| Hotline: 0983.970.780

Nông dân ăn Tết thời bão giá

Thứ Ba 17/01/2012 , 10:27 (GMT+7)

Trong khi ở thành phố, tết nhất xênh xang thì tại nhiều làng quê, tết còn lẩn quất ngoài đồng, ngoài ruộng. Với nhiều người nông dân để sắm sanh cho đủ cái Tết trong thời bão giá thật nhọc nhằn.

Nông dân sắm tết nghèo
Trong khi ở thành phố, tết nhất xênh xang thì tại nhiều làng quê, tết còn lẩn quất ngoài đồng, ngoài ruộng. Với nhiều người nông dân để sắm sanh cho đủ cái Tết trong thời bão giá thật nhọc nhằn.

Giá tăng chóng mặt

Dạo quanh phiên chợ 23 âm lịch, phiên chợ trọng điểm áp Tết tại chợ Bình Định, nơi người dân các vùng nông thôn thuộc thị xã An Nhơn (Bình Định) thường tụ tập về đây sắm sanh đồ ăn Tết cho gia đình. Không như mọi năm người mua kẻ bán sầm uất, phiên chợ năm nay thưa thớt đến thảm hại. Các chủ gian hàng bánh mứt rảnh rang ngồi chống cằm than vắn thở dài vì thật lâu mới có khách đến hỏi mua.

“Chưa năm nào ế hàng như năm nay. Mọi năm giờ này tôi huy động hết mấy đứa con trong nhà ra bán phụ vẫn không xuể vì người mua tấp nập. Năm nay chỉ mỗi mình tôi bám chợ nhưng vẫn rảnh chân rảnh tay, chỉ biết ngồi đuổi ruồi”, chị Hằng - chủ một gian hàng bánh mứt tại chợ Bình Định than vãn.

Không khí ở các cửa hiệu tạp hóa cũng hắt hiu không kém. Chị Phượng, chủ cửa hiệu tạp hóa ở phường Bình Định (TX An Nhơn) tâm sự: “Những năm trước, mỗi dịp Tết đến tôi tiêu thụ đến vài ba trăm thùng bia 333. Khi ấy, hầu hết người dân các vùng nông thôn đều đãi khách 3 bữa Tết bằng bia nên mặt hàng này bán chạy ào ào. Nhiều cửa hàng tạp hóa bị “cháy” hàng, tiếc hùi hụi. Năm nay dự báo tình hình kinh tế khó khăn, tôi chỉ dám mua trữ hơn 100 thùng nhưng giờ vẫn còn nguyên trong kho, cũng may chứ dự trữ nhiều như mọi năm chắc lỗ đậm”.

Chúng tôi lại đi về các vùng nông thôn để tìm lời giải cho hiện tượng trên. Quanh quẩn những con đường làng, không đâu có không khí Tết. Những ngôi nhà nằm thin thít, buồn thiu bởi chủ của chúng chẳng buồn dọn dẹp dù chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa là Tết về. Bắt chuyện với 1 phụ nữ đang vác cuốc đi thăm ruộng, chúng tôi mới hay là năm nay hầu như người nông dân không dám nghĩ đến Tết. Bởi lẽ làm không có thu nhập mà hầu như tất cả mọi mặt hàng phục vụ Tết đều có giá cao vun vút.

Chị Thanh vừa rảo bước ra cánh đồng vừa kể vanh vách: “Hạt dưa 80 ngàn 1 ký, mứt gừng lẫn mứt khoai lang cũng có giá 70- 80 ngàn 1 ký. Bánh ngọt cao cấp, ngoại nhập thì nông dân chúng tôi làm sao dám rờ tới. Kể cả thịt heo, thịt bò cũng tăng vun vút. Thịt bò đang đứng giá 200 ngàn 1 ký, nhưng theo các chủ lò mổ sẽ còn tăng đến 250 ngàn 1 ký trong những ngày cận Tết. Thịt heo hiện cũng đã có giá 120 ngàn đồng/kg rồi. Nghe giá cả những loại thực phẩm phục vụ ngày Tết nông dân chúng tôi chóng hết cả mặt”.

Ăn Tết nghèo mất 3 tạ lúa

Giá cả thị trường tăng vun vút là vậy, trong khi đó nguồn thu nhập của nông dân trong những tháng giáp Tết hầu như đều bị thất thu. Anh Chín Thao, 1 chủ hộ thuần nông ở Nhơn Khánh (An Nhơn) tính toán: “Vụ 3 vừa qua, mỗi sào ruộng tui thu được 250kg lúa. Mọi năm, trừ hết mọi khoản chi phí đầu vào, tui cũng còn dư được 50 kg lúa/sào ruộng. Thế nhưng năm nay mọi thứ vật tư nông nghiệp đều tăng cao, đến cả chi phí cho máy cắt và máy phun lẫn công thuê lao động làm đất, dặm lúa cũng tăng nên làm lúa kể như huề vốn”.

Chị vợ anh Thêu tiếp lời chồng: “Làm đã không có thu nhập mà giá lúa thì ngày càng hạ, đầu vụ thu hoạch còn bán được 7.000đ/kg, đến ngày cận Tết, do nhiều người bán lúa sắm đồ Tết nên giá lúa sập chỉ còn 6.500-6.800đ/kg”.

Nông dân Nguyễn Chung (34 tuổi) ở xã Phước Lộc (Tuy Phước - Bình Định) nói trong tiếng thở dài: “Gia đình 2 vợ chồng và 3 đứa con của tui làm được 4 sào ruộng. Ngoài ruộng ra không còn nghề phụ gì khác nên mọi năm, khi xuống giống vụ đông xuân xong là tôi lập tức đi phụ hồ để kiếm tiền cho gia đình ăn Tết chứ nếu bán lúa sắm đồ Tết thì sẽ không đủ lúa ăn giáp hạt. Năm nay, sau khi xong chuyện ruộng đồng thì trời liên tục mưa dầm nên các công trình xây dựng bị đình trệ, tui thất nghiệp dài dài, không làm được ngày nào. Làm xong ruộng nhà, vợ tui đi dặm lúa còn tui đi làm đất thuê cho các chủ ruộng khác nhưng chẳng kiếm được bao nhiêu công”.

Trưa, trước khi về Quy Nhơn, chúng tôi ghé lại 1 quán nhỏ ven đường ngồi nhâm nhi ly cà phê mà ngẫm ngợi chuyện ăn Tết của nông dân. Bỗng quán xuất hiện 1 cụ bà lọm khọm, tóc bạc phơ, chừng hơn 70 tuổi cầm xấp vé số đi vào. Chúng tôi mạo muội hỏi: “Sao gần Tết rồi cụ không ở nhà chuẩn bị ăn Tết với con cháu mà còn đi rong ruổi ngoài đường vậy?". Bà cụ móm mém nói buồn: “Nhà bà ở xã Phước Hòa (Tuy Phước), vụ ĐX vừa rồi vừa xuống giống 2 đám ruộng gần 4 sào. Vừa sạ giống xong mưa ngập kéo dài, hư hết giống. Số lúa để dành bán ăn Tết đành phải bán mua lúa giống sạ lại nên giờ bà ráng bán vé số kiếm ít tiền mua bánh cho lũ cháu”.

Không có tiền đi chợ Tết, nông dân đành ăn Tết bằng các loại bánh ngọt rẻ tiền được bán tại các “chợ chạy” ở vùng quê. Xuất phát từ tình hình thực tế, nhiều phụ nữ nông thôn đã nghĩ đến chuyện đi chợ huyện mua bánh về bán phục vụ bà con trong làng. Người mua có được những loại bánh giá rẻ, hợp với túi tiền nhà nông thời bão giá. Người bán kiếm được chút lãi cải thiện thêm bữa ăn ngày Tết cho gia đình.

Vừa chọn mua mớ bánh được bày bán tại đầu làng, chị Hai Lan ở xã Tây Phú (Tây Sơn - Bình Định) bộc bạch: “Ông bà xưa có nói “Có nghèo cũng 3 bữa Tết, có hết cũng 3 bữa mùa”. Do vậy dù khó khăn đến thế nào, Tết đến, những hộ nông dân tụi tui cũng phải thắt lưng buộc bụng mà sắm sanh đủ 3 bữa Tết. Gia đình nào có tiết kiệm lắm cũng phải có 2 mâm cúng, cúng đưa ông Táo về trời vào ngày 23 tháng Chạp và ra Giêng cúng rước. Mỗi mâm cúng chí ít cũng nửa cân thịt bò hoặc thịt heo, 1 con gà, 2 mâm cúng vị chi 2 con gà và 1 cân thịt, bấy nhiêu cũng đã tiêu tốn 600- 700 ngàn đồng. Rồi bánh, mứt, rượu... mỗi thứ 1 ít để mời bà con họ hàng về chơi và khách đến thăm nhà 3 bữa Tết... mất thêm 400-500 ngàn nữa. Rồi sắm cho 3 đứa con, mỗi đứa 1 bộ đồ mới cho chúng mặc khoe bạn bè. Mỗi bộ đồ loại rẻ nhất cũng có giá 200-300 ngàn đồng. Tính sơ sơ chừng ấy đã mất đến 1 triệu rưỡi, phải bán hơn 2 tạ lúa mới đủ tiền. Ăn Tết xong, lại phải bán thêm 1 tạ lúa nữa để thằng con đang học đại học ở TP HCM lấy tiền đi vào. Vị chi gia đình tôi chỉ ăn cái Tết nghèo cũng phải mất đến hơn 3 tạ lúa”.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.