| Hotline: 0983.970.780

Máu vẫn đổ sau 35 năm

Chủ Nhật 01/08/2010 , 12:23 (GMT+7)

Trên vùng đất lửa Quảng Trị từng ngày vẫn còn vọng lên những tiếng nổ chết người do bom mìn còn sót lại sau chiến tranh gây ra. Hơn 83,8% diện tích đất, chủ yếu đất nông nghiệp địa phương này bị ô nhiễm bom mìn.

35 năm sau ngày đất nước giải phóng nhưng trên vùng đất lửa Quảng Trị từng ngày vẫn còn vọng lên những tiếng nổ chết người do bom mìn còn sót lại sau chiến tranh gây ra. Hơn 83,8% diện tích đất, chủ yếu đất nông nghiệp địa phương này bị ô nhiễm bom mìn.

Quả bom dài 3,5 m nằm ngay gần nhà dân ở xã Hải Quế, huyện Hải Lăng được bà con phát hiện trong lúc làm đồng.

Đạn nổ giữa sân trường

Trước mặt tôi là một nông dân cụt mất hai cánh tay và mất một mắt. Người dẫn đường giọng chua xót: “Có lẽ anh Nguyễn Quốc Tịnh ở xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, là một trong ít người lãnh cú đúp tai nạn do bom mìn gây ra”. Ngồi xuống chiếc ghế nhỏ, anh Tịnh vẫn còn cái nét bàng hoàng trên khuôn mặt: “Năm lên 12 tuổi tôi bị một quả đạn nổ cắt đứt cánh tay trái. Lúc ấy tôi ngất xỉu chẳng biết gì nữa. Sau này khi có gia đình, con của tôi đang nhỏ chưa hiểu biết gì nên cháu cứ hỏi một cánh tay của bố đi đâu rồi... Rồi một điều không may lại ập xuống với bản thân tôi. Năm 2008, khi tôi cúi người xuống dùng một cánh tay còn lại xô một hòn đá dịch đi nơi khác, khi đá vừa lăn bất ngờ quả bom bi phát nổ lại cướp mất cánh tay còn lại và một con mắt của tôi. Bây giờ mọi sinh hoạt trong cuộc sống tôi phải nhờ vợ và các con giúp đỡ ”.

Vụ nổ đạn xảy ra ở xã Húc, huyện Hướng Hóa làm Võ Hảo, 16 tuổi chết tại chỗ,  Nguyễn Viết Lam (ảnh) 11 tuổi bị thương nặng ở hai mắt, hai chân.

Khi tôi kể lại câu chuyện của Tịnh, ông Ngô Xuân Hiền - cán bộ của tổ chức Renew (Phục hồi môi trường và khắc phục hậu quả chiến tranh) ở Quảng Trị , buông giọng: “Cũng thương tâm thật song ở Quảng Trị chỗ nào mà chẳng có bom mìn sót lại. Ngày 27/2/2010 vừa rồi một quả đạn 105 ly phát nổ ngay giữa sân trường THCS Nguyễn Huệ ở thành phố Đông Hà, nơi có hơn 500 học sinh đang học”.

Ông Hiền cho tôi xem từng mảnh vụn của quả đạn đã bị xé toạc. Dư chấn của tiếng nổ làm rung chuyển ngôi trường. Vụ nổ bắt đầu từ tình huống rất bất ngờ. Sát phòng học của trường còn lại gốc cây được đốn hạ từ năm trước. Gốc cây quá lớn để di dời nên nhà trường đã đốt gốc cây bằng rác thu từ các phòng học. Không một ai biết rằng bên dưới gốc cây có một quả đạn pháo chưa nổ. Sức nóng của việc đốt rác đã làm phát nổ quả đạn pháo, hất văng gốc cây ra xa, làm vỡ kính của ít nhất 10 cửa sổ của ngôi trường ba tầng.

Ông Hiền nói nếu vụ nổ xảy ra chậm 5 phút nữa thôi, đúng giờ học sinh ra chơi thì chắc con số thương vong sẽ rất cao. Nhiều người nghĩ rằng ở trường là nơi an toàn. Song vụ nổ đạn này là một bằng chứng mạnh mẽ rằng bom đạn của cuộc chiến tranh đã kết thúc 35 năm  nhưng vẫn có thể đang còn ở bất kể nơi đâu.

Gây chết người ngay trong dịp Tết

Ngược lên huyện miền núi Đakrông, chúng tôi đến thăm gia đình nạn nhân Hồ Văn Nguyên ở xã Mò Ó. Vợ anh Nguyên nghẹn ngào kể: “Ngày 28 Tết vừa rồi, một quả bom bi phát nổ đã cướp đi sinh mạng của chồng tôi”.

Sáng ấy anh Nguyên vào rẫy thu hoạch chuối về bán kiếm tiền sắm áo quần mới cho con. Đến khoảng 10 giờ 30, một tiếng nổ phát ra từ nương rẫy của anh Nguyên. Nghe tiếng nổ quá lớn biết chuyện không hay, ông Hồ Văn Hồi, chú ruột của nạn nhân chạy ào đến đã thấy người cháu nằm chết trên mặt đất, hai bàn tay nát bét, mắt bị phá hủy, lỗ chỗ nhiều vết thương từ ngực đến mặt.

Ông Hồi nói có thể anh Nguyên đã dùng rựa phát cỏ quanh gốc chuối nên vướng trúng một quả bom bi. Khu vực gia đình nạn nhân làm rẫy chuối là vùng sản xuất nông nghiệp của gần 1.000 người Vân Kiều sống ở thị trấn Krông Klang.     

Cái chết thương tâm của anh Nguyên đẩy gia đình anh vào hoàn cảnh hết sức bi đát. Vợ và sáu người con gái anh để lại, trong đó người con nhỏ nhất mới chỉ ba tuổi, choáng váng và đau khổ, trước mắt họ là một tương lai mờ mịt. Bi kịch của gia đình là bên cạnh sự đau khổ tột cùng vì mất người thân, còn là sự mất đi người lao động chính duy nhất của họ, người còn gánh trên vai trách nhiệm nuôi bố mẹ già. Cụ Hồ Văn Mông, bố đẻ anh Nguyên than khóc: “Tôi  chỉ có mỗi một đứa con trai. Làm sao tôi sống nổi khi mất con”.

Có mặt tại gia đình nạn nhân, Chủ tịch hội Chữ thập đỏ huyện Đakrông - bà Lê Thị Lâm Hoa cho biết khu vực xảy ra vụ nổ trên được khai hoang từ năm 1982 phục vụ tái định cư cho những gia đình dân tộc Vân Kiều. Trước đó một vụ nổ đạn năm 1985 đã giết chết 2 người ở khu vực này.

Theo một khảo sát về mức độ ảnh hưởng của bom mìn vật nổ sau chiến tranh được các cơ quan chức năng vừa công bố, huyện Đakrông có tỷ lệ bom mìn còn lại cao nhất cả nước, 97% diện tích đất của huyện bị ô nhiễm bom mìn vật nổ sót lại sau chiến tranh.

Những “công binh” nông dân

Nạn nhân Đỗ Thiên Đăng ở xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong bị bom nổ làm cụt hai chân.
Trở về đồng bằng, chúng tôi có mặt tại xã Hải Thái thuộc huyện Gio Linh, nơi có những nông dân được xem như những “công binh”. Hoàng, một nạn nhân bom mìn bị cụt chân cắt nghĩa cái từ “công binh” mà người đời gán cho bà con ở đây: “Có gì ghê gớm đâu. Nghèo quá nên bà con phải đi rà phá bom mìn, tìm phế liệu chiến tranh bán kiếm tiền sinh sống, nuôi con ấy mà. Cái bụng đói thì phải liều đi làm “công binh” mà thôi”. Nghe Hoàng nói mà thật xót xa khi không ít nông dân vì mưu sinh mà bị bom mìn cướp đi một phần thân thể.

Ông Đoàn Thìn, trưởng thôn 3B, mắt đỏ hoe nhớ lại: “Để có cuộc sống như hôm nay, nhiều người dân xã Hải Thái phải đổi lấy cả mạng sống của mình. Bố tôi cũng là nạn nhân của bom mìn. Hôm ấy ông cùng bà con làm “công binh”dọn dẹp đất đai để tăng gia sản xuất. Bất ngờ một tiếng nổ long trời vang lên, khói bay mịt mù, 5 người trúng bom chết tại chỗ, 3 người khác bị thương”.

Ví trí của xã Hải Thái nằm đoạn cuối trên hàng rào điện tử McNamara do Mỹ dựng lên vào năm 1965 với các vị trí như đồi C1, C2, đồi Phu Lơ dày đặc bom mìn.Không còn sự lựa chọn nào hơn, người dân ở Hải Thái chấp nhận sống chung với bom mìn. Bà Trần Thị Con ở thôn 2 B cho biết 9 đứa con của bà đều lớn lên ăn học bằng tiền thu được từ việc làm “công binh”dọn dẹp, rà phá bom mìn. “Cái chết luôn cận kề nhưng không vì thế mà sợ sệt, mất chí. Phải đi làm để bán kiếm tiền nuôi con ăn học, xây dựng lại nhà cửa”, bà Con nói. Anh Lê Quang Thạnh- phụ trách công tác Thương binh- xã hội xã Hải Thái, ngậm ngùi: “Xã có hơn 100 người chết và 32 người bị thương trong quá trình dọn dẹp bom mìn xây dựng cuộc sống. Thi thoảng con em của trong xã vẫn còn bị chết do gặp phải bom mìn trong lúc đi chăn trâu bò ngoài đồng”.

Sự liều lĩnh ấy làm cho nhiều cựu binh Mỹ hết sức ngạc nhiên khi trở lại thăm chiến trường xưa.

Bao giờ kết thúc “di sản” chết người?

Vì mưu sinh nên nạn nhân bom mìn ở Quảng Trị vẫn chưa dừng lại. Mật độ ô nhiễm bom mìn còn sót lại sau chiến tranh tại Quảng Trị đứng bậc nhất Việt Nam. Từ 1975 đến tháng 10 năm 2008, toàn tỉnh có có 7.024 nạn nhân bom mìn (chiếm 1,2% dân số của tỉnh), trong đó 2.618 nạn nhân tử vong. Nạn nhân là trẻ em chiếm 31% trên tổng số. Năm 2006 có 35 nạn nhân, 2007 có 28 nạn nhân. Từ đầu năm 2008 đến nay đã có 30 nạn nhân bom mìn trong đó có 14 trẻ em.

Một thực tế đáng buồn là những nạn nhân bom mìn ở Quảng Trị (và nhiều nơi khác) có cuộc sống vô cùng khó khăn nhưng chưa một cơ quan nào của Nhà nước đứng ra quản lý, giúp đỡ. Họ luôn mong muốn Nhà nước cần có chính sách giúp những nạn nhân có thêm điều kiện cải thiện cải thiện cuộc sống. Song nguyện vọng ấy vẫn chưa biết bao giờ trở thành hiện thực.

Nhân viên tổ chức Renew giúp tỉnh Quảng Trị rà phá dọn dẹp bom mìn chưa nổ.

Từ năm 2001, Quỹ tưởng niệm Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam (VVMF) đến Quảng Trị khởi xướng dự án Renew mong muốn mang lại cuộc sống hoà bình cho người dân vô tội, để sớm kết thúc một “di sản” chết người. Đây là một sự chia sẽ có ý nghĩa với người dân Quảng Trị. Cùng với các tổ chức quốc tế như C.P.I, Peace Trees, tổ chức Renew của Mỹ đã giúp Quảng Trị rà phá bom mìn, dọn sạch vật liệu chưa nổ còn sót lại sau chiến tranh, tái định cư...

Quảng Trị là tỉnh đầu tiên của Việt Nam được tiếp nhận sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Hơn 2000 nạn nhân được hỗ trợ về y tế, phục hồi chức năng, và cải thiện thu nhập. Có hơn 1.000 ha đất được rà phá và  bảo đảm sạch sẽ không còn vật liệu nổ .Gần 63.000 quả bom, mìn các loại chưa nổ được phát hiện trong diện tích hơn 1.000 ha đất nói trên.

Song với một mật độ ô nhiễm bom mìn như hiện tại ở Quảng Trị, không biết có bao nhiêu đứa trẻ vô tội và bao nhiêu người lớn nữa sẽ bị giết chế hay bị tàn phế. Chiến tranh đã kết thức 35 năm, nhưng bao giờ sẽ kết thúc được “di sản” chết người này?

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thừa nắng, thiếu mưa, cả nước chuẩn bị đón mùa hè rực lửa

Nhiệt độ và nắng nóng thời điểm tháng 5/2024 trên phạm vi toàn quốc trung bình phổ biến cao hơn từ 1-2 độ C; tháng 6/2024, cao hơn từ 0,5-1,5 độ C.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm