| Hotline: 0983.970.780

"Ăn chặn" tiền hỗ trợ dân

Thứ Sáu 27/07/2012 , 10:22 (GMT+7)

Không chỉ ép dân phải dùng nước thải Miwon tưới vào ruộng, Cty TNHH Nông công nghiệp Hà Trung - Thanh Hóa (Cty Hà Trung) còn có nhiều khuất tất trong việc thu, chi, khiến người dân vô cùng bức xúc.

Không chỉ ép dân phải dùng nước thải Miwon tưới vào ruộng, Cty TNHH Nông công nghiệp Hà Trung - Thanh Hóa (Cty Hà Trung) còn có nhiều khuất tất trong việc thu, chi, khiến người dân vô cùng bức xúc.

>> Ép dân dùng nước thải bón cây trồng

Tiền hỗ trợ dân, Cty hưởng

Theo phản ánh của người dân, hàng năm Cty TNHH Mía đường Việt Nam – Đài Loan (Cty Việt Đài), thông qua Cty Hà Trung, đều có các chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất lúa hoặc cây trồng khác sang trồng mía; hỗ trợ khai hoang trồng mía cho người dân. Song từ năm 2007 đến nay, mặc dù đã có rất nhiều diện tích đất được chuyển đổi trồng mía nhưng tiền hỗ trợ dân vẫn nằm ở Cty Hà Trung. Đã nhiều lần người dân phản ánh vấn đề này trong các cuộc họp, nhưng lãnh đạo Cty vẫn đánh trống lảng.

Ông Hồ Văn Thành, đội sản xuất Hà Long 1, Cty Hà Trung, cho biết, nhà ông có diện tích gần 2 ha, hàng năm vẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo mùa vụ từ dứa sang mía. Tính ra, ít nhất mỗi vụ ông cũng có trong tay vài triệu bạc tiền hỗ trợ chuyển đổi. Nhưng thực tế những hộ sản xuất như nhà ông Thành từ trước đến nay chưa hề được Cty chi trả.


Các nông trường viên tố Cty Hà Trung về những khoản thu, chi vô lý

“Biết là biết vậy, chứ người dân thấp cổ bé họng nói được gì. Phản ánh lên lãnh đạo Cty vài lần chẳng thấy động tĩnh, chúng tôi đành thôi”, ông Thành cho biết. Hỏi vì sao người dân không đấu tranh? Ông thở dài, ai đứng lên đấu tranh người đó sẽ bị trù dập cho đến khi không còn canh tác được gì nữa mới thôi.

Cũng như gia đình ông Thành, gần ngàn hộ dân đang sản xuất trên đất của Cty Hà Trung đều chung cảnh không được tiền hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ nhiều năm nay. Trong khi, tìm hiểu của chúng tôi, năm nào Cty Việt Đài cũng có chính sách hỗ trợ trồng mía nguyên liệu, tùy từng vụ, loại đất trồng.

Như niên vụ 2011-2012, chính sách hỗ trợ diện tích trồng mía trên đất khai hoang là 2.000.000 đồng/ha; diện tích đất lúa chuyển đổi sang trồng mía cũng 2.000.000 đồng/ha; cây khác chuyển đổi trồng mía hưởng 1.100.000 đồng/ha. Theo đó, vụ mía 2011-2012, Cty TNHH Mía đường Việt Nam – Đài Loan hỗ trợ cho Cty Hà Trung đối với đất khai hoang tổng cộng 10.700.000 đồng; đất lúa sang mía 13.800.000 đồng; đất chuyển đổi từ cây trồng khác 73.348.000 đồng. Từ đó tính được, hàng năm tiền hỗ trợ chuyển đổi đều trên dưới 100 triệu đồng. Chỉ có điều, nông dân - người trực tiếp làm ra sản phẩm chẳng bao giờ được hưởng.

Vậy số tiền này đi đâu? Chúng tôi đến Cty Hà Trung. Tiếp PV là ông Phạm Duy Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch - Kỹ thuật của Cty. Ông Hùng cho biết, tiền chính sách hàng năm do Cty Việt Đài hỗ trợ dân chuyển đổi cây trồng là có thật. Tuy nhiên số tiền này không trực tiếp trả cho dân mà đưa hết vào quỹ của Cty để chi trả rủi ro trong sản xuất.

Điều khiến dân thắc mắc nữa là vào các mùa vụ thu hoạch họ vẫn phải đóng tiền san ủi, làm đường. Bên cạnh đó phía Cty Việt Đài hàng năm vẫn trích 1% trong tổng số tiền sản phẩm đã ký với Cty Hà Trung để sửa chữa, tu bổ đường sá. Được biết, niên vụ 2011-2012 tổng số tiền nguyên liệu Cty Hà Trung ký với Cty Việt Đài trên 43 tỷ đồng, tức Cty Việt Đài sẽ trích ra hơn 400 triệu hỗ trợ Cty Hà Trung tu sửa đường sá nhưng họ đâu làm, đã thế còn lạm thu của dân khiến họ càng thêm bức xúc. 

Hỏi: Chi trả rủi ro thế nào? Tại sao người dân dùng nước thải Miwon dẫn đến mía chết hàng loạt lại không được hỗ trợ? Ông Hùng cho biết, mía chết là do người dân trồng... không đúng kỹ thuật. Cty chỉ hỗ trợ rủi ro về thiên tai, dịch bệnh. Điều ông Hùng nói trái ngược người dân phản ánh, hàng năm vẫn có sâu bệnh, thiên tai nhưng họ chẳng bao giờ được đồng hỗ trợ nào.

Ăn chặn trắng trợn

Gia đình ông Mai Thế Tấn, đội sản xuất Hà Long 1 phản ánh với chúng tôi về những việc làm thậm vô lý của Cty Hà Trung. Đã rất nhiều lần Cty ép dân phải lấy phân sau đó trừ vào tiền sản phẩm hàng vụ. Buồn cười ở chỗ, Cty trừ tiền phân của sản phẩm vụ này nhưng phân lại lấy cho vụ sau.

Như vụ mía năm 2010-2011 gia đình ông Tấn được hơn 100 triệu. Đến khi lên lấy tiền thì Cty chỉ trả cho ông hơn 70 triệu và đọc ra hàng loạt khoản thu mà Cty đã trừ sẵn. “Họ quá lạm quyền, thích làm gì thì làm, trừ hàng chục khoản mà chúng tôi chẳng biết là khoản gì, chỉ biết đọc ra một loạt rồi bắt chúng tôi ký vào”, ông Tấn nói.

Điều đáng nói, ngoài số tiền bắt buộc phải đóng cho Cty như tiền san đường, bảo vệ, nghĩa vụ, phân bón… đều được ghi trong sổ khoán thì rất nhiều khoản như tiền phạt, mía than… lại chẳng có một hóa đơn chứng từ nào. Trong số những khoản thu đó, ông Tấn bức xúc nhất vẫn là khoản trừ tiền phân 6 triệu mà Cty tính vào vụ sau.

 Ông thắc mắc, vụ tới chưa lấy phân sao đã bị trừ tiền rồi, trong khi ông chưa hề biết là phân gì, số lượng, giá cả thế nào và có muốn mua phân của công ty hay không? Họ đáp lại “phân đang ở dưới kho, tiền chúng tôi trừ rồi, ông không lấy thì cũng không trả lại tiền”.

Theo các sản viên, ngoài những việc làm ngang ngược trên của Cty Hà Trung như đã phản ánh, trong những năm qua Cty này còn luôn ém tiền sản phẩm từ Cty Việt Đài trả cho người dân, sau đó Cty dùng “chiêu” cho người dân ứng tiền, rồi cuối vụ trừ tiền lãi vào tiền sản phẩm của từng hộ với giá “cắt cổ”.

Như gia đình ông Tấn, vụ thu hoạch mía vừa rồi được hơn 100 triệu, nhưng Cty trả chậm. Do vào đúng dịp tết, vừa thiếu tiền trả nhân công, vừa lo tiền sắm sửa tết ông đã phải ứng của Cty 20 triệu, khoảng 1 tháng sau Cty thanh toán tiền đã trừ ngấu 300 ngàn tiền lãi. Trong khi tiền mía hàng chục triệu đồng của các hộ bị “om” đến tận vài tháng sau mới trả thì lại không có đồng lãi nào!

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mỗi hợp tác xã cần có thương hiệu

TRÀ VINH Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần xây dựng thương hiệu cho HTX. Làm sao mỗi nhà các thành viên HTX đều có bảng thông tin về HTX của mình để họ yêu quý, chăm chút cho HTX.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khoanh vùng thiếu nước để ngừng sản xuất nông nghiệp

Công ty Thủy lợi Khánh Hòa khuyến cáo người dân không tự ý sản xuất đối với diện tích đã khoanh vùng tạm dừng sản xuất, nhằm tránh thiệt hại do không có nước tưới.