| Hotline: 0983.970.780

PGS.TS Phạm Văn Toản - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam:

Người ta sợ cây trồng biến đổi gen, trước hết ở cái lỗi dùng từ

Thứ Hai 22/05/2017 , 09:20 (GMT+7)

PGS.TS Phạm Văn Toản - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam - chuyên gia về cây trồng biến đổi gen (GMO) đã cắt nghĩa tâm lý bài bác của nhiều người Việt về GMO…

PGS.TS Phạm Văn Toản - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam


Tác hại của phim viễn tưởng, mạng giật gân

Trước làn sóng phản đối một chiều cây trồng biến đổi gen, “ném đá” không thương tiếc, không cần luận chứng, cơ sở khoa học nào của cộng đồng mạng thời gian qua, ông có kiến giải gì?

GMO là sinh vật được cải biến cấu trúc di truyền bằng công nghệ chuyển gen, theo đó sinh vật tạo thành sẽ có các tính trạng mới theo chủ đích của con người. Cách nói tắt trong tiếng Việt GMO là “biến đổi gen” từ những năm 90 đến nay đã trở thành phổ biến. Với đa số độc giả chưa biết bản chất của GMO, khi nghe từ “biến đổi gen” lập tức liên tưởng đến những thứ không bình thường, nguy hiểm hoặc bất lợi.

Sau khi trở thành thành viên chính thức của Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học, Việt Nam đã xây dựng các văn bản quản lý an toàn sinh học đối với GMO, trong đó có nội dung đánh giá và quản lý an toàn sinh học các GMO và sản phẩm của GMO đối với đa dạng sinh học và sức khỏe người, động vật. Theo đó phải xác định những nguy cơ, đó là các tác động bất lợi có thể xảy ra đối với đa dạng sinh học và sức khỏe người, động vật, điều kiện xuất hiện và mức độ ảnh hưởng để từ đó đề ra các giải pháp quản lý nhằm đảm bảo tác động bất lợi không xảy ra hoặc nếu xảy ra phải quản lý được và chỉ gây tác động ở mức chấp nhận được.

Từ “rủi ro” trong tiếng Việt được nói đến khi xuất hiện hậu quả xấu của một sự kiện nào đó, vì vậy khi nghe hoặc đọc các từ “Quản lý rủi ro GMO”, “Đánh giá rủi ro GMO”, nhiều người liên tưởng đến hậu quả xấu của GMO. Trong cuộc sống, khi đi đâu hoặc làm bất cứ việc gì luôn luôn tiềm ẩn các nguy cơ ảnh hưởng không tốt đến kết quả vì vậy mỗi người phải tìm giải pháp để các nguy cơ không trở thành hiện thực.

Thực chất của khái niệm “Đánh giá rủi ro GMO”, “Quản lý rủi ro GMO”, là quản lý các GMO, sản phẩm của GMO, đảm bảo an toàn đối với đa dạng sinh học, sức khỏe người, động vật.

Như vậy việc nói tắt của tiếng Việt trong thời gian qua liên quan đến khái niệm “biến đổi gen” đã vô hình chung gây ra sự hiểu lầm hoặc ít nhất cũng tạo thành tâm lý ám ảnh không tốt đối với mọi người.

Thứ hai là trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là các phim viễn tưởng của nước ngoài về người biến đổi gen, động vật biến đổi gen luôn sử dụng các kỹ xảo điện ảnh mô tả chúng độc ác, khác thường. Đó đơn thuần là sự tưởng tượng để câu khách, phi thực tế. Người xem không biết GMO thực chất là gì nhưng khi nghe “biến đổi gen” là liên tưởng đến những nhân vật tưởng tượng kia, tạo thành một mặc định đó là những sản phẩm không tốt.

Thứ ba, trong thời gian qua vấn đề an toàn thực phẩm đã tạo nên tâm lý không yên tâm của người tiêu dùng. Hầu hết người tiêu dùng chỉ yên tâm khi mua thực phẩm có xuất xứ, địa chỉ rõ ràng của những nhà cung cấp quen biết. Các sản phẩm chưa biết, hoặc người cung cấp chưa quen đều gây e ngại.

Thứ tư là các nguồn thông tin giật gân, không chính thống từ các mạng xã hội ngày càng nhiều và lan rộng với tốc độ nhanh. Trên thế giới hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau về sinh vật “biến đổi gen”. Nhóm không ủng hộ sinh vật “biến đổi gen” thường đưa những thông tin giật gân, chưa được kiểm chứng dạng tin đồn. Thông tin dạng này được lan truyền rất nhanh trên các mạng xã hội. Tâm lý chung của con người và dễ trở thành thói quen hoặc mặc định nếu sự việc được lặp đi lặp lại nhiều lần. Trong khi đó các công trình khoa học liên quan chỉ được công bố trên các tạp chí, sách chuyên ngành, hội thảo hội nghị, ai muốn đọc phải đăng ký và trả tiền bản quyền. Bởi thế cộng đồng hầu như không được tiếp cận các thông tin khoa học về sinh vật “biến đổi gen”…

Lịch sử của cây trồng “biến đổi gen” ở Việt Nam ra sao, thưa ông?

Năm 2005, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 50 về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó ghi rõ: “Làm chủ được công nghệ gen nhằm tạo ra các biến đổi gen thực vật, động vật theo hướng có lợi”. Cũng năm đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 188 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 50 và giao Bộ NN-PTNT triển khai "Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020".

Mục tiêu đến năm 2015 là phát triển công nghệ sinh học hiện đại, tập trung vào công nghệ gen, đưa một số giống cây trồng biến đổi gen vào sản xuất và đến năm 2020 diện tích trồng trọt các giống cây trồng biến đổi gen chiếm 30 - 50%.

Tại Quyết định số 14 năm 2008 về Kế hoạch tổng thể phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học ở Việt Nam đến năm 2020 Thủ tướng Chính phủ xác định “Về cây nông nghiệp: Tập trung nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ gen để tạo ra các giống cây trồng mới, cây trồng biến đổi gen có các đặc tính nông học ưu việt, phù hợp với yêu cầu của thị trường.
 

Tương lai của GMO nội địa

Triển khai các chương trình trên, các Viện công nghệ sinh học, Viện nghiên cứu hệ gen thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, Viện Di truyền nông nghiệp, Viện Lúa ĐBSCL, Viện nghiên cứu Ngô thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt nam, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Đại học Lâm nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tiếp cận và làm chủ được công nghệ chuyển gen. Bước đầu tạo được một số dòng ngô, đậu tương, xoan ta, thông, khoai lang chuyển gen có khả năng kháng sâu, chống chịu thuốc trừ cỏ, tăng trưởng nhanh hoặc chịu hạn. Họ đang tiếp tục đánh giá tính ổn định của gen chuyển, hiệu quả chuyển gen và đánh giá an toàn sinh học. Đây là các cây trồng chuyển gen do các nhà khoa học Việt Nam tạo ra.

gen-1165007232
Một điểm trình diễn ngô chuyển gen kháng sâu đục thân, kháng thuốc trừ cỏ

Trong thực tế, để có thể đưa một giống GMO vào sản xuất cần trung bình khoảng 10 năm và hàng trăm triệu đô la Mỹ cho nhiều công đoạn từ phân lập, tách lọc gen chủ đích đến biến nạp vào cây trồng, đánh giá thanh lọc dòng ổn định di truyền, dòng triển vọng và đánh giá an toàn sinh học từ hàng ngàn, hàng triệu cá thể được chuyển gen.

Ông đánh giá ra sao về các giống GMO đang được bán ở ta?

Việt Nam mới chỉ cấp chứng nhận an toàn sinh học đối với môi trường và đa dạng sinh học cho 5 sự kiện ngô chuyển gen và một số giống ngô GMO đã được Bộ NN-PTNT công nhận giống mới với 2 tính trạng là kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ. Hiệu quả kháng sâu của ngô chuyển gen phụ thuộc vào áp lực của sâu ở từng vùng. Áp lực không lớn thì dùng giống kháng sâu sẽ có hiệu quả thấp và không mang lại lợi nhuận cho người trồng ngô vì giá ngô giống chuyển gen đắt hơn.

Ngô chuyển gen kháng sâu sẽ phát huy hiệu quả ở những vùng có áp lực sâu cao. Mà sâu bệnh không phải năm nào cũng xuất hiện. Ở nước ta, công tác dự tính, dự báo sâu bệnh hiện nay đang rất hạn chế, nên bà con không biết vùng nào, mùa nào sẽ có nhiều sâu để dùng giống ngô chuyển gen kháng sâu. Đây là hạn chế lớn...

GMO là tiến bộ khoa học của nhân loại, tạo thêm một công cụ mới trong chọn tạo giống cây trồng năng suất cao, chất lượng tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng mong muốn của con người. Tất nhiên, tiến bộ mới được ứng dụng có hiệu quả bao giờ cũng cần quản lý sử dụng đúng mục đích, đúng hướng dẫn của người tạo ra nó.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Tỷ lệ tiêm chỉ đạt 52%, Quảng Nam bùng phát dịch lở mồm long móng

Tỷ lệ tiêm phòng thấp, ý thức người dân chưa cao, tập quán chăn thả rông trâu bò là những nguyên nhân dễ gây bùng phát dịch lở mồm long móng ở Quảng Nam.

Điều tra sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu

Dự án V-SCOPE đã nghiên cứu, phát hiện 3 loài sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu ở Tây Nguyên cũng như việc tưới nước quá mức trên cây cà phê.