| Hotline: 0983.970.780

Kim Jong-un có thể đã giăng bẫy để Trump phải hủy gặp

Thứ Sáu 25/05/2018 , 13:48 (GMT+7)

Tổng thống Mỹ được cho là đã ra quyết định hủy cuộc gặp thượng đỉnh với Triều Tiên dưới tác động cả trực tiếp và gián tiếp từ Bình Nhưỡng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 24/5 tuyên bố hủy cuộc gặp thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, nhấn mạnh rằng ông Kim đã bỏ qua cơ hội tuyệt vời để đạt được hòa bình lâu dài.

Một số chuyên gia nhận định chính lãnh đạo Triều Tiên mới là người dẫn dắt để Tổng thống Mỹ đưa ra quyết định hủy cuộc gặp quan trọng vào ngày 12/6 ở Singapore, từ đó cô lập Washington với các đồng minh châu Á và trì hoãn vô thời hạn những cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa với Bình Nhưỡng, theo Huffington Post.

"Kim giăng bẫy nhằm khiến Trump hủy hội nghị thượng đỉnh và Trump đã mắc bẫy", Vipin Narang, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), nhận xét.
 

Sụp đổ

Cuộc gặp thượng đỉnh Trump - Kim luôn tiềm ẩn rủi ro. Tổng thống Mỹ và lãnh đạo Triều Tiên đã dành gần như cả năm 2017 công kích, chỉ trích lẫn nhau bằng những từ ngữ nặng nề nhất vì chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Nhưng bất ngờ, ngày 8/3/2018, cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc dẫn thông báo từ Nhà Trắng cho biết ông Trump và ông Kim đã đồng ý gặp mặt.

Trong quá trình thảo luận các chi tiết liên quan tới cuộc gặp, Trump tự hào tuyên bố hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều là bằng chứng cho thấy lập trường cứng rắn của ông đã phát huy tác dụng, khiến Bình Nhưỡng phải quay trở lại bàn đàm phán.

Nhưng giới phân tích lâu nay vẫn hoài nghi, cho rằng một chính quyền Trump thiếu kinh nghiệm chính sách ngoại giao khó có thể đi đến cuối con đường. "Họ rõ ràng không có những cá nhân đủ năng lực và tư duy để giúp Mỹ đạt được nhiều lợi thế hơn trước cuộc gặp phức tạp như vậy", Joshua Pollack, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury, bình luận.

Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton và George W. Bush từng dành nhiều năm nỗ lực nhằm thuyết phục Triều Tiên đồng ý từ bỏ hoặc ít nhất cắt giảm chương trình hạt nhân, tên lửa. Song thực tế chứng minh đàm phán với Triều Tiên vô cùng phức tạp.

Các nhà ngoại giao Triều Tiên là chuyên gia gửi đi những tín hiệu nhiễu loạn. Họ thường có chiều hướng thể hiện thiện chí trước khi quay ngoắt thái độ. Suốt thời gian đàm phán với chính quyền Trump, Triều Tiên không ít lần khẳng định họ sẽ không đồng ý gặp thượng đỉnh nếu Mỹ khăng khăng muốn Bình Nhưỡng đơn phương phi hạt nhân hóa.

Hôm qua, Triều Tiên thông báo phá hủy xong bãi thử hạt nhân được cho là duy nhất của nước này trước sự hoan nghênh từ cộng đồng quốc tế, song cùng lúc họ bác bỏ những câu hỏi từ chính quyền Trump về công tác chuẩn bị cho hội nghị.

"Tôi không bất ngờ trước việc mọi thứ bỗng chốc sụp đổ", Van Jackson, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Victoria ở thủ đô Wellington, New Zealand, cho hay. "Cấu trúc tình thế và những xung đột lợi ích cơ bản vẫn không thay đổi gì từ năm ngoái".

Khi những rạn nứt xuất hiện ngày càng nhiều là lúc Trump nhận ra rằng ông khó có thể dễ dàng đạt được thắng lợi trước Triều Tiên như đã hình dung.

"Đây chưa bao giờ là một cuộc đàm phán nghiêm túc về kiểm soát vũ khí. Nó chỉ giống như một màn trình diễn để giúp Donald Trump trông quyền lực và mạnh mẽ hơn mà thôi", nhà tư vấn chính sách hạt nhân độc lập Stephen Schwartz nhận xét. "Tôi cảm thấy càng tiến gần tới ngày gặp mặt, Trump càng nhận thức rõ ràng hơn rằng ông không thể khiến lãnh đạo Kim Jong-un khuất phục, cuộc gặp sẽ không diễn ra thuận lợi".

Theo Jeff Lewis, giám đốc chương trình không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Viện Middlebury, "cái tôi bị tổn thương" cũng là một phần nguyên nhân khiến thượng đỉnh Mỹ - Triều đổ vỡ. "Triều Tiên đã làm một điều mà Trump không thể chịu được: Khiến ông ấy xấu mặt", Lewis nói.

Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui hôm 23/5 gọi Phó tổng thống Mỹ Mike Pence là "gã đần chính trị". Phát ngôn từ Thứ trưởng Choe được cho là nhằm đáp trả việc ông Pence hôm 21/5 ám chỉ chính quyền Triều Tiên có thể bị lật đổ nếu Kim Jong-un không đạt được thỏa thuận với Trump.

Các nguồn tin am hiểu vấn đề cho biết Tổng thống Trump và đội ngũ cố vấn đã rất tức giận trước phát ngôn tấn công cá nhân từ phía Triều Tiên và muốn đáp trả mạnh mẽ.
 

Rủi ro

Giới phân tích quan ngại nỗ lực hỗn loạn nhằm đạt thỏa thuận với Triều Tiên cùng quyết định rút lui đột ngột khỏi hội nghị thượng đỉnh của Tổng thống Trump có thể mang đến những hệ quả khó lường.

Quá trình đàm phán, chuẩn bị cho hội nghị giúp Triều Tiên có được cơ hội làm giảm căng thẳng trên bán đảo và nay, Mỹ hủy cuộc gặp, Bình Nhưỡng lại tiếp tục hưởng lợi khi mối quan hệ giữa Washington với các đồng minh châu Á đứng trước nguy cơ gia tăng rạn nứt.

"Kim muốn khoét sâu rạn nứt giữa Mỹ - Hàn, Mỹ - Nhật và Mỹ - Trung. Ông ấy rõ ràng đã đạt được điều đó", Schwartz đánh giá. "Trump đã rơi vào bẫy".

Tin Trump rút khỏi thượng đỉnh Mỹ - Triều là một cú sốc lớn đối với Hàn Quốc, bên dường như không hay biết gì về quyết định của Tống thống Mỹ trước khi nó được công bố. Tổng thống Hàn Quốc là người đã dồn nhiều nỗ lực nơi hậu trường để đưa Washington và Bình Nhưỡng đến bàn đàm phán cũng như giảm nguy cơ đối đầu quân sự trên bán đảo Triều Tiên.

Mặt khác, quyết định hủy bỏ cuộc gặp còn góp phần nới lỏng những áp lực mà Mỹ lâu nay vẫn đặt lên Trung Quốc, đồng minh thân cận nhất kiêm đối tác thương mại hàng đầu của Triều Tiên.

Suốt nhiều tháng, Washington liên tục gia tăng sức ép, thúc giục Bắc Kinh thuyết phục Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa. Nhưng nay, Trung Quốc sẽ có một cái cớ tuyệt vời để chống lại Mỹ khi mà chính Mỹ giờ đây là bên từ bỏ cơ hội thuyết phục Triều Tiên phi hạt nhân hóa.

"Chiến lược gây áp lực tối đa đã đổ vỡ", nhà nghiên cứu Pollack từ Viện Middlebury nhấn mạnh. "Tất cả đã kết thúc".
 

Tương lai

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Reuters.

Hiện chưa rõ các nỗ lực quốc tế nhằm đàm phán với Triều Tiên sẽ ra sao sau quyết định Tổng thống Trump đưa ra. Chuyên gia lo ngại Mỹ có thể rơi vào tình thế bị cô lập về mặt ngoại giao với rất ít lựa chọn để kiềm chế chương trình hạt nhân Triều Tiên. Bên cạnh đó, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã thể hiện rõ rằng ông muốn để ngỏ những lựa chọn quân sự.

"Nếu Triều Tiên bắt đầu thử lại tên lửa và vũ khí hạt nhân, chúng ta sẽ quay trở về năm 2017, thậm chí tồi tệ hơn. Chúng ta giờ đây có một cố vấn an ninh quốc gia đã dám nói đến việc tấn công Triều Tiên trước. Chúng ta có thể ở vào một thế giới hoàn toàn khác", Narang bình luận.

"Khi không còn hội nghị thượng đỉnh nào để hướng tới, những ý tưởng về chiến tranh phòng ngừa sẽ quay trở lại", Jackson, chuyên gia về Triều Tiên từ Đại học Victoria, nhận định. "Quãng thời gian nguy hiểm đang ở phía trước".

(VnExpress)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Tướng Israel tiết lộ chi phí đánh chặn 'mưa tên lửa' của Iran

Tướng Israel Reem Aminoach cho rằng Israel hôm 13/4 đã phòng thủ thành công, song chi phí cho việc phòng thủ lớn gấp 10 lần những gì Iran đã bỏ ra.

Bùng nổ thị trường thú cưng và chăm sóc thú cưng

Lần đầu tiên Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng được tổ chức tại TP.HCM với sự tham gia của 12 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm