| Hotline: 0983.970.780

Nâng đỡ năng lực hộ chăn nuôi

Thứ Năm 28/10/2010 , 11:19 (GMT+7)

Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh cho các hộ chăn nuôi lợn vừa và nhỏ do Đại học Queensland, Tổ chức Oxfam, ACIAR và IPSARD hoàn thành dưới sự tài trợ của NH Thế giới.

Với sự tài trợ của của Ngân hàng Thế giới, Đại học Queensland, Tổ chức Oxfam, Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Úc (ACIAR) và Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) vừa hoàn thành đề án nâng cao năng lực cạnh tranh cho các hộ chăn nuôi lợn vừa và nhỏ trong điều kiện biến đổi thị trường ở nước ta.

Theo báo cáo của IPSARD, tình hình dịch bệnh trong chăn nuôi ở nước ta ngày càng trở nên nghiêm trọng, vấn đề VSATTP cấp thiết hơn lúc nào hết. Đến hẹn lại lên, cứ mỗi lần xảy ra đại dịch như tai xanh, LMLM, cúm gia cầm… là người ta lại đổ thừa tại các hộ chăn nuôi vừa và nhỏ không có quy trình công nghệ hiện đại khép kín khiến dịch bệnh bùng phát và lây lan nhanh chóng không thể kiểm soát. Từ đó kéo theo hệ lụy lâu dài khiến các mặt hàng về thịt, đặc biệt là thịt lợn ở nước ta mất dần đi tính cạnh tranh tại thị trường nội địa.

IPSARD đưa ra dự báo trong tương lai không xa, thịt lợn ngoại sẽ chiếm lĩnh thị trường Việt Nam nếu không có giải pháp nâng cao tính cạnh tranh cho ngành chăn nuôi xương sống này. Qua khảo sát phân tích tiêu dùng ở các hộ gia đình tại 7 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Nghệ An, Đăk Lăk, Đồng Nai và Tiền Giang, dự án thu được kết quả như sau: Hiện nay các hộ chăn nuôi lợn vừa và nhỏ cung cấp tới 80% trong tổng số lượng thịt tiêu thụ tại Việt Nam. Chăn nuôi hiện đại qui mô lớn chỉ chiếm 5% tổng sản lượng tiêu dùng thịt đông lạnh, thịt hộp chiếm 2% tổng tiêu dùng thịt lợn.

Tỉ lệ tiêu thụ thịt lợn vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo trong số các mặt hàng thịt động vật mà chúng ta sử dụng hàng ngày. Ví dụ năm 2000 chiếm 68%, năm 2005 chiếm 72% và năm 2009 chiếm 62%. Khảo sát cũng cho thấy tâm lý người tiêu dùng Việt Nam hiện nay vẫn chọn mua thịt lợn nạc tươi bán ở các chợ truyền thống. Nhưng khảo sát cũng thu thập được tới 43% ý kiến quan ngại của người tiêu dùng về vấn đề an toàn thịt lợn như bệnh dịch, nhiễm hóa chất, ôi thiu, dư lượng chất kích thích tồn đọng vượt mức cho phép trong chăn nuôi.

Thực tế trong chăn nuôi ở nước ta nói chung và nuôi lợn nói riêng, chi phí thức ăn chiếm tới 2/3 trong tổng chi phí chăn nuôi. Các hộ chăn nuôi lợn vừa và nhỏ có thể tận dụng lợi thế chi phí này để nâng cao sức cạnh tranh bằng việc mở rộng các lựa chọn thức ăn tự sản xuất kết hợp với cải thiện tiếp cận hệ thống khuyến nông để giảm giá thành sản phẩm.

Đại diện Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn IPSARD - ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho biết, để hỗ trợ các hộ chăn nuôi lợn vừa và nhỏ đề án lần này đưa ra những giải pháp cụ thể bằng các chính sách hỗ trợ đồng bộ như cải tiến việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ gồm khuyến nông và thú y, nâng cấp thiết bị và khả năng tiếp cận thể chế hỗ trợ để nâng cao hiệu quả. Đầu tư nâng cấp hệ thống lò mổ và chợ nhằm cải thiện vệ sinh và tiêu chuẩn ATTP đối với thịt lợn. Tiến hành đánh giá toàn diện rủi ro trong chuỗi giá trị chăn nuôi lợn để tư vấn chính sách, nâng cao VSATTP và bảo vệ sự tồn tại của hộ chăn nuôi nhỏ trong chuỗi giá trị.

Đề án lần này cũng đưa ra khuyến cáo không nên áp đặt hiện đại hóa chăn nuôi qui mô nhỏ bởi chăn nuôi qui mô nhỏ tạo việc làm và có lợi thế về chi phí thức ăn và lao động, các qui định về an toàn thực phẩm và bệnh dịch với chăn nuôi truyền thống cần tính đến tính khả thi và bài toán chi phí - lợi nhuận.
Đề án cũng sẽ thử nghiệm các chiến lược hành động tập thể và các hình thức tổ chức khác nhằm giảm chi phí giao dịch khi mua đầu vào và bán đầu ra. Thiết lập các phương án thử nghiệm tính khả thi của hệ thống kiểm soát chất lượng phù hợp với điều kiện chăn nuôi qui mô nhỏ cũng như hiệu quả chi phí của nó trong việc cung cấp thịt lợn an toàn. Khuyến khích chăn nuôi ngoài khu vực dân cư, hỗ trợ không thiên vị về tín dụng và thuế, tập trung nghiên cứu và phát triển việc lai giống nội, hỗ trợ DN thức ăn chăn nuôi quy mô vừa sử dụng nguyên liệu địa phương đi kèm với cấp chứng nhận chất lượng.

Việc cấp chứng nhận cho hộ chăn nuôi nói chung và hộ nuôi lợn nói riêng, xây dựng hệ thống giám sát và cảnh báo dịch bệnh cũng là một việc làm quan trọng không thể thiếu. Còn về giải pháp thị trường tiêu thụ, sẽ tiến hành kiểm soát chặt chẽ các tiêu chuẩn SPS đối với hàng nhập khẩu, cấp chứng nhận cho người bán lẻ để thực hiện thanh tra thị trường. Hỗ trợ nâng cấp thiết bị tại các chợ, thiết lập hệ thống thông tin thị trường, thử nghiệm chuỗi giá trị lợn có chứng nhận trong các hợp đồng nông sản.

Xem thêm
Phát hiện cơ sở chuyên xử lý lợn ốm chết ở Vĩnh Phúc

Chủ cơ sở ở Vĩnh Phúc cho biết, lợn thu mua của dân đó đều là các con bị ốm do xuất huyết hoặc yếu do nắng nóng hoặc chết không rõ nguyên nhân.

Kiểm dịch tôm giống còn gặp khó

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên tôm nuôi mà một phần nguyên nhân do tôm giống gây ra, ngành chức năng đã siết chặt công tác kiểm dịch.

Sầu riêng rụng quả non hàng loạt do sốc nhiệt

KHÁNH HÒA Nhiều diện tích sầu riêng ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa đang thời kỳ quả non bị rụng hàng loạt do sốc nhiệt.

Quảng Ngãi xây dựng mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa

Các đơn vị đã phối hợp tổ chức gieo sạ bằng máy sạ cụm 12 hàng trên diện tích 5.000m2 tại mô hình ở cánh đồng lúa xã Đức Chánh (Mộ Đức, Quảng Ngãi).