| Hotline: 0983.970.780

Làng đóng tàu 700 tuổi

Thứ Năm 03/09/2015 , 07:15 (GMT+7)

Bước đến đầu làng đã cảm nhận được sự hưng vượng của làng nghề đóng tàu thuyền Trung Kiên. 

Đường làng được bê tông hóa, cứ cách vài hộ lại có một ngôi nhà cao tầng, đền thờ tổ sư được đặt ngay đầu làng; tiếng cưa xẻ, đục vang lên rộn rã.

Vùng biển Nghi Thiết (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) đất chật người đồng, quần cư, cứ lấn dần ra biển. 700 trăm năm tồn tại là chừng ấy thời gian chứng kiến bao thế hệ con em làng quê này ra đi rồi quay về xây dựng làng nghề ngày càng phát triển.

Ở đây, một thời đã từng là nơi hạ thủy những "con tàu không số" góp phần tạo nên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại.

Từ người lính có công cứu giá

Chuyện làng nghề Trung Kiên 700 năm tuổi không đi vào chính sử. Những gì còn lưu lại đến ngày hôm nay chỉ thông qua những lời truyền miệng.

Tổ sư làng nghề là ông Nguyễn Quốc Công, người gốc xã Nghi Vạn (huyện Nghi Lộc), người được triều đình phong kiến thời Lê Trung hưng phong là Tiền triều Minh nghị tướng quân.

Chuyện kể rằng, vua Lê trong một lần trên đường từ Hà Tĩnh, theo kênh nhà Lê về Nghệ An đã gặp phải buổi nước kênh xuống thấp, thuyền rồng không thể xoay trở.

Nguyễn Quốc Công lúc đó là một người lính thủy, tài trí hơn người, lại sẵn nghề đóng thuyền nên đã có sáng kiến cắt đôi thuyền rồng, tạo thành 2 thuyền ngắn.

Chỉ trong một thời gian ngắn, thuyền rồng nhà vua đã quay được trên dòng kênh nhỏ, cạn để trở về kinh đô an toàn.

Nhớ công cứu giá và mến tài của Nguyễn Quốc Công, khi về đến vùng biển Nghi Thiết, vua Lê đã ban sắc phong ông là Tiền triều Minh nghị tướng quân, giao cai quản việc đóng tàu chiến tại làng Hoàng Lao, thuộc hữu ngạn sông Lò (một nhánh của sông Lam đổ ra biển).

21-46-59_1
Đền thờ Minh nghị quốc công, tổ sư làng nghề Trung Kiên

Bấy giờ, tả ngạn sông Lò là đội thủy quân của triều đình nhà Lê do Đô đốc hải quân Nguyễn Sư Hồi, con trai của Tam quốc công thần Nguyễn Xí chỉ huy.

Sự xuất hiện của Tiền triều Minh nghị tướng quân với nhiều ý tưởng sáng tạo đã giúp cho làng nghề không ngừng phát triển, đội thủy quân nhà Lê sở hữu nhiều chiến thuyền lớn, lợi hại trong chiến đấu và trở nên hùng mạnh.

Khi Tiền triều Minh nghị tướng quân qua đời, người dân làng Hoàng Lao đã dựng đền thờ ông ngay đầu làng, tôn ông là thành hoàng làng. Làng nghề Hoàng Lao cũng được đổi tên thành làng nghề Trung Kiên như một sự nhắc nhở thế hệ mai sau về giá trị của lòng trung thành, một lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân của Tiền triều Minh nghị tướng quân.

Mỗi khi hạ thủy một con tàu, người dân làng nghề Trung Kiên lại đến thắp hương xin ông phù hộ.

Vinh dự đóng tàu không số

Trải qua bao biến thiên của lịch sử, làng nghề Trung Kiên vẫn phát triển hưng thịnh.

Trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ, hàng trăm lượt thợ thuyền làng nghề này được điều đi dân công làm nhiệm vụ bắc cầu, phà để vận chuyển quân lương phục vụ tiền tuyến.

Năm 1958, làng nghề Hoàng Lao thành lập HTX đóng tàu Tiền Phong, đến năm 1960 đổi tên thành HTX đóng tàu Trung Kiên. Bước ngoặt lớn nhất là việc HTX này đi đầu trong phong trào điện khí hóa nông thôn từ các tỉnh Nghệ An trở ra Bắc.

Thời kỳ đó, thực hiện lời kêu gọi phát triển làng nghề của ông Nguyễn Thân Mến, Chủ nhiệm HTX đóng tàu Trung Kiên, các xã viên đã đóng góp tiền mua hẳn một đầu kéo xe hỏa, xây dựng hệ thống điện phát triển SX.

Từ chỗ lao động thủ công, lần đầu tiên tại miền Bắc XHCN có một làng nghề sử dụng điện, máy móc để SX.

Giữa lúc các làng xã miền Bắc vẫn chưa có điện sáng thì ở làng nghề Trung Kiên, mỗi gia đình đều có 2-3 bóng điện thắp sáng, công việc đóng tàu thuyền diễn ra cả ban ngày lẫn ban đêm. Không khí thi đua SX tại làng nghề Trung Kiên trở nên rầm rộ.

Không chỉ đóng tàu thuyền phục vụ nhu cầu trong nước, những năm 70 của thế kỷ trước, làng nghề Trung Kiên đã từng thiết kế và đóng những con thuyền buồm lớn phục vụ nhu cầu của ngư dân Trung Quốc đến đặt hàng.

Thời đó, người dân làng nghề Trung Kiên xem ông Nguyễn Thân Mến là truyền nhân của tổ sư Tiền triều Minh nghị tướng quân. Chính ông Mến đã bán đi chiếc xe đạp duy nhất của mình, bán nhà cửa để lấy tiền phát triển HTX. Bản thân ông mến và gia đình chỉ sống trong một căn lều nhỏ trên một doi đất lấn biển.

Vì có công với làng nghề, có công trong việc phát triển SX, ông Nguyễn Thân Mến được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, đại biểu Quốc hội được dân yêu mến.

Điều khiến con em làng nghề Trung Kiên tự hào nhất là được giao nhiệm vụ đóng những con tàu không số vận chuyển quân lương phục vụ tiền tuyến tạo nên con đường Hồ Chí Minh trên biển.

Chỉ đến khi hòa bình lập lại, đất nước hoàn toàn giải phóng, những người thợ đóng tàu không số năm xưa mới biết mình có được vinh dự ấy.

21-46-59_2
Ông Phạm Văn Vấn, người tham gia đóng tàu Không số

Ông Nguyễn Như In, Chủ nhiệm HTX đóng tàu thuyền Trung Kiên, cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang mở rộng quy mô SX nhưng vẫn gặp khó khăn về mặt bằng. Ngay cả đến văn phòng HTX cũng đang phải đi thuê nhà dân.
Chúng tôi vẫn không ngừng tạo dựng, bảo vệ thương hiệu phía sau vương miện làng nghề nhưng rất cần sự vào cuộc, tháo gỡ khó khăn của các ban ngành cấp tỉnh, huyện”.

Năm nay đã gần 90 tuổi nhưng ông Phạm Văn Vấn, người may mắn được đóng những con tàu không số vẫn nhớ như in những ký ức ấy. Đó là những năm 1958-1964, làng nghề Trung Kiên được di tản về Quỳnh Lưu, Anh Sơn, Đô Lương, Thanh Chương vừa để giữ nghề vừa tránh bom đạn.

Chính trong những thời điểm ác liệt ấy, những người thợ đóng tàu làng nghề Trung Kiên đã đóng 4 con tàu không số và sửa chữa 2 con tàu khác.

Ông Vấn nhớ lại: “Khi đóng xong, tàu thuyền được những người từ miền Nam đến hạ thủy, họ bảo ra khơi đánh cá. Chúng tôi còn được điều sang Hà Tĩnh để đóng vài con tàu nữa.

Điều lạ lùng là, những con tàu này không mang số, được thiết kế khác với kiểu tàu đánh bắt, chất liệu được tuyển chọn kỹ càng. Sau ngày hòa bình thống nhất, chúng tôi mới được biết mình đã đóng những con tàu phục vụ vận chuyển vũ khí, đạn dược vào Nam chiến đấu.

Thật vinh dự cho làng nghề Trung Kiên khi đã góp phần tạo nên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển. Sau này, những thợ thuyền làng Trung Kiên còn đi khắp trong Nam, ngoài Bắc để đóng tàu, xây dựng cầu phao, cầu phà phục vụ kháng chiến.

Khó khăn nhất là vừa phải SX dưới mưa bom, bão đạn ác liệt của kẻ thù, vừa phải lặn lội đi tìm những vật liệu như đinh đồng, gỗ táu tốt để đóng thuyền để tránh sự truy sát của bom từ trường”.

Anh hùng trong kháng chiến, đến thời kỳ đất nước đổi mới, đi lên xây dựng CNXH, những người con làng nghề Trung Kiên vẫn không quên nhiệm vụ. Năm 2004, sau nhiều gian nan, thử thách, làng nghề Trung Kiên được công nhận danh hiệu làng nghề đóng tàu, thuyền đầu tiên của tỉnh Nghệ An.

HTX Trung Kiên thu hút trên 30 xã viên, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 500 người với mức thu nhập từ 7-10 triệu đồng/người/tháng.

Mỗi năm, làng nghề Trung Kiên hạ thủy 80-100 con tàu có công suất từ 46-1.200 CV, thu về trên 100 tỉ đồng. Những đơn đặt hàng liên tiếp bay về khắp trong Nam, ngoài Bắc càng khẳng định sức sống bền bỉ của làng nghề này.

Năm 2006, xã Nghi Thiết vinh dự được đón nhận danh hiệu đơn vị anh hùng, một thợ đóng tàu được phong tặng nghệ nhân. Nhiều cơ sở SX được mở rộng quy mô dần khẳng định được thương hiệu trên thương trường.

Năm 2014, HTX đóng tàu Trung Kiên trở thành một trong số 6 làng nghề tiêu biểu Việt Nam và 1 trong số 7 làng nghề SX kinh doanh giỏi của cả nước.

Xem thêm
Thái Nguyên có thêm 2 Phó Giám đốc Sở

Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên vừa có tân Phó Giám đốc.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cơn mưa bất chợt 'giải nhiệt' ở Bình Dương

Sau nhiều ngày nắng nóng liên tục, cơn mưa bất chợt xuất hiện đã làm dịu đi cái nóng gay gắt cho người dân ở Bình Dương.