| Hotline: 0983.970.780

Cỏ xanh Thành cổ

Thứ Bảy 08/06/2024 , 06:39 (GMT+7)

Cỏ sẽ mãi xanh như nó vốn có. Nhưng, ở trong Thành cổ, nó còn có một nhiệm vụ thiêng liêng, là chở che 'những người hy sinh trên mảnh đất quê mình…'.

Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Tùng Đinh.

Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Tùng Đinh.

Trong những ngày tháng 4 lịch sử, từng đoàn người nối nhau vào Thành cổ Quảng Trị dâng hương tưởng nhớ những người đã ngã xuống. Với tôi, còn có thêm một mong ước, đó là được tận ngắm những vạt cỏ xanh non tơ nhiều năm qua đã bình yên trên mảnh đất hoa lửa…

Trăm năm Thành cổ

Thành cổ Quảng Trị nằm trọn vẹn trong lòng Thị xã cùng tên, cách quốc lộ 1A gần 1km về phía Đông Bắc, cách thành phố Đông Hà - tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Trị hiện nay khoảng 14km về phía Đông Nam và cách Thành phố Huế hơn 60km về phía Bắc.

Năm 1809, một năm sau khi dinh Quảng Trị trở thành dinh trực lệ Kinh sư (cùng với Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Đức), triều đình nhà Nguyễn nhận thấy vị trí đóng lỵ sở của dinh Quảng Trị tại Ái Tử - Trà Liên không được đắc địa, khó có thể hội đủ các điều kiện để trở thành một trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội cho một vùng trực lệ Kinh sư nên vua Gia Long cho chuyển lỵ sở dinh Quảng Trị về xã Thạch Hãn, huyện Hải Lăng.

Khu vực được chọn xây dựng Thành Quảng Trị là khu đất cao tại xã Thạch Hãn - Hải Lăng (ngày nay thuộc thị xã Quảng Trị). Từ Thành Quảng Trị có thể đi vào Nam hay ra Bắc bằng đường sông, đường bộ, đường biển đều thuận tiện.

Quá trình xây dựng thành Quảng Trị kéo dài gần 28 năm (1809 - 1837), bắt đầu từ thời Gia Long đến thời Minh Mạng, trải qua 3 giai đoạn.

Thời vua Gia Long, thành Quảng Trị mới là một thành đất có hình chữ nhật, kích thước nhỏ. Đến thời vua Minh Mạng, Thành cổ được mở rộng kích thước của mặt trước tạo nên diện mạo của một tòa thành hình vuông. Trong lần mở rộng diện tích này, hệ thống hào thành xung quanh mới được đào hoàn chỉnh. Năm 1833, vua Minh Mạng cho khai đào một đường hào dài 48 trượng nối từ góc Đông Bắc của thành thông với sông Thạch Hãn để thoát nước từ phía hệ thống hào thành vào sông Thạch Hãn.

Một góc Thành cổ. Ảnh: Tùng Định.

Một góc Thành cổ. Ảnh: Tùng Định.

Mùa xuân năm 1837, vua Minh Mạng chủ trương cho xây thành Quảng Trị bằng gạch, cho bắt binh dân 4.000 người làm việc, hậu cấp tiền, gạo (binh mỗi tháng 2 quan, dân 4 quan, gạo đều một phương)… Thành được hoàn thiện và kiên cố hóa kiến trúc thành lũy cùng với việc xây cất hoàn chỉnh những công trình kiến trúc bên trong nội thành.

Sau khi cơ bản bình định được An Nam, người Pháp chọn khu vực xung quanh thành Quảng Trị để xây dựng thị xã tỉnh lỵ, lấy thành Quảng Trị làm tâm điểm của một trung tâm hành chính, chính trị thì một số công trình trong khu vực thành được người Pháp xây mới, làm theo diện mạo kiến trúc nội thành có sự thay đổi.

Dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa (1954 - 1971), thành Quảng Trị được gọi là thành Đinh Công Tráng và đã có sự thay đổi cả về diện mạo lẫn chức năng. Trải qua các biến động của cuộc kháng chiến chống Pháp, các công trình kiến trúc xây dựng dưới thời nhà Nguyễn ở bên trong hầu như đã bị chiến tranh và thiên tai tàn phá gần hết.

Chính quyền Sài Gòn đã biến nơi đây thành doanh trại quân đội, khu nhà ở cho binh lính, sân vận động và nhà lao. Ở góc Đông Nam thành, bên cạnh việc tận dụng lại những nhà lao kiên cố được xây dựng từ thời Pháp, chính quyền miền Nam cho mở rộng thêm một số nhà tạm, phòng giam để giam giữ tù nhân.

Hệ thống hào bao xung quanh Thành cổ. Ảnh: Tùng Đinh.

Hệ thống hào bao xung quanh Thành cổ. Ảnh: Tùng Đinh.

Cuộc tiến công nổi dậy năm 1972 từ ngày 30/3 đến 1/5/1972, Quân Giải phóng đã tiêu diệt và phá hủy các tập đoàn phòng ngự, cụm cứ điểm mạnh từ Gio Linh, Cam Lộ, Đông Hà, Ái Tử, thị xã Quảng Trị, giải phóng tỉnh Quảng Trị. Quyết không thể để mất Quảng Trị, một tỉnh địa đầu giới tuyến miền Nam giáp miền Bắc XHCN, trong khi Hội nghị Paris lập lại hòa bình ở Việt Nam đang đến cần một giải pháp chính trị.

Không cam chịu thất bại, Mỹ vội ra lệnh “Mỹ hóa” trở lại cuộc chiến tranh ở miền Nam, đưa các sư đoàn mạnh thuộc lực lượng tổng dự bị quốc gia trong đó có 2 sư đoàn thiện chiến đó là sư dù và thủy quân lục chiến cùng với xe tăng, máy bay, pháo hạm... chi viện tối đa, mở cuộc hành quân mang mật danh “Lam Sơn 72” với âm mưu chiếm thị xã và các huyện Nam sông Thạch Hãn trước ngày 10/7; sau đó vượt sông Thạch Hãn đánh chiếm các huyện phía bắc.

Thành cổ và thị xã Quảng Trị trở thành điểm mấu chốt để cả hai bên đặt cược vào trong một ván bài mang tính chính trị và ngoại giao hơn là quân sự. Phía Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa tập trung tái chiến bằng được vùng đất đã mất, trong đó mục tiêu chính là Thị xã và Thành cổ Quảng Trị. Phía Quân Giải phóng, để bảo vệ thành quả đã giành được, bảo vệ tỉnh địa đầu miền Nam mới được giải phóng nên phải tập trung lực lượng để quyết tâm giữa bằng được thị xã và Thành cổ, đánh tan cuộc phản kích. Tất cả đều hướng đến mục tiêu là tạo ra những điều kiện thuận lợi nhất cho mình trên bàn đàm phán của Hội nghị Paris… 

Thành cổ Quảng Trị hiện tại nằm gọn gàng trong lòng thị xã. Ảnh: Tùng Đinh.

Thành cổ Quảng Trị hiện tại nằm gọn gàng trong lòng thị xã. Ảnh: Tùng Đinh.

Lịch sử hơn 200 năm của một tòa thành được bà Cáp Thị Thiên Trang, Trưởng BQL Khu di tích Thành cổ Quảng Trị giới thiệu với chúng tôi trong một buổi chiều tháng 4 lịch sử. Cũng trong thời gian này, mỗi ngày có rất nhiều đoàn khách tới Thành cổ để được tận mắt chiêm ngưỡng một khu di tích đã trải qua bao thăng trầm, biến thiên. Và, Thành cổ đang làm nhiệm vụ lịch sử của mình, đó là hiện thân cho một ý chí, quyết tâm vẹn toàn bờ cõi, Bắc Nam một nhà.

Vẫn những thông tin được các hướng dẫn viên của BQL Di tích Thành cổ giới thiệu cùng du khách: năm 1992, dự án quy hoạch, đầu tư tôn tạo di tích thành Quảng Trị đã xác lập những thông số của tòa thành hiện tại: chiều dài tường thành mỗi mặt là 280m, ở 4 mặt là 1.220m. Chiều dài tường thành ở mỗi góc bầu (pháo đài) với 2 hai cạnh ở đỉnh góc, mỗi cạnh 95m, 2 cạnh tiếp giáp với thân thành mỗi cạnh 95m; 2 cạnh tiếp giáp với thân thành, mỗi cạnh 35m, có tổng cộng là 260m và ở cả 4 góc pháo đài là 1.040m. Từ đó, chu vi toàn thành sẽ là 2.160m, tổng diện tích toàn bộ thành Quảng Trị là 18,56ha.

Được đặt chân lên khu di tích có tuổi đời hơn 200 năm, lặng yên để cảm nhận những đổi thay, dâu bể trên mảnh đất này để thấy được những ngày tháng bình yên mà chúng ta đang sống, đó là một điều hạnh phúc. Với người dân Quảng Trị, Thành cổ là hình ảnh quen thuộc, bình yên. Với người dân cả nước, Thành cổ là hiện thân cho khát vọng hòa bình.

Cỏ non trong Thành cổ

Tôi bước những bước chậm rãi trong Thành cổ, trong nền nhạc được BQL khu di tích phát trên hệ thông loa phát thanh đặt ở khắp nơi, âm lượng vừa đủ để những ca từ của bài hát “Cỏ non Thành cổ” dìu dặt, khắc sâu vào tâm trí mỗi người… “Cỏ non Thành cổ, một màu xanh non tơ/Bình minh Thành Cổ, cỏ mềm theo gió đong đưa/Nào có ai ngờ nơi đây một thời máu đổ…”.

Đài hương trong Thành cổ. Ảnh: Tùng Đinh.

Đài hương trong Thành cổ. Ảnh: Tùng Đinh.

Cũng trên mảnh đất mà tôi đang đứng, nhạc sỹ Tân Huyền, tác giả của ca khúc nói trên, hơn 30 năm trước cũng có mặt. Nhưng, ông hơn tất cả chúng ta ở sự tinh tế, tâm hồn lắng đọng của một nhạc sỹ đã chắt lọc, lắng đọng để viết lên thành ca khúc, để nó trở thành “một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ”…

Quãng năm 1989, một nhóm các nhạc sỹ tên tuổi của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam: Tân Huyền, Huy Thục, Thuận Yến, Vũ Thanh... được nhạc sĩ Xuân Đàm mời về xây dựng chương trình cho Đoàn Ca Múa Nhạc của tỉnh Quảng Trị vừa được thành lập. Các nhạc sỹ đều ấp ủ, sẽ sáng tác một vài bài hát cho đoàn.

Trong một cuộc nói chuyện, nhà văn Nguyễn Quang Lập chia sẻ với nhạc sĩ Tân Huyền: “Anh ạ, lắm khi em cứ nghĩ vẩn vơ không hiểu vì sao cỏ ở đây xanh hơn, tốt hơn các nơi khác. Có người nói đó là cỏ xương máu, không phải cỏ đất đai. Cứ đào bất kỳ nhát xẻng nào cũng có thể gặp một mảnh xương người…”.

Không biết, lời tâm sự của nhà văn Nguyễn Quang Lập có phải là một gợi ý, để rồi mùa xuân năm 1990, ca khúc “Cỏ non Thành cổ” được ra đời, và trở thành ca khúc có mặt trong hầu hết các sự kiện của địa danh Thành cổ.

Nhạc sĩ Tân Huyền sau này chia sẻ thêm rằng, ông viết bài này còn bởi những nỗi niềm riêng. Người em trai nhạc sỹ đi bộ đội ở chiến trường miền Nam. Từ ngày em đi, cứ đến chiều chiều, người mẹ lại đứng tựa cửa ngóng trông con. Nhưng, em trai ông không bao giờ trở về nữa.

Bình yên Thành cổ. Ảnh: Tùng Đinh.

Bình yên Thành cổ. Ảnh: Tùng Đinh.

Phù điêu Những chiến sỹ vô danh trong Thành cổ. Ảnh: Tùng Đinh.

Phù điêu Những chiến sỹ vô danh trong Thành cổ. Ảnh: Tùng Đinh.

“Vì thế, cái đoạn “Người vợ nào, người mẹ nào ngậm ngùi nuốt lệ khi chồng con không trở về” là có hình ảnh mẹ tôi đấy. Viết được “Cỏ non Thành cổ”, tôi cũng cảm thấy thanh thản hơn bởi trong cái chung vẫn nói được những tình cảm riêng với người em trai đã hy sinh của mình, với người mẹ đã khuất!", nhạc sỹ nhiều lần chia sẻ.

Men theo câu hát, tôi bâng khuâng đi giữa những vạt cỏ xanh đang mỡ màng phủ khắp khuôn viên nội thành khu Thành cổ. Trên nền cỏ, những bức phù điêu đặt rải rác xung quanh: đó là tượng đài một người mẹ đang ngồi, gương mặt khắc khoải đợi chờ, hy vọng; là một chiếc mũ tai bèo ở tư thế đặt ngửa, một vết đạn xuyên qua vành mũ, nhưng trong lòng chiếc mũ là một cụm xương rồng đang vươn lên, nở hoa; những tượng đài Chiến sỹ vô danh; bức phù điêu có tên “Hồi sinh” - một mầm sống đang vươn lên trên nền đất cằn…

Bức phù điêu có tên gọi: 'Mẹ xin' trong Thành cổ...

Bức phù điêu có tên gọi: "Mẹ xin" trong Thành cổ...

Chiếc mũ quân Giải phóng có vết đạn xuyên trên vành, bên trong là cây xương rồng vươn mình, trổ hoa. Ảnh: Kiên Trung.

Chiếc mũ quân Giải phóng có vết đạn xuyên trên vành, bên trong là cây xương rồng vươn mình, trổ hoa. Ảnh: Kiên Trung.

Chị Trang giải thích: Bức phù điêu có tên gọi “Mẹ xin” của điêu khắc gia Phạm Văn Hạng, sáng tác vào mùa hè năm 2016. Tác phẩm được thể hiện trên nền chất liệu đá cứng và thô ráp, với những nét gọt giũa mềm mại của một người phụ nữ nhưng cũng đầy góc cạnh của một người đàn bà khó nhọc. Một bà mẹ Việt Nam ôm chéo khăn trên đôi tay gầy đang đi giữa ngổn ngang gạch đá thành xưa để xin nhúm xương cốt con cái mình còn sót lại. Ánh mắt mẹ như van lơn, khẩn cầu; còn khuôn mặt, đầy trầm tư và âu lo…

Xung quanh bức phù điêu khắc chân dung người mẹ, những chậu hoa loa kèn tháng 4 vừa nở, cuống hoa vươn dài, những cánh hoa đỏ thắm, tựa như màu màu…

“Thành cổ là nơi gặp gỡ của những hạnh ngộ. Mấy chục năm làm nhiệm vụ giới thiệu lịch sử Thành cổ cho hàng triệu đoàn khách tới thăm viếng, chúng tôi cũng không cầm được xúc động khi chứng kiến hình ảnh những người vợ, người con… về đây để thăm người thân, những mong được tận mắt chứng kiến mảnh đất mà chồng, cha, anh… mình đã chiến đấu và ngã xuống.

Có những người phụ nữ tuổi trung niên, họ về tận đây để cởi bỏ vết thương lòng, khi người yêu của họ lên đường vào Nam chiến đấu, mang theo lời hẹn thề trở lại nhưng mãi không về…

Đó là những khoảng trời riêng, những thẳm sâu cất giấu trong tâm hồn của mỗi người. Chứng kiến những câu chuyện xúc động ấy, chúng tôi càng thấy mình có trách nhiệm, và gắn bó hơn với công việc của mình”, chị Thiên Trang xúc động.

Cỏ sẽ vẫn mãi xanh, đầy sức sống như nó vốn có. Nhưng, ở trong Thành cổ, nó còn có một nhiệm vụ thiêng liêng: cỏ xanh non tơ, cỏ xanh non tơ/Xin chớ vô tình với người hy sinh, trên mảnh đất quê mình…

Quảng Trị Marathon 2024 - Hành trình về Đất lửa do UBND tỉnh Quảng Trị và Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức. Công ty Cổ phần Vũ Media (VRace) là đơn vị tư vấn, vận hành giải chạy.

Giải diễn ra ngày 15 và 16/6/2024 tại thành phố Đông Hà và thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị với 3 cự ly tranh tài 21km, 10km và 5km. Giải dự kiến thu hút khoảng 3.000 vận động viên tham dự, là hoạt động mở màn cho chuỗi sự kiện Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 lần đầu tổ chức tại Quảng Trị.

Link chính thức đăng ký BIB Quảng Trị Marathon 2024 - Hành trình về Đất lửa.

Xem thêm
Tổng Bí thư tiếp Đại sứ Úc Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt

Chiều 23/12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt, kết thúc nhiệm kỳ công tác.

Xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD, kỳ vọng vào 2025

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức Lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD năm 2024, kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn trong năm 2025.

Muốn khôi phục sản xuất cần giãn nợ, mở rộng chính sách bảo hiểm nông nghiệp

Khoanh nợ, giãn nợ, bổ sung gói vay mới, mở rộng chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất bền vững.