Cột mốc số 0 nằm trên đỉnh núi Khoang La San (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) là điểm cực Tây của Tổ quốc, nơi phân định ranh giới Việt - Trung - Lào, nơi một tiếng gà gáy ba nước cùng nghe. Dưới chân cột mốc số 0 là thủ phủ của người Hà Nhì, dân tộc có tết Hồ Sự Chà vô cùng đặc sắc. Sẽ là may mắn cho bất cứ ai nếu một lần được “Hồ Sự Chà kha pi pô”.
Huyền thoại đất và người cực Tây Tổ quốc
Một năm trước, khi đến Cột cờ Lũng Cú, điểm cực Bắc Tổ quốc, nằm giữa bạt ngàn đá xám tai mèo của cao nguyên đá Hà Giang tôi đã vội vàng nghĩ rằng, những công dân ở Lũng Cú có lẽ là những người chịu thương, chịu khó nhất đất nước. Hành trình đến Lũng Cú là cuộc hành trình gian khổ khất. Vậy mà, năm nay lên với cực Tây, lên với điệp trùng mây, núi, suối, sông mới thấy cái sức đi, hiểu biết của mình so với vùng đất, con người biên cương Tổ quốc sao mà hãn hữu quá.
Từ Hà Nội, đi theo QL 6 lên Tây Bắc đã là một thử thách vô cùng phiêu lưu với những “dốc Pha Đin chị gánh anh thồ, đèo Lũng Lô anh hò chị hát”. Nhưng chặng đường gian khổ nhất để đến ngã ba biên giới, điểm cực Tây của Tổ quốc từ TP Điện Biên đến cột mốc số 0 dài gần 300 km, phương tiện khả thi nhất là xe máy cũng mất trọn một ngày đường. Có lẽ đây, QL 4D là cung đường gian khổ nhất trên địa đồ đất nước. Đã có đường ô tô vào tận cửa khẩu A Pa Chải nhưng nhiều đoạn còn chưa thông, quá trình mở đường người ta nổ mìn phá đá ùng oàng bên vách núi nghe lạnh xương sống. Dốc Chà Cang loẳn ngoẳn nhưng tiềm ẩn nhiều chết chóc. Trong nỗi sợ hãi đến xanh mắt mèo mà tay đồng nghiệp đi cùng tôi vẫn có thể đùa rằng: Yên tâm, nếu có mất lái lao xuống vực thì vẫn có đủ thời gian móc điện thoại nhắn tin vĩnh biệt. Mường Nhé xa xôi, khó khăn, gian khổ nhưng cũng vì thế mà vùng đất cực Tây Tổ quốc có một sức hút mãnh liệt, vô cùng.
Gói bánh chuẩn bị đón tết
Xã biên giới Sín Thầu có khoảng 800 khẩu, gần như 100% là người Hà Nhì, chỉ lác đác vài giáo viên người xuôi và bộ đội biên phòng của đồn A Pa Chải. Sức hút, sự hấp dẫn của miền biên viễn ngoài sự hoang sơ, hùng vĩ còn là cái tình. Tấm tình của người Hà Nhì rất đượm. Cứ thấy người xuôi lên là quý, là uống rượu cái đã, bất kể lạ hay quen, lên đất này vì công việc gì. Tấm tình ấy, một phần xuất phát từ bản sắc, tính cách, một phần đến từ những lương duyên của đồng bào với người xuôi. Những người hiểu biết thì gọi là ân nghĩa, những a pố (cụ già) thì đơn giản hơn chỉ là sự gặp gỡ duyên phận. Đến như Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Sín Thầu là Pờ Dần Sinh uống rượu với tôi gần cả chục chén rồi mới biết là nhà báo lên công tác, còn trước đó ông cứ tưởng chỉ là khách phượt lên A Pa Chải vẫn thường ghé nhà mình mỗi lúc lỡ bữa, tối trời.
Pờ Dần Sinh gọi Sín Thầu là vùng đất của những kỳ tích. Đó không phải là sự khoe khoang hay tự hào thái quá. Đơn giản, cái cách ông gọi chỉ muốn thể hiện rằng, sự vươn lên của mảnh đất cực Tây Tổ quốc, của đồng bào Hà Nhì gian khổ quá.
Ngày đón tết đầu tiên ở UBND xã Sín Thầu
Nếu so sánh với dăm bảy năm trước thôi, sự gian khổ mà tôi nếm trải khi đến với mảnh đất cực Tây hôm nay chỉ là sự dạo chơi nhàn nhã. Thời điểm đó, để vào được Sín Thầu, cuộc hành trình của khách lạ có khi phải mất tới nửa tháng trời đi bộ luồn rừng, vượt suối. Sín Thầu như một thiếu nữ cấm cung, cô độc, khao khát những thứ mới mẻ bên ngoài dù đơn giản chỉ là gói bột giặt hay que kem lạnh. Đàn ông không biết đến bia, phụ nữ không biết đến son phấn, trẻ con chẳng biết kẹo bánh, truyện tranh là gì cả. Rừng Sín Thầu cọp, gấu nhiều đến mức thỉnh thoảng lại có người bị tát, bị vồ. Những tên suối, tên bản mà người Hà Nhì đặt đều gắn với những sự kiện có thật. Dốc Bà Cháu là nơi hai bà cháu đi nương bị hổ vồ, dốc Ông Gấu là nơi một người đàn ông bị gấu tát nhưng may mắn thoát chết, bản Suối Voi là nơi đàn voi rừng thường ra uống nước…
Trong cái gian khổ mà bây giờ nếu muốn kể phải mất một đêm trắng ấy, những tấm lòng, những sự hi sinh của anh bộ đội, giáo viên, anh công nhân mở đường đã đánh thức Sín Thầu. Cực Tây Tổ quốc bây giờ có nhà tầng, có hàng chục tỷ phú, có người làm đến Bí thư Huyện ủy Mường Nhé, có người đi học đại học dưới Thủ đô Hà Nội. Đường ô tô chạy lên tận chợ biên giới Việt - Trung - Lào mỗi tháng họp vào ba ngày mồng 3, 13, 23 thì việc Pờ Dần Sinh dùng từ kỳ tích có khi cũng còn hơi khiêm tốn.
Người Hà Nhì thẳng thắn và trọng ơn nghĩa. Họ chưa bao giờ lấy công lao làm nên kỳ tích ấy về mình. Từ những cụ già nói tiếng Kinh bập bõm đến những cán bộ thoát ly, thành đạt đều ghi nhớ công ơn của những con người miền xuôi đã gắn bó với mảnh đất Sín Thầu. Đời họ, con cháu họ sẽ không bao giờ quên ơn anh hùng lực lượng vũ trang đầu tiên Trần Văn Thọ, người bộ đội biên phòng dạy cho đồng bào biết trồng cây lúa nước. Không bao giờ quên ơn anh hùng giáo dục đầu tiên Nguyễn Văn Bôn, người xung phong đi bộ nửa tháng trời từ Mường Lay vào Mù Cả đẵn tre, dựng lớp để rồi trường học miền biên viễn này vinh dự trở thành trường rẻo cao đầu tiên xóa mù và phổ cập tiểu học. Đồi Ông Thọ, trường thầy Bôn vẫn còn đó, vĩnh cửu như cái tình của người Hà Nhì, đã quý nhau rồi thì thắm thiết, keo sơn.
Sín Thầu hôm nay vẫn còn khó khăn. Nhưng có sao đâu, dân bản quen rồi, bộ đội quen rồi, giáo viên quen rồi. Quan trọng là cái tình. Những lớp người tiếp nối đến với Sín Thầu mang theo tình cảm và trách nhiệm. Dự án 600 trí thức trẻ lên vùng cao, Sín Thầu có một Phó chủ tịch UBND xã trình độ đại học. Trường bán trú cấp 2 Sín Thầu có học sinh giỏi cấp tỉnh. Rất nhiều học sinh quê hương Sín Thầu tốt nghiệp các trường đại học quay trở về xây dưng quê hương. Chính họ sẽ là những người viết tiếp những trang sử huyền thoại của vùng đất ngã ba biên giới.
Hồ Sự Chà kha pi pô
Khi những vụ mùa kết thúc, khi loài hoa cúc quỳ nở vàng rực trên đồi, ven suối thì người Hà Nhì chuẩn bị đón tết Hồ Sự Chà.
Dù đã có kế hoạch từ trước là lên đón tết cổ truyền Hồ Sự Chà của người Hà Nhì ở ngã ba biên giới Sín Thầu vậy mà tôi vẫn cứ ngơ ngẩn lạc vào mê cung của những đêm xòe, những bữa rượu triền miên, những phong tục lạ mừng năm mới của người Hà Nhì. Có cảm giác, tất cả cuộc sống, tình cảm của người Hà Nhì ở Sín Thầu đều phơi hết ra với tết Hồ Sự Chà. Cả cái tình biên giới cũng vậy. Người Hà Nhì ở Sín Thầu đã quý ai thì kết nghĩa. Xã kết nghĩa với đồn biên phòng, đồn biên phòng lại kết nghĩa với các trường học. Tất cả trở thành một khối đoàn kết, thống nhất. Tết Hồ Sự Chà là một trong những dịp tình đoàn kết ấy được thể hiện sâu đậm nhất.
Thiếu nữ Hà Nhì thổi sáo trong đêm xòe
Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Chính trị viên đồn biên phòng A Pa Chải quê mãi tận Thái Bình nhưng nói về tết Hồ Sự Chà như một người Hà Nhì chính gốc vậy. Người Hà Nhì ở ngã ba biên giới ăn tết làm 2 lần. Lần thứ nhất bắt đầu vào ngày con rồng đầu tiên của tháng con chuột, kéo dài trong 5 ngày và kết thúc vào ngày con khỉ (thường là vào tháng 10 âm lịch). Đó là một cách tính ngày đến nay vẫn còn chất chứa nhiều bí ẩn. Trong lần ăn tết thứ nhất này nhà nào cũng chỉ mổ lợn và làm bánh giầy để cúng tổ tiên. Lần ăn tết thứ hai bắt đầu vào ngày con rồng tiếp theo, khi ấy mới chính thức bước vào năm mới. Họ mổ gà và làm bánh trôi để cúng tổ tiên. Thời gian của lần ăn tết thứ 2 này kéo dài trong 3 ngày với nhiều lễ hội văn hoá truyền thống, những trò chơi dân gian. Hồ Sự Chà, theo quan niệm của người Hà Nhì thì là "ngày của thánh thần". Bởi trong tâm thức họ, Tết là lúc Thượng đế xuống kiểm tra công việc và cuộc sống mà con người đã làm được trong năm qua.
Năm nay, tết Hồ Sự Chà bắt đầu từ ngày mồng 6/12 (dương lịch). Đó là lúc các xã có người Hà Nhì sinh sống bắt đầu tổ chức ăn tết tập trung tại UBND. Từ Chung Chải, Leng Su Sìn, Sen Thượng đến Sín Thầu. Hôm tôi đến, UBND xã Sín Thầu đang mổ bò để chuẩn bị tết. Buổi chiều, mấy cán bộ xã kéo nhau lên thảo nguyên Tá Miếu. Họ chọn con bò to nhất, đẹp nhất rồi dắt về làm thịt đãi dân bản và khách thập phương. Tất cả các công đoạn, từ mổ thịt, chế biên đều do cán bộ xã tự làm để phục vụ dân bản. Bản thân Pờ Dần Sinh cũng là một đồ tể cừ khôi. Rượu thịt đề huề, cán bộ xã phải đến tận từng nhà mời gia chủ. Thì ra với người Hà Nhì, người dân được đặc biệt coi trọng, cán bộ đúng nghĩa là “đầy tớ”. Ngày tết đầu tiên được tổ chức ở UBND xã bao giờ cũng là ngày tốn rượu nhất. Ăn uống no say, dân các bản nắm chặt tay nhau chung điệu xòe truyền thống của dân tộc mình. Giáo viên cắm bản, bộ đội biên phòng, cả cánh nhà báo như chúng tôi cũng không được phép ngồi yên trước điệu xòe mê đắm lòng người. Tất cả đều phải hòa làm một. Chỉ có múa hát và uống rượu dưới ánh trăng.
Điệu xòe Hà Nhì
Ngày tết thứ 2, Pờ Dần Sinh dẫn tôi đi một vòng để xem không khí tết của từng gia đình. Đó cũng là khoảng thời gian ông tận dụng để giải thích cho tôi những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào mình. “Trong Tết Hồ Sự Chà, bánh giầy là món không thể thiếu và cũng là lễ vật cúng tổ tiên vào đầu giờ sáng ngày tết đầu tiên. Làm bánh giầy mất rất nhiều công đoạn, chủ yếu nhờ vào bàn tay dẻo dai, khéo léo của người phụ nữ Hà Nhì. Vì vậy, ngay từ khi con gà rừng chưa cất tiếng gáy le te báo sáng, các bà mẹ đã đánh thức con gái, con dâu dậy để giã bánh giầy, khắp bản vang lừng tiếng chày nhộn nhịp. Sau lễ cúng bánh giầy, mọi người tập trung mổ lợn để ăn tết. Nhà nào mổ con lợn to chứng tỏ năm vừa qua nhà đó làm ăn được, mùa màng bội thu. Bởi thế những con lợn mổ tết thường là những con lợn đã được chủ nhà dày công chăm sóc, nhiều con nặng tới hơn 1 tạ. Thịt lợn được chế biến thành nhiều món ăn trong ngày Tết của người Hà Nhì nhưng nhà nào cũng không thể thiếu món nộm thịt với vỏ của một loại cây rừng mà họ gọi là “Á Pé Khu Po”, vừa ngon vừa tăng cường sinh lực dẻo dai”.
Cột mốc số 0 đặt tại địa phận bản Tá Miếu, Sín Thầu, Mường Nhé, Điện Biên, phân định ranh giới của ba nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc nằm trên núi Khoang La San, cao 1.864m, được xem là cột mốc đẹp nhất Đông Dương. Cột mốc được làm bằng đá granit hình lăng trụ cao 2m, đặt trên bệ vuông mỗi cạnh dài 5m, ba mặt của mốc được viết bằng chữ quốc ngữ và khắc quốc huy của từng nước. |
Tôi may mắn được “xông đất” gia đình Lò Văn Minh, một giáo viên người Thái làm rể đất Sín Thầu. Lúc tôi vào, gia đình Minh ở bản Tả Khố Cừ đã chuẩn bị đầy đủ cả. Chiếc “pín” lợn đực treo lủng lẳng ngoài cửa như muốn thể hiện rằng tết năm nay nhà Minh mổ lợn to. Việc cúng tổ tiên trong ngày tết của người Hà Nhì là do phụ nữ đảm nhiệm. Bàn thờ bên nội của người Hà Nhì được đặt ngay bên trên đầu giường ngủ của vợ chồng chủ nhà. Còn bàn thờ bên ngoại được đặt ở góc bếp. Bàn thờ chỉ là một chiếc giỏ đan bằng tre rất nhỏ hoặc 1 chiếc que cắm vào vách tường. Đồ cúng không thể thiếu rượu, thịt và lá chè tươi của người Hà Nhì. Chè Hà Nhì đậm, thơm, uống hàng ngày có thể trừ được nhiều loại bệnh. Những ngày này, đàn ông như Minh chỉ có mỗi nhiệm vụ là uống rượu tiếp khách. Khách càng say thì gia chủ càng mừng, tình người càng đượm. Không cứ người dân trong bản, kể cả người nơi khác đến với bà con trong dịp này đều được chào đón và có thể đến thăm, chúc tết, cùng nhau ăn uống và “Hồ Sự Chà kha pi pô”.
Kha pi pô là chúc sức khỏe. Hồ Sự Chà kha pi pô nghĩa là chúc mừng năm mới. Cụ già gặp em nhỏ vẫn cúi đầu xin chúc "kha pi pô", nam thanh nữ tú gặp nhau mời uống bát rượu và chúc "kha pi pô", dân bản gặp khách lạ cũng rót rượu mời uống và chúc "kha pi pô". Chỉ mới đến được mỗi nhà Minh mà tôi đã phải “kha pi pô” dăm chục lần rồi. Mỗi lần “kha pi pô” là một chén rượu. Chén trước vừa kha pi pô chưa khà hết hơi men đã lại phải bắt tay uống tiếp. Không sao cả, càng say càng vui!
Tết Hồ Sự Chà không chỉ của riêng người Hà Nhì. Đi nhiều vùng đất ở ngã ba biên giới, tôi gặp nhiều gia đình “chồng miền xuôi vợ miền núi” và ngược lại. Đất cực Tây Tổ quốc rất mến người. Những giáo viên, bộ đội lên đây công tác đã tình nguyện ở lại xây dựng gia đình, gắn bó với mảnh đất này. Đến tết cổ truyền Hồ Sự Chà họ cũng hòa chung niềm vui, cũng mổ lợn gà, cũng “Hồ Sự Chà kha pi pô”.