.000 đ/con, cao hơn các hộ xung quanh không áp dụng phương pháp nuôi này”, ông Vinh hồ hởi.

Còn gia đình ông Hộ Đức Hùng, thôn Vĩnh Đông, xã Cam An Nam, trước khi tham gia đề tài đã nuôi 3 lứa heo theo phương pháp này nhờ học hỏi ở các tỉnh khác. Ông Hùng chia sẻ, chuồng nuôi phải thoáng mát, chiều cao mái tối thiểu 2,5m, mật độ nuôi thích hợp 12 - 14 heo thịt/20 m2. Nguyên liệu làm đệm lót sinh thái cần khoảng 50 - 70% mùn cưa.

“Từ khi gia đình tôi nuôi heo trên đệm lót sinh thái heo ít mắc bệnh so với cách nuôi truyền thống trên nền xi măng, không ô nhiễm, vật nuôi như được ở gần với tự nhiên nên khỏe mạnh, tăng khả năng miễn dịch. Cho đến nay gia đình tôi đã nuôi 3 lứa; mỗi lứa nuôi từ 20 - 60 con, sau khi xuất bán trừ chi phí có lãi từ 800.000 - 1 triệu đ/con”, ông Hùng nói.

Xem thêm
Phát hiện cơ sở chuyên xử lý lợn ốm chết ở Vĩnh Phúc

Chủ cơ sở ở Vĩnh Phúc cho biết, lợn thu mua của dân đó đều là các con bị ốm do xuất huyết hoặc yếu do nắng nóng hoặc chết không rõ nguyên nhân.

Kiểm dịch tôm giống còn gặp khó

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên tôm nuôi mà một phần nguyên nhân do tôm giống gây ra, ngành chức năng đã siết chặt công tác kiểm dịch.

Sầu riêng rụng quả non hàng loạt do sốc nhiệt

KHÁNH HÒA Nhiều diện tích sầu riêng ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa đang thời kỳ quả non bị rụng hàng loạt do sốc nhiệt.

Quảng Ngãi xây dựng mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa

Các đơn vị đã phối hợp tổ chức gieo sạ bằng máy sạ cụm 12 hàng trên diện tích 5.000m2 tại mô hình ở cánh đồng lúa xã Đức Chánh (Mộ Đức, Quảng Ngãi).