Dù được học miễn phí trong điều kiện tốt nhất, nhưng do đã quen với nếp sống tự do ở nhà, nên khi vào trường nội trú, đa số các em chưa thích nghi được với việc ăn, học, ngủ nghỉ theo giờ giấc, nên thường xin về thăm nhà rồi ở luôn, hoặc leo rào trốn về vì nhớ nhà, nhớ mẹ.
Được học bổng vẫn trốn
Ở Tây Ninh, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số bỏ học rất cao, phần vì mưu sinh, phần vì không theo nổi chương trình đại trà với các bạn người Kinh. Trường Dân tộc nội trú (DTNT) ra đời, một trong những ngôi trường khang trang nhất tỉnh, cơ sở vật chất được trang bị đầy đủ, có thể nói, con em người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã được tạo điều kiện tốt nhất để theo đuổi việc học tập.
Đến học tại đây, học sinh của trường không phải đóng bất kỳ khoản chi phí nào, được trang bị từ quần áo đồng phục, sách giáo khoa, dụng cụ học tập đến áo ấm, áo mưa, được khám sức khoẻ định kỳ... Không chỉ thế, các em còn được hưởng học bổng (bằng 80% mức lương tối thiểu của nhà nước) hằng tháng trong suốt quá trình học. Ký túc xá được chia thành 2 khu riêng biệt cho nam và nữ, bên trong đã được trang bị sẵn các vật dụng thiết yếu như: giường, chiếu, chăn, màn, bàn học, mỗi ngày được cấp từ 2-3 tờ báo/lớp học…
Vậy nhưng, để giữ được các em không “leo rào” bỏ học, không hề dễ. Sau nhiều đêm trăn trở về việc các em học sinh mới nhập học có tư tưởng “lo ra”, không tập trung học tập, thầy Nguyễn Văn Ẩn, Hiệu trưởng trường DTNT Tây Ninh, quyết định đến từng địa phương, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các các em và cha mẹ chúng. Sau đó, giải thích cho bà con hiểu về quyền lợi của con em mình, động viên các em ra lớp…
Trường DTNT Tây Ninh, một trong những ngôi trường khang trang nhất ở Tây Ninh
Cuối cùng, ông nhận ra: “Cơ sở vật chất đầy đủ không thôi chưa đủ. Mà muốn giữ được các em thì thầy cô phải thay thế được cha mẹ chúng”. Và, tình cảm, những quan tâm, chăm sóc của các thầy cô đã dần “cảm hóa” được những đứa trẻ đang nhớ nhà, nhớ cha mẹ và chưa quen nếp sống gò bó của trường.
Mặc dù vậy, những khó khăn vẫn luôn đồng hành cùng các thầy cô. “Học sinh của trường thuộc 14 dân tộc anh em khác nhau, với những khác biệt rất lớn về văn hóa, tôn giáo. Cho nên, ngoài cái tâm, tình thầy trò như tình mẫu tử ra, cần phải hiểu rõ về văn hóa, tôn giáo của các dân tộc để dung hòa sự khác biệt đó, tránh những va chạm khiến các em bị tổn thương rồi bỏ học. Như người Khmer chẳng hạn, họ có nhiều lễ tết và thường trong năm, nhất là tết Chol Chnam Thmay kéo dài cả tuần lễ và thường rơi vào thời gian chuẩn bị thi học kỳ 2. Khi phụ huynh lên xin cho con về nhà, các thầy phải thương lượng: “Nghỉ 3 ngày thôi, để tụi nhỏ học thi nhé?”. Phụ huynh và học trò gật đầu đồng ý ngay, nhưng 2 tuần sau vẫn không thấy, chúng tôi lại phải liên hệ với các già làng và tỏa đi “gom” các em về. Còn đến tháng chay Ramadan của người Chăm theo Hồi giáo, mỗi ngày các em chỉ ăn 1 bữa vào buổi tối (sau khi mặt trời lặn). Khi đó, nhà trường phải phối hợp với phụ huynh “tiếp tế” thức ăn cho các em”, ông Ẩn nói tiếp.
Có lần, một em học sinh mới, vì nhớ nhà nên leo rào trốn về. Các thầy vội tỏa đi tìm, mãi mới thấy em đang lang thang đi bộ. Hỏi mới biết em không nhớ đường về, trong túi lại không đủ tiền đi xe ôm. Thầy giáo phải dỗ dành mãi, rồi cuối tuần gửi xe chở về thăm nhà, dần dần em mới quen trường mới.
Tự học tại phòng ký túc xá
Thầy giáo Lê Minh Trung kể: "Các em mới vào, chưa quen nền nếp, nhất là học sinh lớp 6, là “làm khổ” các thầy cô nhất. Ở phải giữ vệ sinh chung. Có đứa “chống” lại thầy Trung, bằng cách không giữ vệ sinh chung, giờ ngủ không chịu ngủ, giờ học không chịu học, mình nhắc nhở nghiêm một chút, là lại đòi về nhà. Có đứa lại gặp thầy khóc rồi “mè nheo”. Nó bảo, ở nhà con học có 1 buổi, còn một buổi được đi chơi. Ở đây thầy không cho đi chơi, bắt học suốt. Hai tuần thầy mới cho về chơi một lần, chết em. Nghe vừa buồn cười vừa thấy... tội”.
Sau mỗi kỳ nghỉ hè, nghỉ lễ, tết, điểm danh sĩ số lại “rụng” mất vài em. Thầy cô đến vận động, có em ra điều kiện: “Phải cho em về nhà nhiều hơn”. Phụ huynh cũng ủng hộ: “Cho nó về phụ giúp nhà làm việc chớ, thanh niên như nó kiếm tiền được rồi đó”.
Hy vọng đầu tiên
Ngoài những khó khăn ban đầu, khi các em đã ổn định nơi ăn ở, chốn học rồi, tập thể giáo viên trong trường lại phải đối mặt với khó khăn lớn khác. Đó là truyền kiến thức cho các em. “Phần lớn các em bị mất căn bản. Khảo sát đầu năm có khoảng 50% học sinh không đạt học lực trung bình. Nhiều em không theo nổi chương trình, lại xin nghỉ học. Có em vừa mất căn bản, vừa không sõi tiếng Việt. Xác định nhiệm vụ trọng tâm là nuôi dạy các em nên người, có đủ kiến thức, nên Ban giám hiệu thường xuyên sinh hoạt với giáo viên, xây dựng được một đội ngũ tận tâm với nghề, kiên nhẫn và có lòng yêu trẻ. Các thầy cô giáo được tuyển từ các trường vùng biên giới, vùng có đông học sinh dân tộc thiểu số nên đã có nhiều kinh nghiệm".
Trong giờ học của các em học sinh trường DTNT Tây Ninh
Bên cạnh tấm lòng và nhiệt huyết của đội ngũ giáo viên trong trường, các chế độ ưu tiên của trường là một động lực lớn để các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, yên tâm gắn bó với nhà trường, nỗ lực học tập. Cựu học sinh của nhà trường, em Sa My A (dân tộc Chăm) cho biết: “Sau kỳ tốt nghiệp, tương lai đã mở ra cho chúng em. Người dân tộc được ưu tiên rất nhiều. Hai năm qua, học ở trường, em chỉ việc ăn học, không phải lo lắng việc khác. Đây là môi trường rất tốt cho chúng em học tập”. Còn cô học trò Y Si Má, năm nay vào lớp 11, khoe: “Lúc mới vào trường, em không quen, lúc nào cũng muốn về nhà thôi. Nhưng giờ em quen trường, quen bạn rồi. Được thầy cô thương nữa, em thích lắm”.
Theo số liệu của nhà trường, năm học vừa qua, dù chất lượng tuyển sinh đầu vào phần lớn là dưới trung bình, nhưng đến cuối năm, số học sinh đạt học lực từ trung bình trở lên đạt gần 70%, trong đó có 26% đạt khá giỏi. Riêng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, học sinh lớp 12 của trường đậu tốt nghiệp đạt trên 93,3%.
Em Sa Ma, học sinh người Chăm: “Em đã quen với trường, với bạn rồi. Được thầy cô chăm sóc như ở nhà, em sẽ cố gắng học thật tốt”
“Năm 2012, có 14 em được đi học đại học cử tuyển tạo nguồn cán bộ cho địa phương. Năm nay chỉ tiêu cử tuyển của tỉnh dành cho học sinh dân tộc thiểu số và các vùng khó khăn là 23 đại học và 10 cao đẳng. Ngoài ra, hai năm qua có nhiều học sinh của trường tự thi và đậu đại học, cao đẳng chính quy ở thành phố”, ông Ẩn nói.
Kỳ nghỉ hè vừa qua, nhiều học sinh lớp 10, 11 đến trường thăm thầy cô vì “nhớ thầy, nhớ lớp quá”. Thầy Lê Minh Trung nói: “Với chúng tôi, đó là niềm vui lớn nhất”. (Hết)
“Nhiều năm qua, địa phương muốn cử học sinh người dân tộc thiểu số học hết lớp 12 đi học cử tuyển theo chính sách ưu tiên của tỉnh, để các em về phục vụ địa phương, nhưng rất khó tìm được người để cử đi học. Vì thế, chúng tôi rất ủng hộ việc nhà trường về tận địa phương tuyển sinh, đào tạo nguồn cho địa phương”, bà Phạm Thị Phương, Phó Chủ tịch xã Tân Đông (Tân Châu, Tây Ninh).