| Hotline: 0983.970.780

35 năm đi tìm nụ cười 'người chèo đò trên sông Thạch Hãn'

Thứ Ba 30/04/2024 , 06:30 (GMT+7)

Người nghệ sỹ nhiếp ảnh 35 năm day dứt đi tìm nhân vật trong bức ảnh mình chụp. Những khoảnh khắc lịch sử sẽ được nhắc nhớ mãi, sẽ luôn có người tìm về...

Bức ảnh Cha con lão ngư dân chèo đò trên dòng sông Thạch Hãn treo trang trọng tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Kiên Trung.

Bức ảnh Cha con lão ngư dân chèo đò trên dòng sông Thạch Hãn treo trang trọng tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Kiên Trung.

“Nụ cười Thạch Hãn” trong Thành cổ

Tại Bảo tàng bên trong Thành cổ Quảng Trị, có hai bức ảnh được treo đối diện nhau trong không gian tầng 1. Bức thứ nhất đó là Nụ cười Chiến thắng; bức thứ hai, một lão nông đang chèo đó, nụ cười hào sảng, kế bên là một người con gái đang bồng súng ngồi cạnh trên chiếc thuyền chở các chiến sỹ giải phóng vượt sông vào chiến đấu tại Thành cổ.

Bức ảnh có tên gọi “Cha con lão ngư dân Triệu Phong chở bộ đội và vũ khí tiếp sức cho Thành cổ”. Cả hai đều được nghệ sỹ nhiếp ảnh, phóng viên chiến trường của báo Quân đội - Đoàn Công Tính ghi lại khoảnh khắc đẹp đó vào năm 1972. Điều thú vị hơn, đó là những nhân vật trong ảnh mỗi người một số phận, và chính tác giả là người luôn đau đáu đi tìm nhân vật của chính mình.

Theo chỉ dẫn của chị Nguyễn Thị Hiền - nữ hướng dẫn viên trong Thành cổ Quảng Trị, chúng tôi tìm tới thăm gia đình người nữ du kích trong bức ảnh năm xưa, bà Nguyễn Thị Thu, hiện đang sinh sống tại thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Bà Nguyễn Thị Thu, nữ du kích bồng súng trong bức ảnh năm xưa. Ảnh: Kiên Trung.

Bà Nguyễn Thị Thu, nữ du kích bồng súng trong bức ảnh năm xưa. Ảnh: Kiên Trung.

Bà Thu mới đi bệnh viện khám bệnh về nhà được mấy ngày. Mấy năm gần đây, vì tuổi tác, sức khỏe bà đã giảm nhiều, thường xuyên xuất hiện những cơn đau đầu triền miên khiến bà lúc nhớ lúc quên. Chồng bà, ông Nguyễn Câu, phải thường xuyên nhắc, giúp vợ nhớ lại những câu chuyện cũ.

Khi mọi thứ đều không thể cưỡng lại trước sự khốc liệt của thời gian, nhưng dường như, gương mặt của cô du kích trong bức ảnh năm xưa là một trường hợp ngoại lệ hiếm hoi. Trải qua gần 50 năm, gương mặt ấy vẫn không thay đổi: gương mặt bầu bĩnh, trắng trẻo, hiền hậu, chỉ có khác, trong ảnh đó là cô Thu năm 18 tuổi, còn trước mặt chúng tôi, vẫn gương mặt ấy nhưng là bà Thu vừa bước sang tuổi 70. Ông lão chèo đò trong bức ảnh, cụ Nguyễn Con, là người cha chồng của bà Thu, khi đó đang ở tuổi 57.

 
Hai bức ảnh Nụ cười chiến thắng và Nụ cười của lão ngư dân Triệu Phong được treo trang trọng tại Bảo tàng Thành cổ. Ảnh: Trung Dũng.

Hai bức ảnh Nụ cười chiến thắng và Nụ cười của lão ngư dân Triệu Phong được treo trang trọng tại Bảo tàng Thành cổ. Ảnh: Trung Dũng.

“Khi đó, tôi và chồng vừa tổ chức lễ dạm ngõ, ăn hỏi, thì chiến sự trong Thành cổ bước vào giai đoạn ác liệt. Vừa vào du kích được 3 tháng, tôi cùng cha chồng nhiệm vụ chèo đò, ngày ngày đưa bộ đội qua sông, tiếp lửa cho Quảng Trị.

Các anh bộ đội từ ngoài Bắc vào, toàn những thanh niên, trai trẻ tuổi 18, đôi mươi, hiền khô. Mỗi khi có đạn pháo địch rót xuống sông, các anh đều nằm lên phía bên trên, che đạn cho cha con tôi. Các anh nói, phải bảo vệ bằng được cha con người chèo đò, bởi cha con tôi rất quan trọng. Nếu có mệnh hệ nào, những chuyến đò tiếp tế vũ khí, đạn dược, nhân lực… cho trận chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ sẽ bị ngắt giữa chừng”, bà Thu kể.

Làng quê cha con bà Thu ở có tên làng Giang Hến, thuộc xã Triệu Giang (huyện Triệu Phong). Từ những năm trước đó, bến đò làng Tiền đã nổi tiếng khắp vùng, là nơi bà con tìm đến, đi đò vượt sông. Sông Thạch Hãn đoạn qua làng Giang Hến rộng chừng trên 200m. Những chuyến đò phải nương theo con nước, phải chạy xiên chéo để tính toán lực đẩy của nước mới an toàn cập bờ bên kia…

“Cha tôi là ngư dân nổi tiếng trong vùng, mấy chục năm cào hến trên khúc sông này nên ông thuộc từng khúc sông, hiểu từng con nước... Vậy nên, mỗi khi có đoàn bộ đội từ bờ Bắc muốn vượt sông, họ lại tìm tới nhờ cha chở đò. Cha bảo, mình là người bản địa, các anh ở nơi xa tới, có biết sông Thạch Hãn chi mô. Thế là cha con tôi trở thành người lái đò”, bà Thu nói.

Vợ chồng bà Thu bên bức ảnh sau này được nghệ sỹ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính trao tặng cho gia đình. Ảnh: Võ Dũng.

Vợ chồng bà Thu bên bức ảnh sau này được nghệ sỹ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính trao tặng cho gia đình. Ảnh: Võ Dũng.

Trong thời kỳ chiến tranh, bà Thu không đếm hết, nhớ hết đã có bao nhiêu chuyến đò đưa bộ đội, vũ khí đạn dược sang sông, và chở bao nhiêu thương binh… về lại bên này bờ.

Ngày 28/6/1972, bắt đầu 81 ngày đêm chiến đấu ác liệt tại Thành cổ. Bộ đội, vũ khí, đạn dược được tích cực chi viện cho chiến trường, con đường duy nhất là vượt sông Thạch Hãn. Những khúc sông dọc các xã Triệu Long, Triệu Giang, Triệu Thành… (huyện Triệu Phong) trở thành những túi bom hòm đạn, địch oanh tạc ác liệt. Bến đò làng Tiền (xã Triệu Giang) trở thành địa chỉ được các anh bộ đội ngoài Bắc truyền tai nhau, mỗi khi muốn vượt sông…

Ngày ấy, bà Thu bước sang tuổi 18. Cha chồng của bà, cụ Con khi đó ở độ tuổi chừng 60. Bền bỉ, khéo léo và can trường dũng cảm, những chuyến đò của cha con ông Con đã góp phần quan trọng trong trận chiến thắng Mỹ - Ngụy.

Nói về bức ảnh mà cha con bà là nhân vật trung tâm, xung quanh là các anh lính trẻ từ ngoài Bắc vào tiếp sức cho chiến trường Quảng Trị ngồi xung quanh; con đò hiên ngang vượt sông và nụ cười của người ngư dân Triệu Phong rạng rỡ, tự tin, xua tan những áp lực, nguy hiểm của bom đạn thù… Bà Thu cho hay, cha con bà cũng không biết là được chụp hình từ khi nào. Sau đó, bức ảnh được đăng báo, rất nhiều người biết. Được người làng mách, bà Thu mới hay rồi đi tìm tờ báo, cắt bức ảnh lồng vào khung kính treo trong nhà làm kỷ niệm…

Đất nước thống nhất. Ba năm sau, năm 1978, cụ Con mất. Bà Thu kết duyên vợ chồng với con trai cụ Con, ông Nguyễn Câu, tiếp tục ở lại làng Giang Tiên làm nghề cào hến, sống cuộc đời phẳng lặng như bao nông dân khác. Tuy nhiên, cả tác giả chụp ảnh và người được chụp đều không biết về nhau. Người chụp ảnh lưu giữ những khoảnh khắc của những người góp phần làm nên lịch sử.

35 năm đi tìm nhân vật trong bức ảnh

Lần giở những kỷ vật gia đình, ông Nguyễn Câu, chồng bà Thu cho tôi xem một bức ảnh có dòng lưu bút của tác giả, nghệ sỹ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính - người đã ghi lại khoảnh khắc cha con ngư dân Triệu Phong chèo đò vượt mưa bom, bão đạn năm xưa. Vợ chồng ông Câu cũng không ngờ, tới một ngày, sau 35 năm, có người thiết tha tìm tới. Càng bất ngờ hơn, người đi tìm là tác giả chụp bức ảnh năm xưa.

Ông Câu lần giở những kỷ vật của gia đình...

Ông Câu lần giở những kỷ vật của gia đình...

“Chừng khoảng năm 2007, ngày cụ thể tôi không nhớ chi hết, có người điện thoại cho tôi hỏi địa chỉ, thông tin, tên của cha, nghề nghiệp, công việc…, rồi hỏi tiếp: “Có phải ông chèo đò trên sông Thạch Hãn không?”. Tôi nói “Phải”. Giọng bên kia mừng như reo vui, rồi hẹn tôi ở yên nhà, đợi”, ông Câu nhớ lại.

Khi đó, ông Câu không biết là Đoàn Công Tính, tác giả chụp bức ảnh năm xưa, sẽ tới nhà thăm. Mấy chục năm qua, kể từ khi được bà con mách chuyện cha con được chụp ảnh và đăng trên báo Quân đội; tiếp đó, các chị trong Hội phụ nữ xã đi họp, đi Bảo tàng trong Thành cổ về kể chuyện, bức ảnh trên được treo trong Bảo tàng…, bà Thu cũng nghe để biết. Bà chưa một lần vào trong Bảo tàng để xem bức ảnh chụp cha con mình được phóng to, treo trong đó như thế nào. Bà đã có bức ảnh cắt ra từ trang báo, treo ở nhà bao năm qua làm kỷ niệm…

Nhà thơ Lê Bá Dương, tác giả của những câu thơ đầy xúc động: “Đò qua Thạch Hãn xin chèo nhẹ/Dưới sông còn đó bạn tôi nằm…”, từng chia sẻ: “Trước khi diễn ra lễ mừng 35 năm giải phóng Triệu Phong (Quảng Trị), anh Đoàn Công Tính kêu tôi đi cùng anh ra bến sông Thạch Hãn thăm lại chiến trường xưa.

Lưu bút của nghệ sỹ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính và nhà thơ Lê Bá Dương trong lần tìm về thăm gia đình nữ du kích trong bức ảnh Nguyễn Thị Thu vào năm 2007. 

Lưu bút của nghệ sỹ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính và nhà thơ Lê Bá Dương trong lần tìm về thăm gia đình nữ du kích trong bức ảnh Nguyễn Thị Thu vào năm 2007. 

Anh Tính cứ nhắc đi nhắc lại với sự day dứt như có lỗi về một nhân vật trong số những tấm ảnh của anh chụp cách đây 35 năm. Đó là ông lão chèo đò chở bộ đội từ bến Nhan Biều vượt sông Thạch Hãn vào Thành cổ cách đây 35 năm, và từ bấy đến nay, anh vẫn đi tìm.

Đang băn khoăn trước tâm sự của người đồng đội, bỗng tôi nhận cuộc gọi từ một số máy lạ, người đàn ông cho biết, qua một người bạn khác nhờ tôi giúp gặp cựu phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính để cung cấp những thông tin liên quan đến ông lão chèo đò trong ảnh”.

Và thế là, lần đầu tiên, tác giả chụp bức ảnh và nhân vật trong bức ảnh gặp nhau, sau 35 năm.

“Cô du kích 18 tuổi năm nào nay đã có cháu nội, cháu ngoại mới có dịp được gặp lại chính mình trong bức ảnh trưng bày tại bảo tàng.

Gần như không còn để ý đến sự luýnh quýnh của chủ nhà, khách cứ vậy líu tíu hỏi dồn như được xả nén sau một hơi dài tìm người trong ảnh.

Mãi tới khi khách giở tấm ảnh ra chỉ vào ông lão chèo đò, và cô gái cầm súng trong ảnh thì chủ nhà mới bẽn lẽn: "Dạ, đây là em, em tên là Nguyễn Thị Thu. Người chèo đò là ba chồng em, ông tên là Nguyễn Con. Hồi đó ba em khoảng 57 tuổi, em lúc đó 18 tuổi, cũng vừa tham gia vào du kích được gần 3 tháng...", nhà thơ Lê Bá Dương chia sẻ.

Đài hương trong Thành cổ. Ảnh: Kiên Trung.

Đài hương trong Thành cổ. Ảnh: Kiên Trung.

Chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm. Cỏ non đã xanh, trải thảm bên trong Thành cổ. Người nữ du kích trong bức ảnh chèo đò năm xưa, vẫn hiền lành bên dòng sông quê. Những khoảnh khắc lịch sử, chắc chắn sẽ được nhắc nhớ mãi, và sẽ luôn có những người tìm về, như câu chuyện của nghệ sỹ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính 35 năm vẫn day dứt đi tìm người trong bức ảnh mình chụp…

Quảng Trị Marathon 2024 - Hành trình về Đất lửa do UBND tỉnh Quảng Trị và Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức. Công ty Cổ phần Vũ Media (VRace) là đơn vị tư vấn, vận hành giải chạy.

Giải diễn ra ngày 15 và 16/6/2024 tại thành phố Đông Hà và thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị với 3 cự ly tranh tài 21km, 10km và 5km. Giải dự kiến thu hút khoảng 3.000 vận động viên tham dự, là hoạt động mở màn cho chuỗi sự kiện Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 lần đầu tổ chức tại Quảng Trị.

Link chính thức đăng ký BIB Quảng Trị Marathon 2024 - Hành trình về Đất lửa.

Xem thêm
Bầu bổ sung 4 Ủy viên Bộ Chính trị khóa 13

Trung ương bầu bổ sung ông Lê Minh Hưng, Đỗ Văn Chiến, Nguyễn Trọng Nghĩa và bà Bùi Thị Minh Hoài vào Bộ Chính trị.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 'Cần có các giải pháp tiếp cận thị trường nông sản tổng quan hơn'

Đây là ý kiến kết luận của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Trưởng Ban Chỉ đạo chất lượng, ATTP và phát triển thị trường, tại phiên họp lần thứ nhất của ban.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Xe của Sở Tư pháp Khánh Hòa va chạm xe bồn khiến 4 người bị thương

PHÚ YÊN Cơ quan chức năng thị xã Sông Cầu đang điều tra làm rõ vụ va chạm giữa xe biển xanh của Sở Tư pháp Khánh Hòa với xe bồn khiến 4 người bị thương.