Theo phong tục của người Thái đen khi chết xác ở lại trần gian, linh hồn về chốn Mường Trời. Họ đốt xác cho việc ra đi nhẹ nhàng. Đường lên Mường Trời chỉ có một cửa khẩu duy nhất là Nặm Tốc Tát. Tới đây các linh hồn tắm rửa sạch sẽ bụi trần gian trước khi về Mường Trời...
>> Cuộc thiên di vĩ đại của người Thái đen
Con cháu của Tạo Xuông, Tạo Ngân từ Mường Lò toả đi khắp nơi lập mường dựng bản. Theo ông Lò Văn Biến khu vực miền núi phía bắc Việt Nam và phía Nam của Trung Quốc người Thái lập nên 16 châu, Việt Nam có 12 châu, các châu đó là: Mường Lò, Mường Tấc, Mường Mụa, Mường La, Mường Muổi, Nậm Ma, Mường Quài, Mường Thanh, Mường Lay, Mường Than, Mường Vạt, Mường Sang.
Ông Biến cho biết: Do biến thiên của lịch sử, 4 châu còn lại hiện thuộc về đất Trung Quốc nhưng xưa kia là đất của Việt Nam.
Theo sách cúng của người Thái đen “Xổ chướng tãng Mướng Ló” do ông Lò Văn Biến sưu tầm năm 2000, cuốn sách cúng này có 745 câu văn vần viết bằng chữ Thái cổ, những người Thái đen khi mất đi muốn lên được Mường Trời thì phải đốt xác, tẩy rửa hết bụi trần gian cho linh hồn được siêu thoát và thật nhẹ nhàng trước khi lên tới Mường Trời.
Linh hồn của người chết được thầy cúng dẫn đường chỉ lối đưa đến Nặm Tốc Tát để tắm rửa sạch sẽ sau đó theo dòng thác ngược lên Mường Trời, hưởng cuộc sống an lạc kiếp sau. Thác Nặm Tốc Tát nằm cuối xã Thạch Lương (huyện Văn Chấn, Yên Bái), đó là mảnh đất cuối cùng của đất Mường Lò cách thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) gần chục cây số. Ông Lò Văn Biến và anh Lò Tuyên Dung dẫn tôi lên thăm thác Nặm Tốc Tát.
Dưới chân thác Nặm Tốc Tát là khu rừng Đông Quai Ha, dịch ra tiếng Kinh nghĩa là “Rừng trâu chết”. Theo phong tục của người Thái đen, bất kể người nào khi mất, gia đình đều phải mổ trâu để làm ma, đưa linh hồn con trâu đó cùng linh hồn người mất về Mường Trời.
Họ mang linh hồn con trâu đi theo để khi về thế giới bên kia tiếp tục cày ruộng, cày nương trồng ngô lúa ở miền cực lạc. Do việc lên Mường Trời xa xôi lại dắt theo linh hồn con trâu thì quá cồng kềnh nên người ta đành buộc linh hồn con trâu của mình lại trong rừng Đông Quai Ha, chỉ khi nào cần tới họ mới xuống hạ giới dắt trâu đi làm.
Khu rừng Đông Quai Ha rộng cả chục ha, có rất nhiều đá, đá lớn đá nhỏ nằm ngổn ngang khắp khu rừng. Hòn đá nào cũng đen sì, nằm bất động trong rừng. Tuy nhiên, người Thái đen ở đây lại coi mỗi hòn đá trong khu rừng Đông Quai Ha có chứa linh hồn của mỗi con trâu của người đã khuất.
Theo ông Lò Văn Biến, trên thế giới mỗi ngày có cả trăm người Thái đen chết, linh hồn của những con trâu của những người chết đều đưa tới đây hoá thành đá. Bởi thế, đá ở đây nhiều vô kể, một khu rừng đá, Đông Quai Ha là “Rừng trâu chết” bắt nguồn từ đó.
Tôi theo ông Lò Văn Biến và Lò Tuyên Dung vào khu rừng Đông Quai Ha, hai tảng đá lớn nhất nằm ngay cạnh đường đi trước cửa khu rừng Đông Quai Ha cỏ mọc um tùm được coi là linh hồn của hai con trâu của Tạo Xuông và Tạo Ngân hoá đá. Đây là hai tảng đá lớn nhất khu rừng, linh hồn hai con trâu của hai người đã tìm và khai mở đất Mường Lò, hai ông tổ của người Thái đen.
Hai tảng đá chứa linh hồn của hai con trâu Tạo Xuông và Tạo Ngân
Người được giao trông coi khu rừng là anh Hoàng Văn Biều người Thái đen thôn Lương Hà, xã Thạch Lương. Anh Biều cho biết: Hai tảng đá trước đây nằm cạnh nhau, hình nom hơi giống hai con trâu. Tảng đá lớn là con trâu của Tạo Xuông, tảng đá nhỏ hơn nằm ở phía trên là con trâu của Tạo Ngân.
Cách đây khoảng 14-15 năm, một người Mông có tên là Dua ở bản Nà Ban, không biết nghe ai nói rằng phía dưới hai tảng đá có chum bạc, đĩa vàng của người xưa cất giấu trước khi lên Mường Trời. Ông Dua đêm đêm xuống rừng Đông Quai Ha đào bới, bẩy kênh hai tảng đá đó lên, không biết ông Dua đào được những thứ gì, anh Biều chỉ nghe nói ông ấy tìm được một số bát đĩa và một cái chum nhỏ rất đẹp, ông đã bán cho người ở nhà thờ Đồng Lú.
Gia đình anh Hoàng Văn Biều chuyển tới đây được hơn chục năm nay rồi, nghe người ta nói đêm giao thừa ra rừng Đông Quai Ha thường xuất hiện những đám lân tinh, đào dưới những đám lân tinh đó sẽ tìm thấy bạc, vàng do người xưa chôn cất.
Anh Hoàng Văn Biều chỉ gầm tảng đá bị ông Dua đào bới tìm cổ vật
Gần chục năm trước cứ giao thừa anh lại lên khu rừng Đông Quai Ha quan sát trong người mang theo một túi giấy vụn. Đúng giao thừa anh thấy xuất hiện những cột sáng từ lòng đất phụt bay lên trời theo hình cầu vồng rồi biến mất. Do đêm tối không nhận ra nơi nào, nên anh phải dùng những mảnh giấy vụn quăng vào nơi cột sáng để đánh dấu.
Sáng ra anh đến nơi mình đánh dấu bằng giấy vụn đào bới. Anh đào trong mấy năm được tất cả 8 cái lọ cỡ bằng bắp chân trong khu rừng Đông Quai Ha, khi mở ra thì không thấy gì ngoài tro than, rất có thể đó là tro than của người đã chết được đựng trong những chiếc lọ sành đó.
Do chẳng tìm được gì, mấy năm nay anh không đi đào bới gì nữa. Anh ngồi xuống chỉ vào gầm tảng đá lớn chứa linh hồn con trâu của Tạo Xuông bị ông Dua moi rỗng cho biết: Ông Dua bảo: Đêm giao thừa tôi nhìn thấy ở đây có rất nhiều cột sáng phụt lên từ đất, nhưng cột sáng dưới tảng đá này to nhất, to hơn cả thân người phụt lên bay qua ngọn cây rừng. Vì thế nên tôi mới đào tảng đá này...
Nhận thấy đây là khu rừng có chứa yếu tố tâm linh, năm 2012 tỉnh Yên Bái quy hoạch rừng Đông Quai Ha thành khu di tích cấp tỉnh. Với sự giúp đỡ của Trung tâm Vì sự phát triển bền vững miền núi đã dựng tại đây một chiếc lán nhỏ để người dân Thái đen khắp nơi hành hương về thắp hương cúng bái tổ tiên tưởng nhớ người đã khuất.
Ông Lò Văn Biến cho biết, trước đây tại khu rừng này có một cây đa rất lớn, do trẻ chăn trâu đốt lửa sưởi, nên cây đa bị đổ. Mọi người trồng tiếp ba cây đa nữa, trong đó có một cây đa do sinh viên người Nhật Bản bỏ tiền mua về trồng.
Tôi và Lò Tuyên Dung leo lên thác Nặm Tốc Tát nằm giữa lưng chừng núi, đây là cửa khẩu duy nhất đưa người Thái đen về Mường Trời. Theo anh Dung nơi đây có ba dòng thác tạo nên ba vực sâu. Dòng thác nằm ở dưới thấp nhất là nơi tắm của những linh hồn các thường dân, dòng thác bậc trên thang thứ hai là nơi tắm của linh hồn những người bậc trung, dòng thác bậc thang trên cùng là nơi tắm rửa linh hồn của những người quyền quý, có địa vị cao trong xã hội.
Thác Nặm Tốc Tát và vực nước nơi linh hồn người Thái đen tới tắm rửa trước khi về Mường Trời
Trời đang nắng to, khi leo được lên tới dòng thác bậc thang thứ nhất tôi cởi áo toan nhảy xuống dòng thác tắm, Lò Tuyên Dung vội can: Chú không được tắm ở đây, nơi này chỉ dành cho các linh hồn, chúng ta đang sống không thể tắm ở đây được... Câu nói của Dung khiến tôi rùng mình. (Hết)
Hằng tháng, Lò Tuyên Dung vài ba lần đưa du khách người Thái đen ở Lào, Thái Lan và từ Mỹ trở về lên thăm dòng Nặm Tốc Tát, có người đã trên 70-80 tuổi nhưng vẫn cố leo lên thăm dòng thác, để được khoả chân xuống dòng nước trước khi về Mường Trời với tổ tiên. Có người múc một ít nước tại đây về đặt lên bàn thờ của mình. Với một niềm tin như thế nên người Thái đen không bị “đồng hoá” về văn hoá của các dân tộc khác. Lò Tuyên Dung nói: Dân tộc Thái đen chúng tôi phi Ấn, phi Hoa và phi phương Tây. Không một thứ đạo nào có thể xâm nhập được vào dân tộc Thái đen...