| Hotline: 0983.970.780

Hốt tiền triệu mỗi ngày nhờ hái rong mơ

Thứ Hai 08/06/2015 , 06:15 (GMT+7)

Từ tháng 3 đến tháng 6 âm lịch hằng năm, ngư dân Quảng Nam lại giong thuyền ra khơi, ngụp lặn hái rong mơ. 

Của trời cho nên mạnh ai nấy làm, mỗi ngày mưu sinh dưới đáy biển đã mang lại nguồn thu lớn cho họ, tuy nhiên không ít người đối diện với hiểm nguy.

Gian nan

Ở các xã Tam Hải, Tam Quang (huyện Núi Thành, Quảng Nam) được trời phú cho các bãi rong mơ (hay còn gọi là rong biển mọc dày đặc dưới đáy biển).

Ngày trước người dân hái những cây non sử dụng trong bữa ăn hằng ngày hoặc phơi khô nấu nước uống. Nhưng nay cây rong “lên ngôi”, một kg có giá vài ngàn đồng nên hàng trăm hộ dân sắm thuyền ra khơi ngụp lặn ở độ sâu từ 3-10m để hái rong đem bán.

Hẹn hò mãi cuối cùng tôi được ông Trần Minh Việt, 60 tuổi ở thôn Thuận An, xã Tam Hải cho theo thuyền để mục sở thị nghề hái rong mơ.

Ăn bữa sáng vội vã, ông Việt chuẩn bị gói thuốc lá, chai nước uống bắt đầu một ngày hốt lộc trời.

Đúng lúc mặt trời ló khỏi mặt biển, ông Việt cùng người con trai Trần Minh Trang (33 tuổi) tiến về nơi ghe thuyền đậu ở cuối làng nổ máy vươn khơi. Con thuyền chở 3 người, và kéo thêm một thuyền thúng theo sau.

Ông Việt chia sẻ: “Lạ lắm, Quảng Nam có đường biển gần 100 km, rứa mà chỉ có vùng biển này là có rong. Ở đây có gần 50 hộ dân chuyên khai thác nhưng vẫn không hết được. Cây rong phát triển nhanh, mình hái xong, nó lại mọc lên”.

Biển ở Tam Hải nước trong xanh, ngồi trên thuyền nhìn xuống thấy đáy, rong biển mọc tầng tầng lớp lớp trông rất đẹp mắt.

Sau 20 phút lênh đênh, ông Việt  bảo: “Đến nơi rồi, giờ mỗi người một việc, chú có xong việc sớm hay muộn cũng phải ngồi đây chờ khi nào cha con tui hái rong chất đầy thuyền thì cập bến”.

Đây gọi là bãi Bắc, nằm dưới chân núi Bàn Than, nơi có rong mọc nhiều nhất tỉnh Quảng Nam. Mới sáng sớm mà có gần 30 chiếc thuyền đã có mặt. Thuyền nào thuyền nấy đều giống nhau, một người lặn, một người chèo thuyền thúng vớt rong, sau đó đưa sang thuyền lớn.

Người con trai ông Việt, anh Trần Minh Trang khoác bộ áo quần người nhái, đồng thời buộc cục chì nặng chừng 5kg vào phần bụng. Còn phần mặt, anh đeo kính chống nước.

Ông Việt đứng trên thuyền cho máy nổ phát ra khí, ông ôm cuộn ống đưa cho người con trai cầm. Anh Trang ngậm vào miệng và nhảy xuống chìm trong nước, từng đợt khí sủi bọt trắng cả vùng biển.

“Đứng trên nhìn xuống thấy đáy tưởng là cạn lắm nhưng độ sâu đến 5 m, nếu mình không mang thêm cục chì vào thì lặn rất khó khăn.

Xuống nước áp lực rất lớn, hái được cây rong không đơn giản, gốc nó nằm sát đáy biển, muốn lấy được cả cây thì phải cắt tận gốc”, ông Việt bộc bạch.

Từng cây rong được anh Trang cắt gốc nổi lên mặt nước, còn ông Việt nhanh chóng chuyển qua thuyền thúng, rong nổi đến đâu ông chèo thuyền thu gom đến đó. Trong chốc lát, một đống rong biển được chất đầy lên thuyền.

Ông Việt cho hay: "Khi giá rong lên, cả vùng biển này có hàng trăm thuyền hái rong, nhưng khi giá xuống, mọi người lại chuyển qua nghề chính là đánh bắt cá. Dù vất vả nhưng mỗi ngày hái rong đều có thành quả, do đó chẳng lo chết đói! Hôm ít, hai cha con cũng kiếm được 500.000 đồng, hôm nhiều thì trên 1 triệu đồng".


Mỗi ngày hai cha con ông Việt kiếm được cả triệu đồng từ vớt rong biển

Sau chừng 30 phút, thuyền thúng đầy rong, ông Việt cầm ống dây truyền khí ô-xy cho người con trai đang lặn xuống đáy biển giật 3 cái để báo hiệu cho Trang lên nghỉ. Lập tức, người con trai của ông nổi lên mặt nước, bơi về phía thuyền. Anh Trang châm điếu thuốc, hít mấy hơi liên tục.

Theo tài liệu y học cổ truyền, rong mơ thường được dùng ăn để ngừa và trị bướu cổ (do cây chứa nhiều i-ốt). Rong mơ còn sử dùng làm thuốc chữa tràng nhạc, thủy thũng, cước khí, tinh hoàn sưng đau…
Ngoài ra rong mơ cho keo aginat, rất quý cho công nghiệp. Keo này dùng để bao viên thuốc, làm chỉ khâu vết mổ, thuốc cầm máu. Hoặc dùng để chế tơ nhân tạo, làm diêm...

Trong phút nghỉ ngơi, ông Việt lái thuyền cho chúng tôi qua thuyền vợ chồng anh Trần Văn Quý, ở thôn Thuận An, hái rong gần đó. Hai vợ chồng đưa mẻ rong đầu tiên từ thuyền thúng sang thuyền gỗ.

Anh Quý cho hay, xã Tam Hải có vùng biển thủy triều lên xuống, dưới đáy biển là những bãi đá ngầm, rất thích hợp để cây rong bám vào đó sinh sôi phát triển.

“Cứ đến mùa, nhà nào nhà ấy giong thuyền ra khơi khai thác, còn hết mùa, trở về nghề chính là đánh bắt cá. Lấy rong biển không cho thu nhập cao, nhưng cũng đưa nhiều hộ dân thoát nghèo. Như gia đình tui, hai vợ chồng kiếm gần 1 triệu đồng/ngày để nuôi các con ăn học”, anh Quý nói.

Nguy hiểm rình rập

Hỏi về hiểm nguy khi hái rong, anh Quý kể: “Lấy rong ở dưới đáy biển nên gặp vô vàn nguy hiểm. Vụ rong biển năm trước, trong lúc đang lặn hái thì không may bị nổ vòi dẫn khí ô-xy, tui cứ lặn hái, còn vợ thì thu gom không để ý đến.


Vợ chồng anh Trần Văn Quý hái rong

Hết khí ô- xy, tui chết ngạt dưới nước, không thấy rong nổi lên, vợ chèo thuyền đến cầm dây kéo lên, nếu vợ không phát hiện, chắc tui nguy kịch rồi".

Còn anh Trần Minh Trang cho biết, ở trong làng có nhiều người bị điếc tai, mắc bệnh tim mạch do đi lấy rong biển nhưng không tiếp tục công việc này thì lấy gì mà ăn?

12h, khi thủy triều rút cũng là lúc những người hái rong biển chất đầy thuyền, kết thúc một ngày mưu sinh. Hai cha con ông Việt thu được gần 5 tạ rong tươi.

Dưới cái nắng 38 độ C, họ không kịp ăn bữa cơm trưa mà tranh thủ phơi rong trên nền cát biển trắng xóa. Khi rong khô thì giũ sạch cát rồi đóng bao để thương lái đến thu mua. 

5 tạ rong tươi khi phơi khô còn 2,5 tạ, bán giá 5.000 đ/kg, hai cha con ông Việt thu được 1,2 triệu đồng, trừ chi phí, bỏ túi 1 triệu đồng.

07-45-13_nh-7
Lặn để hái rong gặp rất nhiều nguy hiểm

Người dân nơi đây cho hay họ không biết thương lái thu mua rong biển để làm gì, bà con chỉ biết đến mùa có người đến mua thì mọi người lại giong thuyền ra khơi.

Với người dân trong vùng, rong biển khô chỉ dùng để nấu nước uống. Còn rong tươi non, bà con dùng làm thức ăn.

“Mỗi ngày người dân Tam Hải thu về hàng chục tấn rong biển, với rong tươi chỉ phơi khoảng 1-2 nắng, lúc đó thương lái thu mua với giá 5.000 đồng/kg, người thì bảo đưa vào các nhà chế biến ép lấy nước, người thì bảo mua bán sang Trung Quốc nhưng bà con chẳng quan tâm đến việc họ đưa đi đâu.

Chúng tôi chỉ quan tâm đến việc họ mua giá cao thì bà con có nguồn thu lớn, mua giá rẻ chuyển qua đánh bắt cá”, chị Nguyễn Thị Hồng, một người dân vớt rong cho biết.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm